1. Đụng độ nổ ra sau khi giáo sĩ Hồi Giáo dòng Shiite ở Iraq từ chức, 15 người chết

Một giáo sĩ dòng Shiite có ảnh hưởng đã tuyên bố hôm thứ Hai rằng ông sẽ từ chức khỏi chính trường Iraq, khiến hàng trăm tín hữu của ông tức giận xông vào cung điện chính phủ và gây ra các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh. Ít nhất 15 người biểu tình đã thiệt mạng.

Những người biểu tình trung thành với giáo sĩ Muqtada al-Sadr đã dùng dây thừng kéo hàng rào xi măng bên ngoài cung điện và phá vỡ cổng cung điện. Nhiều người đổ xô vào các salon xa hoa và đại sảnh lát đá cẩm thạch của cung điện, nơi gặp gỡ quan trọng của các nguyên thủ Iraq và các chức sắc nước ngoài.

Quân đội Iraq đã ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc và thủ tướng đã đình chỉ các phiên họp của Nội các để đối phó với bạo lực. Các quan chức y tế cho biết hàng chục người biểu tình đã bị thương do trúng đạn và hơi cay và các cuộc đánh xáp lá cà với cảnh sát chống bạo động.

Khi màn đêm buông xuống, Saraya Salam, một lực lượng dân quân liên kết với al-Sadr đã đụng độ với nhóm an ninh Lực lượng Huy động Bình dân, gọi tắt là PMF. Một lực lượng nhỏ từ sư đoàn đặc nhiệm và sư đoàn 9 của quân đội Iraq cũng tham gia để ngăn chặn các chiến binh khi các cuộc đụng độ tiếp tục kéo dài nhiều giờ bên trong Vùng Xanh, nơi đặt các tòa nhà của chính phủ Iraq.

Ít nhất một binh sĩ thuộc sư đoàn lực lượng đặc biệt, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh trong Khu vực Xanh, đã thiệt mạng. Nhiều người khác, bao gồm một phụ nữ dân sự, bị thương. Một số loạt đạn súng cối đã được nghe thấy.

Tiếng súng máy nổ vang khắp trung tâm Baghdad.

PMF là một nhóm vũ trang bao gồm các nhóm bán quân sự được nhà nước công nhận. Đó là những nhóm quyền lực nhất liên kết với các đối thủ của al-Sadr trong phe chính trị do Iran hậu thuẫn.

Các quan chức an ninh cho biết súng cối và súng phóng lựu đạn đã được sử dụng trong các cuộc đụng độ. Đây là đỉnh điểm của sự bế tắc chính trị khó giải quyết giữa các phe đối địch.

Chính phủ Iraq rơi vào bế tắc kể từ khi đảng của ông al-Sadr giành được số ghế lớn nhất trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 10 nhưng không đủ để bảo đảm một chính phủ đa số. Việc ông từ chối đàm phán với các đối thủ người Shiite được Iran hậu thuẫn và sau đó rút lui khỏi các cuộc đàm phán đã đẩy đất nước vào tình trạng bất ổn và biến động chính trị trong bối cảnh tranh cãi trong nội bộ người Shiite ngày càng gia tăng.

Phần lớn dân số Hồi giáo của Iraq được chia thành hai giáo phái, người Shiite và người Sunni. Dưới thời Saddam Hussein, người Shiite bị đàn áp cho đến khi cuộc xâm lược do Hoa Kỳ lãnh đạo đã đảo ngược trật tự chính trị. Bây giờ người Shiite đang chiến đấu với nhau, với sự tranh chấp xoay quanh quyền lực và tài nguyên nhà nước. Cuộc chiến còn ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Đức Hồng Y Louis Sako của Iraq âu lo rằng trong bối cảnh bất ổn kéo dài, có lẽ các Kitô Hữu sẽ sớm biến mất khỏi Iraq.

Để nâng cao lợi ích chính trị của mình, al-Sadr đã kết hợp tài hùng biện của mình với chủ nghĩa dân tộc và chương trình cải cách, gây tiếng vang mạnh mẽ trong số những người ủng hộ rộng rãi, những người thuộc các thành phần xã hội nghèo nhất của Iraq và đã từng bị loại khỏi hệ thống chính trị.

Nhiều người đầu tiên là tín hữu của cha ông, một nhân vật được tôn kính trong đạo Hồi Shiite. Họ đang kêu gọi giải tán quốc hội và bầu cử sớm mà không có sự tham gia của các nhóm Shiite do Iran hậu thuẫn, những nhóm mà họ coi là chịu trách nhiệm về hiện trạng chia rẽ hiện nay.

Trong các cuộc đụng độ hôm thứ Hai, Saraya Salam, một lực lượng dân quân liên kết với al-Sadr đã tập trung tại Quảng trường Tahrir của thủ đô để “bảo vệ” những người biểu tình, một trong những chỉ huy của lực lượng này cho biết.
Source:AP

2. Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga hoãn vô thời hạn do căng thẳng sâu sắc trong nội bộ

Hôm 25 tháng 8, trong một tuyên bố chưa từng có Thánh Công Đồng của Giáo hội Chính thống Nga cho biết sẽ hoãn vô thời hạn các cuộc họp.

Tuyên bố viết: “Vì tình hình quốc tế tiếp tục ngăn cản nhiều thành viên của các Hội đồng Giám mục đến Mạc Tư Khoa, nên các cuộc họp đã bị hoãn lại cho đến một ngày sẽ được xác định sau”.

