Từ Tông huấn Evangelii Nuntiandi của Thánh Phaolô VI đến Tông huấn Evangelii gaudium của vị giáo hoàng đương nhiệm, chủ đề truyền giáo luôn là tâm điểm chú ý của Huấn quyền. Các thông điệp vĩ đại của Thánh Gioan Phaolô II đã đóng góp vào đó, cũng như việc thành lập Hội đồng Giáo hoàng về Truyền giáo do Đức Bênêđictô XVI thúc đẩy. Mối quan tâm tương tự có thể được nhìn thấy trong tiêu đề được dành cho hiến pháp để cải tổ Giáo triều Praedicate Evangelium và trong danh xưng “Bộ Loan báo Tin Mừng” được dành cho Thánh bộ Truyền bá Đức tin trước đây. Mục đích tương tự hiện đang được dành cho Thượng hội đồng của Giáo hội. Tôi muốn cống hiến bài suy niệm này cho nó, tức cho việc rao giảng Tin Mừng.



Định nghĩa ngắn gọn và đầy đủ nhất về truyền giảng Tin Mừng là định nghĩa có thể đọc được trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, trong đó các tông đồ được định nghĩa là: “những người công bố Tin Mừng cho anh em trong Chúa Thánh Thần” (1 Pr 1:12). Nó chứa đựng điều cốt yếu của việc loan báo Tin Mừng, cụ thể là nội dung của nó – Tin Mừng – và phương pháp của nó – trong Chúa Thánh Thần.

Để biết hạn từ “Tin Mừng” có nghĩa gì, cách an toàn nhất là hỏi người đầu tiên dùng từ Hy Lạp này và khiến nó trở nên phổ biến trong ngôn ngữ Kitô giáo, Tông đồ Phaolô. Chúng ta may mắn được sở hữu một bản giải thích do chính ngài trình bầy ý nghĩa của hạn từ “Tin Mừng”, và đó là lá Thư gửi tín hữu Rôma. Chủ đề của nó được loan báo với những lời: “Tôi không hổ thẹn về Tin Mừng, vì đó là quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ tin” (Rm 1:16).

Muốn có sự thành công cho mọi nỗ lực mới trong việc truyền giảng Tin Mừng, điều quan trọng là phải làm rõ cốt lõi thiết yếu của việc công bố Kitô giáo, và không ai đã nhấn mạnh điều đó tốt hơn vị tông đồ trong ba chương đầu tiên của Thư gửi tín hữu Rôma. Tôi tin chắc rằng việc hiểu và áp dụng thông điệp của ngài vào hoàn cảnh hiện tại phụ thuộc vào việc liệu con cái Thiên Chúa có được sinh ra từ những nỗ lực của chúng ta hay liệu chúng ta có bắt buộc phải lặp lại với Isaia hay không:

“Chúng con đã mang thai, đã quằn quại, nhưng chỉ sinh ra gió; chúng con chẳng giải thoát được thế gian, cũng chẳng sinh sản thêm dân cư cho mặt đất” (Is 26:18).

Sứ điệp của Thánh Tông Đồ trong ba chương đầu tiên của Bức Thư của ngài có thể được tóm tắt trong hai điểm: thứ nhất, tình trạng của con người trước mặt Thiên Chúa sau tội lỗi là gì; và thứ hai, làm thế nào người ta thoát khỏi nó, nghĩa là làm thế nào người ta được cứu vớt bởi đức tin và làm một tạo vật mới. Chúng ta hãy noi theo Thánh Tông Đồ trong lối lý luận chặt chẽ của ngài. Tốt hơn, chúng ta hãy đi theo Thần Khí nói qua Người.

