Nước mắt đong đầy

Nước mắt là dung dịch lỏng, nước, được tiết ra từ bộ phận mắt trên cơ thể thông qua tuyến lệ. Về sinh học, nước mắt là dung dịch dùng lau sạch bụi bẩn bám vào con ngươi. Khi tuyến lệ tiết ra nước mắt để làm ướt và trôi các bụi bẩn ở mắt do bụi bay vào mắt. Nước bẩn tiếp xúc với mắt, hơi cay làm khô mắt nên tuyến lệ tiết nước mắt làm ướt mắt. Ngoài ra, khi người ta hay động vật ngáp, thì tuyến lệ cũng tiết nước mắt. Nước mắt cũng tiết ra do kích thích mắt liên tục như chớp, dụi, chạm vào mắt.
Về tâm lý, nước mắt con người là những hiện sinh động cho trạng thái tâm lý khi khóc. Khóc khi: gặp gỡ, từ biệt chia tay, vui buồn, mất mát, hạnh phúc, sung sướng…Những giọt nước mắt thành giọt lệ, tiết ra liên tục ít nhiều lâu chóng.
Nước mắt trẻ thơ khi chưa biết nói tự nhiên khi đói khát, buồn ngủ, vắng mẹ, thời tiết nóng lạnh…
Ai mà không một lần rơi lệ. Ta có thành ngữ trong dân gian ‘‘cất tiếng khóc’’, nghĩa là bộc phát, tự nhiên. Thuật ngữ ‘‘Nước mắt cá xấu’’ chỉ người giả hình. Tục lệ ‘‘khóc mướn’’ bây giờ không còn. Thi sỹ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) có lý khi viết: Khi sinh ra thì đà khóc chóe, đời có vui sao chẳng cười phì.

NƯỚC MẮT TRONG THÁNH KINH
Tiếng khóc trong Thánh Kinh là kêu than, cầu cứu, hối lỗi ăn năn sám hối
1. Tôi khóc nức nở, vì không ai được coi là xứng đáng mở sách và nhìn vào đó. Một trong các vị kỳ lão bảo tôi: Đừng khóc nữa. Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giuda. Chồi non của Đavit, đã chiến thắng, Người sẽ mở cuốn sách và bảy ấn niêm phong. (Kh 4, 4-5)
2. Sau các Thánh Anh Hài bị giết. Ở Roma, vẳng nghe tiếng khóc than rên rỉ: tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa (Mt 2, 8)
3. Chúa Giêsu khen đội trưởng có đức tin, chữa người đầy tớ ông khỏi bệnh. Người nói : Ai không dự tiệc Nước Trời sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm, khóc lóc nghiến răng. (x. Mt 8, 5-13)
4. Chúa Giêsu phán đoán về thế hệ về Người và ví thế hệ này : không biết khóc than. (x. Mt 11, 16)
5. Đến ngày tận thế, kẻ xấu được tách ra khỏi người công chính, rồi quăng vào lò lửa. Ở đó chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng (x.Mt 13, 49-50)
6. Người dự tiệc cưới mà không mặc áo cưới sẽ bị trói chân tay lại và bị quăng vào chỗ tối tăm, khóc và nghiến răng (x. Mt 22, 13)
7. Ông Phêrô sực nhớ lời Đức Giêsu nói: Gà chưa gáy thì anh đã chối Thày ba lần. Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết (Mt 27, 75)
8. Chúa Giêsu động lòng thương nói với bà góa có con trai duy nhất chết: “đừng khóc”. Rồi, Chúa truyền cho người chết chỗi dậy (x. Lc 7,11-17)
9. Phúc thay những kẻ than khóc, vì họ sẽ được an ủi (Mt 5, 5)
10. Chúa Giêsu thấy bà Maria khóc nức nở và người Do Thái cùng khóc vì Lagiaro mới qua đời. Chúa thổn thức, xúc động rơi lệ. Nên Chúa cho Lagiarô sống lại, dù đã nặng mùi. (x. Ga 11, 32-45)
11. Thánh Phaolô khuyên giáo dân Roma: Vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12, 15)
12. Những ai không trung thành với lời Chúa chúc phúc mà sống ‘‘giàu có, no nê, vui cười’’ mà người khác đang phải khóc lóc. (x. Lc 17, 25)
13. Khi tới Jerusalem, Chúa khóc thành sẽ bị phá hủy ‘Không còn hòn đá nào trên hòn đá nào’’ vì không đón nhận Tin Mừng bình an Ngài mang đến. (x. Lc 19, 41)
14. Người phụ nữ tội lỗi đem dầu thơm vừa khóc vừa xức chân Chúa Giêsu, khi người dùng cơm tại nhà người Pharisiêu (x. Lc 7, 37-38)
15. ‘’Phúc cho anh em là những người là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì an hem sẽ vui cười (Lc 6,21; Mt 5.5)
Riêng ĐGH Phanxico xác định “Biết khóc với người khác’’ : Đó là sự thánh thiện. Ngài viết trong Tông Huấn “Vui Mừng Hoan Hỷ’’:
Người thế gian ngoảnh mặt trước vấn đề đau ốm, buồn phiền gia đình hay chung quanh. Thế giới không muốn khóc lóc, đúng hơn, họ không quan tâm đến những tình cảnh đau thương, tìm cách phủ lấp hoặc che giấu các hoàn cảnh ấy. Người ta tốn nhiều công sức để chạy trốn đau khổ và tưởng rằng có thể che giấu được thực tại, nhưng thực tế cuộc sống không bao giờ vắng bóng thập giá (Tông Huấn số 75).
Người như thế, không sợ chia sẻ đau khổ của người khác và không trốn tránh những hoàn cảnh đau thương. Như thế họ khám phá ra ý nghĩa cuộc sống bằng cách giúp đỡ những người đau khổ. Cảm thông những nỗi thống khổ của người ta và mang lại sự xoa dịu. Người ấy cảm nhận nơi tha nhân là thịt và xương của mình và không sợ đến gần. Thậm chí chạm vào các vết thương của họ. Họ cảm thương người khác đến nỗi mọi khoảng cách đều không còn. Như thế, người ấy có thể lời khuyên của Thánh Phaolô : Hãy khóc với người khóc (Rm 12, 15)
Biết khóc với người khác : Đó là sự thánh thiện (số 76)

