VINH DANH NHÀ MACABÊ
Chúa nhật 32 thường niên năm C

Ba năm một lần, Chúa nhật 32 năm C, Hội Thánh cho chúng ta suy niệm đoạn ngắn sách Macabê quyển II, nói về việc vua Antiôkô hành hạ tám mẹ con Do thái vì đức tin của họ vào Thiên Chúa cho đến khi lần lượt cả tám mẹ con đều tử nạn thảm khốc. Tại sao lại có câu chuyện bi hùng này? Antiôkô là ai? Macabê là ai? Sách Macabê ra đời thế nào?

1. BỐI CẢNH HY LẠP HÓA.

Thế kỷ V trước Chúa Giêsu giáng sinh (tCG), Đất hứa Canaan tức Israel, rơi vào tay Đế chế Macedonia của Alexandrô Đại đế, thuộc đế quốc Hy lạp (trị vì 13 năm từ 336-323 tCG). Alexandrô Đại đế từng đem quân chinh phạt nhiều nơi. Ông quá thành công. Ông biến Đế chế Macedonia trải dài một vùng rộng lớn từ châu Á, châu Âu đến châu Phi.

Sau khi Alexandrô chết một cách bí ẩn (có người cho rằng ông bị đầu độc), Đế chế Macedonia rơi vào cảnh tranh giành hỗn loạn và chia thành bốn vùng. Một trong bốn vùng đó là dải đất rộng lớn chạy từ Ai cập đến Syria.

Hai vị tướng là Ptôlêmê và Sêlêcô lại kiểm soát Ai cập và Syria, lập nên các vương triều của riêng mình đang tranh giành nhau để đạt ảnh hưởng và trị vì. Nhà Ptôlêmê lập thủ phủ ở Ai cập (phương nam). Nhà Sêlêcô lập thủ phủ ở Syria (phương bắc).

Nằm giữa Ai cập và Syria, Israel ngẫu nhiên trở thành vùng đất tranh chấp, nhiều lần bị xâu xé bởi hai vương triều nói trên. Chỉ 17 năm, từ 319-302 tCG, do những cuộc ẩu đả qua lại của hai vương triều, Giêrusalem bảy lần đổi chủ, hết bị Ptôlêmê rồi đến Sêlêcô cai trị.

Đến năm 301, nhà Ptôlêmê hoàn toàn thắng thế và cai trị đế quốc Hy lạp, trong đó có Israel. Dù trước đây, trong thời chiếm đóng qua lại, cả Ptôlêmê và Sêlêcô đều ra sức tuyên truyền và phổ biến văn hóa Hy lạp gọi là "Hy lạp hóa" (Hellenism). Đây là thứ văn hóa ngoại giáo, hoàn toàn đi ngược đức tin vào Thiên Chúa của dân Do thái.

Tuy nhiên, nhà Ptôlêmê hiền hòa. Khi nắm quyền, họ gây nhiều thiện cảm với dân Do thái. Dân Do thái vẫn tự do tôn giáo. Thời Ptôlêmê, cộng đoàn Do thái tại thủ đô Alexandria (đặt tại Ai cập) của đế quốc Hy lạp dịch Thánh Kinh Cựu Ước từ tiếng Do thái sang tiếng Hy lạp, hoàn tất năm 250 tCG. Đây là bản “Thánh Kinh Bảy Mươi” (tương truyền do 70 vị dịch thuật), nhằm phổ biến cho các cộng đoàn Do thái ảnh hưởng văn hoá Hy lạp.

Dòng họ Ptôlêmê lãnh đạo đế quốc Hy lạp trong thời gian khá dài (301-198 tCG). Đến năm 198 tCG, bất ngờ Antiôkô III thuộc dòng họ Sêlêcô đánh thắng quân Ai cập (một phần của đế quốc Hy lạp), nắm quyền cả một vùng từ Syria đến Israel.

