Các Thượng phụ và Người đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem kêu gọi tất cả hãy cầu nguyện và làm việc “để Chúa ban cho sự khôn ngoan để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, để người dân Palestine có thể được trao quyền tự quyết, xây dựng nhà nước và thịnh vượng, và cho phép tất cả các dân tộc của vùng đất này được sống trong hòa bình, nhân phẩm và an cư lạc nghiệp”. Lời kêu gọi được đưa ra nhân dịp kỷ niệm 75 năm biến cố Nakhba, là cuộc di cư bắt buộc của người Ả Rập Palestine trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948 sau khi thành lập Nhà nước Israel. Lễ kỷ niệm – nhấn mạnh một thông điệp được đưa ra bởi Hội đồng Thượng phụ và Thủ lĩnh các Giáo hội ở Giêrusalem “rằng con cái của các Giáo hội của chúng ta chia sẻ thân phận với phần còn lại của người dân Palestine”.

Trong tuyên bố, những người đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem tái khẳng định cam kết của họ “nỗ lực để đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài trên vùng đất Thánh địa của chúng ta”.

Hơn 700.000 người Palestine đã rời bỏ các thị trấn và làng mạc trong thời kỳ Nakba, một thành ngữ có nghĩa là “thảm họa” trong tiếng Ả Rập. Tranh cãi liên quan đến số phận của những người tị nạn Palestine là “quyền được hồi hương” của con cháu họ, vẫn là tâm điểm của cuộc xung đột Ả Rập-Israel.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội nhấn mạnh rằng “Đức tin của chúng ta dạy chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em trong nhân loại và chúng ta phải đoàn kết và làm việc cùng nhau để đạt được hòa bình, lòng khoan dung và công lý. Kitô giáo đã dạy chúng ta rằng tình yêu thương, lòng thương xót và sự tôn trọng lẫn nhau là cách để đạt được hòa bình trên thế giới, và điều này đặc biệt đúng đối với Thánh Địa thân yêu của chúng ta”.

Các Thượng phụ và Người đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem nhắc lại rằng “công lý và hòa bình” là “chìa khóa cho sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực”, đồng thời khẳng định rằng các ngài sẵn sàng “làm việc với tất cả các bên quan tâm để đạt được những mục tiêu cao cả này”. Tuyên bố cũng nhắc lại sự cần thiết phải “bảo tồn các Thánh địa và các quy tắc của 'thỏa ước nguyên trạng', đồng thời cố gắng đạt được hòa bình lâu dài và công bằng trong khu vực dựa trên tính hợp pháp quốc tế và các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc”


Source:Fides