KHI VUI NƯỚT MẮT LẠI TRÀO
Vui buồn, đau khổ khóc là thường. Vui mà khóc mới đáng kể. Bà vợ có chồng tù cải tạo ghi trong nhật ký, dở khóc dở cười :
1. 1. Nqày 8.8.1976, nhiều lần nhà bị rỡ ngói, chỉ biết khóc khi bị mất cắp cả mùng mền, chén bát kiểu. Ban ngày cuốn gói gói qua ngoại gửi. Chiều đi làm về lấy. Ra khỏi nhà là kè kè quần áo bên hông. Hở ra là mất. Nhìn chung quanh ai cũng nghi ngờ, lo sợ.
2. Ngày 1.8.976, sau một năm bố chồng mất, con dâu dẫn con ra mộ, thầm khóc: Từ ngày bố mất, nay mới đem con về thăm mẹ. Dẫn con ra thăm mộ và chào bố. Nước mắt em cứ trào ra. Vì bây giờ chỉ biết nói chuyện trước ảnh bố thôi. Bây giờ bố ở gần anh hơn. Em thì bơ vơ, thất nghiệp rồi bố ơi. Con không biết làm gì nuôi con. Không chỗ nào mướn. Xin bố phù hộ cho chúng con.
2.Xin nhắc lại, tin bố mất mãi 2 năm sau mới biết. Trường hợp, bà vợ gửi vào trại một hũ mắm ruốc, ăn cả năm mới hết. Trong mùng, tối khuya, cuối hũ mắm có bọc bao nylon, mở ra thấy ghi : Bố mất 20.8.1976. Không khóc. Còn nước mắt đâu mà khóc...Rồi, vui trào ra nước mắt khi ra khỏi tù sau 7 năm, 1975-1983, về đến Saigon là 23 tháng ChạpTết. Vui sao nước mắt lại trào: Khi con không nhận ra bố. Con chở bố tới nhà thương đón vợ về. Cả nhà dập dùi ngậm ngùi trong nước mắt.

