Trong bài giảng đầu tiên cho Mùa Vọng 2022, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa nêu bật tầm quan trọng của nhân đức đối thần là đức tin trong hành trình Kitô hữu của chúng ta.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Đây là lý do tại sao tôi nghĩ đến việc chọn ba nhân đức đối thần làm chủ đề cho ba bài giảng Mùa Vọng này. Đức tin, đức cậy và đức mến là vàng, nhũ hương và mộc dược mà chúng ta, những Đạo sĩ ngày nay, muốn mang đến như một món quà dâng lên Thiên Chúa, Đấng “từ trên cao đến thăm viếng chúng ta”. Tận dụng truyền thống cổ xưa – thời giáo phụ và thời trung cổ – về các nhân đức thần học, tôi sẽ cố gắng đào sâu– càng nhiều càng tốt trong ba bài suy niệm ngắn – một đường lối hiện đại và hiện sinh, nghĩa là, đáp lại những thách thức, những sự phong phú và, đôi khi, những điều thay thế được đề xuất ngày nay đối với các đức tính thần học của Kitô giáo.
* * *
Trong lời cầu nguyện của Kitô giáo, một Thánh Vịnh luôn có âm vang lớn, có nội dung sau:
Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
Đức Vua vinh hiển đó là ai?
Là Thiên Chúa mạnh mẽ oai hùng
Thiên Chúa oai hùng khi xuất trận.
(Tv 24, 7-8).
Theo cách giải thích thiêng liêng của các Giáo phụ và phụng vụ, những cánh cửa được nói đến trong Thánh Vịnh là những cánh cửa của trái tim con người: “Phúc cho ai được Chúa Kitô gõ cửa”, Thánh Ambrôsiô bình luận. “Cánh cửa của chúng ta là đức tin… Nếu bạn muốn nâng cánh cửa đức tin của mình lên, thì vua vinh quang sẽ đến với bạn”. Thánh Gioan Phaolô II đã biến những lời trong Thánh Vịnh thành bản tuyên ngôn cho triều đại giáo hoàng của mình. “Hãy mở rộng những cánh cửa cho Chúa Kitô!”, ngài đã hét lên với thế giới, vào ngày bắt đầu sứ vụ mục tử toàn thể Hội Thánh của mình.
Cánh cửa lớn mà con người có thể mở hoặc đóng với Chúa Kitô là một và được gọi là tự do. Tuy nhiên, nó mở ra theo ba cách khác nhau, hay theo ba loại quyết định khác nhau mà chúng ta có thể coi là ba cánh cửa: đức tin, đức cậy và đức mến. Đây đều là những cánh cửa đặc biệt: chúng mở từ bên trong và bên ngoài cùng một lúc: bằng hai chìa khóa, một chiếc nằm trong tay con người, chiếc còn lại nằm trong tay Chúa. Con người không thể mở chúng nếu không có sự giúp đỡ của Chúa và Chúa không muốn mở những cánh cửa ấy nếu không có sự hợp tác của con người.
Đức Kitô, nguồn gốc và sự viên mãn của đức tin
Vì thế, chúng ta hãy bắt đầu suy tư từ cánh cửa đầu tiên trong ba cánh cửa: đó là đức tin. Chúng ta đọc trong Sách Tông Đồ Công Vụ rằng Thiên Chúa “đã mở cánh cửa đức tin cho dân ngoại” (Cv 14:27). Thiên Chúa mở cánh cửa đức tin theo nghĩa Người ban khả năng tin bằng cách sai đến những người rao giảng Tin Mừng; con người mở cánh cửa đức tin bằng cách chấp nhận khả thể này.
Với sự xuất hiện của Chúa Kitô, có một bước nhảy vọt về chất liên quan đến đức tin. Không phải trong bản chất của nó, mà trong nội dung của nó. Giờ đây, vấn đề không còn là niềm tin chung chung vào Thiên Chúa, mà là niềm tin vào Chúa Kitô đã xuống thế làm người, chết và sống lại vì chúng ta. Thư gửi tín hữu Do Thái liệt kê một danh sách dài những người tin Chúa: “Nhờ đức tin Aben… Nhờ đức tin Ápraham… Nhờ đức tin Isaác… Nhờ đức tin Giacóp… Nhờ đức tin Môise…” Nhưng Thánh Phaolô kết luận bằng cách nói: “Nhờ đức tin, tất cả các nhân vật đó đã được chứng giám, thế mà họ không đạt được những điều Thiên Chúa đã hứa” (Dt 11, 39). Thiếu cái gì ở đây? Thưa: Thiếu Chúa Giêsu Đấng – như Bức thư nói – là “Đấng khai mở và kiện toàn đức tin. “ (Dt 12:2).
