1. Ngoại trưởng Makei đã gặp Sứ Thần Tòa Thánh Ante Jozic trước khi đột tử

Nhân vật quan trọng cuối cùng mà Ngoại trưởng Vladimir Makei gặp gỡ trước khi đột tử là Đức Tổng Giám Mục Ante Jozic, Sứ thần Tòa Thánh tại Belarus.

Cơ quan thông tin chính thức của Belarus cho biết Ngoại trưởng Vladimir Makei đã gặp Sứ thần Tòa Thánh, vào ngày 25 tháng 11, tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại Giao Belarus nói rằng:

“Cuộc trò chuyện xoay quanh lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Belarus và Tòa thánh, sự tương tác giữa Vatican và Minsk, cũng như tình trạng hiện tại của Giáo Hội Công Giáo Rôma ở Cộng hòa Belarus,”

Các bên tái khẳng định cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác liên tôn giáo trong các lĩnh vực khác nhau.

Các nguồn tin Công Giáo từ Belarus cho biết đây có lẽ là lần đầu tiên Makei viếng thăm Tòa Sứ thần Tòa Thánh. Ông ta sẽ triệu tập Sứ thần Tòa Thánh đến Bộ Ngoại Giao theo các quy tắc ngoại giao. Chi tiết này cho thấy ông ta có thể muốn nhờ Tòa Thánh giúp cho một điều gì đó.

Chỉ vài giờ sau cuộc gặp gỡ giữa Makei và Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy rằng cô ta “vô cùng sốc” trước tin tức về cái chết của Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei.

Makei qua đời ở tuổi 64, Bộ Ngoại giao Belarus cho biết hôm thứ Bảy. Bộ Ngoại Giao Nga cho biết ông “đột ngột qua đời hôm nay” mà không cung cấp thêm chi tiết về hoàn cảnh xung quanh cái chết của ông.

Maria Zakharova nói: “Với tư cách là người đứng đầu Bộ Ngoại giao, ông ấy đã có đóng góp to lớn vào việc tăng cường hơn nữa quan hệ Nga-Belarus”.

“Ông ấy đã bảo vệ một cách chắc chắn và hiệu quả các lợi ích của Cộng hòa Belarus trên các nền tảng quốc tế, đây là một tổn thất nặng nề, không thể khắc phục được.”

Theo hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti, Makei đã lên kế hoạch gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào ngày thứ Hai tới đây

Một số bối cảnh: Nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko, người đã bày tỏ lời chia buồn với gia đình và bạn bè của Makei hôm thứ Bảy, là một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Khi bắt đầu chiến tranh vào cuối tháng 2, các lực lượng Belarus và Nga đã tổ chức các cuộc tập trận chung, trong đó nhiều lực lượng Nga đã vượt qua biên giới Ukraine trong cuộc hành quân bất hạnh của họ tới thủ đô.

Vào tháng 10, Belarus tuyên bố sẽ thành lập một lực lượng khu vực chung với Nga và tiến hành các cuộc tập trận, gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Kyiv. Makei đã từng cáo buộc Ukraine “sắp có hành động khiêu khích” chống lại Belarus vào thời điểm đó, là điều mà các quan chức Ukraine kịch liệt phủ nhận. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, Lukashenko và Makei đã bác bỏ khả năng quân Belarus tấn công Ukraine theo yêu cầu của Putin.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, gọi tắt là CSTO, do Nga cầm đầu, Lukashenko đã dập tắt những tin đồn về việc can dự chặt chẽ hơn vào cuộc xâm lược của đồng minh.

Mô tả viễn cảnh quân đội Belarus tiến vào Ukraine là “hoàn toàn vô nghĩa”, Lukashenko nói, “nếu chúng tôi sử dụng binh sĩ của Lực lượng vũ trang để tham gia vào cuộc xung đột này, chúng tôi sẽ không thêm gì vào đó” khi ông đề cập đến lực lượng 40,000 quân của mình.

Hãng thông tấn nhà nước Belta của Belarus đưa tin ông nói với các phóng viên ở thủ đô Yerevan của Armenia rằng “Ngược lại, chúng tôi sẽ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Belarus không có vai trò trong cuộc xung đột này”.

Ông nói rằng Belarus đang đóng góp vào nỗ lực chiến tranh của Nga theo những cách khác nhưng nói rằng “chúng tôi không tham gia, chúng tôi không giết bất kỳ ai, chúng tôi không gửi binh sĩ đến đó vì không cần thiết.” Ông lặp lại một tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Makei rằng các cuộc đàm phán là cần thiết để kết thúc chiến tranh.