3.Con xưng tội lần đầu 7. 1978, mà không có anh. Nhìn con chịu Mình Thánh, sao nó đơn sơ thánh thiện. Đó là kết quả và công lao chúng mình. Tại nhà thờ Tân Định, lễ cưới hai đứa. Xưa cũng là nơi Em hát lễ. Tân Định là nơi lập nghiệp từ 1940 của gia đình họ Trịnh. Nay tản mát khắp nơi. Nay tro Thu nằm bên cạnh ba má và anh em.
4.Trong thư không gửi, khi chồng lãnh chức Phó Tế Vĩnh Viễn, 28.3.1998, tại Notre Dame de Paris, vợ tân chức thành thật viết : Buổi lễ thật tôn nghiêm và long trọng. Sau câu tuyên thệ : Em bằng lòng. Em đã qùi dưới chân anh. Còn anh nằm sấp, úp mặt xuống đất, cử chỉ nói lên sự phó thác hoàn toàn trong tay Chúa Thánh Thần, nhận lãnh sứ mạng thiêng liêng mà Chúa trao phó. Ôi! Giây phút linh thiêng và xúc động làm sao ấy. “Nước mắt em cứ từ từ lăn ra má’’. Qùi giữa nhà thờ mà tâm hồn em, cứ tưởng lạc vào nơi thiên cung ở đó Bố Mẹ các người đã khuất bà con nội ngoại hai bên chứng dám cho vợ chồng mình. Lời giao ước nhận anh làm chồng khi xưa cách nay 28 năm, như sống lại một cách mãnh liệt và ràng buộc em lần nữa với câu trả lời hôm nay : Con bằng lòng mọi hy sinh và nâng đỡ anh làm tròn sứ mạng Phó Tế mà Chúa trao phó cho anh.
5. Chứng kiến tận mắt các trường hợp:
- Khi con chịu phép Thêm Sức tại GX VN 15 rue Boissonade, Paris 14. Tháng 6. 1986
- Người cha trẻ cầm nến sáng bên con, khóc khi đoàn các em rước ngày con Xưng tội lần Đầu. Mong con học hành giữ đạo nên người.
- Người mẹ nhìn con trong tòa giải tội ra. Người chồng trao khăn cho vợ lau vội giọt lệ trên má.
Thiếu gì người mẹ rưng rưng trao cho con gái kỷ vật ngày cưới. Và nhắn nhủ không ra lời
Hai người trẻ vừa ngấn lệ vừa trao nhau nhẫn cưới hứa lời cam kết chung sống trọn đời trong lễ cưới.
- Người mẹ tiễn con chỉ biết xót thương con khi ‘‘lá vàng còn trên cây, lá xanh rụng xuống’’
Người vợ tuổi chưa tới 40, sáng ngủ dạy lay lay, không thấy chồng dạy, cả tuần bên xác chồng…
- Người vợ kém chồng 20 tuổi khóc chồng vĩnh viễn ra đi bỏ lại 4 con. Bơ vơ biết ai nương nhờ

6. Một y tá kể, những năm đầu và cả sau này làm việc tại nhà thương, sau khi cô được Médaille, bị đồng nghiệp đùn việc. Cô đã vào WC lau nước mắt, khi ra mắt đỏ hoe, Cô khéo đổ lỗi : vì xa nhà, nhớ quê hương hay chồng con trong foyer.

TIẾNG KHÓC TRONG VĂN THƠ - NHẠC
Thật nhiều văn thi sỹ không cầm nổi nỗi lòng vui buồn đã ghi lại cảm xúc của mình. Nước mắt hay giọt lệ là đề tài trữ tình, thơ mộng văn chương, thi ca, hội họa, phim ảnh, âm nhạc, ca kịch…Nhiều phim tâm lý, tình cảm xã hội có nhiều cảnh diễn tả cảm xúc của các vai khi khóc, rơi lệ…tạo đồng cảm và lôi cuốn khan giả.
1. Thân phụ Linh Mục Cung Chi, để lại bài “Khóc Vợ Hiền’’, thật đáng nhớ những dòng:
…Tôi nhớ lại thiết tha thành thực
Người “bạn đường” hiền đức của tôi
Từ ngày giao ước kết đôi
Bà thừa tư cách xứng ngôi “vợ hiền ”…
Nay ý nhiệm Chúa Trời định trước
Bà đã đến ngày nghỉ ngơi
Chúa thương Chúa gọi về Trời
Thưởng công bà cả một đời lo toan
Để thực hiện chu toàn thiên chức
Người phụ nhân hiền đức giầu lòng
Tề gia nội trợ thành công
Để gây hạnh phúc cho chồng cho con
Công ơn bà sẽ còn mãi mãi
Sẽ trọn đời ghi lại lòng tôi
Khóc bà nói chẳng hết lời
Xin bà đang ở nước Trời biết cho…
(Thương Ngàn Thương. Tập I, tr. 300-302)

