1. Linh mục phản đối phá thai có thể phải đối mặt với án tù sau những cáo buộc theo Đạo luật Tự do Ra vào Phòng khám
Một linh mục phò sinh nổi tiếng được biết đến với những nỗ lực bất bạo động nhằm cản trở hoạt động của các phòng khám phá thai để cứu những đứa trẻ chưa sinh phải đối mặt với cáo buộc liên bang vì đã cản trở hoạt động của một phòng khám phá thai ở New York vào tháng 7 vừa qua, khi ngài chặn lối vào phòng khám với hy vọng khuyên những người phụ nữ tìm cách phá thai xem xét lại.
Cha Fidelis Moscinski, 52 tuổi, một linh mục của Dòng Phanxicô Canh tân, đã bị buộc tội theo Đạo luật Tự do Ra vào Phòng khám, gọi tắt là FACE, một đạo luật liên bang năm 1994 cấm ngăn chặn việc ra vào các phòng khám phá thai.
Theo thông cáo ngày 29 tháng 9 từ Bộ Tư pháp, Cha Moscinski đã đến phòng khám Planned Parenthood of Greater New York ở Hempstead, New York vào sáng ngày 7 tháng 7 trong trang phục của dòng Phanxicô.
Ngài bị cáo buộc đã buộc chặt lên cửa vào phòng khám một số ổ khóa thông thường và các ổ khóa dùng cho xe đạp, một số còn được đổ bằng keo để khó mở ra. Sau đó, trong khi mặc áo dòng ngài đã nằm trước cổng để chặn lối vào phòng khám phá thai bằng thân thể của mình. Phòng khám được tường trình là phải đóng cửa trong hai giờ do hành động của ngài.
Bộ Tư pháp cho biết các cáo buộc thứ nhất về việc khóa cửa vào phòng khám có thể coi là tội nhẹ và bị phạt cùng lắm là một năm tù liên bang; cáo buộc thứ hai về việc ngài nằm dài trước cửa phòng khám được coi là một trọng tội. Đạo luật FACE nghiêm cấm “hành vi bạo lực, đe dọa, gây tổn hại và cản trở nhằm gây thương tích, đe dọa hoặc cản trở quyền tìm kiếm, có được hoặc cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản”
Terrisa Bukovinac, người sáng lập và giám đốc điều hành của nhóm ủng hộ cuộc sống Tiến bộ Chống phá thai, đã bác bỏ các cáo buộc chống lại Moscinski trong một tuyên bố ngày 2 tháng 10.
Bukovinac cho biết Đạo luật FACE được ban hành chủ yếu để dập tắt các nỗ lực của phong trào phò sinh cứu các thai nhi.
Cha Moscinski đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong những năm gần đây vì những cuộc biểu tình cầu nguyện của ngài trước các phòng khám phá thai và công việc của ngài với nhóm Red Rose Rescue. Vào năm 2021, các bức ảnh chụp đám rước tại ngày cầu nguyện của Nhân chứng cho sự sống ở Brooklyn cho thấy những người ủng hộ phá thai la hét, cầm biển báo và hút thuốc lá phà vào mặt ngài khi đối mặt với linh mục Moscinski điềm tĩnh đứng cầu nguyện.
Gần đây hơn, sau khi bị bắt vào ngày 7 tháng 7, Cha Moscinski nói với EWTN Pro-life Weekly rằng ngài biết hành động của mình trong việc chặn lối vào phòng khám có thể gây ra “hậu quả nghiêm trọng” và ngài chọn hành động một mình để không liên quan đến bất kỳ ai khác.
Cha Moscinski nói với người dẫn chương trình Prudence Robertson rằng mục tiêu của ngài là “làm cho phòng khám đó đóng càng lâu càng tốt để tôi có cơ hội nói chuyện với những người mẹ sẽ đến vào sáng hôm đó. Chỉ cần cứu được một đứa bé duy nhất thì cũng đáng với những rắc rối phải chịu” Ngài khuyến khích những người ủng hộ cuộc sống lần chuỗi Mân Côi và tự hỏi: “Tôi có sẵn sàng hy sinh để bày tỏ tình yêu thương với những bà mẹ và trẻ em đang có nguy cơ phá thai hay không?”
2. Các giám mục Đức bất đồng với nhau về vấn đề luân lý tính dục
Trong khóa họp mùa thu, từ ngày 26 đến 29 tháng Chín vừa qua, khoảng 70 giám mục Đức nhìn nhận các vị không đạt tới sự đồng thuận về vấn đề cải tổ luân lý tính dục.
