Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI từng là giáo hoàng từ năm 2005 đến năm 2013. Ngài chào đời vào ngày 16 tháng 4 năm 1927, tại Marktl thuộc bang Bavaria của Đức, và được đặt tên là Joseph Ratzinger.
Có rất nhiều điều cần biết về ngài, người đã trở thành linh mục, tổng giám mục, Hồng Y, và giáo hoàng.
1. Ngài rất thích mèo, đàn piano và Mozart.
Khi còn là một Hồng Y sống ở Rôma, ngài chuẩn bị những đĩa thức ăn cho mèo hoang. Khi những con mèo thân thiện gần văn phòng Vatican của ngài bị thương, ngài băng bó vết thương cho chúng.
Vào năm 2005, năm ngài trở thành giáo hoàng, Đức Bênêđíctô có một con mèo lông ngắn màu trắng đen tên là Chico sống tại nhà của ngài ở Bavaria.
Khi chuyển đến sống trong các căn hộ ở Vatican, ngài vẫn phải tuân theo quy định: không được phép nuôi chó mèo.
Những sở thích khác của ngài bao gồm piano, là nhạc cụ mà ngài đã chơi trong nhiều năm. Nhà soạn nhạc Mozart là một người rất được ngài yêu thích.
Đức Bênêđíctô nói với người phỏng vấn Peter Seewald trong cuốn sách năm 1996 “Muối của thế gian”. “Âm nhạc của ngài không chỉ là giải trí; nó chứa đựng toàn bộ bi kịch của sự tồn tại của con người”.
Bào huynh của ngài, Đức Ông Georg Ratzinger, người cũng đã trở thành một linh mục, đã tạo nên sự nghiệp âm nhạc: Đức Ông trở thành người phụ trách thánh nhạc tại Nhà thờ Thánh Phêrô ở thành phố Regensburg của Bavaria.
2. Khi còn trẻ, ngài đã phải thi hành quân dịch trong quân đội Đức Quốc xã. Một chế độ đã chế nhạo mong muốn trở thành linh mục của ngài.
Đức Bênêđíctô XVI tương lai lớn lên tại ngôi làng nhỏ Traunstein ở miền nam nước Đức vào thời điểm Đức Quốc xã thống trị đất nước.
Gia đình Ratzinger chống Đức Quốc xã. Cha của ngài, một cảnh sát, đã đăng ký mua một tờ báo chống Đức quốc xã. Chủ bút của tờ báo Fritz Gerlich, đã bị Đức quốc xã sát hại. Một người em họ 14 tuổi của Ratzinger mắc hội chứng Down đã bị Đức quốc xã bắt đi và nhanh chóng qua đời. Anh ta có lẽ đã bị sát hại trong chiến dịch vô nhân đạo của Đức Quốc Xã chống lại những người mà họ cho là khiếm khuyết, và là gánh nặng của quốc gia.
Thanh niên Joseph Ratzinger đã phản đối các hoạt động bắt buộc của đám Thanh Niên Hitler và tìm cách né tránh một số hoạt động, như sau này ngài kể lại trong cuốn hồi ký “Các cột mốc”. Chị gái của ngài đã từ chối trở thành một giáo viên vì không muốn bị buộc phải dạy một chương trình ca tụng Đức Quốc xã.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Ratzinger phải đi nghĩa vụ quân sự. Ngài và anh trai Georg đều muốn trở thành chủng sinh. Khi một đám SS tập hợp Ratzinger và những người lính khác đến một cuộc họp tuyển dụng vào SS, mong muốn trở thành linh mục của ngài đã khiến ngài bị chế giễu và lăng mạ - nhưng cũng vì thế, ngài thoát được việc phải phục vụ trong quân đoàn SS sắt máu.
Trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến, ngài đã đào ngũ, là một hành động có thể bị trừng phạt bằng cái chết.
Trong chuyến thăm tháng Tư năm 2008 đến Đại chủng viện Thánh Giuse ở Yonkers, New York, Đức Bênêđíctô đã gọi Đức Quốc xã là “một chế độ độc ác tưởng rằng nó có tất cả các câu trả lời”.