Tuyên bố nói thêm rằng một cuộc họp ban thường trực vào tháng 12 có thể sẽ xác định lại vấn đề này.

Tưởng cũng nên nhắc lại, ngày 17 tháng 4, Thượng Hội đồng cũng đã quyết định hoãn Hội đồng Giám mục cho đến mùa thu hoặc mùa đông năm nay vì tình hình quốc tế.

Lý do các thành viên ở các nước khác không thể đến Mạc Tư Khoa, nếu là đúng, cho thấy Nga đang bị cô lập như thế nào trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, các nguồn tin thông thạo cho rằng lý do chính trong việc hoãn vô thời hạn là đã có những tranh cãi gay gắt trong nội bộ Chính Thống Giáo Nga. Một số các Giám Mục Chính Thống Giáo cáo buộc Thượng Phụ Kirill đang có ý muốn “phong thánh” cho Daria Dugina, một phụ nữ quá khích hô hào chiến tranh xâm lược Ba Lan và Ukraine, và đã qua đời trong một vụ đặt bom làm nổ tung chiếc xe hơi cô đang lái. Putin ca ngợi Daria Dugina như một hình mẫu người Nga yêu nước nhằm biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine. Kirill ca ngợi cô ta như một hình mẫu tín hữu Chính Thống Giáo, mặc dù khi sống cô ta hô hào chống lại các giá trị cốt lõi của Kitô Giáo như yêu thương và xem mọi người là bình đẳng, được tạo ra theo hình ảnh Chúa và giống Chúa.
Source:Inter Fax

3. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô: Làm thế nào chúng ta lại có thể chúc phúc cho cuộc chiến này, như Kirill đã làm?

Thượng phụ Đại kết Bartholomew một lần nữa bày tỏ sự lên án cuộc chiến bắt đầu từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Phát biểu tại cuộc họp báo về hội nghị của những người trẻ Chính thống giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ do Tòa Thượng phụ Đại kết tổ chức vào đầu tháng 9, Đức Thượng phụ nói rằng “Tôi đã bày tỏ lập trường của Tòa Thượng phụ Đại kết kể từ khi bắt đầu cuộc chiến đau thương này. Tôi đã nói rằng điều đó là không chính đáng và không thể chấp nhận được “.

Ngài tiếp tục: “Đáng buồn thay, Thượng phụ Mạc Tư Khoa nói rằng đó là một cuộc thánh chiến và cố gắng biện minh cho nó và giải thích nó bằng các thuật ngữ tâm linh và tôn giáo”.

“Nhưng tôi đã tự mình sửa sai ngài và nói rằng đó không phải là một cuộc thánh chiến mà là một cuộc chiến ma quỷ và ác độc. Khi hàng ngàn tân binh của cả hai bên bị giết, và không chỉ binh lính mà còn cả dân thường, làm sao chúng ta có thể dùng hai tay để chúc phúc cho cuộc chiến này, như Thượng Phụ của Mạc Tư Khoa đã làm?”

Ngài cũng nhấn mạnh rằng Nga có thể chọn một cách khác để giải quyết các vấn đề của mình với Ukraine mà nước này có biên giới. “Putin đã chọn cách tồi tệ nhất. Chúng tôi muốn cuộc chiến này kết thúc sớm hơn, và muốn các cường quốc phương Tây giúp thuyết phục Nga”.

Mở đầu bài phát biểu của mình, đề cập đến đại hội, Thượng phụ Đại kết tuyên bố rằng Tòa Thượng phụ Đại kết, với tư cách là Giáo hội Mẹ, luôn thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến giới trẻ.

“Chúng tôi có người Nga, người Ukraine, người Gagauzia, người Gruzia, người Rumani, v.v. và tất cả chúng tôi đều vây quanh họ với tình cảm như nhau mà không phân biệt đối xử ủng hộ người này hay người kia. Tất cả họ đều là con cái của Tòa Thượng Phụ chừng nào họ còn sống ở đây, ở Thổ Nhĩ Kỳ này”.

Ngài nhấn mạnh rằng “theo luật chính thống của Giáo hội Chính thống, không Giáo hội nào khác có quyền tài phán đối với Chính thống giáo sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngoại trừ Tòa Thượng phụ Đại kết, là Giáo hội địa phương. Cả Tòa Thượng phụ Nga, Tòa Thượng phụ Rumani, hay Tòa Thượng phụ Bulgaria. Không có Giáo Hội nào có thẩm quyền. Tất cả những người trẻ này, những người sẽ tập trung vào thứ Tư tới tại khách sạn để dự hội nghị, tất cả đều là những đứa con tinh thần của Tòa Thượng Phụ Đại kết.”

Đức Thượng Phụ Đại Kết lưu ý rằng “chúng tôi muốn thể hiện tình yêu và tình cảm của Tòa Thượng Phụ Đại Kết, sự quan tâm của Giáo Hội đối với các thành viên của xã hội, những người trong các lãnh vực cuộc sống. Và rằng họ thuộc về Tòa Thượng Phụ Đại kết, bất kể nguồn gốc quốc gia của họ. Và Tòa Thượng Phụ có quyền và có bổn phận đáp ứng nhu cầu tôn giáo và tâm linh của họ”.

Các ngôn ngữ của hội nghị là tiếng Hy Lạp, tiếng Anh, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Nga.
Source:Orthodox Times