2.Thi sỹ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái (1920-2017) khóc, tiễn đưa phu nhân qua “Chia Ly Nào’’
Chia ly nào cũng đắng cay
Vợ hiền vất vả suốt ngày ngược xuôi
Tình thương gieo nặng một đời
Em ơi, vắng mặt kiếp người từ nay
Yên vui như giấc ngủ say
Bóng hình của Em, khắc khoải lòng Anh.
Lá vàng lá rụng về đêm
Hơn chi kiếp lá Anh Em chúng mình…
Em ơi, nhớ thương vô ngần (Nghĩa Nợ Tình, tr. 80)
3.Giáo sư Lê Đình Thông trong bài ‘’Nước mắt của mẹ’’ (Our Lady’s tears) thật xót sa:
Hai cánh hoa rừng cánh hoa chuông
Hương hoa đồng nội một lời thương
Hoa chuông vừa nở xuân hồng đến
Ngôn ngữ giao duyên nghe rất suông
Hoa treo lơ lửng trên cành biếc
Ngó xuống phận đời cuộc biến dâu
Thương hải tang điền đừng luyến tiếc
Hoa trắng nghiêng mình cũng đã lâu…

4.Thi sỹ Linh Mục Trần Lục (1825-1899) diễn tả toàn vì vui mà khóc, qua việc sinh, dưỡng và giáo dục con cái, trong 3 tập thơ : Hiếu Tự Ca (1088 câu), Nữ Tắc Thường Lễ (1016 câu) và Nịch Ái Vong Ân (440 câu)

Nói sao rơi hai hàng giọt lệ
Lấy lưỡi nào mà kể cho xong
Nặng nề chín tháng cưu mang
Mặt thì tái mét võ vàng xanh xao (HTC, c.11-14)
Không sữa con khóc oa oa
Lòng mẹ như vặn đôi hai hàng
Con khóc lòng mẹ bang hoàng
Mắt rơi nước mắt tìm đàng nuôi con (HTC. 77-80)
Lúc thở dài, thấy ta chưa khỏi
Cũng nhiều khi đến nỗi khóc thầm (HTC. 685-686)
Vì sợ con khóc tiếng thảm sầu. (HTC. 790)
Nghĩ ra thì sự đã rồi
Ôm lòng mà khóc cả đời bằng không. (HTC. 865-866)
Sụt sùi khóc đứng khóc ngồi
Nghĩ mình lại tủi vuối người bầy vai
Cũng công sinh đẻ như ai
Cùng là một kiếp làm người như nhau (H TC. 1065-1068)
Ta chơi cha mẹ mới mừng
Ta khóc cha mẹ ngập ngừng với ta (NTTL 143-144)
5. Hai thi sỹ Đặng Trần Côn ( 1710-1745) viết bằng chữ Nho và Đoàn Thị Điểm (1705-1749) dịch ra chữ Nôm, đồng tác giả, trong Chinh Phụ Ngâm (412 câu) kể cảnh chia ly, rơi nước mắt :
Ca quyên làm rơi nước mắt
Trống triều khua như rứt buồng gan
Võ vàng đổi khác dung nhan
Khuê ly mới biết tân toan dường này.
Nếm chua cay tấm lòng mới tỏ
Chua cay nầy há có vì ai
Vì chàng lệ thiếp rỏ đôi
Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề. (c. 249-252)