Sau khi Antiôkô III chết, con trai là Antiôkô IV (175-164 tCG), một con người võ đoán, tàn độc thay cha, tự xưng một cách kiêu ngạo là Antiôkô Êpiphan (Thiên Chúa hiện thân), thực hiện chính sách hà khắc, nhằm loại nền văn hóa kết hợp với đức tin từ lâu đời mà người Israel luôn mang nơi mình. Ông buộc Israel bỏ đạo cha ông, không được thờ Thiên Chúa, nhưng phải thờ các thần Hy lạp. Năm 169 tCG, ông cướp đoạt những đồ quý giá trong đền thờ Giêrusalem, xúc phạm nặng và biến đền thờ thành nơi thờ đa thần Hy lạp. Cụ thể, ông dựng bàn thờ kính thần Zeus ngay trong đền thờ.

2. CUỘC NỔI DẬY CỦA GIA ĐÌNH MACABÊ.

Cuộc bách hại do dòng họ Sêlêcô, khởi đi từ Antiôkô IV (Antiôkô Êpiphan) là cuộc bách hại khốc liệt và trực tiếp vào đức tin Do thái giáo. Người Do thái bắt đầu tự vệ. Nhưng càng nổi dậy, họ càng bị đàn áp nặng nề.

Không thể chịu nổi sự áp bức khốc liệt, năm 166 tCG, từ thành Môđin, một năm sau khi đền thờ Giêrusalem bị xúc phạm nặng, ba anh em ruột nhà Macabê nổi dậy dưới sự lãnh đạo của cha là tư tế Mattathia. Họ đã có nhiều chiến thắng vang dội, lập nên triều đại Hasmônê.

Sau khi Mattathia chết, người con thứ ba, Giuđa Macabê đầy mưu lược, dũng cảm, đã đưa quân đội Do thái đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác, khiến quân thù khiếp sợ. Tháng 12.165 tCG, họ chiếm lại được đền thờ và long trọng làm lễ thanh tẩy đền thờ. Tuy nhiên, Giuđa gặp nhiều khó khăn do âm mưu của thượng tế Alcimus. Ông qua đời trong một trận chiến.

Đáng tiếc, sau Giuđa Macabê, những người tiếp theo của dòng họ Hasmônê ít tài lại kiêu ngạo. Họ hướng về thế tục nhằm tranh đoạt chính trị, quyền lợi, hưởng thụ...

Một người anh em là Gionathan Macabê kế vị (160-142 tCG). Tuy bắt đầu hướng về thế tục như đã nói, Gionathan lấy lại phần đất thuộc vương quốc của Đavít và Salomon xưa. Cuối cùng ông bị tướng Trypho của nhà Sêlêcô giết.

Người thứ ba kế tục là Simon Macabê (142-134). Ông cũng theo lối thế tục, dần mở rộng bờ cõi. Ông bị con rể ám sát. Kẻ sát nhân lại bị người con thứ hai của Simon là Gioan Hyrcanô giết, để tiếp tục sự nghiệp của cha lập nên triều Hyrcanô I (134-105).

3. HẬU DUỆ CỦA MACABÊ KIÊU NGẠO VÀ YẾU KÉM.

Hyrcanô I là người tài. Năm 109 tCG, ông chiếm Samaria, hủy đền thờ ngoại giáo trên núi Garizim, buộc dân Samari thờ Chúa ở Giêrusalem. Tuy không xưng vương, Hyrcanô lại tự xem mình như người tái lập vương quốc Đavít nhờ chính sách bành trướng.

Sau khi Hyrcanô I qua đời, con lớn là Aristôbôlô I lên ngôi (104-103 tCG), nổi tiếng tàn ác. Ông bắt giam mẹ và anh em ruột, buộc mẹ chết đói trong tù. Ông kiêu ngạo, tự xưng vương. Tệ hại hơn, dòng họ Hasmônê tự xưng là thượng tế, đã làm mất lòng hàng tư tế chính thức ở Giêrusalem, gây nên sự chống đối nơi người Do thái.

Một nhóm người mệnh danh là Hasidim (tiền thân của Pharisêu hay còn gọi là nhóm biệt phái), xuất thân từ những người Do thái đạo đức thuộc mọi tầng lớp xã hội, chống đối sự phản bội của dòng họ Hasmônê đối với Lề luật và tinh thần Do Thái giáo.

Trong hành ngũ những người Hasidim có một số gồm tư tế và thường dân hoàn toàn phủ nhận quyền tôn giáo và chính trị của triều đại Hasmônê-Macabê, tạo thành nhóm biệt phái Qumran nổi tiếng ở phía tây bắc Biển Chết.

