1. Các cuộc tấn công vào nhà thờ, trung tâm trợ giúp mang thai vẫn tiếp tục

Kể từ khi Tối Cao Pháp Viện bãi bỏ phán quyết Roe chống Wade vào hôm thứ Sáu, các cuộc tấn công vào các nhà thờ Công Giáo và các trung tâm trợ giúp mang thai đã được báo cáo ở Tây Virginia, Washington, Virginia, Louisiana, Colorado, California, Texas, Florida, New York và Indiana.

Dưới đây là các cuộc tấn công mới được ghi nhận.

Nhà thờ Công Giáo Thánh Patrick ở Philadelphia đã bị vẽ bậy bằng sơn xịt với các khẩu hiệu phò phá thai vào ngày 25 tháng 6.

Cha Hyacinth Cordell, OP, Cha Sở của nhà thờ, nói với CNA rằng những bức vẽ graffiti có nội dung “Hãy đốt nhà thờ” nằm ở một góc bên ngoài nhà thờ. Nó đã được chùi sạch.

Một bảng hiệu ủng hộ sự sống tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Teresa thành Avila ở Hutchinson, Kansas, cách Wichita khoảng 50 dặm về phía tây bắc, đã bị phá hoại vào cuối tuần qua.

Bảng hiệu cho thấy một người mẹ đang ôm một đứa trẻ có ghi “Bỏ phiếu Có ngày 2 tháng 8” và “ValueThemBoth.com” bên dưới. Dấu hiệu đang khuyến khích mọi người bỏ phiếu đồng ý về một sửa đổi hiến pháp tiểu bang liên quan đến hạn chế phá thai.

Matt Vainer, phát ngôn viên của Giáo phận Wichita, nói rằng hung thủ bị theo dõi bởi một nhân chứng đã gọi cảnh sát. Thủ phạm đã bị bắt, ông nói.

Cha Sở của nhà thờ Thánh Têrêxa thành Avila, là Cha Aaron Spexarth, đã đặt tấm biển bên dưới một cây thánh giá trong nhà thờ, vì ngài tin rằng đặt nó dưới chân Chúa là thích hợp nhất

Nhà thờ Công Giáo Các Thánh ở Portland, Oregon đã bị vẽ bậy với các khẩu hiệu ủng hộ phá thai vào ngày 25 tháng 6.

Một bức ảnh về vụ phá hoại có dòng chữ “Nếu phá thai không an toàn, bạn cũng vậy! “ FBI đang điều tra, Barbara Custer, một thư ký giáo xứ tại nhà thờ, nói với CNA.

Phòng khám trợ giúp mang thai có tên “Một người Bạn” ở Thành phố Yuba, California đã bị phá hoại vào ngày 27 tháng 6.

Giám đốc điều hành của phòng khám, Kristen Bird nói với CNA.

Video cho thấy hung thủ ném ba hòn đá vào cửa sổ cho đến khi cửa sổ bị vỡ. Việc sửa chữa sẽ mất từ 700 đến 900 đô la. FBI đang điều tra, Bird nói.

Blayne Wittig, Giám đốc điều hành của phòng khám nói với CNA, phòng khám di động của Options Health, một trung tâm trợ giúp mang thai ở Concord, California, đã bị phá hoại vào ngày 25 tháng 6.

Trung tâm Tài nguyên trợ giúp mang thai của Thành phố Salt Lake đã bị phá hoại vào ngày 24 tháng 6, trong vòng vài giờ sau khi Tối Cao Pháp Viện công bố quyết định hủy bỏ phán quyết Roe chống Wade.

Một nhân viên lễ tân tại phòng khám nói với CNA ngày 30 tháng 6 rằng một tấm biển được dán ở cửa trước có nội dung “Nếu phá thai không an toàn thì bạn cũng không”, và ở mặt sau, “Phụ nữ mỏng manh, không giống như một bông hoa, nhưng giống như một quả bom.”

Các nhãn dán được để lại trên tòa nhà, một trong số đó có nội dung “Chúa Giêsu yêu phá thai” với hình trái tim thay thế từ “tình yêu”. Các khẩu hiệu được đặt xung quanh có nội dung “phá thai mãi mãi” và “phá thai là chăm sóc sức khỏe.”
Source:Catholic News Agency

2. Tổng thống Guatemala chỉ trích Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ

Trong một phiên họp ngày 28 tháng 6 của Hội đồng thường trực của Tổ chức các quốc gia Mỹ Châu tại Washington, DC, Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei đã yêu cầu Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ, gọi tắt là IACHR, “tôn trọng chủ quyền và tự do của mỗi quốc gia” và đừng là một “nhà hoạt động” cổ vũ cho việc phá thai.

Tổng thống Giammattei đã mạnh mẽ chỉ trích báo cáo thường niên năm 2021 của IACHR, trong đó nêu rõ Guatemala trong Chương IV.b.