Ai từng đi máy bay chắc cũng từng nghe thông báo: “Hãy thắt dây an toàn vì chúng ta sắp đi vào vùng nhiễu động”. Lời cảnh báo tương tự nên được gửi đến những người sắp đọc những lời sau đây của Thánh Phaolô:

Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa quả thật đã được tỏ ra từ trên trời chống lại mọi sự bất kính và gian ác của những kẻ dùng sự gian ác của mình mà đàn áp sự thật. Vì những gì có thể biết về Thiên Chúa đều hiển nhiên đối với họ, bởi vì Thiên Chúa đã làm điều đó trở thành hiển nhiên cho họ. Kể từ khi tạo ra thế giới, các thuộc tính vô hình của Người về sức mạnh vĩnh cửu và thiên tính đã có thể được hiểu và tri nhận trong những gì Người đã tạo ra. Kết quả là, họ không có lời bào chữa nào; vì mặc dù họ biết Thiên Chúa nhưng họ không tôn vinh Người như Thiên Chúa hay tạ ơn Người. Thay vào đó, họ trở nên hão huyền trong lý luận của mình, và tâm trí vô tri của họ trở nên tối tăm. Trong khi tự cho mình là khôn ngoan, họ đã trở thành những kẻ ngu xuẩn và đánh đổi vinh quang của Thiên Chúa bất tử để lấy hình ảnh giống như hình ảnh của người phàm hoặc chim chóc, động vật bốn chân hoặc rắn rết.

Tội lỗi căn bản, đối tượng chính của cơn thịnh nộ thần linh, được nhận diện, như có thể thấy, trong asebeia, tức là trong sự nghịch đạo. Chính xác thì sự nghịch đạo này bao gồm những gì? Vị Tông đồ ngay lập tức giải thích; ngài nói rằng nó bao gồm việc từ chối “tôn vinh” và “cảm ơn” Thiên Chúa. Quả là điều kỳ lạ! Việc không tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa đối với chúng ta dường như không phải là một tội trọng khủng khiếp. Chúng ta cần hiểu những gì ẩn giấu đằng sau nó: sự từ chối nhìn nhận Thiên Chúa như Thiên Chúa, không dành cho Người sự xem xét xứng đáng với Người. Chúng ta có thể nói, nó bao gồm việc “phớt lờ” Thiên Chúa, trong đó phớt lờ không có nghĩa là “không biết Người hiện hữu” mà là “hành động như thể Người không hiện hữu”.

Trong Cựu Ước, chúng ta nghe Môsê kêu gọi dân chúng: “Hãy biết rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa!” (x. Đnl 7:9) và tác giả thánh vịnh đã tiếp nhận lời hô này khi nói: “Hãy nhìn nhận Chúa là Thiên Chúa: Người đã dựng nên chúng ta và chúng ta thuộc về Người!” (Tv 100:3). Giản lược vào hạt nhân mầm của nó, phạm tội là từ chối “việc nhìn nhận” này; đó là mưu toan của tạo vật, theo sáng kiến riêng của nó, gần như cao ngạo, xóa bỏ sự khác biệt vô hạn hiện hữu giữa nó và Thiên Chúa. Theo cách này, tội lỗi tấn công chính gốc rễ của mọi sự; đó là “dùng sự gian ác để áp chế sự thật.” Đó là một điều nham hiểm và khủng khiếp hơn nhiều so với những gì con người có thể tưởng tượng hoặc nói ra. Nếu con người biết khi còn sống, cũng như họ sẽ biết vào lúc chết, từ chối Thiên Chúa là thế nào, thì họ sẽ chết vì kinh hoàng.

Chúng ta đã nghe nói rằng sự từ chối này đã thành hình trong việc thờ ngẫu tượng, theo đó tạo vật được tôn thờ thay vì Đấng Tạo Hóa. Trong việc thờ ngẫu tượng, người ta không “chấp nhận” Thiên Chúa, mà tự mình tạo ra một vị thần; chính họ quyết định về Thiên Chúa chứ không phải ngược lại. Các vai trò được đảo ngược: Con người trở thành thợ gốm và Chúa là chiếc bình mà con người nhào nặn theo ý muốn. Ngày nay, mưu toan cổ xưa này đã mang một hình thức mới. Nó không hệ ở việc đặt một vật gì đó – thậm chí không phải chính mình – vào vị trí của Thiên Chúa, nhưng ở việc bãi bỏ, một cách thuần túy và đơn giản, vai trò được biểu thị bởi hạn từ “Thiên Chúa”. Chủ nghĩa hư vô! Không có gì đã thay thế cho Thiên Chúa. Nhưng không cần phải dừng lại ở vấn đề này vào lúc này; nó sẽ làm gián đoạn việc lắng nghe Thánh Tông đồ, người, thay vào đó, tiếp tục lối lập luận chặt chẽ của ngài.

