1. Hai lữ đoàn Dù và một lữ đoàn Biệt Động Quân Ukraine bất ngờ mở cuộc phản công ở miền Bắc. Quân Nga thảm bại. Tướng Nga nhìn nhận quân đội Putin bị bao vây ở Ukraine
Sáng thứ Tư 7 tháng 9, Kyril Tymoshenko, Phó Chánh Văn Phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã trình bày một báo cáo về năm học mới tại Ukraine và các biện pháp an toàn cho các trường học. Cuối chương trình, ông loan báo tổng thống sẽ loan một tin vui vào tối thứ Tư.
Trước đó lúc mờ sáng, Lữ đoàn Dù 80, và Lữ đoàn Dù 25, tăng phái từ Lviv, cùng với Lữ đoàn Biệt Động Quân 92 đã bất ngờ tấn công vào thành phố Balakliya ở miền Đông Bắc Kharkiv giáp biên giới với Nga. Chỉ trong giờ đầu tiên, quân Nga thất thủ, bỏ chạy về phía Belgorod, của Nga. Tuy nhiên, họ đã bị cắt đứt đường rút lui.
Trong bài diễn văn gởi quốc dân đồng bào, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết “Kể từ bây giờ, hàng năm vào ngày 7 tháng 9, Ukraine sẽ kỷ niệm Ngày tình báo quân sự - một ngày lễ đặc biệt của những người có những đóng góp cho quốc phòng và chiến thắng trong tương lai của chúng tôi không thể bị đánh giá thấp.”
Tổng thống giải thích rằng ông đã đưa ra quyết định trên vì nhờ các nỗ lực tình báo Ukraine đã được các chiến thắng quan trọng, kể cả trong các tình huống khó khăn và bất ngờ nhất. Ông đơn cử chiến thắng tại Balakliya, một thị trấn bị chiếm đóng gần Kharkiv.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Troops Likely Encircled in Ukraine, Ex-Russian Military Leader Says”, nghĩa là “Một cựu tướng lãnh Nga cho rằng quân đội Putin có khả năng bị bao vây ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Quân đội Nga có thể bị bao vây ở Balakliya, một thị trấn bị chiếm đóng gần Kharkiv, một cựu lãnh đạo quân đội Nga cho biết, trong bối cảnh có báo cáo về một cuộc phản công của Ukraine trong khu vực.
Igor Girkin, người thích được gọi là Igor Strelkov, đã công bố đánh giá của mình về tình hình trên kênh Telegram khi các báo cáo xuất hiện cho thấy các lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào mặt trận Kharkiv hôm thứ Tư.
“Kẻ thù ngày hôm qua đã mở một cuộc tấn công mà chúng đã chuẩn bị từ lâu (đánh giá bằng việc chuyển quân dự bị), giáng đòn chính vào khu vực thành phố Balakliya,” Girkin viết.
Cựu lãnh đạo quân đội, trích dẫn các nguồn tin, cho biết quân đội Nga đã thất bại trong việc ngăn chặn binh lính Ukraine.
Ông viết: “Vào tối ngày hôm qua, kẻ thù đã tràn ngập được doanh trại quân ta ở Balakliya, chiếm được các khu định cư Volokhov và Verbovka”.
Trên Telegram, Girkin cũng phàn nàn rằng các tân binh Nga không biết sử dụng vũ khí hạng nặng ở Balakliya, và cho rằng đã có “sự thiếu đào tạo một cách đáng tiếc”.
Ông viết: “Không quân Nga thích bắn kẻ thù từ khoảng cách càng xa càng tốt, họ sợ không dám đến gần, điều này ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của các cuộc tấn công.”
Girkin cũng trích dẫn các nguồn tin của mình nói rằng Ukraine đang thực hiện các cuộc tấn công với “sự táo bạo vượt trội” và “trên các thiết giáp và chiếm lĩnh các vị trí.”
Ông thừa nhận các báo cáo rằng hai đơn vị phản ứng đặc biệt, gọi tắt là SOBR, của Nga được tường trình đang bị bao vây trong khu vực.