Trong Hội đồng Giám mục Đức có hai phần ba thành viên theo xu hướng cấp tiến, muốn thích ứng luân lý tính dục hiện nay của Giáo Hội Công Giáo theo tinh thần thời đại ngày nay, giống như Tin lành, nhưng có một phần ba các giám mục tuyên bố trung thành với giáo huấn chính thức của Giáo hội.
Trong cuộc họp báo, trưa ngày 29 tháng Chín vừa qua, sau khi kết thúc khóa họp, Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Georg Bätzing, Giám mục Giáo phận Limburg, xác nhận tình trạng bất đồng trên đây và nói rằng: “Giữa chúng tôi có một sự đồng ý với nhau, đó là chúng tôi có sự bất đồng như vậy. Sự khác biệt ý kiến có thể dung thứ được và chúng tôi không sụp đổ trong tư cách là cộng đoàn”.
Dự án cải tổ qua “Tiến trình công nghị” của Công Giáo Đức cho thấy rõ sự khác biệt lập, trường đó trong khóa họp hồi đầu tháng Chín này, khi dự thảo Văn kiện về cải tổ luân lý tính dục Công Giáo không được thông qua vì không hội đủ hai phần ba số phiếu của các giám mục. Vấn đề này sẽ được đề cập tới trong dịp các giám mục Đức về Roma viếng mộ hai thánh tông đồ và thăm Tòa Thánh, vào trung tuần tháng Mười Một tới đây.
Đức Cha Bätzing tuyên bố trong cuộc họp báo rằng: “Chúng tôi muốn Tiến trình công nghị tại Đức được thành công. Chúng tôi sẽ đi Roma, để nghe rõ ràng về sự dè dặt từ phía Vatican”.
Trong cuộc họp báo, Đức Cha Chủ tịch cho biết các giám mục Đức tuyên bố tiếp tục ủng hộ Ukraine, kể cả về mặt quân sự. Lập trường của Hội đồng Giám mục Đức là: “Nếu một sự vi phạm công pháp quốc tế trắng trợn được tưởng thưởng bằng một chiến thắng quân sự, thì điều này sẽ có hậu quả chết chóc lâu dài. Vấn đề ở đây là một Ukraine tự do trong một Âu châu tự do”.
Một đàng, đối với các tín hữu Kitô, có lý tưởng bất bạo động. Nhưng đàng khác, Giáo lý Công Giáo về hòa bình cũng nhìn nhận quyền tự vệ. Nghĩa vụ ưu tiên của Giáo hội là thoa dịu đau khổ của những nạn nhân chiến tranh. Ở đây có sự dấn thân khẩn trương của các giáo phận, các tổ chức bác ái và cơ quan của Giáo hội ở Đức cũng như tại Ukraine và các nước láng giềng. Đức Cha Bätzing cám ơn hàng ngàn nhân viên và những người thiện nguyện của Giáo hội đang giúp đỡ người tị nạn.
3. Giáo Hội Công Giáo Ba Lan lên án nạn nghiện rượu
Đức Cha Tadeusz Bronakowski, Chủ tịch Ban Tông đồ về Tỉnh táo và nạn nghiện ngập, thuộc Hội đồng Giám mục Ba Lan, tố giác nạn nghiện rượu như một bất hạnh cho xã hội nước này, đứng trước hiện tượng trong năm ngoái (2021), 45 tỷ đồng Ba Lan, tương đương với 9 tỷ 355 triệu Euro được dùng để mua rượu, một kỷ lục chưa từng có.
Tuyên bố với hãng tin Công Giáo Kai của Ba Lan, truyền đi hôm 27 tháng Chín vừa qua, Đức Cha Bronakowski, cũng là Giám Mục Phụ Tá giáo phận Lomza, than phiền rằng tình trạng vừa nói là hậu quả của việc quảng cáo gian trá khắp mọi nơi về rượu rẻ. Ngài nhắc lại lời của chân phước linh mục Bronislaw Markiewicz nói rằng Ba Lan hoặc là tỉnh táo hoặc sẽ không tỉnh táo tí nào.
Trong thông cáo gửi hãng tin Kai, Đức Cha viết: “Thông tin theo đó, trong năm ngoái số tiền 45 tỷ đồng Ba Lan được dành cho rượu, kỷ lục chưa từng có, đó thực là điều đau lòng, bi thảm và là thiệt hại cho xã hội. Một số tiền khổng lồ được chi cho một thứ đồ uống dễ làm cho người ta nghiện ngập, nguyên nhân sinh ra nhiều thứ bệnh và làm nhiều đồng bào của chúng ta chết sớm. Đó là nguyên nhân gây ra bất hạnh. Đâu là những lý do của tệ nạn ấy?