“Ảnh hưởng của nó ngày càng lớn - xâm nhập vào các trường học và cơ quan dân sự, cũng như chính trị và thậm chí cả tôn giáo - trước khi nó được công nhận hoàn toàn là một con quái vật. Nó trục xuất Chúa và do đó trở nên thù ghét bất cứ điều gì chân chính và tốt đẹp.”
Mặc dù chủ nghĩa Quốc xã đã bị đánh bại, ngài vẫn cảnh báo những người nghe mình rằng nó vẫn còn “sức mạnh để tiêu diệt.” Nhưng Chúa Giêsu Kitô đã cứu chúng ta khỏi điều này: “Đấng chỉ cho chúng ta con đường vượt qua sự chết, là Đấng chỉ cho chúng ta cách chiến thắng sự hủy diệt và sợ hãi: do đó, chính Chúa Giêsu là thầy dạy đích thật của sự sống.”
3. Sau khi sống dưới những tệ nạn của chủ nghĩa Quốc xã, Đức Bênêđíctô nhận thấy sự cần thiết của sự thật đối với tự do đích thực.
Ngài cảnh báo người Mỹ chống lại sự đen tối của trái tim, “sự nhẫn tâm của trái tim chiếm giữ thứ mà trước tiên là phớt lờ, sau đó là sự chế giễu phẩm giá do Thượng đế ban tặng cho mỗi con người.” Ngài nói, còn có một bóng tối “đặc biệt nham hiểm” của tâm trí, nó thao túng sự thật, bóp méo nhận thức của chúng ta về thực tại, làm hoen ố trí tưởng tượng và khát vọng của chúng ta”.
“Nhưng mục đích nào cho phép một sự 'tự do', bất chấp sự thật, để theo đuổi những điều sai trái? Có bao nhiêu người trẻ đã được chìa ra một bàn tay mà nhân danh tự do hoặc kinh nghiệm đã dẫn họ đến nghiện ngập, mê muội về đạo đức và trí tuệ, bị tổn thương, mất tự trọng, thậm chí là tuyệt vọng và thật bi thảm và đáng buồn là tự kết liễu cuộc sống của mình?”
“Các bạn thân mến, sự thật không phải là sự áp đặt. Nó cũng không chỉ đơn giản là một tập hợp các quy tắc. Đó là một khám phá về Đấng không bao giờ làm chúng ta thất vọng; Đấng mà chúng ta luôn có thể tin cậy. Khi tìm kiếm sự thật, chúng ta sống bằng niềm tin vì cuối cùng sự thật là một con người: Chúa Giêsu Kitô. Đó là lý do tại sao tự do đích thực không phải là một lựa chọn không tham gia. Đó là một lựa chọn tham gia; không gì khác hơn là buông bỏ bản thân và cho phép mình được thu hút vào chính bản thể của Chúa Kitô vì người khác.”
4. Ngài lấy tên là Đức Bênêđíctô để tôn vinh một vị giáo hoàng và một vị thánh.
Trong buổi tiếp kiến chung vào ngày thứ Tư ngay sau cuộc bầu cử vào tháng 4 năm 2005, ngài giải thích rằng ngài đã chọn tên Bênêđíctô như một liên kết với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV, người đã “hướng dẫn Giáo hội vượt qua thời kỳ hỗn loạn của Chiến tranh thế giới thứ nhất.” Ngài nói rằng cái tên này cũng gợi lên nhà lãnh đạo tu viện ở thế kỷ thứ sáu, Thánh Bênêđíctô thành Nursia, và quan điểm của ngài trong việc hình thành “nguồn gốc Kitô Giáo không thể chối cãi của văn hóa và văn minh Âu Châu”.
Với tư cách là giáo hoàng, Đức Bênêđíctô thường nói về sự cần thiết phải truyền giáo. “Không có ưu tiên nào lớn hơn điều này: đó là giúp con người trong thời đại chúng ta một lần nữa gặp gỡ Thiên Chúa, Thiên Chúa nói với chúng ta và chia sẻ tình yêu của Người để chúng ta có được cuộc sống sung túc,” ngài nói trong tông huấn Verbum Domini, nghĩa là “Lời Chúa” vào năm 2010
5. Đức Bênêđíctô XVI đã có những quyết định lớn chống lại nạn giáo sĩ lạm dụng trẻ em.