Các kênh Telegram thân Nga cũng đã đưa tin về việc quân đội Ukraine đã chiếm lĩnh được vị trí này và thành công trong khu vực, và nói rằng các chiến binh của các đơn vị đặc nhiệm từ khu vực Samara và Bashkortostan đã bị quân đội Ukraine bao vây.
Một kênh Telegram ủng hộ Điện Cẩm Linh do blogger Volodymyr Romanov điều hành đã đưa tin rằng một đơn vị Nga đã bị bao vây gần Balakliya. Kênh Rosich Telegram cũng viết rằng các chiến binh của SOBR đã bị bao vây.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.
2. Ukraine tiết lộ cách hạ máy bay Nga mà không cần bắn một hỏa tiễn nào
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Reveals How It Took Down Russian Plane Without Firing a Missile”, nghĩa là “Ukraine tiết lộ cách hạ máy bay Nga mà không cần bắn một hỏa tiễn nào.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.
Một chỉ huy quân đội Ukraine cho biết đơn vị của ông đã hạ được một máy bay Nga mà không cần bắn một hỏa tiễn nào, theo nguồn tin từ ArmyINFORM của Bộ Quốc phòng Ukraine.
Yaroslav Melnyk đứng đầu một đơn vị cho đến nay đã tiêu diệt 28 mục tiêu, bao gồm 11 máy bay chiến đấu, hai trực thăng, hai hỏa tiễn hành trình và 13 phương tiện bay không người lái. Khẩu đội hỏa tiễn phòng không Buk M1 của ông đã chiến đấu ở khu vực phía đông Kharkiv kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin vào ngày 24 tháng 2.
Melnyk nói rằng đơn vị của ông ban đầu đã tiến hành công việc chiến đấu ở các khu vực bao gồm Novaya Kakhovka, và sau đó là Zaporizhzhya, thành phố nơi xảy ra các vụ xung đột gần lò phản ứng hạt nhân lớn nhất Âu Châu đã khiến quốc tế lo ngại.
Ông mô tả cách khẩu đội của mình đã đứng vững trước máy bay Nga trong khu vực Kharkiv, khi chúng thực hiện các cuộc không kích vào thành phố Izyum và các khu vực lân cận. Ông nói, trong một lần, đơn vị của ông không cần phải triển khai đầy đủ các khả năng không đối đất khi hệ thống radar chiếu sáng Buk theo dõi và chiếu sáng mục tiêu đã đủ để xua đuổi phi công Nga.
Ông nói: “Chúng tôi cũng đã bắn hạ một chiếc máy bay mà không bắn một quả hỏa tiễn nào và giải thích rằng phi công Nga có khả năng phản ứng hấp tấp với tín hiệu cảnh báo có radar theo dõi.
“Anh ta nhận ra rằng mình đã biến từ một thợ săn thành một mục tiêu. Điều này có lẽ khiến phi công choáng váng đến mức anh ta ngay lập tức nhấn nút phóng ra ngoài. Máy bay bị rơi”.
Vào ngày 6 tháng 8, là ngày của lực lượng không quân quốc gia Ukraine, Melnyk đã được tổng thống Volodymyr Zelenskiy trao tặng danh hiệu cao quý nhất của Ukraine, Huân chương Sao vàng và Anh hùng của Ukraine.
Báo cáo được đưa ra khi Zelenskiy gợi ý rằng khi cuộc phản công chống lại Nga ở miền nam Ukraine tiếp tục, các hoạt động khác như vậy có thể sẽ diễn ra.
Ông Zelenskiy nói với ABC News: “Tôi sẽ không nói rằng chỉ có một cuộc phản công ở Kherson, sẽ có nhiều cuộc phản công, và chúng tôi sẽ giành lại từng mảnh đất thân yêu”.
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin, cuộc tấn công ở phía nam đã khiến quân xâm lược Nga ở Kherson “tạm dừng” một cuộc trưng cầu dân ý theo kế hoạch về việc có trở thành một phần của Nga hay không, do tình hình an ninh.
Trong khi đó, thống đốc Luhansk, Serhiy Haidai, cho biết trên Telegram rằng quân đội Ukraine đã “có được chỗ đứng” ở khu vực phía đông và đang giành nhiều chiến thắng.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.