“Đó là kết quả của một não trạng bệnh hoạn, phò rượu, đã đi sâu vào tâm trí nhiều người Ba Lan, cho rằng rượu là chất không có hại và luôn phải được có sẵn ở mọi nơi. Đó là kết quả của thứ quảng cáo lừa đảo ở khắp nơi về rượu rẻ và bao nhiêu cửa hàng, tiệm bán rượu....
“Tôi cũng muốn nhắc nhở anh chị em lời của chân phước Hồng Y Stefan Wyszynski rằng sự tỉnh táo là một lý lẽ của quốc gia Ba Lan. Ban Giám mục Ba Lan Tông đồ về sự Tỉnh táo và nạn nghiện ngập, đã quan tâm đến sự cần thiết phải giải quyết nạn say rượu và nghiện rượu cũng như các thứ nghiện ngập khác từ nhiều năm nay. Thông tin mới nhất, phải thức tỉnh tình trạng ngái ngủ của nhiều người có trách nhiệm tại quê hương chúng ta, những quan chức chính quyền địa phương, đồng thời cũng phải động viên các gia đình và Giáo hội để gia tăng chăm sóc sự tỉnh táo của quốc gia”.
4. Phản ứng của Đức Hồng Y Koch trước yêu cầu xin lỗi tức khắc của Giám Mục Bätzing
Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, tiếp tục tỏ ra dè dặt về Tiến trình công nghị tại Đức, vì coi những dấu chỉ thời đại ngày nay như những nguồn mạch mới của mạc khải, ngoài nguồn mạch khải Kinh thánh và Truyền thống.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Công Giáo “Die Tagespost”, xuất bản ngày 29 tháng Chín vừa qua, tại thành phố Wuerzburg, Đức Hồng Y Koch, người Thụy Sĩ, nói rằng: “Những dấu chỉ thời đại cần được quan sát với sự quan tâm và nghiêm túc cứu xét, nhưng chúng không phải là những nguồn mạch mới của mạc khải. Trong ba giai đoạn nhận thức đức tin - là nhìn, phán đoán và hành động, - các dấu chỉ thời đại thuộc vào giai đoạn quan sát, và không thuộc vào giai đoạn phán đoán, cạnh các nguồn mạch của mạc khải.”
Đức Hồng Y Koch cho biết thêm rằng ngài cảm thấy bức xúc vì lập trường của những người chủ trương Tiến trình công nghị tại Đức hiện nay giống như những “Kitô hữu Đức” thời Đức quốc xã, coi như một mạc khải mới sự xuất hiện của nhà độc tài Hitler. Thời đó, có một phong trào mạnh mẽ trong Tin lành Đức sau cuộc bầu cử năm 1932.
Đức Hồng Y Koch nhận xét thêm rằng: “Nguy cơ lớn nhất ngày nay là chân lý và tự do không còn đi chung với nhau, nhưng bị tách biệt. Trong nền thần học ở Đức ngày nay, có một xu hướng mạnh mẽ coi tự do như giá trị cao cả nhất của con người và từ đó phán đoan điều gì còn có thể được coi là chân lý đức tin và điều gì phải bị quăng xuống biển”.
Đức Cha Georg Bätzing, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức đã phản ứng mạnh mẽ chống lại nhận định trên đây của Đức Hồng Y Koch, và đòi Đức Hồng Y phải công khai xin lỗi, nếu không Đức Cha sẽ chính thức trình lên Đức Thánh Cha.
Tuy nhiên, ngay chiều thứ Năm, 29 tháng Chín, Đức Hồng Y Koch cho biết ngài bị hiểu lầm, và không muốn làm thương tổn một ai, và không hề có ý ví Tiến trình công nghị tại Đức với ý thức hệ Đức quốc xã. Tuy nhiên, Đức Hồng Y không thể rút lại nhận định phê bình về hướng đi của Tiến trình công nghị này và nói rằng: “Đức tin Kitô phải luôn được giải thích vừa trung thành với nguyên thủy và thích ứng với thời đại chúng ta ngày nay. Vì thế, chắc chắn Giáo hội phải biết những dấu chỉ thời đại và nghiêm túc cứu xét chúng, nhưng chúng không phải là những nguồn mạch mới của mạc khải”.