Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Hội trường Phaolô VI, Thứ tư, ngày 18 tháng 1 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu với Chúa Giêsu như mô hình công bố. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!
Thứ Tư tuần trước, chúng ta đã bắt đầu một chu kỳ giáo lý về niềm đam mê rao giảng Tin Mừng, nghĩa là về lòng nhiệt thành tông đồ phải làm sinh động Giáo hội và mỗi Kitô hữu. Hôm nay chúng ta nhìn vào mẫu gương công bố khó lòng vượt qua được: Chúa Giêsu, Đấng mà Tin Mừng Lễ Giáng Sinh gọi là “Lời Thiên Chúa” (x. Ga 1:1). Việc Người là Ngôi Lời cho chúng ta thấy một khía cạnh thiết yếu của Chúa Giêsu: Người luôn tương quan, đi ra ngoài, không bao giờ cô lập, luôn ở trong tương quan, đi ra ngoài; trên thực tế, lời nói hiện hữu để được truyền đi, được thông truyền. Chúa Giêsu là như vậy, Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha được ngỏ với chúng ta, được thông truyền cho chúng ta. Đức Kitô không chỉ có lời ban sự sống, nhưng Người biến cuộc đời mình thành Lời, thành sứ điệp: nghĩa là Người sống luôn hướng về Chúa Cha và về chúng ta. Luôn nhìn về Chúa Cha là Đấng đã sai Người và nhìn chúng ta là những người Người được sai đến.
Thật vậy, nếu chúng ta nhìn vào những ngày của Người, được mô tả trong Tin Mừng, chúng ta thấy rằng sự thân mật với Chúa Cha, việc cầu nguyện, được đặt lên hàng đầu, vì thế Chúa Giêsu dậy sớm, khi trời còn tối, và đi vào những nơi vắng vẻ để cầu nguyện (xem Mc 1:35; Lc 4:42) để thưa chuyện với Chúa Cha. Mọi quyết định và chọn lựa quan trọng nhất đều được thực hiện sau khi đã cầu nguyện (x. Lc 6:12; 9:18). Chính trong mối tương quan này, trong lời cầu nguyện liên kết Người với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần này, mà Chúa Giêsu khám phá ra ý nghĩa việc Người làm người, việc Người hiện hữu trong thế gian vì Người đang thi hành sứ vụ cho chúng ta, được Chúa Cha sai đến với chúng ta.
Về phương diện này, cử chỉ công khai đầu tiên mà Người thực hiện sau nhiều năm sống ẩn dật ở Nadarét thật đáng lưu ý. Chúa Giêsu không thực hiện một phép lạ vĩ đại, Người không gửi một thông điệp hữu hiệu, nhưng trà trộn với những người đi chịu phép rửa của Gioan. Như thế, Người cống hiến cho chúng ta chìa khóa hiểu hành động của Người trong thế giới: ra sức hết mình vì tội nhân, bày tỏ tình liên đới với chúng ta không phân cách, trong việc chia sẻ trọn vẹn sự sống. Thật vậy, khi nói về sứ vụ của Người, Người nói rằng Người không đến “để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình” (Mc 10:45). Mỗi ngày, sau khi cầu nguyện, Chúa Giêsu dành cả ngày để loan báo Nước Thiên Chúa và dành cả ngày ấy cho người ta, đặc biệt cho những người nghèo nhất và yếu đuối nhất, cho những người tội lỗi và bệnh tật (x. Mc 1:32-39). Nghĩa là Chúa Giêsu tiếp xúc với Chúa Cha trong cầu nguyện, rồi tiếp xúc với mọi người để truyền giáo, để dạy giáo lý, để dạy con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa.
Bây giờ, nếu chúng ta muốn trình bầy lối sống của Người bằng một hình ảnh, chúng ta dễ dàng tìm thấy nó: chính Chúa Giêsu cống hiến hình ảnh đó cho chúng ta, chúng ta đã nghe Người nói về Người như Mục Tử Nhân Lành, Đấng – Người nói – “ hy sinh mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10: 11) đó chính là Chúa Giêsu. Thật vậy, mục tử không chỉ là một công việc đòi hỏi thời gian và rất nhiều cam kết; đó là một cách sống thực sự: hai mươi bốn giờ một ngày, sống với đàn chiên, cùng chúng ra đồng cỏ, ngủ giữa đàn chiên, chăm sóc những con yếu nhất. Nói cách khác, Chúa Giêsu không làm gì cho chúng ta, nhưng cho đi tất cả, hiến mạng sống vì chúng ta. Trái tim của Người là trái tim mục tử (xem Edk 34:15). Người hướng dẫn tất cả chúng ta.
Thật vậy, để tóm tắt hoạt động của Giáo hội trong một chữ, chính thuật ngữ chuyên biệt “mục vụ” thường được sử dụng. Và để đánh giá tính mục vụ của chúng ta, chúng ta phải đối diện với kiểu mẫu, đối diện với Chúa Giêsu, Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Trước hết, chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có bắt chước Người uống từ suối nguồn cầu nguyện, để tâm hồn chúng ta hòa hợp với lòng Người không? Sự gần gũi với Người, như cuốn sách hay của Cha Chautard gợi ý, là “linh hồn của mọi hoạt động tông đồ”. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ điều đó với các môn đệ: “Không có Thầy, anh em chẳng làm được gì” (Ga 15:5). Nếu anh chị em ở với Chúa Giêsu, anh chị em sẽ khám phá ra điều này: trái tim mục tử của Người vẫn đập cho những người bối rối, lạc lối, xa cách. Còn trái tim chúng ta? Biết bao lần thái độ của chúng ta đối với những người hơi khó tính hoặc khó tính một chút được thể hiện bằng những lời này: “Nhưng đó là chuyện của bọn nó, để bọn nó lo…”. Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ nói như thế, không bao giờ, nhưng luôn ra đi gặp gỡ tất cả những người tội lỗi bị gạt ra bên lề xã hội. Người bị tố cáo về điều đó, là ở với những người tội lỗi, vì Người đã mang lại cho họ sự cứu rỗi của Thiên Chúa.