Do đó, đức tin Kitô giáo không chỉ bao gồm việc tin vào Thiên Chúa; nó hệ tại ở việc tin vào Đấng mà Thiên Chúa đã sai đến. Trước khi làm phép lạ, Chúa Giêsu hỏi: “Anh có tin không?” và sau khi hoàn thành, Ngài khẳng định: “Đức tin của anh đã cứu anh”, Ngài không ám chỉ một niềm tin chung chung vào Thiên Chúa (điều này được coi là điều hiển nhiên ở mọi người Israel); nhưng đề cập đến niềm tin vào Người, vào sức mạnh thiêng liêng được ban cho Người.
Bây giờ đây, đức tin công chính hóa kẻ gian ác, đức tin sinh ra sự sống mới. Nó được đặt ở phần cuối của một quá trình mà trong chương thứ mười của Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô lần theo dấu vết, gần như trực quan, các giai đoạn khác nhau, vẽ chúng trên bản đồ cơ thể con người. Ngài nói, mọi sự bắt đầu từ đôi tai, từ việc nghe công bố Tin Mừng: “Đức tin đến từ việc lắng nghe”, fides ex auditu. Từ đôi tai, chuyển động đi đến trái tim, nơi quyết định cơ bản được đưa ra: corde creditur, “người ta tin bằng trái tim”. Từ trái tim, chuyển động quay trở lại miệng: “bằng miệng người ta tuyên xưng đức tin”: ore fit confessionio.
Quá trình không kết thúc ở đó, mà – từ đôi tai, trái tim và cái miệng – nó chuyển sang đôi tay. Vâng, bởi vì như Thánh Tông Đồ nói “đức tin hành động nhờ tình yêu” (Gl 5:6). Thánh Giacôbê Tông đồ có thể cảm thấy yên tâm. Cũng có chỗ cho “việc làm”: tuy nhiên, không phải trước, mà là sau đức tin (về mặt luận lý nếu không phải theo trình tự thời gian). Thánh Grêgôriô Cả nói: “Người ta không đạt đến đức tin bắt đầu từ các nhân đức, nhưng đạt đến các nhân đức bắt đầu từ đức tin”.
Lúc này, một câu hỏi rất thời sự được đặt ra. Nếu đức tin cứu rỗi là đức tin nơi Chúa Kitô, thì phải nghĩ sao về tất cả những người không có cơ hội tin nơi Ngài? Chúng ta đang sống trong một xã hội đa nguyên, kể cả về tôn giáo. Các nền thần học của chúng ta - Đông phương và Tây phương, Công Giáo cũng như Tin lành - đã phát triển trong một thế giới mà trên thực tế chỉ có Kitô giáo tồn tại. Tuy nhiên, sự tồn tại của các tôn giáo khác đã được biết đến, nhưng các tôn giáo ấy đã bị coi là sai ngay từ đầu, hoặc hoàn toàn không được xem xét. Ngoài cách hiểu khác nhau về Giáo Hội, tất cả các Kitô hữu đều chia sẻ một tiên đề truyền thống: “Không có ơn cứu độ bên ngoài Giáo Hội”: Extra Ecclesiam nulla salus.
Ngày nay điều này không còn đúng nữa. Trong một thời gian, đã có một cuộc đối thoại giữa các tôn giáo, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và thừa nhận các giá trị hiện diện trong mỗi tôn giáo. Trong Giáo Hội Công Giáo, điểm khởi đầu là tuyên nguyên “Nostra aetate” của Công đồng Vatican II, và tất cả các Giáo Hội Kitô lịch sử đều chia sẻ một định hướng tương tự. Với sự công nhận này, có một xác tín đã bám rễ cho rằng ngay cả những người bên ngoài Giáo Hội cũng có thể được cứu.