Tình báo Ukraine cho biết Nga đang lên kế hoạch tấn công giả vào cơ sở hạ tầng ở Belarus để cố gắng kéo Belarus vào cuộc chiến. Tuy nhiên, các nhà phân tích đã nghi ngờ khả năng Belarus sẽ tham chiến vì những do rủi ro mà một sự tham gia tích cực như thế có thể gây ra cho sự tồn tại của chế độ Lukashenko. Khác với Nga, dân chúng Belarus phản đối chiến tranh một cách áp đảo.

Các nhà lãnh đạo đối lập với Lukashenko cho rằng chính Nga đã giết chết Makei để dằn mặt Lukashenko, và nếu Lukashenko duy trì quan điểm hiện nay, kịch bản nhiều người thấy nhất là sau cái chết của Makei sẽ là cái chết của Lukashenko.
Source:Belta

2. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cử hành Thánh lễ sau khi bị Trung Quốc kết án

Vài giờ sau khi hầu tòa vì những cáo buộc liên quan đến một quỹ nhân đạo dành cho những người biểu tình ở Hương Cảng, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã thuyết giảng trước một cộng đoàn đông đảo và ca ngợi những đức tính của tình yêu thương khi đối mặt với sự đàn áp.

“Chúng ta đang ở trong một tình thế cảnh giác, lo lắng và đối mặt với khó khăn, nhưng hãy tin tưởng vào Chúa” Đức Hồng Y Quân, 90 tuổi, đã lặp lại quan điểm trên với đàn chiên của mình tại Nhà thờ Thánh Giá như ngài đã nói vào hồi tháng 5 vừa qua. “Có rất nhiều người trong chúng ta trong suốt lịch sử đã bị bức hại vì đức tin của họ. Chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho họ ngày hôm nay.”

Đức Hồng Y Quân đã bị bắt vài ngàysau đó bởi các viên chức cảnh sát từ Cục An ninh Quốc gia của thành phố - cùng với bốn ủy viên khác của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612 hiện đã không còn tồn tại, bao gồm ngôi sao nhạc pop Canada-Hương Cảng Hà Vận Thi (Denise Ho, 何韻詩), học giả Hứa Bảo Cường (Hui Po Keung, 许宝强), và các nhà lập pháp đối lập cũ Ngô Ái Nghi (Margaret Ng, 吳靄儀) và Hà Tú Lan (Cyd Ho, 何秀蘭))

Năm người được ủy thác, cũng như thư ký của quỹ, đã bị buộc tội vì không ghi danh quỹ này với tư cách là một hiệp hội. Tất cả đều không nhận tội.

Quỹ đã hỗ trợ hàng trăm người biểu tình trong thời kỳ bất ổn chống dự luật dẫn độ năm 2019 bằng cách cung cấp hỗ trợ pháp lý, quỹ tư vấn tâm lý, điều trị y tế và cứu trợ khẩn cấp.

Vị Hồng Y 90 tuổi và cựu giám mục Hương Cảng đã bị phạt khoảng 4.000 đô la Hương Cảng, hay 500 Mỹ Kim. Mỗi người trong số những người được ủy thác khác của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612, cũng bị phạt số tiền tương tự.

Đức Hồng Y là một nhân vật nổi bật trong cộng đồng Công Giáo Rôma gồm 400,000 người ở Hương Cảng và việc bắt giữ ngài đã gây ra làn sóng chấn động cả trong thành phố và nước ngoài. Vatican bày tỏ lo ngại trong khi các nhóm nhân quyền và chính phủ nước ngoài thẳng thắn hơn trong những lời chỉ trích của họ.

Việc bắt giữ Đức Hồng Y Quân diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, khi Vatican tìm cách gia hạn một thỏa thuận gây tranh cãi với Bắc Kinh. Thỏa thuận này cho phép các giám mục trung thành Đảng Cộng sản Trung Quốc được lựa chọn bởi bọn cầm quyền và sau đó được Vatican chấp thuận. Đổi lại, Trung Quốc công nhận thẩm quyền của Tòa thánh trong cộng đồng Công Giáo của mình.

Những người chỉ trích tin rằng thỏa thuận này phản bội người Công Giáo trong Giáo Hội hầm trú của Trung Quốc, là những người phải đối mặt với cái giá cá nhân rất lớn để trung thành với Tòa thánh. Việc tiếp tục thỏa thuận cũng có thể dẫn đến việc Vatican cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Chính thức là một quốc gia vô thần và Cộng sản, Trung Quốc vẫn duy trì mức độ kiểm soát cao đối với tất cả các hình thức tôn giáo có tổ chức. Năm 1957, chính phủ Trung Quốc đã thành lập Giáo Hội Công Giáo do nhà nước phê chuẩn, bổ nhiệm các giám mục của riêng mình và khẳng định ảnh hưởng của cộng sản đối với thần học của họ. Hàng triệu người Công Giáo ở đại lục, vẫn trung thành với Tòa thánh, buộc phải thờ phượng dưới sự đe dọa sách nhiễu và bỏ tù của chính quyền.

