1. Việc quay phần tiếp theo của cuốn phim 'Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô' sẽ bắt đầu vào mùa xuân này
Jim Caviezel sẽ một lần nữa đóng vai Chúa Giêsu. Cũng trở lại là Maia Morgenstern trong vai Đức Trinh Nữ Maria, Christo Jivkov trong vai môn đệ Gioan, và Francesco De Vito trong vai môn đệ Phêrô.
Phần tiếp theo rất được mong đợi của cuốn phim Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô sẽ bắt đầu quay vào mùa xuân này. Bộ phim “Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô: Phục sinh” sẽ tập trung vào những ngày ngay sau khi Chúa Kitô bị đóng đinh.
Theo World of Reel, diễn viên, đạo diễn và nhà sản xuất Mel Gibson dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất trong vài tháng tới.
Trong khi Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô mô tả những cảnh đau lòng và đau đớn khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, thì phần hai “Sự phục sinh” sẽ đi sâu vào ba ngày giữa cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
Jim Caviezel sẽ một lần nữa đóng vai Chúa Giêsu. Cũng trở lại là Maia Morgenstern trong vai Đức Trinh Nữ Maria, Christo Jivkov trong vai Thánh Gioan, và Francesco De Vito trong vai Thánh Phêrô.
Vào năm 2016, Gibson tiết lộ rằng anh ấy đã làm việc cho dự án trong vài năm khi nói chuyện tại Cuộc thập tự chinh truyền giáo của mục sư Greg Laurie ở Nam California.
“Cuốn phim được gọi là Sự phục sinh. Tất nhiên, đó là một chủ đề rất lớn và nó cần được xem xét bởi vì chúng ta không muốn chỉ làm một bộ phim đơn giản về điều đó – bạn biết đấy, hãy đọc những gì đã xảy ra,” anh ấy nói.
Caviezel đã hé lộ dự án vào năm 2020 trong một cuộc phỏng vấn với Breitbart khi anh ấy nói, “Mel Gibson vừa gửi cho tôi bức tranh thứ ba, bản nháp thứ ba. Nó đang đến.”
“Nó có tên là Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô: Sự phục sinh. Đây sẽ là bộ phim lớn nhất trong lịch sử thế giới,” Caviezel nói.
The Passion of the Christ đã mang về hơn 612 triệu đô la trên toàn thế giới với kinh phí sản xuất là 30 triệu đô la. Điều này làm cho nó trở thành một trong những bộ phim độc lập thành công nhất trong lịch sử. Đây là bộ phim được xếp hạng R đầu tiên ở Bắc Mỹ có doanh thu cao như vậy. Mặc dù được đề cử ba giải Oscar tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 77 nhưng nó đã không giành được bất kỳ giải thưởng nào vì lý do nhiều người thẳng thừng gọi là hiện tượng bài Kitô Giáo.
Source:National Catholic Register
2. Vatican hủy bỏ một phần trong chuyến tông du Congo vì quá nguy hiểm sau vụ tấn công khủng bố.
Hôm thứ Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn đến các nạn nhân của vụ đánh bom vào một nhà thờ Ngũ Tuần ở miền đông Congo. Đây là một cuộc tấn công đẫm máu do các chiến binh Hồi giáo nhận trách nhiệm hai tuần trước khi Đức Thánh Cha đến nước này.
Các nhà chức trách cho biết vụ đánh bom hôm Chúa Nhật ở Kasindi, một thị trấn ở tỉnh Bắc Kivu, đã giết chết ít nhất 14 người và làm bị thương hơn 60 người đang cầu nguyện.
Đức Phanxicô đã gửi bức điện chia buồn tới mục sư Andre Bokundoa-Bo-Likabe, người mà Vatican xác định là chủ tịch của Giáo hội Chúa Kitô ở Congo.
Trong bức điện tín, Đức Phanxicô bày tỏ “lòng trắc ẩn và sự gần gũi của ngài với tất cả các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm kịch này” và kêu gọi hòa bình.
Đức Phanxicô sẽ đến thủ đô Kinshasa của Congo vào ngày 31 tháng Giêng cho chuyến viếng thăm ba ngày. Khi được lên kế hoạch ban đầu vào tháng 7, chuyến đi được cho là bao gồm một điểm dừng ở Goma, thủ phủ của Bắc Kivu.
Vatican đã hủy bỏ chặng đó của chuyến đi, giữa một làn sóng tấn công mới ở các vùng của Bắc Kivu. Bạo lực đã tàn phá miền đông Congo trong nhiều thập kỷ khi hơn 120 nhóm vũ trang và dân quân tự vệ tranh giành đất đai và quyền lực. Theo Liên Hiệp Quốc, gần 6 triệu người phải di dời trong nước và hàng trăm nghìn người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Dù không đến được Goma, Đức Phanxicô sẽ gặp gỡ một số cư dân từ phía đông và các nạn nhân của cuộc xung đột ở Kinshasa.