Thánh Phaolô tiếp tục bản cáo trạng của mình bằng cách chỉ ra những kết quả phát sinh từ việc chối bỏ Thiên Chúa ở bình diện luân lý. Từ đó dẫn khởi việc tan rã chung về luân lý, một “dòng thác diệt vong” thực sự kéo nhân loại vào chỗ diệt vong. Và ở đây, Thánh Tông đồ đã vẽ ra một bức tranh ấn tượng về những tệ nạn của xã hội ngoại giáo. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần giữ lại từ phần này của thông điệp Phaolô không phải danh sách các tật xấu của ngài, cũng có nơi các nhà luân lý học khắc kỷ thời đó. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, điều gây bối rối là Thánh Phaolô coi tất cả những rối loạn luân lý này không phải là nguyên nhân, mà là hậu quả của cơn thịnh nộ Thiên Chúa. Công thức nêu rõ điều này đã được nhắc lại ba lần:

Vì vậy, Đức Chúa Trời đã phó mặc họ cho sự ô uế. […] Vì lý do này, Đức Chúa Trời đã bỏ mặc họ cho những đam mê khét tiếng […]. Vì họ coi thường sự hiểu biết Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã phó mặc họ cho sự hiểu biết đồi trụy (Rm 1,24.26.28).

Thiên Chúa chắc chắn không “muốn” những điều như vậy, nhưng Người “cho phép” chúng để làm cho con người hiểu việc từ chối của mình dẫn đến đâu. Thánh Augustinô viết: “Những hành động này mặc dù là hình phạt, nhưng chúng cũng là tội lỗi, bởi vì hình phạt của sự gian ác chính là sự gian ác; Thiên Chúa can thiệp để trừng phạt cái ác và từ sự trừng phạt này, những tội lỗi khác tràn ngập.”

Không có sự phân biệt trước mặt Thiên Chúa giữa người Do Thái và người Hy Lạp, giữa người tin và người ngoại: “Mọi người đều đã phạm tội, bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3:23). Thánh Tông đồ muốn làm sáng tỏ điểm này đến nỗi ngài dành trọn chương hai và một phần ba của Bức thư cho nó. Toàn thể nhân loại đang ở trong tình trạng diệt vong này, chứ không phải cá nhân hay dân tộc này kia.

Trong tất cả những điều này, tính thời sự của sứ điệp mà tôi đang nói đến là ở đâu? Nó nằm trong phương thuốc mà Tin Mừng đề nghị cho tình trạng này. Nó không bao gồm việc tham gia vào cuộc đấu tranh để cải cách luân lý của xã hội và sửa chữa những tệ nạn của nó. Đối với Thánh Phaolô, điều đó giống như muốn nhổ một cái cây bằng cách bắt đầu ngắt bỏ những chiếc lá hoặc những cành nhô ra nhất, hoặc lo lắng về việc loại bỏ cơn sốt hơn là chữa trị căn bệnh đã gây ra nó.

Phiên dịch sang ngôn ngữ hiện tại, điều này có nghĩa là việc truyền giảng Tin Mừng không bắt đầu bằng luân lý, mà bằng kerygma; bằng ngôn ngữ của Tân Ước, không phải với Lề Luật, nhưng với Tin Mừng. Và nội dung và cốt lõi của nó là gì? Thánh Phaolô muốn nói gì qua chữ “Tin Mừng” khi ngài nói nó là “quyền năng của Thiên Chúa đối với mọi kẻ tin?” Tin vào điều gì? “Sự công chính đã được bày tỏ của Thiên Chúa!” (Rm 3:21): Đây là điều mới mẻ. Không phải con người đột nhiên thay đổi cuộc sống và phong tục của họ và bắt đầu làm điều tốt. Sự kiện mới là, khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã hành động; Người phá vỡ sự im lặng; Người là người đầu tiên chìa bàn tay của mình cho con người tội lỗi.