6. Thi sỹ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) trong Lục Vân Tiên, 2246 câu lục bát. Cuộc viếng thăm tràn đầy nước mắt, khóc đi khóc lại, nước mắt vẫn còn.
Nhân khi Tử Trực hồi hương
Vào nhà họ Vũ, thăm chàng Vân Tiên
Công rằng : hỏi đến thêm phiền
Nó đà lâm bệnh, hoàng tuyền xa chơi
Thương thay tài trí ở đời
Nhỡ đường danh phận, nhỡ nơi tơ hồng
Nghe thôi Tử Trực động lòng
Hai hàng nước mắt ròng ròng như mưa (c. 1249-125610)
Tay lau nước mắt, trở ra
Vội về sắm sửa sang qua Đông Thành (c. 1305-1306)

7. Nhà văn trào phúng Hồ Trọng Hiếu Tú Mỡ (1900-1976, trong Tự Lực Văn Đoàn) ‘’Khóc Người Vợ Hiền’’ mất 1947. Xin trích dẫn 3 đoạn trong 60 câu thơ tự tình. Người ‘’về trước’’ kẻ ‘’về sau’’. Người ‘‘đi’’ kẻ ‘‘phải ở’’.
Bà Tú ơi ! Bà Tú ơi
Té ra bà đã qua đời, thực ư?
Tôi cứ tưởng nằm mơ quái ác
Vùng dậy là tỉnh giấc chiêm bao
Tỉnh dậy, nào thấy đâu nào
Nào đâu bóng dáng ra vào hôm mai
Đâu bóng dáng con người thùy mị
Tuy tuổi già sấp xỉ bảy mươi
Vẫn còn khỏe mạnh, vui tươi
Le te, nhanh nhẹn như thời thanh xuân
Nhìn sau lưng vô tình cứ ngỡ
Một cô nào thiếu nữ thanh tân
Vậy mà cái chết bất thần
Cướp bà đi mất, vô ngần xót xa
Kể từ khi đôi ta kết tóc
Thấm thoát gần năm chục năm qua
Thủy chung chồng thuận vợ hòa
Gia đình hạnh phúc thật là ấm êm…
Tôi có khổ âu là chỉ khổ
Vì thiếu bà nhà cửa vắng tanh
Khổ khi thức giấc canh tàn
Bên giường trống trải một mình nằm mơ
Khổ nhớ lại sớm trưa ngày trước
Pha ấm trà chén nước mời nhau
Giờ tôi chẳng thấy bà đâu
Bên bàn thờ nhắp chén sầu đầy vơi...
Ôi ! Duyên nợ thế thôi là hết
Năm mươi năm thấm thiết yêu nhau
Bà về trước, tôi về sau
Thôi đành tạm biệt, nuốt sầu gượng vui
Bà đi rồi nhưng tôi phải ở
Công việc đời còn dở tí thôi
Bao giờ nhiệm vụ xong xuôi
Về nơi cực lạc, lại tôi với bà
Thắt lưng bó que, sắn váy quai cồng
Tất tưởi chân nam chân xiêu
Vì tớ đỡ đần trong mọi việc
Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng
Búi tóc củ hành, buông quần lá tọa
Gật gù tay đũa tay chén
Cùng ai kể lể chuyện trăm năm?
8. Thi sỹ Trần Tế Xương (1870- 1907) ngậm ngùi ‘‘Khóc vợ bạn’’khuất bóng trên cõi đời, ra đi trước chồng.
Quả núi Châu Phong mới bắc cầu
Thương anh về trước vợ về sau
Tên đề bảng phấn ai không tiếc
Tiếng khóc non xanh vượn cũng sầu
Có mẹ tưởng lạc vui gượng lại
Không chồn hồ dễ sống chi lâu
Bắc thang lên hỏi Ông Trời
Thi sỹ khóc vì quá nghèo, đến ‘‘Vay nợ lắm khi trào nước mắt’’

9. Danh sỹ Tôn Thọ Tường (1825-1877) khí khái nên ‘’Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo”

10.Nhà văn thi sỹ Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ, 1907-1987,Tự Lực Văn Đoàn) ) viết trong bài ‘‘Cây đàn muôn điệu’’
Tôi là người bộ hành phiêu lãng
Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi
Tìm cảm giác hay trong tiếng khóc, câu cười
Trong lúc gian lao, trong giờ sung sướng…
11.Thi sỹ Nguyễn Du (1766-1820) để lại kiệt tác ‘Truyện Kiều’’ với 3254 câu thơ lục bát. Thi sỹ diễn tả ‘‘tiếng khóc’’ trong lúc ‘‘đau khổ, sung sướng, vui thích, buồn tủi’’… lẫn lỗn. “Khéo dư nước mắt khóc người cổ sơ’’, nghĩa là ‘‘hơi tý đã khóc’’, dễ khóc, mủi lòng, thương cảm:

