1. Các linh mục đối đầu với chế độ độc tài ở Nicaragua: 'Hãy để chúng tôi làm việc trong hòa bình!'

Các linh mục của Giáo phận Estelí ở Nicaragua đã kêu gọi chính quyền của chế độ độc tài Daniel Ortega hoán cải, cho phép họ làm việc trong hòa bình, và trả tự do cho vị Giám Quản Tông Tòa của giáo phận và cũng là giám mục của Matagalpa, là Đức Cha Rolando José Álvarez Lagos, người đang bị bị quản thúc tại gia.

“Chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền hoán cải và đừng làm phiền chúng tôi. Hãy để chúng tôi làm việc trong hòa bình! Hãy trả tự do cho giám mục, các linh mục và giáo dân và Chúa sẽ thương xót các bạn, nếu các bạn hoán cải từ trái tim,” các giáo sĩ Estelí viết trong một tuyên bố đưa ra hôm 23/8.

Thông điệp được đăng trên Facebook sau một loạt các cuộc tấn công của chế độ độc tài Ortega chống lại Giáo Hội Công Giáo ở một số thành phố trong nước, đặc biệt là ở Matagalpa, nơi Đức Cha Álvarez bị bắt cóc từ Tòa Giám Mục ở Matagalpa vào nửa đêm và bị quản thúc tại gia ở Managua sau khi bị buộc tội hô hào các nhóm bạo lực gây bất ổn cho chế độ.

Cùng với ngài, các linh mục khác, chủng sinh và một giáo dân đã bị bắt cóc khỏi Tòa Giám Mục, nơi tất cả họ đã bị cảnh sát bao vây trong nhiều ngày. Sau đó, họ bị đưa đến nhà tù khét tiếng El Chipote ở Managua.

Các giáo sĩ Estelí nhắc nhở chế độ rằng “kích động thù hận và bạo lực” thực sự xảy ra “khi ông Daniel Ortega, trong hành động chính thức vào ngày 19 tháng 7 năm 2018 (kỷ niệm chiến thắng của cuộc cách mạng Sandinista năm 1979), đã công khai buộc tội một số giám mục là những kẻ âm mưu đảo chính, những kẻ khủng bố “.

“Kể từ đó, có vô số lần... họ ném mọi thứ tục tĩu, xúc phạm và phỉ báng, không chỉ vào các giám mục, mà cả các linh mục chúng tôi,” các giáo sĩ nói.

“Bản chất của chúng tôi và sứ mệnh mục vụ hòa bình đã khiến chúng tôi kiên nhẫn chịu đựng những sự man rợ như vậy”

Các giáo sĩ cũng nói rằng những cáo buộc của chế độ độc tài Ortega, “chẳng hạn như chúng tôi là những kẻ âm mưu đảo chính,” là “vô căn cứ,” bởi vì “không có đảo chính ở đây, bởi vì các cuộc đảo chính được thực hiện bởi quân đội, và ở đây quân đội đã không thực hiện một cuộc đảo chính bất cứ ai. Điều đó chỉ tồn tại trong tâm trí các bạn”.

“Những gì đã xảy ra ở đây vào năm 2018 là một cuộc biểu tình của người dân, cuối cùng đã khiến một số lượng lớn thanh niên Nicaragua thiệt mạng”, thông báo viết.

Các linh mục của Estelí yêu cầu chính quyền “tôn trọng Hiến pháp chính trị của nước Cộng hòa” và khiển trách họ vì “bất cứ những thao túng với luật pháp, tạo ra những sắc lệnh để bỏ tù công dân.”
Source:Catholic News Agency

2. Đức Giáo Hoàng có nên ra vạ tuyệt thông cho Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega hay không?

Đối với nhiều nhà quan sát, tình hình ở Nicaragua - bao gồm việc bắt giữ một giám mục, các tuyên bố thù địch của bọn cầm quyền chống lại Giáo hội, v.v. - giờ đây đòi hỏi Đức Giáo Hoàng phải có “một lập trường rõ ràng và dứt khoát”. Tờ Catholic Herald gợi ý rằng “vạ tuyệt thông - hoặc ít nhất là một lời cảnh báo về vạ tuyệt thông có thể là bước tiếp theo chống lại Ortega và những người bạn của hắn”.

Trong khi Đức Giáo Hoàng và Tòa thánh Vatican đã lên tiếng về vấn đề này, đặc biệt là trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 21 tháng 8, “sự thừa nhận này dường như không phù hợp với nỗi kinh hoàng của những gì đang diễn ra trong nước”, hãng truyền thông Anh cho biết. Đức Giáo Hoàng có thể lo ngại rằng điều này sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng, nhưng có vẻ như “con tàu đó đã ra khơi,” tờ Catholic Herald nhận xét.

Đối với Catholic Herald, Vatican nên “công nhận rằng Giáo hội hình thành phe đối lập dân chủ chính đối với Ortega, và - giống như Trung Quốc – Giáo Hội là một mối đe dọa đối với chế độ chuyên chế nhà nước vì Giáo Hội hoạt động như một đối trọng với chế độ và là hải đăng cho tự do, dân chủ và nhân quyền.” Bài báo chỉ trích gay gắt “một Vatican vẫn đang dung dưỡng Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua một thỏa thuận đã không làm được nhiều để ngăn chặn cuộc đàn áp người Công Giáo, và cũng ít lên tiếng chống lại cuộc đàn áp Kitô hữu trên toàn thế giới.”
Source:Catholic Herald

3. Giám mục Nicaragua phải lưu vong kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng về việc bọn cầm quyền độc tài bắt giữ vị giám mục

Một giám mục người Nicaragua lưu vong đã phản ứng trước lời đề nghị của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào hôm Chúa Nhật, sau khi Đức Giáo Hoàng kêu gọi một “cuộc đối thoại cởi mở và chân thành” với chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega, sau khi xảy ra vụ giam giữ một giám mục Công Giáo.