Hàng trăm linh mục phạm tội lạm dụng tình dục đã bị trừng phạt dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô. Đây là sự tiếp nối công việc trước đây của ngài tại Bộ Giáo lý Đức tin, cơ quan đã có được quyền hạn cao hơn đối với các vụ lạm dụng tình dục giáo sĩ vào năm 2002.
Hai tháng sau khi lên ngôi giáo hoàng, Đức Bênêđíctô đã kỷ luật Cha Marcial Maciel, người sáng lập có sức lôi cuốn và có ảnh hưởng lớn của Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, người từ lâu đã bị buộc tội lạm dụng tình dục các chủng sinh và sau đó được cho là đã có một cuộc sống hai mặt vô cùng tai tiếng.
Tranh cãi đã nổ ra liên quan đến cáo buộc cho rằng Đức Bênêđíctô XVI, khi còn là Tổng giám mục Munich và Freising từ năm 1977 đến năm 1982, đã cho một kẻ lạm dụng tình dục là Cha Peter Hullermann làm việc mục vụ. Những cáo buộc này đã bị Tòa thánh và phụ tá thân cận của Đức Bênêđíctô là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein mạnh mẽ bác bỏ.
Vị tổng đại diện vào thời điểm đó đã hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định bổ nhiệm linh mục từ bên ngoài tổng giáo phận đến một giáo xứ mà không có bất kỳ hạn chế mục vụ nào, nơi Cha Hullermann lại lạm dụng một lần nữa.
Tổng giáo phận Munich đã phát hành một báo cáo được chờ đợi vào ngày 20 tháng Giêng về việc giải quyết các khiếu nại lạm dụng từ năm 1945 đến năm 2019. Theo truyền thông Đức, Đức Bênêđíctô đã gửi 82 trang các ghi chép cho các nhà điều tra biên soạn báo cáo.
6. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên từ chức sau gần 600 năm.
Vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, Đức Bênêđíctô 85 tuổi đã gây chấn động thế giới khi tuyên bố nghỉ hưu bằng tiếng Latinh. Ngài cho rằng tuổi cao và sức yếu là những lý do khiến ngài không thích hợp để thực hiện chức vụ của mình.
Vào ngày 28 tháng 2, ngày mà đơn từ chức của ngài có hiệu lực, Đức Bênêđíctô đã đi từ Thành phố Vatican đến Castel Gandolfo bằng trực thăng.
“Tôi chỉ đơn giản là một người hành hương đang bắt đầu chặng cuối cùng của cuộc hành hương trên Trái đất,” ngài nói trong những lời cuối cùng với tư cách là giáo hoàng. “Hãy cùng tiến lên với Chúa vì lợi ích của Giáo hội và thế giới.”
Hoàn cảnh bất thường của một cựu giáo hoàng có nghĩa là Đức Bênêđíctô đã “đồng tác giả” một cách hiệu quả trong một thông điệp với người kế nhiệm.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết hợp văn bản chưa hoàn thành của Đức Bênêđíctô trong thông điệp Lumen Fidei năm 2013 của ngài, tuyên bố đây là “tác phẩm của bốn bàn tay”.
Các thông điệp của Đức Bênêđíctô XVI là Deus Caritas Est - Thiên Chúa là tình yêu, công bố năm 2005, Spe Salvi - Được Cứu Rỗi Trong Hy Vọng, công bố năm 2007, và Caritas in Veritate – Đức Ái Trong Chân Lý, công bố năm 2009, về các đức ái và đức cậy của Kitô Giáo.
7. Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi Đức Bênêđíctô là ông nội của tất cả các ông nội.
Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô Đức Bênêđíctô là “ông nội của tất cả các ông nội”
“Tôi đã nói nhiều lần rằng tôi rất vui khi ngài sống ở đây, ở Vatican này, bởi vì nó giống như có một người ông thông thái ở nhà. Cảm ơn ngài!”
Đó là những lời của vị giáo hoàng đương nhiệm với người tiền nhiệm của mình vào ngày 28 tháng 9 năm 2014, tại một cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và những người cao niên từ khắp nơi trên thế giới - bao gồm cả Đức Bênêđíctô.
8. Đức Bênêđíctô là một nhà tư tưởng sâu sắc. Ngài nhấn mạnh cả đức tin và lý trí trong đời sống Kitô Giáo và trong văn hóa phương Tây.