- -Khóc than không xiết sự tình
Khéo vô duyên bấy là mình với ta.
Đã không duyên trước chăng mà
Thì chi chút đích gọi là duyen sau (c. 73-76)
- Vân rằng : ‘‘Chị cũng nực cười
Khéo dư nước mắt, khóc người cổ sơ’’
Rằng : Hồng nhan tự nghìn xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu (c. 105-108)
- Hoa trôi bèo dạt đã đành
Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi
Nỗi riêng lớp lớp sóng ngồi
Nghĩ đòi cơn, sụt sùi đòi cơn (c. 219-222)
12. Nhà văn Khái Hưng (Trần Khánh Dư, 1896-1947, Tự Lực Văn Đoàn) trong phần kết ‘‘Anh Phải Sống’’ : Đèn điện sáng rực xuống bờ sông. Gió đã lặng. Một người đàn ông bế một con trai ngồi khóc. Hai đứa con gái đứng bên cạnh. Đó là gia đình bác phó Thức ra bờ sông từ biệt lần cuối linh hồn kẻ đã hy sinh vì lòng thương con. Trong cảnh bao la, nước sông vẫn lãnh đạm chảy xuôi dòng. (Anh Phải Sống. Sài Gòn ấn loát. Đức. Tr. 13)
13. Thi sỹ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều ( 1741-1798) trong Cung Oán Ngâm Khúc có lần:
-Thảo nào khi mới chôn nhau
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra
-Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò biển nương dâu
Trắng răng đến thủa bạc đầu
Tử, sinh, kinh cụ làm nau mấy lần

14. Thi sỹ Cao Bá Quát (? -1854) tương tự đặt câu hỏi:
Vừa sinh ra đà khóc chóe
Trần gian vui sao chẳng cười khì?
15. Thi sỹ Nguyễn Bính (1906-1951) mô tả rõ nét khi người con gái bước vào sự nghệp:
Gái lớn ai không phải lấy chồng,
Can gì mà khóc, nín đi không!
Nín đi ! Mặc áo ra chào họ
Rõ qúi con tôi các chị trông
16. Thi sỹ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) trong bài ‘Cây Thông’’:
Ngồi buồn mà trách ông xanh
Khi vui muốn khóc, buồn tanh lại cười...
17. Văn hào Pháp, Henry Bordeaux (1870-1963) có lời khuyên: Con ơi, khi con cất tiếng khóc oe oe, thì người chung quanh mỉm cười sung sướng. Hãy sống sao cho, một ngày nào đó, con có thể mỉm cười nhắm mắt xuôi tay khi người chung quanh con rơi lệ. (www simonhoadalat.com 1.2019)
18. Thời cha ông chúng ta ‘’khóc như mưa’’ lúc tiễn người lính lên đường tòng quân :
Ngang lưng thì thắt bao vàng
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước xuống thuyền nước mắt như mưa.

trong bản nhạc ‘Giọt Mưa Thu’’diễn tả:
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời nắng u buồn hắt hiu ngừng trôi.
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu, ai khóc ai than hờ.
Ai nức nở thương đời…
20. Nhạc sỹ Trần Hoàn (1928- 2003) ghi lại tiếng khóc trung thực trong ‘’Sơn Nữ Ca’’:
Đừng làm thắc mắc cho lòng khô cạn từ lâu nước mắt sầu thương
21. Nhạc sỹ Lê Thương (1914-1996) trong ‘‘Ai Xuôi Vạn Lý’’ (Hồn vọng phu 2) kể người vợ ôm con chờ chồng: Hình hài người bế con nước chảy chan hòa. Thấm vào tâm hồn đứa con
22. Nhạc sỹ Y Vân (1933-1992) nổi tiếng qua bài ‘Lòng Mẹ’’, công ơn mẹ ghi bằng nước mắt: Bao năm nước mắt như suối nguồn. Chảy vào tim con. Mái tóc chót ẫm sương.
23. Nhạc sỹ Phạm Đình Chương ( 1933-1992), ngày Tết bên ‘’Ly Rượu Mừng’’ vẫn làm ‘‘nhòa con mắt’’ những người mẹ thương con. Kìa nơi xa xa có bà mẹ già, từ lâu mong con, mắt vương lệ nhòa.

