“Giáo hội và giới lãnh đạo Nhà nước ở Nga đã hợp tác với nhau trong tội ác xâm lược, và chia sẻ trách nhiệm về những tội ác đã gây ra, như vụ bắt cóc trẻ em Ukraine gây sốc. Họ đã gây ra đau khổ to lớn không chỉ cho người dân Ukraine, mà còn cho người Nga, những người đã gây ra hơn 100.000 thương vong và phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn ác khủng khiếp,” Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cho biết như trên tại một cuộc hội thảo được tổ chức tại Thượng viện Lithuania.

Nhà lãnh đạo Chính thống giáo nhấn mạnh rằng việc Lithuania lo sợ trước sự xâm lược của Nga không phải là không có cơ sở. “Mặc dù Lithuania được bảo vệ bởi tư cách thành viên của NATO từ năm 2014, nhưng sự lo lắng và sợ hãi hiện tại không phải là không có cơ sở. Lịch sử bi thảm của Lithuania đã mang đến cho công dân của họ sự nhạy cảm và trí tuệ địa chính trị sâu sắc và hiếm có,” ngài nhấn mạnh.

Đức Thượng phụ chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, xảy ra do sự gây hấn vô cớ của Nga, là tâm điểm của một trận động đất địa chính trị.

“Âu Châu thức dậy sau một ảo tưởng sâu sắc, theo đó chiến tranh ở lục địa của nó đã là dĩ vãng. Tuy nhiên, Âu Châu không được chuẩn bị về mặt vật chất và trí tuệ đã thích nghi nhanh chóng với tình huống bất ngờ này, với sự hỗ trợ về mặt trí tuệ của các thành viên mới, như Lithuania,” ngài nói về quốc gia tích cực thúc đẩy việc hỗ trợ Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

Đức Thượng phụ Đại kết nhắc nhở rằng Ukraine, cũng như Nga, được sinh ra từ Đế chế Byzantine và Tòa Thượng phụ Constantinople, khi ngài đề cập đến lễ rửa tội của Kyivan Rus vào năm 988. Tuy nhiên, ngay sau đó Mạc Tư Khoa đã từ bỏ Giáo Hội mẹ của mình và theo đuổi ý tưởng rằng Mạc Tư Khoa có thể kế vị Constantinople với tư cách là nhà lãnh đạo tinh thần của thế giới Chính thống giáo nổi lên sau sự sụp đổ của Constantinople vào tay người Ottoman vào năm 1453.

Các Sa hoàng Nga kế tiếp áp đặt ý chí của họ lên Giáo hội, sử dụng nó như một công cụ cho các mục tiêu chiến lược của họ. Trong khi một số tu viện đã duy trì đức tin tôn giáo đích thực, thì tôn giáo thường được công cụ hóa ở Nga. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nói rằng nước Nga của Putin đã tiếp tục và tăng cường xu hướng này. Khi làm điều này, nó khai thác hệ tư tưởng chính thống Russkii mir, hay “thế giới Nga”:

“Thành ngữ này mô tả một khu vực được cho là của nền văn minh bao gồm Nga, Ukraine, Belarus cũng như người dân tộc Nga trên khắp thế giới, được lãnh đạo và chỉ đạo về mặt chính trị và tôn giáo bởi trung tâm Mạc Tư Khoa. 'Thế giới Nga' được trình bày như câu trả lời cho 'phương Tây băng hoại'. Hệ tư tưởng này là công cụ chính để hợp pháp hóa 'tinh thần' cuộc xâm lược ở Ukraine,” ông giải thích.

Đó là một loại tôn giáo giả xuất hiện cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và sự phá sản của hệ tư tưởng cộng sản khi các chiến lược đế quốc cũ được kết hợp với các kỹ thuật và cơ chế hoài nghi được phát triển và kế thừa từ Liên Xô.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nói, trong sự đối kháng với Tòa Thượng phụ Đại kết, Giáo hội Chính thống Nga tiếp tục đóng một vai trò gây chia rẽ trong Chính thống giáo thế giới. Điều này bao gồm “sự xâm nhập trái phép” của Nga ở Phi Châu, thách thức quyền tài phán của Tòa thượng phụ Chính thống giáo Alexandria trên lãnh thổ này.

Tuy nhiên, việc người Ukraine đòi độc lập giáo hội khỏi Mạc Tư Khoa, được ngài chấp thuận vào năm 2019, đã bộc lộ bản chất của Mạc Tư Khoa trong việc tuyên bố vai trò lãnh đạo của họ.

Sau khi chiến tranh kết thúc, bên cạnh việc tái thiết Ukraine, vấn đề “tái sinh tinh thần” không chỉ ở Ukraine mà còn ở Nga phải được đặt ra, Đức Thượng phụ nói, ngụ ý rằng người Nga phải từ bỏ hệ tư tưởng tôn giáo giả hiệu của họ về “ thế giới Nga” và trở về “suối nguồn của đức tin Chính thống”.

Nhưng ngay cả bây giờ, cuộc đối thoại liên tôn không chỉ tập trung vào việc chống lại sự kích động chia rẽ và hợp pháp hóa thần học của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đối với hành vi phạm tội; Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô nói: “bổn phận chung của Kitô hữu” bao gồm việc đưa các Kitô hữu Nga trở lại “cộng đồng có giá trị chung của chúng ta”.
Source:Euro Maiden