Đức Cha Silivio Báez nói trong một thánh lễ được cử hành ở Miami và được phát qua mạng xã hội của mình rằng: “Cần phải có tự do. Chúng ta không được thương lượng với Ortega. Chúng ta phải yêu cầu tự do, bởi vì những người bị bắt đều là những người vô tội, “

Đức Cha Báez kêu gọi trả tự do tức khắc cho Đức Cha Rolando Álvarez, gần đây bị bắt cùng với một số bạn đồng hành của ngài, với tội danh bị bọn cầm quyền cáo buộc là mưu toan “tổ chức các nhóm bạo lực”. Trước khi bị quản thúc tại một gia đình ở Managua, Đức Cha Álvarez, cùng với một số linh mục, chủng sinh và giáo dân, đã bị cấm rời khỏi giáo phận Matagalpa, giáo phận mà ông lãnh đạo.

Là một Giám Mục Phụ Tá của Managua, Đức Cha Báez rời Nicaragua vào năm 2019 theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô sau một loạt những lời đe dọa giết chết ngài và gia đình. Đức Cha Báez từ lâu đã là một trong những tiếng nói nổi bật trong việc phản đối chế độ Ortega, được cho là đã giết hơn 350 người biểu tình vào năm 2018 và hiện đang giam cầm 190 thủ lĩnh của phe đối lập, mà gia đình của họ không hề biết tung tích của họ.

Đức Cha Álvarez, 55 tuổi, giám mục của giáo phận Matagalpa và là giám quản tông tòa của giáo phận Esteli, cả hai ở phía bắc Nicaragua, đã bị cảnh sát đưa khỏi Tòa Giám Mục cùng với bốn linh mục và ba chủng sinh vào hôm thứ Sáu tuần trước, sau khi bị quản chế tại gia suốt 15 ngày.

Cảnh sát Quốc gia, đứng đầu là Francisco Diaz, rể của Ortega, xác nhận rằng họ đã tiến hành một cuộc hành quân vào sáng sớm vào Tòa Giám Mục Matagalpa, trong đó họ bắt Đức Cha Álvarez và những người cộng tác của ngài, và sau đó chuyển họ đến Managua.

Đức Cha Álvarez là giám mục đầu tiên bị bắt kể từ khi Ortega trở lại nắm quyền ở Nicaragua năm 2007, hiện đang được “gam giữ tại gia” ở Managua, trong khi các linh mục và chủng sinh bị đưa đến trung tâm giam giữ khét tiếng El Chipote, nơi được một số cựu tù nhân mô tả là “ trung tâm tra tấn.”

Lập trường của Đức Cha Báez khác với những quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vị Giáo Hoàng nói vào hôm Chúa Nhật 21 tháng 8 về Nicaragua lần đầu tiên kể từ năm 2019. Vào cuối buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng bày tỏ “mối quan tâm và đau đớn” đối với tình hình và kêu gọi “một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành” để có thể tìm thấy “cơ sở cho sự chung sống hòa bình và tôn trọng”.

“Tôi theo dõi sát sao với sự lo lắng và đau đớn về tình hình đã được tạo ra ở Nicaragua ảnh hưởng đến mọi người và các tổ chức,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói, tránh nêu tên Đức Cha Álvarez.

Đức Cha Báez thẳng thắn hơn khi đề cập đến Đức Cha Álvarez: “Tôi muốn Đức Cha biết rằng tôi đang phải chịu đựng rất nhiều và cầu nguyện rất nhiều cho Đức Cha, cho Nicaragua và cho Giáo Hội của chúng ta. Tôi đặc biệt muốn chào đón với tình cảm yêu mến đối với các anh chị em của chúng ta thuộc giáo phận Matagalpa và Esteli, những người đang bị tước đoạt sự hiện diện hữu hình của vị chủ chăn vào thời điểm này, và tôi biết rằng đối với họ đó là một nỗi đau rất lớn.”

Ngài cũng yêu cầu người Nicaragua đừng mất hy vọng và tin tưởng vào Chúa.

Việc bắt giữ Alvarez là chương mới nhất trong một thời kỳ đặc biệt hỗn loạn đối với Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua dưới chế độ Ortega, vốn đã chụp mũ hàng giáo phẩm nước này là “những kẻ âm mưu đảo chính” và “những kẻ khủng bố”.

Đầu năm nay, bọn cầm quyền Sandinistas đã trục xuất Sứ Thần Tòa Thánh, là Đức Tổng Giám Mục người Ba Lan Waldemar Stanislaw Sommertag, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tòa thánh. Họ cũng trục xuất 18 nữ tu của Dòng Thừa sai Bác ái do Mẹ Teresa thành Calcutta thành lập.

Đó là một tình hình ngày càng tồi tệ khi chứng kiến các linh mục bị tống vào tù, các đám rước tôn giáo bị chính phủ hủy bỏ và người Công Giáo bị cấm vào nhà thờ của họ. Cảnh sát cũng đã đột nhập và đột kích các giáo xứ, ngăn cản giáo dân rước Thánh Thể bên trong nhà thờ và bao vây các linh mục khác trong nhà thờ của họ.
Source:Crux