Trong bài giảng của mình trước Cơ Mật Viện năm 2005 bầu ngài vào ngôi giáo hoàng, Đức Ratzinger đã nói về một “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất”.
Ngài nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu Kitô là “thước đo của chủ nghĩa nhân bản đích thật. Đức tin ‘trưởng thành’ không phải là một đức tin trôi theo những làn sóng thời thượng hay mốt mới. Đức tin với vóc dáng đầy đủ và trưởng thành là một đức tin ăn rễ sâu xa nơi tình bằng hữu với Chúa Kitô. Đó là tình bằng hữu mở lòng chúng ta cho tất cả những gì là thiện hảo và cho chúng ta những tiêu chuẩn để phân biệt giữa đúng và sai, giữa giả trá và chân thật.”
Các cuốn sách của ngài bao gồm “Nhập môn Kitô Giáo”, tập hợp các bài giảng đại học của ngài, và “Chúa Giêsu thành Nazareth”, là một nỗ lực của ngài để giải thích Chúa Giêsu Kitô với thế giới hiện đại. Trước khi được bầu làm giáo hoàng, ngài đã có hai cuộc phỏng vấn nổi tiếng với nhà báo người Đức Peter Seewald, được xuất bản với tiêu đề “Báo cáo Ratzinger” và “Muối của thế gian”.
9. Triều đại giáo hoàng của ngài đã tìm cách truyền cảm hứng cho sự đổi mới.
Triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô được đánh dấu bằng những nỗ lực đổi mới văn hóa, trí tuệ và tâm linh, bao gồm cả cải cách phụng vụ. Ngài cũng giúp củng cố Giáo hội sau những nỗ lực cải cách của Công đồng Vatican II. Bản thân Đức Bênêđíctô đã từng tham gia Công Đồng Vatican II vào những năm 1960, nơi ngài từng là chuyên gia cho Hồng Y Joseph Frings, Tổng giám mục của Köln.
Đức Bênêđíctô bác bỏ những giải thích về Công Đồng trong đó nhấn mạnh đến “sự gián đoạn và đoạn tuyệt.” Thay vào đó, ngài nói Công Đồng lịch sử này cần được nhìn nhận trên tinh thần “liên tục” và “cải cách”.
Những nỗ lực của ngài nhằm thiết lập một cách giải thích hợp lý về Công đồng Vatican II đã kéo dài đến cuối thời giáo hoàng. Vào ngày 14 tháng 2 năm 2013, ngài nói rằng ban đầu Công Đồng đã bị diễn giải sai “qua con mắt của giới truyền thông”, và họ mô tả Công Đồng là một “cuộc đấu tranh chính trị” giữa các trào lưu khác nhau trong Giáo hội.
Thứ “Công Đồng của giới truyền thông” này đã tạo ra “nhiều tai họa” và “rất nhiều khốn khổ,” với kết quả là các chủng viện và viện nghiên cứu đóng cửa và phụng vụ bị “tầm thường hóa”.
10. Ngài là cộng tác viên thân cận của Thánh Gioan Phaolô II.
Sau đó, Đức Hồng Y Ratzinger đã phục vụ Thánh Gioan Phaolô II với tư cách là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, một chức vụ mà ngài đã giữ trong hơn 20 năm.
“Tôi đã ở bên cạnh ngài và đến để tôn kính ngài nhiều hơn nữa,” Đức Bênêđíctô kể lại. “Sự phục vụ của chính tôi được duy trì bởi chiều sâu tâm linh của ngài và bởi sự phong phú của những hiểu biết sâu sắc của ngài. Gương cầu nguyện của ngài liên tục gây ấn tượng mạnh và gầy dựng cho tôi”.
Đức Bênêđíctô đã tham gia vào việc soạn thảo Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo và làm sáng tỏ giáo lý Công Giáo. Đôi khi, công việc của ngài đòi hỏi phải phản đối những người Công Giáo dị giáo có ảnh hưởng ở Hoa Kỳ và Tây Âu. Những hành động này vì thế gây ra các phản ứng tiêu cực khi ngài được bầu vào ngôi giáo hoàng.