24. Hai nhạc sỹ Công Giáo Hải Linh và Thế Kiên hướng dẫn cộng đoàn lúc nào cũng tỏ ra ‘’lòng con đau đớn’’nghẹn ngào : Ớ Cha nhân từ, xin thương xem người tội lỗi. Kêu khóc than van đêm ngày hết lòng cậy trông.

25. Kinh Lạy Nữ Vương quen thuộc : Lạy Nữ Vương Mẹ Nhân Lành làm cho chúng con được vui được sống. Thân lạy Mẹ chúng con, con cháu Evà ở nơi khóc lóc kêu khấn Bà xin…
26. Thánh Vịnh 136, 1-2

Bờ sông Ba-by-lon
ta ra ngồi nức nở
mà tưởng nhớ Xion
trên những cành dương liễu
ta tạm gác cây đàn
27. Thánh Vịnh 125, 6 :
Người đi trong nước mắt
đem hạt giống gieo trên ruộng đồng
người về miệng vui ca tay ôm bó lúa ngát hương
Thánh Thi đọc sáng Chúa Nhật thứ IV :
Nguyện giờ đây Ngài chuyển lòng nhân thế
Biết khóc than lầm lỗi kiếp phàm trần
Đường đức hạnh luôn bền tâm vững chí
Khiến lòng trời lại ban xuống hồng ân

NHỮNG MẨU TRUYỆN
1. Đây chuyện bên đường. Một hôm sau, có anh kia gặp người ăn mày, dừng lại bố thí. Người ăn mày hỏi :
- Tại sao anh khóc?
- Tôi, đâu có khóc
- Anh không khóc bên ngoài, nhưng đang khóc trong lòng
- Tôi khóc bởi không dám bước vào căn nhà của tình yêu có thập giá.
Người ăn mày và anh ta ngồi bên nhau thông cảm, khích lệ cùng đi... vào căn nhà tình yêu trọn hảo (Kỷ yếu Dòng MTG Los Angeles, 200, tr. 77)
2. Cô y tá kể lại trong nhật ký, 1999 : Hôm đó, khoảng 8g, trại trong nhà thương túi bụi công việc. Thì có ông cụ vào, xin gỡ băng tại ngón tay ngay, sớm. Vì có hẹn với vợ cùng ăn sáng. Vợ bị bệnh ‘quên, mất trí’’. Vợ không nhận ra chồng. Cô y tá phụ bác sỹ gỡ băng cho ông, xong. Ông đi khỏi, cô nhỏ lệ và thầm nghĩ, đó mới là tình yêu chân thật. (Ns GXVN số 349. 1.2019, tr. 11)
3. Truyện ‘’Cô bé bán diêm’’ (La Petite Fille aux Allumettes, 1845) của văn hào Hans Christian Anderson (1805-1875) Đan Mạch. Cô bé 10 tuổi ngồi trên vỉa hè bán diêm cả ngày không ai mua đồng nào. Cô đã rơm rớm khi chàng Anderson đến. Cô tâm sự : bà và mẹ đã chết. Sợ không dám về nhà vì cha đánh chết, không mang tiền về. Chàng động lòng, thăm hỏi, vuốt tóc lại đặt vào tay cô bé tất cả tiền trong túi và đi xa hẹn nhau năm sau trở lại tặng món quà đặc biệt. Sau 1 năm Anderson trở lại, người ta cho biết cô bé đã chết cóng giữa hai căn nhà, tự bao giờ. Hai má đỏ, miệng vẫn mỉm cười. Khi đưa xác cô, người ta khám phá trong túi áo cô rớt ra có quản bút làm bằng bao diêm ghi : tặng chú Anderson. (Ns HN 312. 12.2018. Ttr.76-78)
4. Đức Cha Jean Casseigne Sanh (1895- 1973) đã khóc khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục Saigon, 1953 : Tôi khóc vì một lần mất mẹ và lần này xa các con Thượng của tôi. Vì vậy sau khi hết làm Gm Sài gòn Ngài đã trở về Di Linh