Nhưng bây giờ chúng ta hãy trực tiếp lắng nghe Vị Tông Đồ giải thích cho chúng ta “hành động” này của Thiên Chúa bao gồm những gì. Chúng là những hạn từ mà chúng ta đã đọc hoặc nghe hàng trăm lần, nhưng chúng ta thích nghe đi nghe lại những giai điệu của một bản giao hưởng tuyệt vời:

Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban nhưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Chúa Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã đặt Người làm hy lễ xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Chúa Giêsu được nên công chính (Rm 3,23-26).

Tôi muốn trấn an mọi người ngay lập tức: Tôi không có ý định đưa ra một bài giảng nào khác về sự công chính hóa bởi đức tin. Có một mối nguy hiểm khi chỉ nhấn mạnh vào vấn đề này. Điều thánh Phaolô trình bày cho chúng ta không phải là một học thuyết, mà là một sự kiện, đúng hơn là một con người. Chúng ta không được cứu một cách chung chung “nhờ ân sủng;” chúng ta được cứu bởi ân sủng của Chúa Giêsu Kitô; chúng ta không được công chính hóa một cách chung chung “nhờ đức tin;” mà được công chính hóa nhờ đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Mọi điều đều thay đổi “nhờ sự cứu chuộc do Chúa Giêsu Kitô thực hiện.” Tín điều xác thực mà với nó Giáo hội đứng vững hay sụp đổ (articulum stantis et cadentis Ecclesiae) không phải là một học thuyết, mà là một con người.

Tôi kinh ngạc mỗi khi đọc phần này của Thư gửi tín hữu Rôma. Sau khi đã mô tả tình trạng tuyệt vọng của nhân loại bằng giọng điệu mà chúng ta đã nghe, Vị Tông Đồ có can đảm nói rằng nó đã thay đổi triệt để vì những gì đã xảy ra vài năm trước đó, trong một phần ít người biết đến của Đế Quốc La Mã, bởi một con người đơn nhất, Đấng, ngoài ra, đã chết trên thập giá! Chỉ có ánh sáng rực rỡ từ Chúa Thánh Thần mới có thể mang lại cho một con người lòng can đảm để tin và công bố tin tức khó tin này, đặc biệt là vì chính người đàn ông này đã từng “nổi giận” nếu có ai dám công bố một điều như vậy trước mặt ngài. Phó tế Stêphanô đã phải trả giá cho sự tức giận của ngài…

Nơi chúng ta, cú sốc được xoa dịu bởi hai mươi thế kỷ xác nhận, nhưng chúng ta hãy nghĩ xem lời nói của Vị Tông Đồ chắc hẳn đã được nghe ra sao đối với những người có học thời bấy giờ. Bản thân ngài cũng nhận thức được điều đó; vì điều này, ngài cảm thấy cần phải nói: “Tôi không hổ thẹn về Tin Mừng” (Rm 1:16). Thật vậy, người ta có thể xấu hổ về nó. Tôi không thể hiểu làm thế nào các nhà sử học có thể thành thật tin rằng (điều này đã xảy ra trong một thời gian dài) Thánh Phaolô đã rút tỉa được sự chắc chắn mới của mình từ các giáo phái Hy Lạp, hoặc tôi không biết từ nguồn nào khác. Ai đã từng tưởng tượng, hoặc có thể tưởng tượng một điều như vậy một cách nhân bản?

Nhưng chúng ta hãy trở lại với ý định chuyên biệt của chúng ta, đó là truyền giảng Tin Mừng. Chúng ta có thể học được gì từ lời của Thiên Chúa mà chúng ta vừa nghe? Đối với những người ngoại đạo, thánh Phaolô không nói rằng phương thuốc cho việc thờ ngẫu tượng của họ nằm ở việc tra hỏi kỹ hơn về vũ trụ để từ thụ tạo quay trở lại với Đấng Tạo Hóa; đối với người Do Thái, ngài không nói rằng biện pháp khắc phục nằm ở việc quay lại tuân giữ Luật Môsê một cách hoàn hảo hơn. Biện pháp khắc phục không ở phía trên chúng ta hoặc đằng sau chúng ta; nó ở trước mặt chúng ta và bao gồm việc tin vào “sự cứu chuộc do Chúa Giêsu Kitô thực hiện.”