Với tư cách là Đức Giáo Hoàng, Đức Bênêđíctô XVI đã chủ sự lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II vào ngày 1 tháng 5 năm 2011.
“Đức Gioan Phaolô II được tuyên Chân Phước vì đức tin của ngài, một đức tin mạnh mẽ, quảng đại và tông truyền,” Đức Bênêđíctô XVI nói vào thời điểm đó. “Bằng chứng tá đức tin, tình yêu thương và lòng can đảm tông đồ, cùng với sức lôi cuốn nhân văn cao cả, người con gương mẫu của Ba Lan này đã giúp các tín hữu trên khắp thế giới không sợ bị gọi là Kitô Hữu, thuộc về Giáo hội, và rao giảng Tin Mừng.”
“Nói một cách ngắn gọn: Ngài đã giúp chúng ta không sợ sự thật, bởi vì sự thật là bảo đảm cho quyền tự do. Nói ngắn gọn hơn nữa: ngài đã ban cho chúng ta sức mạnh để tin vào Chúa Kitô, bởi vì Chúa Kitô là 'Đấng cứu chuộc loài người,' Đấng Cứu Chuộc của nhân loại”
11. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã suy nghĩ về ý nghĩa Lễ Giáng Sinh cùng với Thánh Phanxicô Salê.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng và một lần nữa, chúc anh chị em Giáng sinh vui vẻ!
Mùa phụng vụ mời gọi chúng ta dừng lại và suy niệm về mầu nhiệm Giáng Sinh. Và kể từ hôm nay – hôm nay – đánh dấu kỷ niệm 400 năm ngày mất của Thánh Phanxicô Salê, Giám mục và Tiến sĩ Hội Thánh, chúng ta có thể rút ra một gợi ý từ một số suy nghĩ của ngài. Ngài đã viết rất nhiều về Giáng sinh. Về vấn đề này, hôm nay tôi vui mừng thông báo rằng Tông Thư kỷ niệm ngày này được công bố hôm nay. Tựa đề là Mọi điều đều liên quan đến tình yêu, sử dụng cách diễn đạt đặc trưng của Thánh Phanxicô Salê. Trên thực tế, đây là những gì ngài đã viết trong Chuyên luận về Tình yêu Thiên Chúa; ngài viết: “Trong Giáo Hội Thánh thiện, mọi sự đều liên quan đến tình yêu, sống trong tình yêu, được thực hiện vì tình yêu và xuất phát từ tình yêu” (Bản gốc tiếng Ý từ: Ấn bản Paoline, Milan 1989, tr. 80). Và cầu mong tất cả chúng ta cùng đi trên con đường tình yêu đẹp đẽ này.
Như thế, chúng ta hãy cố gắng đào sâu hơn một chút vào mầu nhiệm Chúa Giêsu giáng sinh, “cùng với” Thánh Phanxicô Salê, do đó kết hợp hai lễ kỷ niệm.
Thánh Phanxicô Salê, trong một lá thư gửi cho Thánh Jeanne Frances de Chantal, đã viết như sau: “Tôi hình dung thấy Salomon trên ngai ngà của ngài, tất cả đều được chạm khắc và mạ vàng rất đẹp, như Kinh thánh cho chúng ta biết, không có ngai nào sánh bằng trong tất cả các vương quốc trần gian (1 Các Vua 10:18-20) cũng không có vị vua nào có thể so sánh được với vị vua ngồi trên đó về vinh quang và sự nguy nga (1 Các Vua 10:23). Thế nhưng, tôi thích thấy Chúa Giêsu yêu dấu trong Máng cỏ trăm lần nhiều hơn tất cả các vua chúa của thế gian trên ngai vàng của họ.” Những gì ngài nói thật đẹp đẽ. Chúa Giêsu, Vua của vũ trụ, không bao giờ ngồi trên ngai vàng, không bao giờ: Người sinh ra trong chuồng bò – chúng ta thấy điều đó được thể hiện như vậy [chỉ cho thấy khung cảnh máng cỏ trong Sảnh đường Phaolô VI] – được quấn trong tã và đặt nằm trong máng cỏ; và cuối cùng Người chết trên cây thập tự và được bọc trong một tấm khăn liệm, được đặt trong ngôi