Ủy ban lưu ý rằng Guatemala đã tham gia “Hiệp định đồng thuận Geneva để thúc đẩy sức khỏe phụ nữ và thúc đẩy gia đình”, nhưng “loại trừ việc phá thai” mà IACHR coi là “một phần không thể thiếu trong quyền của phụ nữ đối với sức khỏe tình dục và sinh sản” và khẳng định Guatemala “không tuân thủ nghĩa vụ quốc tế là bảo đảm hoặc tạo điều kiện cho việc phá thai.”

Ngoài ra, IACHR chỉ trích Guatemala “tuyệt đối” cấm phá thai “trừ khi có nguy hiểm đến tính mạng của người phụ nữ.”

IACHR yêu cầu Guatemala áp dụng “các biện pháp lập pháp, chính sách công và bất kỳ biện pháp nào khác có thể cần thiết để bảo đảm phụ nữ tiếp cận với dịch vụ sức khỏe sinh sản mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, bao gồm quyền tiếp cận việc tự nguyện ngừng mang thai trong các trường hợp nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe, cũng như trong các trường hợp hiếp dâm và loạn luân”.

Theo trang web của mình, IACHR tự giới thiệu mình là “một cơ quan tự trị của Tổ chức các Quốc gia Mỹ Châu có nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở bán cầu Mỹ.”

Đối với tổng thống Guatemala, báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ cho thấy một “sai lầm về phương pháp luận khiến rõ ràng là IACHR đang theo đuổi và áp đặt một chương trình nghị sự ủng hộ việc phá thai vượt quá quyền hạn của mình, bởi vì IACHR không nên là một nhà hoạt động về những vấn đề này, mà phải tôn trọng chủ quyền và quyền tự do quyết định của mỗi quốc gia đối với những vấn đề như thế này”.

Tổng thống Giammattei chỉ ra rằng “phán quyết gần đây mà chúng tôi thấy ở Hoa Kỳ về việc này”, khẳng định rằng không có cái gọi là “quyền phá thai hiến định”.

Tổng thống Guatemala lưu ý rằng đất nước của ông “luôn tuân thủ các cam kết về nhân quyền và đã cung cấp cho ủy ban tất cả thông tin mà họ yêu cầu.”

Ngoài ra, ông nhấn mạnh rằng “điều cần thiết là chúng ta phải làm việc cùng nhau để củng cố Hệ thống Nhân quyền Liên Mỹ, bởi vì sự bất hợp pháp và không tôn trọng các quy định của đất nước được áp dụng ngày hôm nay đối với Guatemala có thể xảy ra vào ngày mai đối với mọi quốc gia thành viên khác của tổ chức.”

Source:Catholic News Agency

3. Xã luận của Tòa Thánh sau khi phán quyết Roe bị thu hồi ở Hoa Kỳ

Phản ứng trước quyết định của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ về việc phá thai, Andrea Tornielli, giám đốc biên tập của Bộ Truyền thông Vatican, nhấn mạnh rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng mạnh mẽ và dứt khoát” chống lại việc phá thai.

Bài xã luận của Tornielli (“Phò sinh, Luôn luôn”) theo sau một tuyên bố trước đó của Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống. Tornielli nói, phán quyết “có thể tạo cơ hội để suy gẫm về sự sống, việc bảo vệ những người không có khả năng tự vệ và bị vứt bỏ, quyền của phụ nữ và bảo vệ quyền làm mẹ”.

Ông nói thêm, “Thật không may, một sự suy gẫm nghiêm túc và chia sẻ về sự sống cũng như việc bảo vệ tư cách làm mẹ đòi hỏi chúng ta phải tránh xa luận lý cực đoan chống đối và phân cực chính trị - thật không may – thường đi kèm với cuộc thảo luận về vấn đề này, ngăn cản cuộc đối thoại thực sự”.

“Phò sinh, chẳng hạn, luôn có nghĩa là phải quan tâm nếu tỷ lệ tử vong của phụ nữ do việc làm mẹ tăng lên,” ông nói tiếp như thế trong khi trích dẫn sự gia tăng tỷ lệ tử vong của người mẹ ở Hoa Kỳ từ năm 2019 đến năm 2020 (Tornielli không đề cập đến sự gia tăng đó có liên kết với Covid.)

Ông nói thêm, “Phò sinh luôn luôn có nghĩa là hỏi xem phải giúp đỡ phụ nữ ra sao để họ chào đón sự sống mới. Ở Mỹ, khoảng 75% phụ nữ phá thai sống trong cảnh nghèo đói hoặc lương thấp. Và chỉ có 16% nhân viên trong kỹ nghệ tư nhân được hưởng chế độ nghỉ hộ sản có lương … Phò sinh, luôn luôn, cũng có nghĩa là bảo vệ nó trước mối đe dọa từ súng ống.”

Tornielli kết luận, “Do đó, chúng ta có thể hy vọng rằng cuộc tranh luận về phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sẽ không bị giản lược thành một cuộc đối đầu về ý thức hệ, mà sẽ thúc đẩy tất cả chúng ta — ở cả hai phía của đại dương — suy gẫm về ý nghĩa của việc chào đón sự sống”.