Nói cho ngay, Thánh Phaolô không nói điều gì hoàn toàn mới. Nếu ngài là tác giả của thông điệp chưa từng có này, thì những người nói rằng người sáng lập thực sự của Kitô giáo là Saolô người Tarsus, chứ không phải Chúa Giêsu người Nadarét, sẽ đúng. Nhưng họ đã lầm! Thánh Phaolô không làm gì khác ngoài việc tiếp nhận, thích ứng, lời tuyên bố khai mạc của Chúa Giêsu với hoàn cảnh lúc bấy giờ: “Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Trên môi miệng ngài “ăn năn” không có nghĩa như trong các tiên tri xưa và trong Gioan Tẩy giả: Hãy trở lại, tuân giữ Lề Luật và các điều răn! Đúng hơn, nó có nghĩa là: Tiến một bước nhảy vọt; hãy vào Vương quốc đã đến một cách nhưng không giữa các ngươi! Hãy tin vào Tin Mừng! Hoán cải là tin tưởng. Thánh Tôma Aquinô từng viết: “Sự hoán cải đầu tiên hệ ở việc tin tưởng: Prima conversio fit per fidem.

Tất nhiên, cả Chúa Giêsu lẫn Thánh Phaolô đều không dừng lại ở điểm này. Khi rao giảng, Chúa Giêsu giải thích việc chào đón Nước Trời đòi hỏi điều gì và Thánh Phaolô dành toàn bộ phần thứ hai của Bức thư để liệt kê các việc làm, hay các nhân đức, là đặc điểm của những người đã trở thành tạo vật mới. Ngài kết thúc kerygma bằng parenesis, nghĩa là công bố về những gì Thiên Chúa đã làm cùng với việc trình bầy những gì chúng ta phải làm. Điều quan trọng là thứ tự phải tuân theo trong cuộc sống và trong việc loan báo, bắt đầu từ đâu. Như Thánh Grêgôriô Cả đã nói, “người ta không đạt tới đức tin bắt đầu từ các nhân đức, mà đạt được các nhân đức bắt đầu từ đức tin.” Mọi sáng kiến rao giảng Tin Mừng nào muốn bắt đầu bằng việc cải cách các phong tục của xã hội, mà không – hoặc trước đó – cố gắng thay đổi trái tim con người, sẽ không đạt được kết quả gì, hoặc tệ hơn nữa, trong lĩnh vực chính trị.

Nhưng không cần nhấn mạnh cả điều đó vào lúc này. Thay vào đó, chúng ta phải tiếp nhận lời dạy tích cực của Thánh Tông đồ. Lời Chúa nói gì với một Giáo hội – mặc dù bị tổn thương trong chính mình và bị tổn thương trước con mắt của thế giới – đang trào dâng niềm hy vọng và, với động lực mới, muốn tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mình? Nó nói rằng cần phải bắt đầu lại từ con người của Chúa Kitô, nói về Người “trong thời gian và ngoài thời gian;” không bao giờ coi diễn ngôn về Người được giả định hoặc đã hoàn thành. Chúa Giêsu không được ở phía sau, nhưng ở trung tâm của mọi lời loan báo.

Thế giới thế tục đã làm hết sức (và thật không may, nó đã thành công!) để giữ danh Chúa Giêsu ở đàng xa, hoặc làm nó im lặng, trong mọi diễn ngôn về Giáo hội. Chúng ta phải làm mọi cách để tên Người luôn vang lên. Không dấu diếm nó, vì nó là sức mạnh và là sự sống của Giáo hội. Mở đầu Evangelii gaudium, chúng ta đọc thấy những lời này:

Tôi mời tất cả các Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, vào chính thời điểm này, bước vào một cuộc gặp gỡ bản thân được đổi mới với Chúa Giêsu Kitô, hoặc ít nhất một sự cởi mở để cho Người gặp gỡ họ; Tôi yêu cầu tất cả anh chị em làm điều này không ngừng nghỉ mỗi ngày. Không ai nên nghĩ rằng lời mời này không dành cho mình (EG,3).