Chính cộng đoàn Qumran, sau này do sự tấn công vũ bão của quân La mã năm 68 sau khi Chúa Giêsu giáng sinh, đã dấu những tác phẩm Kinh Thánh vào những ghềnh đá, mà mãi đến năm 1974, ngành khảo cổ mới tìm thấy.

Sau khi Aristôbôlô I chết năm 103 tCG, Alexandrô Jannê (103-76) lên ngôi trị vì, lại hết lòng ủng hộ Hy lạp. Có thể xem Alexandrô Jannê là người cuối cùng của dòng họ Hasmônê-Macabê. Dù trên ngai cai trị, ông vẫn tiếp tục coi mình là thượng tế y như các vua trước của dòng họ Hasmônê-Macabê.

Đáng buồn là, trước đây, để chống văn hóa ngoại giáo Hy lạp, tổ tông nhà Macabê lãnh đạo người Do thái bảo vệ văn hóa đi đôi đức tin tôn giáo, tin mãnh liệt vào Thiên Chúa, thì bây giờ, sau khi trải qua năm đời lãnh đạo, con cháu Macabê dần nghiêng theo Hy lạp. Đặt dấu ấn nặng nề nhất cho sai lầm này là Hyrcanô I, Aristôbôlô I (kẻ độc ác, bất tài) rồi đến Alexandrô Jannê.

Sau khi Alexandrô Jannê qua đời năm 76, vợ ông là Alexandra nối nghiệp chồng cai trị thêm 9 năm. Sau khi bà chết ít lâu, hai người con của bà là Hyrcanô II và Aristôbôlô II xâu xé nhau để tranh quyền làm thượng tế và làm vua. Chính trong thời gian khủng hoảng quyền lực, đế quốc La mã nhanh chóng nắm lấy thế cờ để giành quyền làm chủ.

Như chúng ta đã biết, thời Chúa Giêsu, ở Palestine, đế quốc La mã đã hoàn toàn làm chủ tình hình.

Nhìn lại: Cuộc nổi dậy của nhà Macabê tuy ngắn ngủi (167-164). Nhưng là cột mốc quan trọng cho Do thái giáo. Trước ý muốn của vua Antiôkô IV dùng bạo lực buộc người Do thái chỉ còn nước phải chọn lựa dứt khoát hoặc chối đạo để sống tiếp, hoặc chịu tử đạo. Cuộc nổi dậy của Giuđa Macabê và sự thành công - thanh tẩy Đền thờ - đã giúp cho đức tin sống lại. Nhưng như ta đã thấy, những kẻ kế nghiệp ông đã tự bôi bẩn mình với những âm mưu chính trị và tranh giành quyền lực.

4. SÁCH MACABÊ QUYỂN I.

Sách Macabê quyển I (không rõ do ai viết) ra đời khoảng năm 100 tCG, ghi lại những sự kiện xảy ra từ năm 323-104 tCG. Trong đó, sách đặc biệt lưu ý cuộc khởi nghĩa của người Do thái bảo vệ đức tin do gia đình Macabê lãnh đạo.

Quyển sách nhấn mạnh đến sự trung thành với lề luật của Chúa đối lập với những chính sách tàn ác của đế quốc Hy lạp, luôn tìm cách xóa bỏ niềm tin vào Thiên Chúa của người Do thái.

Sách cũng nêu gương gia đình Macabê, một gia đình trung thành với lề luật của Chúa, đồng thời gan dạ, dũng cảm bảo vệ đến cùng đức tin ấy. Dù đề cập nhiều chiến thắng của Macabê, sách luôn cho thấy, những thành công không phải do con người, nhưng là do Thiên Chúa.
Dù anh em nhà Macabê bị giết chết nhưng dân được hưởng tự do tương đối để sống theo Lề luật và truyền thống cha ông. Một lần nữa, qua nội dung sách Macabê, Thiên Chúa bày tỏ sự trung tín với dân của Người.

5. SÁCH MACABÊ QUYỂN II.

Không phải phần nối tiếp quyển I, được viết vào khoảng năm 124 tCG (trước quyển I khá lâu), cũng không chú ý về mặt lịch sử.