3. Quan chức Ukraine nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng 2,5 triệu người đã bị trục xuất sang Nga
Ukraine đã tố cáo kế hoạch trục xuất sang Nga của Putin tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư.
Phó Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Khrystyna Hayovyshyn cho biết những người Ukraine bị buộc phải tới Nga hoặc vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát đang bị giết và tra tấn.
Hayovyshyn nói với Hội đồng Bảo an rằng hàng nghìn công dân Ukraine đang bị cưỡng bức trục xuất tới “những vùng bị cô lập và hoang vu ở Siberia và viễn đông. Đại sứ cho biết 2,5 triệu người đã bị trục xuất, trong đó có 38.000 trẻ em.
Hayovyshyn cho biết các công dân Ukraine đang bị khủng bố, với lý do chính quyền Nga tìm kiếm những người “nguy hiểm”. Những người có quan điểm chính trị khác hoặc có liên kết với chính phủ hoặc phương tiện truyền thông Ukraine đã và đang bị biến mất. Đại diện Ukraine tuyên bố, trẻ em bị xé khỏi vòng tay của cha mẹ.
4. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết hôm thứ Tư rằng “kế hoạch trục xuất” của Putin quá “kinh hoàng.”
“Ngày càng có nhiều nhân chứng và những người sống sót sau các hoạt động trục xuất kể những câu chuyện về các mối đe dọa, quấy rối và các vụ tra tấn của lực lượng an ninh Nga. Họ đã bị thu giữ dữ liệu sinh trắc học, tịch thu tài liệu nhận dạng và cắt đứt mọi phương tiện liên lạc. Họ đã bị khám xét, thẩm vấn trong những hoàn cảnh phi nhân tính và hạ thấp nhân phẩm. Nó thực sự kinh hoàng”, Thomas-Greenfield nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
“Vậy tại sao họ lại làm điều này? Lý do rất đơn giản: để chuẩn bị cho một nỗ lực thôn tính và diệt chủng.”
“Mục tiêu là thay đổi tình cảm bằng vũ lực. Để mang đến một dấu hiệu lừa đảo về tính hợp pháp cho sự chiếm đóng của Nga và cuối cùng, mục đích sáp nhập thậm chí nhiều lãnh thổ Ukraine hơn. Nỗ lực ngụy tạo những sự thật này phản ánh một phần sách vở của Nga đối với Ukraine mà chúng tôi đã cảnh báo các thành viên Hội đồng kể từ trước khi chiến tranh bắt đầu.”
“Những cuộc trưng cầu dân ý cũng được đưa ra nhằm cố gắng tạo ra một dấu hiệu sai lệch về tính hợp pháp và sự ủng hộ của công chúng, vì vậy Nga cảm thấy rằng họ có thể thôn tính Kherson, Zaporizhzhia và các khu vực khác của Ukraine. Tất nhiên, chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm thay đổi biên giới Ukraine bằng vũ lực. Chúng ta phải tố cáo thủ phạm của những hành động tàn bạo này, và buộc họ phải giải trình trách nhiệm của mình. Chúng ta phải đáp ứng với tư cách là một cộng đồng quốc tế - một cộng đồng quốc tế vẫn tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc,” Đại Sứ Thomas-Greenfield nói.
5. 'Mùa đông sẽ còn dài': Công ty dầu mỏ khổng lồ của Nga Gazprom chế nhạo phương Tây bằng một video nham hiểm cho thấy Âu Châu đóng băng sau khi Mạc Tư Khoa cắt nguồn cung cấp khí đốt
Giáo phận phía nam Roermond của Hà Kan, nơi có khoảng 290 nhà thờ ở tỉnh Limburg, đã viết thư cho các giáo xứ của mình để khuyến khích một số giáo xứ nhập các Thánh lễ định kỳ lại với nhau trong một nỗ lực đối phó với cuộc chiến năng lượng của Nga. Phát ngôn viên Matheu Bemelmans cho biết:
“Tài chính không thể là yếu tố chi phối, nhưng chúng ta cũng không thể bỏ qua. Nếu bạn chỉ có một số ít người, mỗi người quyên góp một euro, thì điều đó không đủ để trang trải hóa đơn sưởi ấm,” Bemelmans nói.
