Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine nhận định “cuộc chiến này khó giải quyết đến mức chỉ có phép lạ mới giúp được chúng ta”

“Tôi rất vui khi sự kết nối này diễn ra trong một nhà thờ vì tôi tin chắc rằng cuộc chiến này rất khó giải quyết và chỉ có phép lạ mới có thể giúp chúng ta”. Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine, là Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, cho biết như trên khi chào mừng 150 tình nguyện viên của đoàn lữ hành hòa bình StopTheWarNow đã đến Mykolaiv cho nhiệm vụ thứ năm của họ.

Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh đã kết nối trực tuyến từ Kyiv đến Nhà thờ Công giáo La tinh Thánh Giuse ở Mykolaiv, nơi các tình nguyện viên cử hành thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá. Đức Sứ thần nói: “Việc các bạn là một nhóm lớn như vậy đã là một dấu hiệu tuyệt vời của sự gần gũi”.

“Cầu nguyện không chỉ là lời nói. Thiên Chúa không cần lời nói nhưng cần trái tim của chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục cũng nói với những người theo chủ nghĩa hòa bình của Ý về việc “tìm kiếm hòa bình, không phải bằng vũ khí mà bằng những cách khác”. Ngài nói rằng chủ trương đó đầy khó khăn. Ngài giải thích rằng “Nếu chúng ta làm như thế, tình hình hiện nay sẽ rất nghiêm trọng. Với chủ trương đó, chúng ta sẽ không phản ứng trước các mối đe dọa vũ khí trong những năm qua, điều đó có nghĩa là chúng ta không phản ứng trước chủ nghĩa độc tài, trước sự phá hoại hoạt động của Liên Hiệp Quốc và phá hủy tất cả các công cụ của luật pháp quốc tế”.

Sứ thần nói rằng ngài “tiếp xúc với nhiều thành viên gia đình của các tù nhân và tôi biết rằng nhiều người không có đủ nước để uống. Tất cả những điều này là dấu hiệu của sự đau khổ lớn lao. Đau khổ không chỉ xảy ra với những người đã chết và mất mạng mà còn với những người vẫn là tù nhân, không chỉ những người lính mà còn nhiều thường dân. Đó là sự đau khổ vô cùng.”

“Với sự hiện diện của anh chị em, hãy cố gắng đánh động lương tâm. Và điều này rất quan trọng bởi vì chúng ta thấy rằng khi cuộc chiến ở Ukraine được kể ở nơi khác, nó được mô tả như một trận túc cầu. Giống như một cuộc chiến xa xôi, xa cách những trái tim. Vì lý do này, anh chị em, những người đã đến đây, cho thấy tầm quan trọng của việc được ở bên cạnh, từ bi, suy tư, cầu nguyện và tìm kiếm giải pháp cho tương la. Ước muốn của tôi là sự hiện diện của anh chị em sẽ đánh động lương tâm và trở thành tiếng kêu lên với Chúa: Xin Chúa thương xót chúng con”.

Khi được hỏi về chuyến viếng thăm Ukraine của Đức Giáo hoàng, Sứ thần trả lời: “Đó phải là quyết định của Đức Thánh Cha. Năm ngoái, đã có một thời điểm diễn ra cuộc thảo luận ở nhiều cấp độ khác nhau về việc tìm kiếm khả năng trao trả thường dân và binh lính đang mắc kẹt ở Mariupol sang một nước thứ ba. Trong khi chuẩn bị dự án đó, chúng tôi đã hỏi Đức Thánh Cha liệu ngài có thể hiện diện ở Mariupol với tư cách là người bảo lãnh về mặt đạo đức hay không và Đức Thánh Cha đã đồng ý. Ngay trong tháng Năm, chúng tôi đã nhận được lời đồng ý từ Đức Thánh Cha. Nhưng ngay sau đo, dự án ấy không hoạt động”.

“Chúng tôi rất mong muốn Đức Thánh Cha đến. Nhưng quyết định là ở ngài. Vũ khí của chúng ta là lời cầu nguyện không chỉ bằng lời nói mà bằng cả trái tim”.

Cho đến nay, vướng mắc lớn nhất là chủ trương cho rằng Đức Thánh Cha sẽ chỉ đến Kyiv nếu có thể đến Mạc Tư Khoa. Điều đó hiện nay là không thể được. Hôm 18 tháng Ba, Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ra lệnh bắt giữ Putin. Ông ta giờ đây là một tên tội phạm bị quốc tế tầm nã. Tập Cận Bình, người bị cáo buộc đã giết hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ, và giam giữ hàng triệu người khác, có thể thăm Putin, Đức Thánh Cha thì không.
Source:SIR