1. Hai linh mục Công Giáo bị bắt cóc ở Nigeria
Giáo phận Kafanchan của Nigeria đã yêu cầu những lời cầu nguyện sau khi hai linh mục Công Giáo bị bắt cóc vào tối thứ Sáu.
Cha John Mark Cheitnum và Cha Denatus Cleopas bị bắt cóc vào khoảng 5:45 chiều ngày 15 tháng 7 tại nhà xứ của Nhà thờ Công Giáo Chúa Kitô Vua ở thị trấn Lere, bang Kaduna phía bắc Nigeria.
Cha Emmanuel Uchechukwu Okolo viết trong một tuyên bố chia sẻ với CNA: “Cầu mong Chúa Giêsu, bị đóng đinh trên Thập tự giá, lắng nghe lời cầu nguyện của chúng tôi và nhanh chóng mang lại tự do vô điều kiện cho các linh mục của Ngài và tất cả những người bị bắt cóc khác”.
Cha Okolo, Chưởng Ấn của giáo phận Kafanchan, nói rằng giáo phận đang kêu gọi mọi người cầu nguyện cho việc thả các linh mục bị bắt cóc một cách nhanh chóng và an toàn.
Ngài nói: “Chúng tôi sẽ sử dụng mọi phương tiện hợp pháp để bảo đảm họ được trả tự do nhanh chóng và an toàn.
Ít nhất 7 linh mục Công Giáo đã bị bắt cóc ở Nigeria trong tháng 7, theo dữ liệu do tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, một tổ chức phi lợi nhuận của Công Giáo, tổng hợp.
Vụ bắt cóc mới nhất nâng tổng số lên tới 20 linh mục Nigeria bị bắt cóc kể từ đầu năm 2022 đến nay. Ba trong số các linh mục đã thiệt mạng.
Chuyên gia an ninh David Otto, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh Phi Châu, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, nói với CNA rằng sự đồng thuận của các chuyên gia an ninh trong nhóm của ông là Giáo Hội Công Giáo đang bị tấn công vì họ đã trả tiền chuộc cao do bọn cướp yêu cầu, có thể lên tới 200.000 USD hoặc hơn. Càng trả tiền chuộc cao, càng kích thích bọn cướp.
Đức Cha Jude Arogundade của Ondo, phía tây nam Nigeria, nơi các tay súng vẫn chưa bị bắt đã giết chết ít nhất 40 người tham dự Thánh lễ Hiện xuống ở Owo, tin rằng Giáo Hội Công Giáo ở Nigeria vừa là mối đe dọa vừa là mục tiêu chiến lược cho những người chăn gia súc theo đạo Hồi cực đoan Fulani và các nhóm khủng bố Hồi giáo sử dụng bạo lực để gây bất ổn ở Nigeria.
Đặc biệt, bang Kaduna của Nigeria đã được tổ chức nhân quyền Christian Solidarity Worldwide có trụ sở tại Vương quốc Anh miêu tả là “tâm chấn của nạn bắt cóc và bạo lực bởi các tác nhân phi nhà nước” ở Nigeria. Một báo cáo năm 2022 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ trích dẫn sáu cuộc tấn công nhằm vào các nhà thờ ở Bang Kaduna vào năm 2021.
Các linh mục Công Giáo trong tổng giáo phận Kaduna đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối bạo lực chống lại các tín hữu Kitô ở Nigeria trong đám tang của một linh mục bị giết vào cuối tháng Sáu.
Hiệp hội Linh mục Công Giáo Giáo phận Nigeria đã kêu gọi các linh mục tuân thủ một tuần cầu nguyện, ăn chay, chầu Thánh Thể và đọc kinh Mân Côi để giúp các ngài bền đỗ trong thánh chức bất chấp tình hình an ninh nguy hiểm.
“ Bổn phận của chúng ta là đặt lên trước bàn thờ Thiên Chúa lòng biết ơn, sự quan tâm, lo lắng và những lời cầu xin của các tín hữu và của chúng ta. Chúng ta là những người ủng hộ cuộc sống và hòa bình,” tuyên bố của hiệp hội các linh mục cho biết.
“Chúng ta được kêu gọi và gửi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo, trả tự do cho những người bị giam cầm, giải phóng những người bị áp bức, chữa lành trái tim tan vỡ, băng bó những vết thương và những thứ tương tự. Chúng ta đã thực hiện lời kêu gọi này và chúng ta sẽ tiếp tục.”
Source:Catholic News Agency
2. Phải làm gì khi có tin tức giả mạo như tin giả về 'cái chết' của Đức Bênêđíctô XVI
Cha Juan Manuel Góngora, một linh mục người Tây Ban Nha có hơn 53.000 người theo dõi trên Twitter và gần đây đã nhận được giải thưởng HazteOír vì bảo vệ đức tin của mình trên các phương tiện truyền thông xã hội, đã giải thích với EWTN Spanish News vào ngày 12 tháng 7 về những cách nhằm phản ứng trước những tin tức giả mạo như tuyên bố gần đây cho rằng Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI đã qua đời.
Trong cuộc phỏng vấn, vị linh mục từ Almería, Tây Ban Nha, nói rằng khi tin tức giả mạo về Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 được đưa ra, “chúng tôi đã tuyên bố phủ nhận độ tin cậy của nó, đặc biệt là khi xem xét rằng tài khoản đó là giả mạo và đang lan truyền một lời nói dối.”
Tài khoản Twitter giả mạo @BischofBatzing đã sử dụng tên của chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Giám mục Georg Bätzing. Sau trò lừa bịp, khi một số phương tiện truyền thông đã cắn câu, chính người tung tin giả đã viết: “Tài khoản này là giả mạo được tạo bởi nhà báo người Ý Tommaso De Benedetti.”
Vị linh mục người Tây Ban Nha đã chỉ ra rằng “trong thế giới truyền thông xã hội, điều thường xảy ra là các phương tiện truyền thông cố gắng thu hút người xem, bằng những tin tức thật nhanh, bất kể nó đúng hay sai, để nhận được nhiều lượt truy cập vào trang web.”
De Benedetti nói với tờ The Guardian vào năm 2012 rằng “Twitter hoạt động hiệu quả đối với những trường hợp tử vong.”
Trò chơi khăm này đã khiến một số cơ quan Công Giáo bị lừa vì quá nhanh nhẩu, và là một minh chứng hùng hồn cho luận điểm của De Benedetti.
Trước tình hình này, ngài cảnh báo, “chúng ta phải hết sức thận trọng và trên hết, phải rõ ràng về tiêu chí độ tin cậy của nguồn tin và tìm đến các nguồn chính thức để kiểm chứng loại tin tức này”.
Đây là “một bằng chứng nữa về sự cần thiết ngày nay, khi lượng thông tin khổng lồ di chuyển nhanh trên lục địa thứ sáu này là Internet, cần phải cảnh giác và quan tâm nhiều hơn đến độ tin cậy và các tiêu chí xác minh.”
Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta cảm thấy mệt mỏi khi nghe những người tự xưng là những người xác minh thực tế làm việc để kiểm tra độ chính xác của tin tức.”
Ngài kết luận, “một tiêu chí thực tế, và phù hợp hơn cần phải được thiết lập để bảo đảm thông tin trung thực, đặc biệt là không vô tình khuyến khích những báo cáo thông tin sai lệch trong nỗ lực thao túng.” Ngài cũng cảnh giác rằng “ngày này người ta có xu hướng coi Giáo Hội Công Giáo là một trong những nạn nhân yêu thích của họ.”
Source:Catholic News Agency
3. Đức Tổng Giám Mục nêu bật tình cảnh những trẻ vị thành niên bị bắt cóc và lạm dụng ở Pakistan
Đức Tổng Giám Mục Sebastian Shaw của Lahore ở Pakistan đang kêu gọi cộng đồng quốc tế làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề bắt cóc, cưỡng bức cải đạo và trở thành nạn nhân tình dục của các thanh thiếu niên Kitô Giáo và các tôn giáo thiểu số khác ở Pakistan.
Theo Phong trào Đoàn kết và Hòa bình có trụ sở tại Pakistan, hàng năm, 1.000 phụ nữ và trẻ em gái Kitô Giáo và Ấn Giáo từ 12 đến 25 tuổi bị bắt cóc ở Pakistan.
Những con số rõ ràng này đã khiến Đức Tổng Giám Mục Sebastian Shaw của Lahore kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhiều hơn nữa để giải quyết nạn bắt cóc, tấn công tình dục và cưỡng bức cải đạo những người trẻ theo Kitô Giáo và các tôn giáo thiểu số khác trong nước.
Phát biểu trong một sự kiện ở Bồ Đào Nha tại đền thờ Chúa Kitô Vua ở Giáo phận Setúbal, Đức Tổng Giám Mục đã mô tả những nguy hiểm mà những người trẻ phải đối mặt.
“Những người trẻ này thậm chí không được tự do chơi trong vườn. Chúng tôi có nhiệm vụ lên tiếng về những gì đang xảy ra, để ngăn chặn những trường hợp này”.
Ngài cũng nêu bật những nỗi đau khổ của các bậc cha mẹ khi con họ bị bắt cóc.
“Hãy tưởng tượng hoàn cảnh của những bậc cha mẹ này, những người chuẩn bị cặp sách cho con mình, đưa chúng đến lớp, và sau đó không bao giờ gặp lại chúng vì chúng đã bị bắt cóc.”
“Đôi khi xác của họ được tìm thấy, và họ chỉ còn biết tổ chức tang lễ, và than khóc”.
“Nhưng trong những trường hợp khác, tất cả những gì các bậc cha mẹ có thể làm là khóc trước sự biến mất của con mình”.
Trong sự kiện do văn phòng Bồ Đào Nha của tổ chức bác ái Công Giáo Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ tổ chức, Đức Tổng Giám Mục Shaw lưu ý rằng vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến các bé gái. Ông nói: “Đôi khi các bé trai cũng bị bắt cóc, lạm dụng tình dục và thường xuyên bị giết sau đó”.
Đức Tổng Giám Mục Shaw nhấn mạnh rằng chính phủ Pakistan đang cố gắng giải quyết tình trạng bắt cóc, hãm hiếp, cưỡng ép kết hôn và cưỡng bức cải đạo những người thuộc các nhóm tín ngưỡng thiểu số - nhưng nói thêm rằng sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế là cần thiết để giúp giải quyết vấn đề này.
Ngài cũng cho biết Tổng giáo phận Lahore đang làm việc về những vấn đề này thông qua một nhóm liên tôn.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức về những trường hợp này, Đức Tổng Giám Mục nói rằng những sự kiện công cộng như thế này, do tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ tổ chức, “là một phần quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu số trường hợp.”
Vào năm 2021, văn phòng Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ của Vương quốc Anh đã đưa ra báo cáo Hear Her Cries – Nghe Tiếng Khóc của cô ấy đề cập đến các vụ bắt cóc, cưỡng bức cải đạo và trở thành nạn nhân tình dục của các phụ nữ và trẻ em gái Kitô giáo.
Báo cáo đã xem xét các vấn đề mà các cộng đồng Kitô phải đối mặt ở Ai Cập, Iraq, Mozambique, Nigeria và Syria, cũng như Pakistan.
Source:Vatican News