Theo quan điểm mới này, liệu còn có thể duy trì vai trò cho đến nay được gán cho niềm tin “rõ ràng” vào Chúa Kitô hay không? Trong trường hợp này, phải chăng châm ngôn cổ xưa: “ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” cuối cùng, tồn tại được trong định đề “ngoài đức tin không có ơn cứu độ”? Trên thực tế, trong một số giới Kitô Hữu, điều sau là học thuyết thống trị và nó là điều thúc đẩy sự dấn thân truyền giáo. Tuy nhiên, theo cách này, sự cứu rỗi ngay từ đầu đã bị giới hạn cho một thiểu số rất nhỏ người dân.
Điều này không thể khiến chúng ta hài lòng và nó có lỗi với Chúa Kitô, tước đoạt của Ngài một phần lớn nhân loại. Người ta không thể tin rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, rồi giới hạn sự liên quan thực sự của Ngài vào một phần rất hẹp duy nhất của nó. Chúa Giêsu là “Đấng Cứu Độ Thế Gian” (Ga 4:42); Chúa Cha đã sai Chúa Con “để thế gian nhờ Người mà được cứu độ” (Ga 3:17): thế gian, không phải là một tập hợp ít người trên thế giới!
Chúng ta hãy thử tìm câu trả lời trong Kinh Thánh. Kinh Thánh khẳng định rằng ai chưa biết Đức Kitô, nhưng hành động theo lương tâm của mình (Rm 2:14-15) và làm điều thiện cho người thân cận (Mt 25:3 tt.) thì được Thiên Chúa chấp nhận. Trong sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta nghe từ miệng Thánh Phêrô tuyên bố long trọng này: “Quả thật, tôi thấy Thiên Chúa không thiên vị ai. Trái lại, trong mọi nước, ai kính sợ Ngài và hành động ngay thẳng đều được Ngài chấp nhận” (Cv 10:34-35).
Ngay cả những người theo các tôn giáo khác nói chung cũng tin rằng “Thiên Chúa hiện hữu và ban thưởng cho những ai tìm kiếm Ngài” (Dt 11: 6); do đó, họ nhận ra điều mà Kinh thánh coi là dữ liệu cơ bản và chung của mọi niềm tin. Tất nhiên, điều này áp dụng theo một cách rất đặc biệt đối với những anh em Do Thái tin vào cùng một Thiên Chúa của Ápraham, Isaác và Giacóp mà Kitô hữu chúng ta tin.
Tuy nhiên, lý do chính cho sự lạc quan của chúng ta không dựa trên điều thiện mà những người theo tôn giáo khác có thể làm được, nhưng dựa trên “ân sủng muôn hình muôn vẻ của Thiên Chúa” (1Pr 4:10). Đôi khi tôi cảm thấy cần phải dâng hy tế Thánh Lễ chính xác nhân danh tất cả những người được cứu nhờ Chúa Kitô, nhưng không biết điều đó và không thể tạ ơn Người. Phụng vụ cũng thúc giục chúng ta làm như vậy. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể 4, ngoài lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, Đức Giám Mục và tín hữu, một lời cầu nguyện được thêm vào “cho tất cả những ai thành tâm tìm kiếm Chúa”.
Thiên Chúa có nhiều cách để cứu rỗi hơn chúng ta có thể nghĩ đến. Ngài đã thiết lập các “kênh” ân sủng của mình, nhưng Ngài không tự ràng buộc mình với những kênh ấy. Một trong những phương tiện cứu rỗi “phi thường” này là đau khổ. Sau khi Đức Kitô đã mặc lấy và cứu chuộc, thì một cách nào đó, đau khổ cũng là một bí tích cứu độ phổ quát. Người đã xuống nước sông Giođan để thánh hóa nước trong mọi phép rửa, Người cũng xuống nước của khổ nạn và sự chết, biến chúng thành khí cụ cứu rỗi tiềm tàng. Một cách mầu nhiệm, mọi đau khổ – không chỉ đau khổ của các tín hữu –, theo một cách nào đó, hoàn thành “điều còn thiếu sót* trong những gian nan thử thách của Đức Kitô” (Cl 1:24) [Thánh Phaolô viết “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh]. Giáo Hội cử hành lễ Các Thánh Anh Hài; các thánh này cũng không biết rằng họ đang chịu khổ vì Chúa Kitô!
Chúng ta tin rằng tất cả những ai được cứu rỗi đều là nhờ công nghiệp của Chúa Kitô: “Chẳng có sự cứu rỗi bởi đấng nào khác, cũng chẳng có danh nào khác dưới gầm trời ban cho loài người mà nhờ đó chúng ta được cứu.” (Công vụ 4:12). Tuy nhiên, khẳng định nhu cầu phổ quát của Chúa Kitô đối với ơn Cứu Độ là một chuyện, và khẳng định sự cần thiết phổ quát của đức tin nơi Chúa Kitô để được cứu rỗi lại là một chuyện khác.
Vậy có thừa không khi tiếp tục loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật? Còn cần hơn nữa! Cần phải thay đổi lý do truyền giáo, chứ không phải thay đổi việc truyền giáo. Chúng ta phải tiếp tục loan báo Chúa Kitô; không phải vì một lý do tiêu cực – là nếu không thì thế giới sẽ bị kết án – mà vì một lý do tích cực: vì ân sủng vô hạn mà Chúa Giêsu mang đến cho mỗi con người. Đối thoại liên tôn không đối lập với việc rao giảng Tin Mừng, nhưng nó xác định phong cách của việc rao giảng Tin Mừng. Cuộc đối thoại này – Thánh Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp “Sứ vụ của Đấng Cứu Chuộc” – “là một phần trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội”.
Mệnh lệnh của Đức Kitô: “Hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15) và “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19) vẫn có giá trị vĩnh cửu, nhưng phải được hiểu trong bối cảnh lịch sử của nó. Đây là những từ ám chỉ thời điểm chúng được viết ra, khi “cả thế giới” và “mọi dân tộc” là cách nói rằng thông điệp của Chúa Giêsu không chỉ dành cho dân Do Thái mà còn cho phần còn lại của thế giới. Chúng luôn có giá trị đối với tất cả mọi người, nhưng đối với những người đã thuộc về một tôn giáo thì cần có sự tôn trọng, kiên nhẫn và yêu thương. Thánh Phanxicô thành Assisi đã hiểu điều này và đem ra thực hành. Ngài dự tính hai cách để đi tới “người Hồi Giáo và những kẻ ngoại đạo khác”. Ngài viết trong Bản luật của mình:
Tuy nhiên, những anh em đi giữa những người Hồi Giáo và những người ngoại đạo khác có thể cư xử theo hai cách về mặt tinh thần giữa họ. Một cách là không tranh cãi hay tranh chấp; nhưng hãy để những người ấy là “chủ thể của sinh vật con người vì lợi ích của Chúa,” nhưng anh em vẫn tuyên xưng mình là Kitô hữu. Cách khác là khi họ thấy điều đó đẹp lòng Thiên Chúa, thì anh em công bố Lời của Thiên Chúa, để những người ấy có thể tin vào Thiên Chúa Toàn Năng, Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Đấng Tạo Hóa của muôn vật, Chúa Cứu Thế và Cứu Chuộc của chúng ta, ngõ hầu họ có thể được chịu phép rửa tội và trở thành Kitô hữu.
Thách thức của khoa học
Với trái tim rộng mở này, bây giờ chúng ta hãy trở lại với niềm tin Kitô giáo của mình. Thử thách lớn lao mà đức tin phải đương đầu trong thời đại chúng ta không đến từ triết học như trong quá khứ, nhưng đến từ khoa học. Có một tin tức giật gân cách đây vài tháng. Một kính viễn vọng được phóng lên vũ trụ vào ngày 25 tháng 12 năm 2021 và ở vị trí cách trái đất một triệu rưỡi km, đã gửi những hình ảnh phi thường về vũ trụ vào ngày 12 tháng 7 năm nay khiến giới khoa học phải say mê.
“Kính viễn vọng mới – chúng ta đọc trên tin tức – đã mở ra một cửa sổ mới về vũ trụ, có thể đưa chúng ta quay ngược thời gian, cho đến ngay sau vụ nổ lớn ban đầu của thế giới. Đó là cái nhìn chi tiết nhất về vũ trụ sơ khai từng có được. Nó đại diện cho hương vị đầu tiên của một ngành thiên văn học mới và mang tính cách mạng sẽ tiết lộ vũ trụ mà chúng ta chưa từng thấy trước đây”.
Chúng ta sẽ thật ngu ngốc và vô ơn nếu không tham gia vào niềm tự hào chính đáng của nhân loại về điều này cũng đúng đối với bất kỳ khám phá khoa học nào khác. Như đã nói, nếu niềm tin được nảy sinh từ việc lắng nghe cũng như từ sự ngạc nhiên thì những khám phá khoa học này không nên làm giảm khả năng tin tưởng, mà phải làm tăng khả năng tin tưởng. Nếu sống ở thời nay, tác giả Thánh Vịnh sẽ còn nhiệt tình hát hơn nữa: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo kỳ công tay Người làm” (Tv 19:2) và Thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa với muôn loài”.
Chúa muốn ban cho chúng ta một dấu hiệu hữu hình về sự vĩ đại vô tận của Ngài với sự bao la của vũ trụ và muốn ban cho chúng ta một dấu hiệu về “sự khó thấu hiểu” của Ngài với hạt vật chất nhỏ nhất mà vật lý học bảo đảm dù từng được biết đến vẫn có “sự không chắc chắn” của nó. Vũ trụ không tự tạo ra nó. Chất lượng của sự tồn tại là điều quyết định chứ không phải số lượng; và chất lượng của sự sáng tạo là… được tạo ra! Hàng tỷ thiên hà, cách xa hàng tỷ tỷ năm ánh sáng, không thay đổi chất lượng này.
Chúng ta đưa ra những suy tư về đức tin và khoa học này không phải để thuyết phục các nhà khoa học không có đức tin (không ai trong số họ ở đây để nghe hoặc đọc những lời này), mà là để củng cố chúng ta là những người tin vào đức tin của chúng ta và không bị quấy rầy bởi những tiếng nói trái ngược. Đó cũng là mục đích mà Thánh Luca nói với “Theophilô lừng lẫy” rằng ngài đã viết Tin Mừng của mình: “để anh em nhận ra sự chắc chắn của những lời anh em đã lãnh nhận” (Lc 1: 4).
Đối mặt với sự mở ra trước mắt chúng ta các chiều kích vô tận của vũ trụ, hành động đức tin lớn nhất đối với Kitô hữu chúng ta không phải là tin rằng tất cả những điều này được tạo ra bởi Thiên Chúa, mà là tin rằng “muôn vật được tạo dựng nhờ Chúa Kitô và cho Ngài. “(Cl 1:16), rằng “không có Người thì không có gì” (Ga 1:3). Kitô hữu có bằng chứng về Thiên Chúa thuyết phục hơn nhiều so với bằng chứng thu được từ vũ trụ: đó là con người và cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô.
Các tín hữu không phải là đà điểu. Chúng ta không giấu đầu trong cát để không nhìn thấy. Chúng ta chia sẻ với mỗi người sự hoang mang trước muôn vàn bí ẩn và mâu thuẫn của vũ trụ: của tiến hóa tự nhiên, của lịch sử, của chính Kinh thánh… Tuy nhiên, chúng ta có thể vượt qua sự hoang mang đó bằng một điều chắc chắn mạnh mẽ hơn mọi điều không chắc chắn: đó là sự khả tín của con người Đức Kitô, của đời sống và lời nói của Người. Sự chắc chắn trọn vẹn và vui mừng không đến trước mà đến sau khi đã tin.
Người công chính sẽ sống nhờ niềm tin
Đức tin là tiêu chí duy nhất có khả năng khiến chúng ta liên hệ đúng đắn, không chỉ với khoa học, mà còn với lịch sử. Khi nói về đức tin công chính hóa, thánh Phaolô trích dẫn lời sấm nổi tiếng Khabarúc: “người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình” (Ab 2:4). Thiên Chúa có ý gì qua lời tiên tri đó, vì chính Thiên Chúa đã thốt ra lời ấy?
Thông điệp mở đầu bằng lời than thở của nhà tiên tri, vì sự thất bại của công lý và vì Thiên Chúa từ trên cao dường như thản nhiên chứng kiến bạo lực và áp bức. Chúa trả lời rằng tất cả những điều này sắp kết thúc vì một tai họa mới sẽ sớm đến – người Chanđê – sẽ quét sạch mọi thứ và mọi người. Nhà tiên tri phản đối giải pháp này. Đây lại là câu trả lời của Chúa sao? Một sự áp bức thay thế cho một sự áp bức khác à?
Nhưng ngay tại đây, Thiên Chúa đang chờ đợi nhà tiên tri: “Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình” (Ab 2, 2-4). Nhà tiên tri được yêu cầu thực hiện bước nhảy vọt về đức tin. Thiên Chúa không giải quyết bí ẩn của lịch sử, nhưng yêu cầu chúng ta tin tưởng vào Ngài và công lý của Ngài, bất chấp mọi thứ. Giải pháp không nằm ở việc chấm dứt thử thách, mà nằm ở việc gia tăng đức tin.
Lịch sử là cuộc đấu tranh không ngừng giữa cái thiện và cái ác, kẻ ác chiến thắng và người chính nghĩa chịu đau khổ. Chiến thắng bền vững của cái thiện trước cái ác không được tìm thấy trong chính lịch sử, mà vượt ra ngoài lịch sử. Chúng ta hãy bỏ lại đằng sau tất cả các hình thức của chủ nghĩa thiên niên kỷ. Tuy nhiên, Thiên Chúa có quyền tể trị và kiểm soát mọi sự kiện đến nỗi ngay cả sự kích động của kẻ ác cũng phục vụ cho những kế hoạch bí ẩn của Ngài. Quả thật, Thiên Chúa viết thẳng bằng những đường cong! Các tình huống có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của con người, nhưng với Chúa thì không.
Thông điệp của Khabacúc đặc biệt thích hợp cho chúng ta ngày nay. Nhân loại đã trải qua trong những năm cuối của thế kỷ sự giải phóng khỏi quyền lực áp bức của các hệ thống toàn trị cộng sản. Nhưng chúng ta không có thời gian để thở phào nhẹ nhõm vì những bất công và bạo lực khác đã phát sinh trên thế giới. Có những người, khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, đã ngây thơ tin rằng chiến thắng của nền dân chủ giờ đây sẽ dứt khoát khép lại chu kỳ của những biến động lớn và rằng lịch sử sẽ tiếp tục tiến trình của nó mà không có những cú sốc kinh hoàng. Chính xác là không có thêm “lịch sử” như thế. Luận điểm này đã sớm bị bác bỏ một cách đáng tiếc bởi các sự kiện, với sự xuất hiện của các chế độ độc tài khác và sự bùng nổ của các cuộc chiến tranh mới, bắt đầu từ cuộc chiến “Vùng Vịnh”, cho đến cuộc chiến bất hạnh năm nay ở Ukraine.
Trong hoàn cảnh này, câu hỏi chân thành của vị tiên tri cũng được khuấy động trong chúng ta: “Lạy Chúa, cho đến khi nào? Chúa có đôi mắt quá trong sáng đến nỗi Chúa không thể nhìn thấy điều ác sao! Tại sao có quá nhiều bạo lực, quá nhiều xác người trơ xương vì đói, quá nhiều sự tàn ác trên thế giới mà Chúa không can thiệp?” Câu trả lời của Chúa vẫn thế: ai không có tấm lòng ngay thẳng với Chúa thì dễ bi quan và vấp phạm, còn người công chính sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình và tìm được câu trả lời trong đức tin của mình. Anh ta sẽ hiểu điều Chúa Giêsu muốn nói khi, trước mặt Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18:36).
Nhưng chúng ta hãy ghi nhớ kỹ điều đó trong đầu và nếu cần, hãy thông báo với thế giới: Thiên Chúa công minh và thánh thiện; Ngài sẽ không cho phép cái ác có tiếng nói cuối cùng và những kẻ bất lương thoát tội. Sẽ có một sự phán xét ở phần kết của câu chuyện, “một cuốn sách viết sẽ được mở ra, trong đó chứa đựng mọi thứ và theo đó thế giới sẽ được phán xét”: Liber scriptus proferetur – in quo totum continetur – und mundus judicetur.
Một sự phán xét đầu tiên, không hoàn hảo nhưng nằm trong tầm tay của tất cả mọi người, các tín hữu và những người không tin, hiện đã có sẵn, hơn nữa có cả trong lịch sử. Những ân nhân của nhân loại đã làm việc vì lợi ích thực sự của đất nước họ và vì hòa bình thế giới được ghi nhớ với sự vinh danh và chúc lành từ thế hệ này sang thế hệ khác; tên của bạo chúa và những kẻ bất lương tiếp tục qua nhiều thế kỷ đi kèm với sự ô nhục và bị trù dập. Chúa Giêsu đã mãi mãi đảo ngược vai trò. “Người chiến thắng vì là nạn nhân”, do đó, Thánh Augustinô định nghĩa Chúa Kitô: Victor quia victima. Dưới ánh sáng của sự vĩnh cửu – và cả của lịch sử – không phải những kẻ hành quyết mới là những người chiến thắng thực sự, mà là những nạn nhân của họ.