Giáo phận Công Giáo Hương Cảng hoạt động như một thực thể riêng biệt với các nhà thờ của Trung Quốc theo khuôn khổ Một quốc gia, Hai hệ thống, trong khi Vatican hiện không có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

Sinh năm 1932 tại Thượng Hải trong một gia tấn Công Giáo, Đức Hồng Y Quân đến Hương Cảng năm 1948 với tư cách là người tị nạn trong Nội chiến Trung Quốc. Khi còn trẻ, ngài gia nhập Dòng Salêdiêng và được thụ phong linh mục năm 1961 tại Turin, bên Ý.

Đức Hồng Y Quân bắt đầu sự nghiệp của mình tại giáo phận Hương Cảng và cuối cùng trở thành giám mục sau cái chết của vị tiền nhiệm ngài là Đức Hồng Y Gioan Baotixita Hồ Chấn Trung (John Wu, 胡振中). Đức Cha Trần Nhật Quân được Đức Bênêđíctô thăng Hồng Y vào năm 2006.

Rất lâu trước khi tham gia vào Quỹ Nhân đạo 612, Đức Hồng Y Quân đã thẳng thắn nói về quá trình dân chủ hóa và công bằng xã hội của thành phố.

Ngay từ năm 2003, Đức Hồng Y Quân và một số người Công Giáo đã đi đầu trong việc phản đối Điều 23, là nỗ lực của chính quyền Hương Cảng nhằm thông qua luật an ninh quốc gia theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Hơn 500,000 người đã tập hợp chống lại kế hoạch trong một cuộc biểu tình lịch sử. Vào năm 2020, Bắc Kinh đã áp đặt phiên bản luật an ninh của riêng mình đối với thành phố.

Đức Hồng Y Quân cũng tạo dựng được mối quan hệ thân thiết với Jimmy Lai, chủ sở hữu của tờ báo Apple Daily đã bị đóng cửa và là một người Công Giáo. Lai đang bị giam giữ và có thể phải đối mặt với án tù chung thân với cáo buộc gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Tờ báo ủng hộ dân chủ của ông buộc phải đóng cửa sau khi tòa soạn bị hàng trăm cảnh sát đột kích.

Hứa Dĩnh Đình (Frances Hui, 許穎婷) một nhà hoạt động chính trị lưu vong, từng học tại một trường Công Giáo Hương Cảng có liên kết với Dòng Salêdiêng, nói với HKFP rằng cô luôn nhớ đến Đức Hồng Y Quân, một nhân vật rất dịu dàng và chu đáo.

“Ngài đã dạy chúng tôi khi còn nhỏ, 'Đừng lo lắng, vì Chúa có kế hoạch của Ngài'. Điều đó đã giúp tôi tự tin hơn trong cuộc sống,” Hứa Dĩnh Đình nói, đồng thời cho biết thêm rằng ảnh hưởng của Đức Hồng Y Quân đã được cảm nhận trong phong trào dân chủ rời rạc của Hương Cảng.

Cô nói: “Một số người quen của tôi không theo đạo đã cảm động trước sự hăng say của ngài. Ở tuổi của ngài, ngài có thể đã lùi lại để tránh những rắc rối, nhưng ngài vẫn trung thực với lời nói của mình ngay cả khi đã già như vậy.”


Source:/hongkongfp.com

3. Vụ kiện mất cơ hội 'có thể trở thành giáo hoàng' của Hồng Y Becciu bị bác bỏ

Một tòa án Ý đã bác bỏ đơn kiện của Đức Hồng Y Angelo Becciu cáo buộc rằng việc truyền thông đưa tin bất lợi đã khiến ngài mất cơ hội trở thành giáo hoàng. Sau những thất bại pháp lý gần đây trong hai vụ kiện, Hồng Y Becciu được lệnh phải trả hàng ngàn đô la tiền bồi thường thiệt hại và án phí.

Các nhà báo Ý đã đưa tin hôm thứ Tư rằng vụ kiện của Hồng Y Becciu chống lại tạp chí tin tức L'Espresso của Ý đã bị bác bỏ tại một tòa án dân sự ở Sanssari, thuộc vùng Sardinia. Một thẩm phán đã ra lệnh cho Hồng Y phải trả các chi phí pháp lý của tạp chí.