5. Theo thống kê, đàn bà khóc nhiều hơn đàn ông. Vì họ kiềm chế được. Xin ghi lại tài Iiệu “NƯỚC MẮT ĐÀN BÀ”. Và xin chân thành cảm tạ những dòng lệ âm thầm nhiều hơn công khai vì cuộc sống chung đụng.
Một hôm, thấy mẹ khóc, cậu bé hỏi mẹ: Tại sao mẹ khóc?
Bà mẹ trả lời: bởi vì mẹ là đàn bà
Cậu bé đáp: Con không hiểu được mẹ ơi.
Bà mẹ ghì chặt con vào lòng và nói :
Con sẽ không bao giờ hiểu nổi.
Ít lâu sau, cậu bé hỏi bố: Tại sao mẹ khóc?
Ông bố chỉ có thể trả lời: Tất cả phụ nữ thường khóc chẳng có lý do nào.
Khi trưởng thành, người thanh niên hỏi Thiên Chúa
Lạy Chúa
Sao phụ nữ khóc dễ dàng quá vậy?
Và anh được trả lời:
Khi Ta dựng nên phụ nữ, họ phải là con người đặc biệt
Ta làm cho vai phụ nữ có sức mạnh để gánh đỡ sức nặng của thế giới
và bà có đủ sự dịu hiền để đáp ứng mọi hoàn cảnh.
Ta cho bà sức mạnh trao truyền sự sống
và bà chấp nhận chịu đựng sự phũ phàng của con cái
Ta cho bà để bà chăm sóc gia đình, dù bà đang bệnh tật và mệt nhọc
Ta ban cho phụ nữ lòng nhạy cảm để yêu con cái vô điều kiện
cả trong khi con cái làm tổn thương bà cực độ.
Ta cho bà sức mạnh để chịu đựng chồng và những khuyết điểm của ông.
và sống bên cạnh ông mà không sờn lòng
Cuối cùng, Ta cho phụ nữ nước mắt để trào ra khi họ cần
Con thấy không, vẻ đẹp phụ nữ không phải trên quần áo mặc
cũng không trên khuôn mặt, hay trong cung cách chải chuốt mái tóc
Nét đẹp của phụ nữ ẩn hiện ngay trong khóe mắt của họ
Đó là cửa ngõ trái tim, cửa của tình yêu cao thẳm
Và thường xuyên qua nước mắt mà con nhìn thấy tâm hồn họ.
(Phạm Thị Thu (2014) dịch theo bản văn của Marie Paule
Trích trong Montagne Limousine, số 551, 2.2007)

Kết thúc bằng đọc kinh cầu cho các bà mẹ Công Giáo, xin làm tròn bổn phận làm mẹ
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể
Chúa là Vua Tình Yêu
Giờ này đang ngự trong linh hồn con
Xin cho linh hồn tràn ngập lửa mến
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể
Chúa là bạn đồng hành của chúng con trên đường nhân thế
Xin hướng dẫn và an ủi con những khi thất vọng u buồn
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể
Chúa là Bánh Thiên Thần dưỡng nuôi nhân thế
Xin cho con đầy đủ nghị lực hầu về chốn bình an
Lạy Mẹ Maria
Mẹ đã ban Chúa Giêsu cho con
Con xin đội ơn Mẹ chẳng cùng
Chúa Giêsu ngự trong linh hồn con
Là Con yêu dấu của Mẹ
Mình và Máu Thánh nuôi dưỡng linh hồn con
Là thịt máu của Mẹ
Con sẽ mang Chúa về cùng gia đình
Hầu cho gia đình con trở nên cung thành sống động
Luôn hợp nhất với Chúa Giêsu
Xin Mẹ chúc lành cho gia đình con được ấm êm
Và thánh thiện như gia thất Nazareth xưa
Sốt sắng thờ phượng Chúa ở đời này
Cho ngày sau vợ chồng con cái được gặp nhau trên Nước Thiên Đàng.Amen