Cho đến trước ngày thứ Ba 6 tháng 9, Nga vẫn cho rằng họ không thể bơm khí đốt cho Âu Châu vì lý do kỹ thuật. Tuy nhiên, sau khi phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov thẳng thừng tuyên bố rằng Nga cúp vòi để chống lại các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom do nhà nước kiểm soát của Nga đã công khai chế nhạo Âu Châu bằng một video cảnh báo đầy ác độc về một mùa đông kéo dài với băng tuyết quét khắp lục địa.
Đoạn clip dài hai phút có tựa đề “Winter will be Long” hay “Mùa Đông sẽ dài lắm” cho thấy Âu Châu sẽ đóng băng như thế nào trong bối cảnh giá năng lượng cắt cổ do cuộc xâm lược man rợ của Vladimir Putin vào Ukraine.
Đoạn phim cho thấy một công nhân đang tắt nguồn cung cấp, đưa kim áp suất khí về số không, khi những đám mây băng đáng sợ len lỏi khắp màn hình, xen kẽ với những cảnh quay trên không của Brussels, Berlin, Paris và London.
Đoạn video có cảnh một người phụ nữ hát với những giai điệu nhẹ nhàng những lời của một bài hát truyền thống, “Winter will be Long”, của Yuri Vizbor.
Nó có những lời hát đầy u ám: 'Nhìn kìa, bên kia sông, mùa thu đang chết lặng lẽ... Và mùa đông sẽ dài, chỉ có hoàng hôn và tuyết trắng.'
Đoạn clip kết thúc với cảnh quay trụ sở Gazprom ở St Petersburg, cho thấy Trung tâm Lakhta, tòa nhà cao nhất Âu Châu.
Đoạn video được phát hành khi Âu Châu đang phải vật lộn để kiềm chế một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể dẫn đến mất điện, các nhà máy đóng cửa và suy thoái kinh tế sâu sắc.
Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên mà lục địa này phụ thuộc trong nhiều năm để vận hành các nhà máy, tạo ra điện và sưởi ấm cho các ngôi nhà.
Giá cả tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 8, khiến lạm phát tăng lên hơn 13%, theo sau mức tăng mạnh tương tự trên khắp Âu Châu kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai.
Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga đã hoàn toàn ngừng cung cấp khí đốt cho đường ống Nord Stream 1 và viện lý do là rò rỉ dầu, Gazprom cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.
Nord Stream 1 - đường ống lớn nhất đưa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga đến Âu Châu qua Đức - đã được lên kế hoạch ngừng hoạt động trong ít nhất là 72 giờ để bảo trì.
Với tuyên bố mới nhất này, Gazprom cho biết nguồn cung cấp qua đường ống sẽ bị “ngừng hoàn toàn” cho đến khi các vấn đề về vận hành thiết bị được giải quyết, và không đưa ra mốc thời gian rõ ràng về thời điểm dòng chảy sẽ tiếp tục.
Phó giám đốc điều hành của Gazprom, Vitaly Markelov, nói với Reuters rằng trong quá trình bảo dưỡng tại trạm máy nén Portovaya của mình, Gazprom phát hiện rò rỉ dầu, đồng thời cho biết thêm rằng cơ quan giám sát nhà nước Nga đã đưa ra cảnh báo cho công ty và họ cũng đã gửi thư cho Siemens về việc cần phải sửa chữa tuabin.
Siemens Energy, nhà sản xuất tuabin của Đức trên đường ống Nord Stream 1, cho biết rò rỉ dầu “không phải là lý do kỹ thuật” có thể biện minh cho việc ngừng cung cấp khí đốt từ Nga cho phần còn lại của Âu Châu.
“Với tư cách là nhà sản xuất tuabin, chúng tôi chỉ có thể tuyên bố rằng phát hiện như vậy không phải là lý do kỹ thuật để ngừng hoạt động.” Công ty cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.