Điều mà Giáo Hội có thể làm, để không chứng kiến một cách thụ động lịch sử, là đứng về phía chống lại những kẻ áp bức và kiêu ngạo và luôn đặt mình, “đúng lúc cũng như toàn thời gian”, về phía người nghèo, người yếu thế, những nạn nhân, những người gánh chịu mọi bất hạnh và mọi cuộc chiến.
Những gì Giáo Hội có thể làm cũng là loại bỏ một trong những yếu tố luôn gây ra xung đột là sự cạnh tranh giữa các tôn giáo, những “cuộc chiến tôn giáo” khét tiếng. Một lực đẩy đạo đức có thể đến từ sự hiểu biết và sự hợp tác trung thành giữa các tôn giáo lớn đã ghi dấu ấn trong lịch sử chứ không phải tiến trình mới mà chúng ta mong đợi một cách vô ích từ các cường quốc chính trị. Theo nghĩa này, cần phải thấy được sự hữu ích của các sáng kiến cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa các tôn giáo do thánh Gioan Phaolô II khởi xướng và được Đức Giáo Hoàng đương nhiệm thúc đẩy ngày nay.
Đức tin là vũ khí của Giáo Hội. Giáo Hội, giống như người công chính của Khabacúc, cũng “sống nhờ đức tin của mình”. Trong tiếng Ý, từ “đức tin” có nghĩa thứ hai, đó là chiếc nhẫn cưới mà vợ chồng trao nhau trong ngày cưới. Đức tin, nhân đức đối thần, là chiếc nhẫn cưới của Hiền Thê Chúa Kitô! Rôma từ lâu đã không còn là caput mundi, thủ đô của thế giới, nhưng nó phải là caput fidei, thủ đô của đức tin. Không chỉ có niềm tin đúng đắn, tức là chính thống, mà còn có cường độ tin tưởng.
Điều mà các tín hữu nắm bắt ngay lập tức nơi một linh mục và một mục tử là liệu họ có “tin vào điều đó” hay không, họ có tin vào những gì mình nói và những gì mình cử hành hay không. Ngày nay có rất nhiều việc sử dụng truyền dẫn không dây hay WiFi, như chúng ta nói trong tiếng Anh. Đức tin cũng được truyền đạt tốt hơn theo cách này: không ràng buộc, không nhiều lời nói và tranh luận, nhưng thông qua một luồng ân sủng được thiết lập giữa hai người.
Hành động đức tin lớn nhất mà Giáo Hội có thể làm – sau khi đã cầu nguyện và làm mọi điều có thể để tránh hoặc chấm dứt xung đột – là tuân phục Thiên Chúa với một hành động hoàn toàn tin tưởng và từ bỏ trong thanh thản, đồng thời lặp lại cùng với Thánh Tông đồ: “Tôi biết tôi tin vào ai!”: Scio cui credidi (2 Tim 1:12). Thiên Chúa không bao giờ rút lui để làm cho những ai lao vào vòng tay của Người sẽ rơi vào hư không.
Vì thế, chúng ta hãy đi gặp Chúa Kitô, Đấng đang đến, với một hành vi đức tin cũng như với một lời hứa của Thiên Chúa và do đó là một lời tiên tri: “Thế giới ở trong tay Thiên Chúa và khi lạm dụng tự do của mình, con người đã chạm đến đáy, Người sẽ can thiệp để cứu con người”. Vâng, Người sẽ can thiệp! Đây là lý do tại sao Người đến thế giới hai nghìn hai mươi hai năm trước.
1.Ambrôsiô thành Milano, Chú Giải Thánh Vịnh 118, XII, 14.
2.Gregory Đại đế, Bài giảng về tiên tri Edêkien, II, 7 (PL 76, 1018).
3. Bản luật không có sắc chỉ, XVI.
4. Sequence Dies irae.
Source:Cantalamessa