Hồng Y Becciu đã đệ đơn kiện L'Espresso vào tháng 11 năm 2020, vài tuần sau khi ngài bị Đức Thánh Cha Phanxicô sa thải khỏi các chức vụ trong giáo triều và ra lệnh từ bỏ các đặc quyền Hồng Y.

Đức Hồng Y đã yêu cầu bồi thường thiệt hại 10 triệu euro trong vụ kiện theo đó Đức Hồng Y tuyên bố rằng việc L'Espresso đưa tin về vụ tai tiếng tài chính tại Phủ Quốc vụ khanh đã góp phần không công bằng vào quyết định sa thải ngài của Đức Giáo Hoàng, làm tổn hại danh tiếng của ngài và khiến ngài mất cơ hội được bầu làm giáo hoàng trong một mật nghị trong tương lai.

Toàn văn quyết định cũng như số tiền mà Becciu sẽ phải trả trong trường hợp đó đều chưa được tòa án công bố.

Nhưng phán quyết ở Sardinia là trở ngại pháp lý thứ hai đối với vị Hồng Y trong vài tuần qua.

Một tòa án ở Como đã ra lệnh cho Hồng Y Becciu phải trả gần 50,000 euro án phí và thiệt hại vào ngày 11 tháng 11, về một vụ kiện mà ngài đệ đơn chống lại cựu phụ tá của mình tại Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, là Đức Ông Alberto Perlasca.

Tòa án ở Como đã bác đơn kiện của Hồng Y Becciu vào tháng 12 năm ngoái.

Trong một phán quyết thứ hai trong tháng này, thẩm phán nhận thấy vị Hồng Y phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng quy trình pháp lý khi cố gắng kiện Perlasca, người là nhân chứng chính cho vụ truy tố ở Thành phố Vatican, nơi Hồng Y Becciu là một trong mười bị cáo bị xét xử vì tội tài chính.

Hồng Y Becciu bị buộc tội trong phiên tòa xét xử ở Vatican về tội lạm dụng chức vụ, tham ô và âm mưu. Ngài cũng bị buộc tội cố gắng thay đổi lời khai của Đức Ông Perlasca.

Khi đệ đơn kiện Perlasca, Becciu đã đòi nửa triệu euro từ cấp phó của mình vì đã gây tổn hại cho sức khỏe và lối sống của Hồng Y, được cho là do sự hợp tác của Perlasca với các nhà điều tra của Vatican.

Thẩm phán Lorenzo Azzi đã ra phán quyết vào năm ngoái rằng “không có hành vi gây hại cụ thể nào trong lời khai của nguyên đơn” và nhận thấy các yêu cầu đòi bồi thường của Hồng Y Becciu “hoàn toàn thiếu bất kỳ … trọng lượng” nào để biện minh cho những thiệt hại mà ngài nêu ra.

Tháng này, vị thẩm phán đã ra lệnh yêu cầu Becciu trả 40,000 euro án phí cho Đức Ông Perlasca và Genoveffa Ciferri, một người bạn của Perlasca có tên trong vụ kiện của Becciu. Vị Hồng Y này cũng được lệnh phải trả cho người phó của mình 9,000 euro tiền bồi thường thiệt hại.

Theo đoạn phim bị rò rỉ về các cuộc phỏng vấn của Đức Ông Perlasca với các công tố viên Vatican, Đức Ông xác nhận rằng, theo chỉ thị của Hồng Y Becciu, ngài đã giúp dàn xếp các khoản chuyển tiền trị giá hơn nửa triệu euro cho Cecilia Marogna, nhà phân tích địa chính trị tự xưng là đã từng làm gián điệp riêng cho Hồng Y Becciu khi ngài làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Đức Ông Perlasca cho biết có một lần, ngài đã chuẩn bị một phong bì với gần 15,000 euro tiền mặt cho vị Hồng Y, nhưng ngài không biết số tiền này sẽ được chuyển cho ai - chỉ biết rằng Hồng Y Becciu nói với ngài rằng việc chuyển tiền đã được đích thân Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận.

Đức Ông Perlasca nói với các công tố viên Vatican rằng Hồng Y Becciu “rất tức giận” với ngài vì đã thắc mắc về việc chuyển tiền, và đã yêu cầu được biết lý do tại sao Đức Ông không xóa hồ sơ giao dịch khỏi hồ sơ của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Phiên tòa xét xử Hồng Y Becciu tại Vatican vẫn đang tiếp diễn.
Source:Pillar Catholic