Theo như tôi biết, đây là lần đầu tiên cụm từ “cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Kitô” xuất hiện trong một tài liệu chính thức của Huấn quyền. Mặc dù có vẻ đơn giản, cách diễn đạt này chứa đựng một điều mới lạ mà chúng ta phải cố gắng hiểu. Trong việc chăm sóc mục vụ và tâm linh của Công Giáo, những cách khác để quan niệm về mối quan hệ của chúng ta với Chúa Kitô đã quen thuộc trong quá khứ. Chúng nói tới mối quan hệ tín lý, bao gồm việc tin vào Chúa Kitô; tới mối liên hệ bí tích, mối liên hệ giáo hội, trong tư cách các chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô; người ta cũng nói về một mối quan hệ huyền nhiệm hoặc phu thê dành riêng cho một số linh hồn được đặc ân. Không có việc đề cập nào - hoặc ít nhất không có việc đề cập phổ biến nào - về mối quan hệ bản thân, chẳng hạn như giữa tôi và anh chị em, mở ra cho mọi tín hữu.

Trong suốt 5 thế kỷ đằng sau chúng ta – được gọi một cách không thích hợp là “các thế kỷ Phản Cải cách” – linh đạo Công Giáo và việc chăm sóc mục vụ đã xem xét cách quan niệm về sự cứu rỗi này bằng sự nghi ngờ. Người ta thấy nguy cơ của chủ nghĩa chủ quan trong đó, nghĩa là coi đức tin và ơn cứu độ như một kinh nghiệm bản thân, không có mối liên hệ thực sự với Truyền thống và với đức tin của phần còn lại của Giáo hội. Sự gia tăng của các trào lưu và giáo phái trong thế giới Thệ phản chỉ củng cố niềm tin này.

Giờ đây, tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới trong đó chúng ta cố gắng nhìn thấy các khác biệt, không nhất thiết là sự xung đột lẫn nhau và do đó phải đấu tranh, nhưng là phong phú được chia sẻ càng nhiều càng tốt. Trong môi trường mới này, lời khuyên có “mối quan hệ bản thân với Chúa Kitô” không có gì nguy hiểm về nó. Thật vậy, cách quan niệm về đức tin này đối với chúng ta dường như là cách khả hữu duy nhất, vì đức tin không còn được coi là điều hiển nhiên, và nó không được hấp thụ như những đứa trẻ trong môi trường gia đình hoặc trường học, mà phải là kết quả của quyết định bản thân. Sự thành công của một sứ mệnh không còn được đo lường bằng số lần nghe xưng tội và số lần rước lễ được phân phát, nhưng bằng bao nhiêu người đã chuyển từ Kitô hữu trên danh nghĩa sang Kitô hữu thực sự, nghĩa là có xác tín và tích cực trong cộng đồng.

Chúng ta hãy cố gắng hiểu “cuộc gặp gỡ bản thân” nổi tiếng này với Chúa Kitô thực sự bao gồm những gì. Tôi nói nó giống như gặp trực tiếp một người sau nhiều năm quen biết họ chỉ nhờ một bức ảnh. Người ta có thể biết các cuốn sách viết về Chúa Giêsu, các tín lý, các dị giáo về Chúa Giêsu và các quan niệm về Chúa Giê-su, chứ không biết Người sống động và hiện diện. (Tôi nhấn mạnh vào hai tĩnh từ này: một Chúa Giêsu sống động và một Chúa Giêsu hiện diện!). Đối với nhiều người, ngay cả những tín hữu đã chịu phép rửa, Chúa Giêsu vẫn chỉ là một nhân vật trong quá khứ, một nhân cách chứ không phải một người đang sống.

Điều sẽ giúp ta hiểu được sự khác biệt là khi nhìn vào những gì xảy ra trong lĩnh vực con người khi anh chị em đi từ quen biết một người đến yêu người đó. Người ta có thể biết mọi điều về một người phụ nữ hay một người đàn ông: tên họ, bao nhiêu tuổi, học ngành gì, gia đình ra sao… Rồi một ngày nọ, một tia lửa được thắp lên và người ta yêu người phụ nữ đó hoặc người đàn ông đó. Mọi thứ đều thay đổi. Họ muốn ở bên người ấy, có người ấy cho riêng mình, sợ làm mất lòng hoặc không xứng đáng với người ấy.

Chúng ta có thể làm gì để ngọn lửa này về con người Chúa Giêsu được thắp lên trong lòng nhiều người? Nó sẽ không được nhen nhóm trong lòng bất cứ ai lắng nghe sứ điệp Tin Mừng trừ khi nó bùng cháy – ít nhất như một khao khát và như một quyết tâm – nơi bất cứ ai công bố nó. Đã có và hiện còn có nhiều trường hợp ngoại lệ; lời Thiên Chúa có sức mạnh riêng của nó và đôi khi có thể hành động, ngay cả khi được thốt ra bởi những người không sống theo lời Thiên Chúa; nhưng đó là ngoại lệ.

Để được an ủi và khuyến khích những người làm việc trong lãnh vực phúc âm hóa một cách có tổ chức, tôi muốn nói với họ rằng không phải mọi sự đều tùy thuộc vào họ. Họ phụ thuộc vào việc tạo ra các điều kiện để tia lửa đó bùng cháy và lan rộng, điều này xảy ra theo những cách và khoảnh khắc bất ngờ nhất. Trong phần lớn các trường hợp mà tôi đã biết trong đời mình, việc khám phá ra Chúa Kitô làm thay đổi cuộc đời đã xảy ra nhờ gặp gỡ một người đã trải nghiệm ân sủng đó, bằng cách tham gia vào một cuộc tụ họp, bằng cách nghe một chứng từ, bằng cách trải nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong một khoảnh khắc đau khổ tột cùng, và – tôi không thể im lặng về điều đó, bởi vì nó cũng xảy ra với tôi – khi nhận cái gọi là phép rửa của Chúa Thánh Thần.

Ở đây, chúng ta thấy nhu cầu ngày càng phải dựa vào giáo dân, nam cũng như nữ, để truyền giảng Tin Mừng. Họ được lồng nhiều hơn vào kết cấu cuộc sống trong đó các hoàn cảnh ấy thường xảy ra. Cũng do sự khan hiếm về con số của nó, hàng giáo sĩ dễ dàng trở thành mục tử hơn là những tay lưới cá linh hồn: dễ dàng chăn dắt những người đến với Giáo hội bằng Lời Chúa và các bí tích hơn là “chèo ra chỗ nước sâu” (Lc 5:4) để đánh bắt những người ở xa. Giáo dân có thể đảm nhận cho chúng ta nhiệm vụ của người đánh cá. Nhiều người trong số họ đã khám phá ra ý nghĩa của việc biết Chúa Giêsu hằng sống và háo hức chia sẻ khám phá của họ với những người khác.

Đối với nhiều người, các phong trào giáo hội phát sinh sau Công đồng là nơi họ khám phá ra điều trên. Trong bài giảng Thánh Lễ Truyền Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh 2012, lễ cuối cùng trong triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Bênêđictô XVI đã nói: “Bất cứ ai xem xét lịch sử của thời kỳ hậu công đồng đều có thể nhận ra tiến trình đổi mới thực sự, vốn thường diễn ra dưới những hình thức bất ngờ trong các phong trào sống động và gần như làm cho rờ mó được sức sống vô tận của Giáo hội thánh thiện, sự hiện diện và hiệu năng của Chúa Thánh Thần.” Bên cạnh những hoa trái tốt, một số phong trào này cũng đã sinh ra hoa trái thối. Chúng ta nên nhớ câu nói: “Đừng ném bé thơ ra ngoài cùng với nước tắm”.

Tôi kết thúc bằng những lời kết trong Hành Trình Tâm Trí Đến Với Chúa của Thánh Bonaventura bởi vì chúng gợi ý nơi bắt đầu nhận ra, hoặc canh tân, “cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Kitô” của chúng ta và trở thành những người can đảm loan báo cuộc gặp gỡ đó:

Sự khôn ngoan huyền nhiệm bí mật nhất này không ai biết ngoại trừ người nhận được nó; không ai nhận được nó ngoại trừ những người mong muốn nó; không ai mong muốn nó ngoại trừ những người được đốt cháy bên trong bởi Chúa Thánh Thần được Chúa Kitô phái đến trái đất.