LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21
ĐỨC MARIA, THIÊN MẪU VÀ MẪU GƯƠNG
Hôm nay là ngày đầu tiên của năm mới, chúng ta cử hành trọng thể lễ Mẹ Thiên Chúa với ý nguyện cầu bình an cho toàn thế giới.
1. Một tín điều để tin
Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa là một đặc ân rất cao trọng, được Giáo Hội tuyên tín như là một chân lý đức tin buộc mỗi người chúng ta phải tin.
Tuy nhiên, nếu không có sự hiểu biết đúng đắn, tước hiệu này có thể làm cho chúng ta bối rối và thắc mắc: phải chăng tước hiệu Mẹ Thiên Chúa là một sự phạm thượng? Làm sao một thụ tạo bất toàn lại có thể sinh ra Thiên Chúa được?
Thực ra, thắc mắc này đã có từ rất xa xưa. Vào khoảng năm 428 Nestorius, giám mục ở Constantinople, phủ nhận tước hiệu này. Ông chủ trương rằng: “Chúa Giêsu có hai bản tính nên có hai ngôi vị. Đức Maria chỉ là Mẹ ngôi vị nhân tính của Chúa Giêsu, nên không phải là Mẹ Thiên Chúa.” Theo ông, Đức Maria chỉ là Mẹ Chúa Giêsu thôi, cùng lắm là Mẹ Chúa Kitô, không thể là Mẹ Thiên Chúa.
Trước lạc giáo này, Công Đồng Chung họp tại Êphêsô vào năm 431 để giải quyết tranh luận và đã tuyên tín rằng:
“Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với nhục thể trong lòng Đức Maria, do đó Đức Maria đã sinh ra Ngôi Lời nhập thể, và đáng được gọi là Mẹ Thiên Chúa (Théotokos).”
Tước hiệu này không có nghĩa là Đức Maria đã sinh ra Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng là người sinh ra Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và người thật, nên Đức Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Hay nói chính xác hơn Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, người đã sinh Con Thiên Chúa trong thời gian.
Chúng ta chỉ có thể hiểu được ý nghĩa của tín điều này khi đặt nó trong mối tương quan với Chúa Kitô và dựa trên nền tảng Kinh Thánh.
2. Nền tảng Kinh Thánh
Trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta có thể tìm thấy nền tảng Kinh Thánh cho tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Bài đọc II là một trích đoạn trong thư của thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Galát. Đây là bản văn cổ nhất của Tân Ước nói về Đức Maria:
“Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4).
Quả thế, người phụ nữ được nói ở đây chính là Đức Maria, người đã cưu mang và sinh hạ Con Đức Chúa Trời làm người.
Đặc biệt, chúng ta còn tìm thấy trong Tin Mừng Luca tước hiệu này dành cho Đức Maria khi Người đi thăm bà Êlisabét (x. Lc 1,38-48). Bà Êlisabét được tràn đầy Thánh Thần và kêu lên rằng:
“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc 1,43-44).
Bà Êlisabét gọi Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” bởi vì Mẹ đang cưu mang trong lòng Ngôi Hai Thiên Chúa và sẽ sinh ra cho loài người Đấng Cứu Độ là Chúa Giêsu Kitô.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể lại chứng tá của các mục đồng về biến cố Chúa Giêsu được sinh hạ bởi Đức Maria tại Bêlem. Các mục đồng hết sức ngạc nhiên vì đã chứng kiến những sự việc xảy ra đúng như lời các thiên thần loan báo cho họ. Con Thiên Chúa sinh ra trong cảnh cơ hàn. Họ đến thờ lạy Người và gặp Đức Maria, thánh Giuse và Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,16-21).
Như thế, Đức Maria là người được Thiên Chúa tuyển chọn, chuẩn bị nên xứng đáng để cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa. Mẹ đã hoàn toàn vâng phục và cộng tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nên Giáo Hội đã tôn kính Mẹ với tước hiệu rất cao trọng là Mẹ Thiên Chúa.
Chúng ta cũng nên biết rằng: Trong phụng vụ, bậc thứ nhất là sự tôn thờ (latria) được dành cho Thiên Chúa Ba Ngôi. Như Kinh Thánh dạy:
“Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)” (Đnl 6,5).
Bậc thứ hai gọi là sự biệt kính (hyperdulia) hay sự tôn kính đặc biệt được dành cho Đức Maria. Sau Thiên Chúa phải là Đức Maria, bởi vì Đức Maria có một địa vị hết sức cao cả trong chương trình cứu độ. Mẹ là người sinh ra Đấng Cứu Độ. Nhờ Mẹ, chúng ta mới có Chúa Kitô.
Bậc thứ ba là sự tôn kính dành cho chư thánh (dulia). Theo đó, Giáo Hội tôn kính các thánh như là những mẫu gương trổi vượt về sự thánh thiện Kitô giáo. Qua việc tôn kính này, chúng ta cầu xin các thánh cầu bầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa, đồng thời chúng ta được mời gọi sống thánh thiện như cách thánh đã sống.
3. Đức Maria là mẫu gương
Bởi thế, khi cử hành lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc suy tôn và chiêm ngắm dung mạo cao cả của Đức Maria, nhưng chúng ta còn được mời gọi noi gương Đức Maria để sống như Mẹ đã sống.
Thánh Luca nhắc đi nhắc lại mẫu gương của Đức Maria:
“Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19.51).
Mẹ là người luôn lắng nghe Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa và đem ra thực hành. Trước khi Mẹ cưu mang Ngôi Lời trong dạ, Mẹ đã cưu mang Lời Chúa trong tâm hồn rồi. Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta về việc lắng nghe và sống Lời Chúa.
Nếu Đức Maria được vinh dự làm Mẹ Thiên Chúa, thì mỗi người Kitô hữu cũng được chia sẻ sự vinh dự đó. Bởi vì, như Chúa Giêsu nói:
“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 8,21).
Giáo Hội là mẹ, nghĩa là Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của Đức Maria, người tiếp tục sinh hạ Chúa Kitô cho người khác. Bởi vì mỗi người Kitô hữu là Giáo Hội, nên chúng ta được mời gọi sinh hạ Chúa Giêsu cho người khác bằng sự hy sinh phục vụ, lời cầu nguyện và đời sống chứng tá của chúng ta, đặc biệt nhờ việc dạy giáo lý, huấn luyện đức tin cho con cái và giới trẻ.
Nhân dịp bước vào Năm Mới, dưới sự phù trì và cầu bầu của Đức Maria, xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta được bình an và dồi dào phúc lành của Thiên Chúa. Amen!
ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/