Trong khi quyển I trình bày toàn diện một giai đoạn lịch sử, thì quyển II lại tập trung vào những sự kiện, đôi khi gồm chuỗi bình luận hay tích truyện. Chẳng hạn sách kể lại những biến cố xảy ra cho đền thờ: bị xúc phạm, được thanh tẩy và tái thiết, rồi lại bị tấn công dưới thời Antiôkô IV và con trai ông này. Những gì xảy ra cho Đền thờ cũng là những gì xảy ra cho dân tộc: chịu bách hại, được giải thoát và tái thiết. Sách giúp độc giả hiểu về niềm hy vọng và những đau khổ của các tín hữu bị bách hại.

Sách thẳng thắn trách cứ các thượng tế và nhiều vị lãnh đạo khác, khờ khạo, nông nổi đưa văn hoá ngoại giáo Hy lạp vào đất nước, vào Giêrusalem và vào cả đền thờ. Đây là điều không thể chấp nhận đối với các thực hành Do thái giáo chân chính.

Sách quy cho tội lỗi đã dẫn đến sự trừng phạt của Chúa. Như thế, tư tưởng mà tác giả muốn đề cao là: tội lỗi sẽ dẫn đến hình phạt, còn hoán cải dẫn đến ơn cứu độ. Điểm yếu của cách nhìn này là không thể giải thích được nỗi đau của người vô tội, khiến người ta dễ cho rằng, mọi đau khổ đều là hình phạt của tội.

Dù sao quyển II rất quan trọng về mặt Kinh Thánh và đức tin. Nó cho ta cái nhìn sâu sắc về đau khổ và sự chết, về công lý của Thiên Chúa.

Macabê quyển II tuyên xưng đức tin vào sự sống lại của những người đã chết, điều mà theo sau sách này, các sách Đanien, Khôn ngoan cũng trình bày.

5. BÀI HỌC CHO NGƯỜI TÍN HỮU.

a. Người Kitô hữu cần ghi nhớ luôn rằng, lịch sử cứu độ gắn liền với vận mệnh của một dân tộc đã và vẫn âm thầm trôi giữa lòng thế giới. Lịch sử ấy đã thánh hóa mọi lịch sử của loài người. Là tiếng nói cứu độ của Thiên Chúa phát xuất từ trời, lịch sử cứu độ trở nên một và nhập cuộc hoàn toàn với mọi dòng lịch sử của người trần thế.

Vì là tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng trường tồn, Đấng bền vững vĩnh cửu, mặc cho lịch sử của loài người rất bấp bênh, đã nhiều lần thay ngôi đổi chủ, thì lịch sử cứu độ vẫn chỉ là một, vẫn luôn luôn mang trong mình sức sống thần linh vô biên và không ngừng trao ban ơn cứu độ, như dòng thác tuôn chảy đến vô cùng giữa lòng thế giới.

Thế giới bấp bênh đến đâu, bàn tay Thiên Chúa vẫn tiếp tục dìu dắt, hướng dẫn để ai tin vào Người, sẽ thấy bình an và hiểu rằng, vận mệnh của đời mình nằm trong tay Thiên Chúa vĩnh cửu. Bởi được cư ngụ trong Thiên Chúa, loài người có một chiều kích vĩnh cửu, tồn tại muôn đời trong Thiên Chúa.

b. Bất cứ thời đại nào cũng đều có những thế lực đối kháng và chống lại đức tin Kitô giáo. Chẳng hạn: chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa vô thần, những lôi kéo về vật chất, thể xác, quyền lực, não trạng hưởng thụ, lối sống thực dụng...

Đứng trước những nguy cơ xa rời đức tin, Thái độ của tư tế Mattathia và gia đình ông là mẫu gương quý cho chúng ta về tinh thần tận trung với Chúa.

Hay như câu chuyện tám mẹ con lần lượt tử đạo chỉ trong một ngày mà phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta suy niệm, là câu trả lời duy nhất về thái độ chọn lựa: Không a dua theo thế gian để được sống tiếp trong thân xác, nhưng quyết chứng minh đức tin là tất cả lẽ sống, là cao trọng trên cả mạng sống của thân xác, để luôn nêu cao tinh thần bất khuất tiến về nhà Chúa trong mọi điều kiện, dẫu bi đát nhất, đau khổ nhất, ngay cả phải đành mất mạng sống.