1. Một Giám Mục Kazakhstan hy vọng chuyến đi của Đức Giáo Hoàng sẽ mang lại hòa bình

“Chúng tôi chờ đợi Đức Giáo Hoàng với tất cả trái tim và với hy vọng rằng ngài có thể cho chúng tôi và cho thế giới một đóng góp quan trọng cho hòa bình và đoàn kết,” Đức Cha Adelio Dell'Oro, người Ý, Giám Mục của Karaganda, Kazakhstan cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã SIR của Hội Đồng Giám Mục Ý, sau thông báo hôm 1 tháng 8 của Tòa Thánh về chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến quốc gia Trung Á từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 9.

Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm thủ đô Nur-Sultan để tham dự Đại hội lần thứ 7 các nhà lãnh đạo của các tôn giáo truyền thống và thế giới. Đức Giám Mục coi chuyến đi là một “khả năng đại kết tuyệt vời cho Đức Thánh Cha Phanxicô” và nói “có vẻ như Đức Thượng phụ Kirill cũng sẽ đến” nghĩa là đây có thể là cơ hội để hai nhà lãnh đạo tôn giáo gặp lại nhau.

Đức Cha nói rằng ngài cảm thấy có một mong muốn trong số những người dân Kazakhstan được gặp một người như Đức Thánh Cha Phanxicô “người có tiếng nói có thẩm quyền trên thế giới”.


Source:SIR

2. Tuyên bố của Tòa Thánh về chuyến thăm Cộng hòa Kazakhstan

Hôm mùng 01 tháng Tám năm 2022, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, ông Matteo Bruni, thông báo Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Cộng hòa Kazakhstan, từ ngày 13 đến 15 tháng Chín tới đây, viếng thăm thành phố Nur-Sultan, nhân dịp Hội nghị lần thứ VII các vị lãnh đạo Thế giới và các truyền thống tôn giáo.

Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga cũng thuộc số các vị lãnh đạo tôn giáo tham dự Hội nghị này. Trong thời gian qua, Đức Thánh Cha cho biết có thể ngài sẽ gặp Đức Thượng phụ trong dịp này.

Đại sứ Ukraine cạnh Tòa thánh, Andrii Yurash, cho biết sẽ làm hết cách để Đức Thánh Cha đừng gặp Đức Thượng Phụ Kirill.

Không chỉ có Đại Sứ Ukraine không muốn Đức Thánh Cha gặp gỡ Thượng Phụ Kirill. Nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo Phần Lan đã lên án hành vi của Nga đối với dân thường trong cuộc xâm lược Ukraine và kêu gọi cô lập Thượng phụ Kirill.

Đức Tổng Giám Mục Leo Makkonen cho biết: “Ban lãnh đạo của Giáo Hội Chính thống Nga cho đến nay vẫn đứng về phía lãnh đạo nhà nước để chúc phúc cho cuộc chiến này và thậm chí coi đây là một cuộc 'thánh chiến' hợp pháp. Bây giờ là thời điểm cấp bách nhất để Giáo hội ở Nga nhận ra rằng họ đã lầm đường lạc lối.”

“Tôi đã trực tiếp kêu gọi Thượng phụ Mạc Tư Khoa, Kirill: Ông hãy nhớ những lời ông hứa trước Chúa với tư cách là một giám mục và một Thượng Phụ. Chúng phải giải trình trước Đấng Toàn Năng trong ngày phán xét. Vì Chúa, hãy thức tỉnh và lên án tội ác này. Nhưng cho đến nay ông ta vẫn phớt lờ”.

3. Đức Hồng Y Müller: Nhiều người Công Giáo Đức nuôi ảo tưởng

Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, nhận định rằng nhiều người Công Giáo Đức “nuôi ảo tưởng” về vấn đề cải tổ Giáo hội.

Đức Hồng Y Müller, người Đức, năm nay 75 tuổi và từ năm ngoái là thành viên thẩm phán của Tối cao pháp viện Tòa Thánh.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho phái viên hãng thông tấn Đức DPA, truyền đi hôm 31 tháng Bảy vừa qua, Đức Hồng Y Müller nhắc đến những nghị quyết do Con đường Công nghị ở Đức đề ra về việc dân chủ hóa Giáo hội, bãi bỏ sự độc thân linh mục, đề ra luân lý mới về tính dục và hôn nhân đồng phái, truyền chức thánh cho phụ nữ. Đức Hồng Y nói: những mới mẻ được đề ra trong khuôn khổ Con đường Công nghị không có cơ may nào được áp dụng. “Lý do không phải ở Roma này chúng tôi nhấn mạnh một cách độc đoán về những xác tín của chúng tôi hoặc thi hành quyền bính. Lý do chính là vì Giáo hội đã được Chúa Giêsu Kitô thiết lập và đề ra. Chúng ta không có quyền thay đổi trật tự ấy”.

Hôm 21 tháng Bảy vừa qua, một thông cáo của Tòa Thánh minh xác rằng Con đường Công nghị của Công Giáo Đức không có năng quyền thay đổi những cơ cấu điều hành hoặc của chính Giáo hội, cũng như đạo lý của Hội thánh.

Đức Hồng Y Müller minh xác rằng ngài không ủng hộ việc bãi bỏ hoàn toàn Con đường Công nghị. Một công nghị trong đó các giám mục Đức cộng tác với các đại diện giáo dân, thảo luận về cách thức ngăn ngừa sự lạm dụng tính dục trong tương lai chẳng hạn, đó là điều rất chính đáng.

“Giáo hội là một cộng đoàn các tín hữu, trong đó mọi người phải tham gia. Giáo hội không do những người ban và nhận mệnh lệnh”. Các giáo dân có quyền tham gia, và điều này được thực hiện qua nhiều cách, ví dụ qua các hội đồng giáo xứ và giáo phận.

Nhưng theo Đức Hồng Y, Hội đồng Giám mục Đức và Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức phải ngưng tạo cho người ta cảm tưởng, qua một tiến trình toàn quốc, mình có thể biến đổi Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ về những điểm thiết yếu theo ý mình.