mộ. Thật vậy, thánh sử Luca, khi thuật lại việc Chúa Giêsu giáng sinh, đã nhấn mạnh rất nhiều đến chi tiết máng cỏ. Điều này có nghĩa là nó rất quan trọng không phải chỉ là một chi tiết hậu cần. Nhưng phải hiểu nó như một yếu tố tượng trưng ra sao? Để hiểu Đấng sinh ra ở Bêlem là Đấng Mêxia nào; Người là loại Vua nào, Chúa Giêsu là ai. Nhìn máng cỏ, nhìn lên thánh giá, nhìn vào cuộc đời của Người, một cuộc đời đơn sơ, chúng ta mới hiểu Chúa Giêsu là ai. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta bằng cách trở thành con người giống như chúng ta; tước bỏ vinh quang của Người và hạ mình xuống (xem Pl 2:7-8). Chúng ta nhìn thấy mầu nhiệm này một cách cụ thể ở tiêu điểm của máng cỏ, cụ thể là việc Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Đây là “dấu chỉ” mà Thiên Chúa ban cho chúng ta vào Lễ Giáng Sinh: đó là thời các mục đồng ở Bêlem (xem Lc 2:12), ngày nay và sẽ luôn như vậy. Khi các thiên thần thông báo về sự ra đời của Chúa Giêsu, [các ngài nói,] “Hãy đi thì sẽ gặp Người”; và dấu hiệu là: Anh em sẽ gặp một hài nhi nằm trong máng cỏ. Đó là dấu hiệu. Ngai của Chúa Giêsu là máng cỏ hay là đường phố, trong suốt cuộc đời Người rao giảng; hay Thập giá vào cuối cuộc đời của Người. Đây là ngai vàng của Vua chúng ta.
Dấu hiệu này cho chúng ta thấy “phong cách” của Thiên Chúa. Và phong cách của Thiên Chúa là gì? Đừng quên, đừng bao giờ quên: phong cách của Thiên Chúa là gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Thiên Chúa của chúng ta gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Phong cách này của Thiên Chúa được thấy nơi Chúa Giêsu. Với phong cách này của Người, Thiên Chúa kéo chúng ta đến với Người. Người không bắt chúng ta bằng vũ lực, Người không áp đặt chân lý và công lý của Người lên chúng ta. Người không cải đạo cho chúng ta, không! Người muốn lôi kéo chúng ta bằng tình yêu, bằng sự dịu dàng, bằng lòng cảm thương. Trong một lá thư khác, Thánh Phanxicô Salê viết: “Nam châm hút sắt, hổ phách hút rơm. Vì vậy, cho dù chúng ta cứng rắn như sắt hay rơm rạ trong sự nhẹ nhàng và vô giá trị của chúng ta, chúng ta vẫn phải kết hợp với Hài Nhi bé nhỏ này.” Điểm mạnh của chúng ta, điểm yếu của chúng ta, chỉ được giải quyết trước máng cỏ, trước Chúa Giêsu, hoặc trước Thánh giá. Chúa Giêsu ở trần, Chúa Giêsu khó nghèo; nhưng luôn luôn với phong cách gần gũi, cảm thương và dịu dàng của Người. Chúa đã tìm ra phương tiện để thu hút chúng ta dù chúng ta là ai: bằng tình yêu. Không phải là một tình yêu chiếm hữu và ích kỷ, như tình yêu nhân bản. Tình yêu của Người là món quà thuần khiết, ân sủng thuần khiết, tất cả và chỉ dành cho chúng ta, vì lợi ích của chúng ta. Và vì thế Người kéo chúng ta vào, bằng tình yêu không vũ trang và thậm chí tước vũ trang này. Bởi vì khi chúng ta nhìn thấy sự đơn sơ này của Chúa Giêsu, chúng ta cũng dẹp bỏ vũ khí kiêu căng và khiêm tốn đi xin ơn cứu độ, xin ơn tha thứ, xin ánh sáng cho đời mình, để có thể tiến tới. Đừng quên ngai vàng của Chúa Giêsu. Máng cỏ và Thánh giá: đây là ngai vàng của Chúa Giêsu.
Một khía cạnh khác nổi bật trong máng cỏ là sự nghèo khó – thực sự, có sự nghèo khó ở đó – được hiểu là sự từ bỏ mọi phù phiếm trần tục. Khi chúng ta nhìn thấy số tiền được tiêu vào sự phù phiếm… rất nhiều tiền [đã tiêu] vào sự phù phiếm của thế gian; bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu tìm kiếm phù phiếm; trong khi Chúa Giêsu làm cho chúng ta nhìn bằng sự khiêm nhường. Thánh Phanxicô Salê viết: “Lạy Thiên Chúa của con! con gái của cha, biết bao nhiêu tình cảm thánh thiện được sự ra đời này làm nảy sinh trong lòng chúng ta, trên hết là sự từ bỏ hoàn toàn của cải, sự hào nhoáng, … của thế gian này. Cha không biết liệu cha có tìm thấy mầu nhiệm nào có thể kết hợp một cách ngọt ngào sự dịu dàng với sự khắc khổ, tình yêu với sự khắc khổ, ngọt ngào với sự nghiêm khắc hay không.” Chúng ta thấy tất cả những điều này trong cảnh Chúa giáng sinh. Vâng, chúng ta hãy cẩn thận để không rơi vào bức tranh biếm họa của thế gian về Lễ Giáng Sinh. Và đây là một vấn đề, bởi vì đây là Giáng sinh. Nhưng ngày nay chúng ta thấy rằng, ngay cả khi có “một lễ Giáng sinh khác,” trong ngoặc kép, thì chính bức tranh biếm họa về Lễ Giáng sinh của thế gian đã biến Lễ Giáng sinh thành một lễ kỷ niệm buồn tẻ, theo chủ nghĩa tiêu dùng. Chúng ta muốn ăn mừng, chúng ta muốn, nhưng đây không phải là Giáng sinh, Giáng sinh là một điều khác. Tình yêu của Chúa không phải là đường ngọt ngào; Máng cỏ của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điều đó. Đó không phải là một sự tốt lành giả hình che giấu việc theo đuổi những thú vui và tiện nghi. Những người lớn tuổi của chúng ta, những người biết chiến tranh và cả nạn đói, biết rõ điều này: Giáng sinh là niềm vui và lễ kỷ niệm, chắc chắn, nhưng trong sự đơn giản và khắc khổ.
Và chúng ta hãy kết thúc bằng một suy nghĩ về Thánh Phanxicô Salê mà tôi cũng đã đề cập trong Tông Thư. Ngài đã đọc nó cho các Nữ tu Thăm Viếng chỉ hai ngày trước khi chết thôi nhé! Và ngài viết: “Các con có thấy hài nhi Giêsu trong máng cỏ không? Người chấp nhận tất cả những khó chịu của mùa đó, cái lạnh buốt giá và mọi điều được Chúa Cha cho phép xảy ra với Người. Người không từ chối những lời an ủi nhỏ mà Mẹ Người dành cho Người; chúng ta không được cho biết việc Người từng vươn ra tới vú mẹ, nhưng để mọi sự cho mẹ chăm sóc và lo toan. Cũng vậy, bản thân chúng ta đừng mong muốn hay từ chối bất cứ điều gì, nhưng hãy chấp nhận tất cả những gì Chúa gửi đến cho chúng ta, cái lạnh khắc nghiệt và những điều khó chịu của mùa,” mọi điều. Và đây, anh chị em thân mến, là một giáo huấn tuyệt vời, đến với chúng ta từ Chúa Giêsu Hài Đồng qua sự khôn ngoan của Thánh Phanxicô Salê: đừng ước muốn gì và đừng từ chối điều gì, hãy đón nhận mọi điều Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta. Nhưng hãy cẩn thận! Luôn luôn và duy nhất vì tình yêu, luôn luôn và duy nhất vì tình yêu, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chỉ muốn điều tốt lành cho chúng ta.
Chúng ta hãy nhìn vào máng cỏ, là ngai vàng của Chúa Giêsu; chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên các đường phố của Giuđêa, Galilê, rao giảng sứ điệp của Chúa Cha; và chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên ngai khác, trên Thánh giá. Đây là điều mà Chúa Giêsu cống hiến cho chúng ta: con đường, nhưng đây là con đường hạnh phúc.
Tới tất cả anh chị em và gia đình anh chị em, tôi xin chúc một mùa Giáng sinh an lành và một Năm mới hạnh phúc!