Source:AP
3. Đức Hồng Y Mario Grech than phiền những chống đối đối với Thượng Hội đồng Giám mục về tính đồng nghị
Trong cuộc phỏng vấn dành cho nguyệt san “Vita Pastorale”, Đời sống mục vụ, tại Ý, số ra tháng Giêng này, Đức Hồng Y Grech, người Malta, cho biết có một loạt các phản ứng trong Giáo hội đối với tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục hiện nay: từ những người đã chấp nhận thách đố của công nghị này, cho tới những người công khai chống lại.
Nguyệt San “Đời sống mục vụ” do Nhà xuất bản thánh Phaolô ấn hành với sự tham gia của Hội đồng Giám mục Ý.
Theo Đức Hồng Y Grech, ban đầu có những giám mục đặc biệt chống lại vì họ sợ rằng sự tham gia của dân Chúa sẽ đưa tới việc dân chủ hóa Giáo hội. Nhưng trong thời gian sau đó, nhiều người trong số các giám mục ấy đã xác tín rằng có là một dự án tốt dựa trên những kinh nghiệm tham khảo ý kiến trong những tháng gần đây. Đức Hồng Y Grech cũng cho biết phần lớn các giáo dân đã phản ứng rất hăng hái phấn khởi. Tuy nhiên, những khó khăn lớn nhất gặp phải là nơi hàng giáo sĩ, đặc biệt nơi các linh mục trẻ. Nhiều người trong họ tỏ ra chống đối Thượng Hội đồng Giám mục một cách rõ rệt.
Tin này được báo chí loan đi, giữa lúc trong những ngày này, dư luận bàn tán về hồi ký của Đức Cố Hồng Y George Pell, nguyên Tổng giám mục Sydney, Australia, và nguyên là Bộ trưởng Kinh tế của Tòa Thánh, được đăng trên báo “The Spectator”, Người Khán Giả, xuất bản tại Anh quốc, trong đó Đức Hồng Y mạnh mẽ phê bình Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về tính đồng hành. Ngài gọi dự án Thượng Hội đồng Giám mục này là “một ác mộng độc hại cần phải loại bỏ”.
Đức Hồng Y đặc biệt phê bình Tài liệu làm việc dài 45 trang do Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục công bố là “một trong những văn kiện tiền hậu bất nhất” do Vatican soạn thảo. Tài liệu này không những được diễn tả trong những thuật ngữ mác-xít, mà còn thù nghịch đối với truyền thống tông đồ và cố tình không biết tới những nguyên tắc cơ bản của Kitô giáo như niềm tin nơi sự phán xét của Thiên Chúa, thiên đàng và hỏa ngục”.
Mặt khác, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng giám mục Luxemburg, Tổng Tường trình viên của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ XVI năm nay và năm tới, phê bình tiến trình Công nghị của Công Giáo Đức là quá dành cho giới ưu tú. Cụ thể là không có sự tham khảo ý kiến với các cộng đồng dân Chúa, và đó cũng là điều Đức Thánh Cha mạnh mẽ phê bình. Con đường công nghị này là công việc của một số thành phần giáo dân ưu tuyển và các giám mục chứ không phải là của toàn dân Chúa.
Đức Hồng Y Hollerich bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho dài truyền hình KTS của Công Giáo Pháp. Đức Hồng Y cũng nhận xét rằng Tiến Trình Công Nghị của Công Giáo Đức thiếu chiều kích loan báo Tin mừng: “Bạn không thể nói về Giáo hội nếu không nói về sứ mạng loan báo Tin Mừng”. Ngài cũng nhận xét là những tín hữu Công Giáo trẻ ở Đức rất ít quan tâm đến Tiến Trình Công Nghị này.
4. Belarus, Vatican tái khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác tích cực
Belarus và Vatican đã tái khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác tích cực. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Belarus Sergei Aleinik cho biết như trên sau cuộc gặp gỡ Sứ thần Tòa thánh, là Đức Tổng Giám Mục Ante Jozic
Bộ trưởng Sergei Aleinik và Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh Ante Jozic đã thảo luận các vấn đề thời sự liên quan đến sự hợp tác giữa Belarus và Vatican. Các ý kiến về tình hình trong khu vực đã được trao đổi.
Cam kết tiếp tục hợp tác tích cực trong các lĩnh vực khác nhau và đối thoại cởi mở, tôn trọng về các vấn đề cùng quan tâm đã được tái khẳng định.
Belarus đang bị áp lực của tổng thống Nga Vladimir Putin phải dính líu sâu hơn vào cuộc chiến tại Ukraine. Cho đến nay, Belarus đã cho Nga đóng quân trên đất của mình và dùng địa bàn của mình làm nơi phóng hỏa tiễn tấn công Ukraine.
Putin muốn Belarus dính líu sâu hơn vào cuộc chiến tại Ukraine bằng cách gởi quân tham chiến tại Ukraine, một điều mà nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko hết sức tránh né.
Source:Belta