Sau đây là nguyên văn bài xã luận của Tornielli:

Phò sinh, luôn luôn

Phán quyết của Tối cao Pháp viện, sau gần nửa thế kỷ, đã loại bỏ các quyết định trước đó từng thực tế hợp pháp hóa việc phá thai theo yêu cầu trên toàn nước Mỹ. Phán quyết hôm thứ Sáu trao cho các tiểu bang cá thể thẩm quyền ra luật lệ về vấn đề này và có thể tạo cơ hội để suy gẫm về sự sống, việc bảo vệ những người không có khả năng tự vệ và bị vứt bỏ, quyền của phụ nữ và bảo vệ quyền làm mẹ.

Đó là một chủ đề mà ngay từ đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng một cách mạnh mẽ và dứt khoát.

Trong Evangelii gaudium, văn kiện phác thảo “lộ trình” của Giám mục Rôma đương nhiệm, chúng ta đọc: “Trong số những người dễ bị tổn thương mà Giáo hội mong muốn được chăm sóc với tình yêu thương và sự quan tâm đặc biệt là những đứa trẻ chưa chào đời, những đứa trẻ vô tội và không tự vệ nhất trong chúng ta. Ngày nay, những nỗ lực được đưa ra nhằm phủ nhận nhân phẩm của chúng và làm bất cứ điều gì người ta muốn, lấy mạng sống của chúng và thông qua luật pháp ngăn cản bất cứ ai cản trở điều này. Như một cách chế giễu nỗ lực của Giáo hội nhằm bảo vệ sự sống của chúng, nhiều mưu toan thường được thực hiện nhằm trình bầy chủ trương của Giáo hội như có tính ý thức hệ, duy tăm tối và bảo thủ. Nhưng thực ra, bảo vệ sự sống chưa sinh này có liên hệ chặt chẽ với việc bảo vệ mỗi và mọi nhân quyền khác. Nó bao hàm niềm xác tín rằng con người luôn thánh thiêng và bất khả xâm phạm, trong bất cứ hoàn cảnh nào và ở mọi giai đoạn phát triển nào. Con người là mục đích trong chính họ và không bao giờ là phương tiện để giải quyết các vấn đề khác”.

Một suy tư nghiêm túc và chia sẻ về sự sống cũng như việc bảo vệ quyền làm mẹ đòi hỏi chúng ta phải tránh xa luận lý cực đoan chống đối và phân cực chính trị - thật không may – thường đi kèm với cuộc thảo luận về vấn đề này, ngăn cản cuộc đối thoại thực sự.

Phò sinh, chẳng hạn, luôn có nghĩa là phải quan tâm nếu tỷ lệ tử vong của phụ nữ do việc làm mẹ tăng lên. Tại Hoa Kỳ, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tỷ lệ tử vong của người mẹ đã tăng từ 20.1 phụ nữ chết trong 100,000 trẻ sinh ra còn sống vào năm 2019 lên 23.8 trên 100,000 trẻ sinh ra còn sống vào năm 2020. Và, một cách đáng chú ý, tỷ lệ tử vong nơi phụ nữ da đen năm 2020 là 55.3 ca tử vong trên 100,000 trẻ sinh ra còn sống, gấp 2.9 lần tỷ lệ tử vong ở phụ nữ da trắng.

Phò sinh luôn luôn có nghĩa là hỏi xem phải giúp đỡ phụ nữ ra sao để họ chào đón sự sống mới. Theo một thống kê ở Mỹ, khoảng 75% phụ nữ phá thai sống trong cảnh nghèo đói hoặc lương thấp. Và chỉ có 16% nhân viên trong kỹ nghệ tư nhân được hưởng chế độ nghỉ hộ sản có lương … Phò sinh, luôn luôn, cũng có nghĩa là bảo vệ nó trước mối đe dọa từ súng ống.Theo một thống kê ở Hoa Kỳ, khoảng 75% phụ nữ phá thai sống trong cảnh nghèo đói hoặc có mức lương thấp. Và theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Harvard Review of Psychiatry vào ngày 9 tháng 3 năm 2020, chỉ có 16% nhân viên trong kỹ nghệ tư nhân được hưởng chế độ nghỉ hộ sản có lương. Gần một trong bốn bà mẹ mới không được nghỉ hộ sản có lương buộc phải đi làm trở lại trong vòng mười ngày sau khi sinh con.

Phò sinh, luôn luôn, còn có nghĩa là bảo vệ nó trước mối đe dọa của súng đạn, thứ không may đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên ở Mỹ.

Do đó, chúng ta có thể hy vọng rằng cuộc tranh luận về phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sẽ không bị giản lược thành một cuộc đối đầu về ý thức hệ, mà sẽ thúc đẩy tất cả chúng ta — ở cả hai phía của đại dương — suy gẫm về ý nghĩa của việc chào đón sự sống, bảo vệ nó và thúc đẩy nó bằng các luật lệ phù hợp.