Chúng ta đã nghe dụ ngôn con chiên lạc, ở chương 15 của Tin Mừng Luca (x. câu 4-7). Chúa Giêsu cũng nói về đồng bạc bị mất và đứa con hoang đàng. Nếu muốn đào tạo lòng nhiệt thành tông đồ, chúng ta phải luôn ghi nhớ chương 15 Tin mừng Luca. Anh chị em hãy thường xuyên đọc nó, ở đó chúng ta có thể hiểu thế nào là lòng nhiệt thành tông đồ. Ở đó, chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa không đứng đó nhìn chừng chừng vào chuồng chiên hay thậm chí đe dọa chúng để chúng không bỏ đi. Ngược lại, nếu có con đi lạc, Người không bỏ rơi con đó, nhưng đi tìm kiếm nó. Người không nói, "mày bỏ đi, lỗi tại mày, kệ mày!" Con tim mục vụ của Người phản ứng cách khác: con tim mục vụ đau khổ, con tim mục vụ mạo hiểm. nó đau khổ: vâng, Thiên Chúa đau khổ cho những người bỏ đi và trong khi thương tiếc họ, Người càng yêu họ hơn. Chúa đau khổ khi chúng ta rời xa trái tim Người. Người đau khổ cho những ai không biết vẻ đẹp của tình yêu và sự ấm áp của vòng tay Người. Nhưng, để đối phó với sự đau khổ này, Người không rút lui, mà mạo hiểm: Người bỏ lại chín mươi chín con chiên đang bình an vô sự và mạo hiểm tìm kiếm con chiên lạc, do đó Người làm một việc mạo hiểm và thậm chí phi lý, nhưng phù hợp với trái tim mục tử của Người vốn thương nhớ những người đã bỏ đi, mong gặp lại những người đã ra đi, đây là một điều nhất quán nơi Chúa Giêsu. Và khi chúng ta nghe tin một người nào đó đã rời bỏ Giáo hội, chúng ta muốn nói gì? "Cứ để mặc kệ họ?" Không, Chúa Giêsu dạy chúng ta nhớ thương những người đã ra đi; Chúa Giêsu không giận dữ hay oán giận, nhưng chỉ khôn nguôi khao khát chúng ta. Chúa Giêsu cảm thấy thương nhớ chúng ta và đó là lòng nhiệt thành của Thiên Chúa.
Và tôi tự hỏi: chúng ta có những tâm tình tương tự hay không? Có lẽ chúng ta xem những người đã rời đàn là đối thủ hoặc kẻ thù. "Còn người này? – há anh ta đã không đi qua phía bên kia hay sao? Anh ta đã đánh mất đức tin, thế nào cũng xuống hỏa ngục...", còn chúng ta thì thanh thản. Thay vào đó, khi chúng ta gặp họ ở trường, ở công sở, trên đường phố, tại sao chúng ta không nghĩ chúng ta có cơ hội tốt để chứng kiến họ hưởng niềm vui của một người Cha luôn yêu thương họ và không bao giờ quên họ? Không phải để cải đạo, không! Nhưng để Lời của Cha có thể vang tới họ để chúng ta cùng tiến bước với nhau. Truyền giảng Tin Mừng không phải là cải đạo. Cải đạo là việc của ngoại giáo, nó không có tính tôn giáo hay Tin Mừng. Có một lời tốt đẹp cho những người đã rời bỏ đàn chiên và chúng ta có vinh dự và gánh nặng là những người nói lời này. Bởi vì Lời này, tức Chúa Giêsu, yêu cầu chúng ta điều này: luôn luôn đến gần mọi người, với tấm lòng rộng mở, vì Người là như vậy. Có lẽ chúng ta vốn theo và yêu mến Chúa Giêsu từ lâu mà chưa bao giờ tự hỏi mình có chia sẻ tâm tình của Người hay không, có đau khổ và mạo hiểm để hòa nhịp với trái tim của Chúa Giêsu, với trái tim mục vụ này, gần với trái tim mục vụ của Chúa Giêsu không! Đây không phải là cải đạo, như tôi đã nói, để người khác trở thành “một trong chúng ta”, không, đó không phải là Kitô giáo: mà là yêu thương để họ là con cái hạnh phúc với Thiên Chúa. Trong cầu nguyện, chúng ta hãy xin ơn có tâm hồn mục tử, cởi mở, đặt mình gần gũi với mọi người, để mang sứ điệp của Chúa cũng như để cảm nhận nỗi khát mong của Chúa Kitô đối với mọi người. Vì, nếu không có tình yêu đau khổ và mạo hiểm này, thì cuộc sống của chúng ta sẽ không suông sẻ: nếu Kitô hữu chúng ta không có tình yêu đau khổ và mạo hiểm này, thì chúng ta có nguy cơ chỉ nuôi dưỡng bản thân bằng chính bản thân mình. Những người chăn chiên tự chăn dắt mình, thay vì chăn dắt đàn chiên, đều là những người chải lông cừu “cực kỳ đẹp đẽ”. Chúng ta không chăn dắt chính mình, nhưng chăn dắt mọi người.