Theo Siemens, những rò rỉ như vậy thường không ảnh hưởng đến hoạt động của tuabin và có thể được bịt kín tại chỗ.
“Đó là một quy trình thường xuyên trong quá trình bảo trì. Trong quá khứ, sự xuất hiện của loại rò rỉ này đã không dẫn đến việc ngừng hoạt động”.
Siemens cũng cho biết họ đã chỉ ra “vài lần” rằng có đủ số tua bin bổ sung tại trạm máy nén Portovaya để Nord Stream 1 hoạt động. Các hành động của Nga là nhằm gây khó khăn cho Liên Hiệp Âu Châu, đẩy giá năng lượng lên cao.
Các quan chức Âu Châu cho rằng đây là hành vi tống tiền năng lượng, nhằm gây sức ép và chia rẽ Liên Hiệp Âu Châu khi các quốc gia trong khối ủng hộ Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga.
Siemens cho biết họ không hiểu sự trình bày của Gazprom về tình hình. Việc rò rỉ dầu là điều bình thường và không ảnh hưởng đến việc vận hành các tuabin.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đổ lỗi cho Hoa Kỳ về cuộc khủng hoảng năng lượng.
Cô ta nói rằng Hoa Kỳ đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo Âu Châu tiến tới cái mà cô gọi là bước 'tự sát' khi cắt giảm hợp tác kinh tế và năng lượng với Mạc Tư Khoa.
Việc dừng hoạt động của đường ống Nord Stream 1 có nghĩa là các lô hàng khí đốt của Nga đã giảm 89% so với một năm trước.
Nga từng cung cấp 40% khí đốt tự nhiên của Âu Châu và thậm chí nhiều hơn nữa cho Đức, nơi năng lượng rẻ tiền là trụ cột của nền kinh tế.
Vẫn còn một số khí đốt của Nga chảy đến Âu Châu thông qua một đường ống đi qua Ukraine vào Slovakia, và một đường ống khác băng qua Hắc Hải đến Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó đến thành viên Liên Hiệp Âu Châu là Bulgaria.
Nga bắt đầu cắt giảm khí đốt ngay từ mùa hè năm ngoái, trước khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, khiến giá xăng tăng mạnh.
Sau đó, Gazprom đã cắt đứt một số quốc gia Âu Châu sau khi họ phản ứng với sự bùng nổ của chiến tranh bằng cách cấm nhiều giao dịch với các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân của Nga.
Việc cắt giảm đã dẫn đến giá khí đốt tự nhiên tăng vọt, đã đạt mức kỷ lục trong vài tuần qua.
Với việc nguồn cung của Nga chậm lại kể từ mùa hè năm ngoái, các chuyên gia cho rằng Âu Châu cần sẵn sàng cho việc không có khí đốt của Nga vào mùa đông năm nay.
Ngay cả khi doanh số bán khí đốt giảm, giá tăng chóng mặt đã giúp duy trì thu nhập của Nga từ những doanh số bán hàng đó.
Nhập khẩu dầu và khí đốt ban đầu được miễn các lệnh trừng phạt vì Âu Châu phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Âu Châu đã cấm than của Nga và sẽ cấm hầu hết dầu của Nga vào cuối năm nay.
Doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đạt 158 tỷ euro từ tháng 2 đến tháng 8, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch có trụ sở tại Helsinki.
Tuy nhiên, dầu mỏ có xu hướng là nguồn kiếm tiền chính của Điện Cẩm Linh, và không giống như khí đốt trong các đường ống cố định đến Âu Châu, có thể được bán trên toàn thế giới bằng tàu chở dầu.
Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck nói: “Các dòng khí đốt từ Âu Châu không còn đóng vai trò quan trọng trong tính toán của tôi. Điều đáng tin cậy duy nhất từ Nga là họ chỉ là những tay nói dối.”
Chiến lược này của Nga sẽ có một tác động lâu dài đối với chính nền kinh tế của Nga. Liên Hiệp Âu Châu sẽ đi đến quyết định không bao giờ mua khí đốt của Nga nữa và đang tích cực tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế.