Nhân một bài báo

Đó là bài « L’esprit de la liturgie du Cardinal Ratzinger est-il fidèle au Concile ou en réaction contre » (Tác phẩm “Tinh thần phụng vụ của ĐHY Ratzinger trung thành với Công Đổng hay phản ứng ngược lại”?) đăng trong tạp chí Maison-Dieu số 229 Tháng Giêng năm 2002 từ trang 171-178. Tác giả bài báo này là linh mục Pierre-Marie Gy, thành viên Trung Tâm Quốc Gia Mục Vụ Phụng Vụ (CNPL), Giám Đốc Viện Cao Đẳng Phụng Vụ Pháp, chuyên viên Công Đồng Va-ti-ca-nô II và Cố Vấn Bộ Phụng Tự. (Năm 2002, tác giả 80 tuổi).

Trong bài báo này, tác giả đưa ra một vài bình luận và nhận xét về tác phẩm của ĐHY Ratzinger. ĐHY nhấn mạnh đến sự trung thành và muốn có một cuộc cải cách phụng vụ. Thực ra đây không phải là một cuộc cải cách mới vể phụng vụ cũng không phải là cải cách một cuộc cải cách nào. Trong tác phẩm của mình, ĐHY chỉ nhắc đến chừng 10 lần những điều liên quan đến phụng vụ của Công Đồng. Trong các trích dẫn đó, không một trích dẫn nào nhắc đến những khía cạnh quan trọng của Hiến Chế Sacro Sanctum Concilium, ngoại trừ sự tham dự tích cực của giáo dân. Nhưng ĐHY lại cho điều này là nguy hiểm vì nó có thể hàm chứa một nguy cơ đưa tới việc tự động cử hành, trong khi không nói gì đến Ánh sáng muôn dân (Lumen Gentium). Trong Hiến Chế này, Hội Thánh đã dành cho bí tích Thánh Thể một tầm quan trọng hết sức đặc biệt. ĐHY cũng không “công kích” gì về những kiểu cách thực hành phụng vụ sau Công Đồng mà đại khái chỉ thấy bênh vực việc làm lễ riêng và không chú tâm gì đến lòng đạo đức của giáo dân nhờ tham dự tích cực tham dự phụng vụ mà trở nên sâu sắc, cũng chẳng nói gì đến những giá trị thiêng liêng đã được Công Đồng nói rõ như vai trò của giáo dân trong thánh lễ hay việc rước lễ dưới hai hình thức. Một điều rất quan trong khác trong Hiến Chế Phụng Vụ số 48 cũng bị bỏ qua: “Vì thế, Hội Thánh bận tâm lo sao cho các Ki-tô hữu tham dự mầu nhệm đức tin này không phải như những khách bàng quang thinh lặng, Trái lại, nhờ hiểu rõ mầu nhiệm qua các nghi thức và lời nguyện, họ sẽ tham dự thánh lễ một cách ý thức, sốt sắng và tích cực. Được lời Thiên Chúa giáo huấn, được bàn tiệc Chúa Ki-tô bồi dưỡng, họ sẽ tạ ơn Thiên Chúa. Khi dâng lễ phẩm tinh tuyền không những qua tay linh mục mà còn cùng với linh mục, họ học cho biết dâng chính mình và nhờ Đức Ki-tô làm trung gian, mỗi ngày một tiến tới sự hợp nhất hoàn hảo với Thiên Chúa và với nhau để cuối cùng Thiên Chúa là tất cả trong mọi người.”

Khi đưa ra những nhận xét trên và nhiều nhận xét khác trong bài báo, tác giả nêu rõ những điều sau đây :

1. Tác phẩm của ĐHY là một cuốn sách tư không có bản sắc giáo quyền. Vấn đề ở đây không phải là bàn xem một cuốn sách như vậy có “bán huấn quyền” hay không hoặc do một vài khiếm khuyết trong sách, danh tiếng lẫy lừng của ĐHY, một nhà thần học vĩ đại đương thời có bị suy sụp gì chăng?

2. Những nhận xét và bình luận nêu lên không hề ngụ ý giảm giá ĐHY, vì ai cũng phải công nhận ngài là một trong những đại thần học gia ở thế kỷ này cũng như thế kỷ trước.

3. Cuốn sách này cũng đã được nhận xét và bình luận một cách nghiêm chỉnh ở Đức và Ý như Karl Richter trong Theologische Revue số 96 năm 2000 trang 324-326, hoặc như R. Falsini trong bài La spirito della liturgia da R. Guardini a J. Ratzinger trong Rivista da Pastorale liturgica số 5 năm 2001 trang 3-7.

Ngoài những nhận xét và bình luận cần phải nêu ra, linh mục Gy viết : cùng với ĐHY, chúng ta tán thành và đề cao sự cần thiết phải hoàn toàn trung thành với những qui luật và giáo huấn liên quan đến phụng vụ và bí tích, cách riêng sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể cũng như tầm quan trọng của thánh lễ.

Nhân bài báo này, thiết tưởng độc giả có thể liên tưởng đến quyền bính và chuyên môn. ĐHY Ratzinger bấy giờ là Tổng trưởng Bộ Đức Tin nắm giữ một vai trò rất quan trọng trong Hội Thánh, lại là một nhà thần học tiếng tăm lẫy lừng. Thế mà Pierre-Marie Gy chỉ là một linh mục, nhưng với khả năng chuyên môn và sức hiểu biết sâu rộng về phụng vụ đã công khai lên tiếng bình luận và nhận xét về cuốn sách của ĐHY Tổng Trưởng. Như vậy có nghĩa là gì? Phải chăng có nghĩa là quyền bính không lấn lướt chuyên môn và chuyên môn được tôn trọng trọng phạm vi của nó.

Đứng trước tư tưởng học thuật, chuyên môn có tư thế riêng và được quyền nói lên tiếng nói khách quan và chân chính của nó mà không bị mang tiếng là bất kính hay vô lễ đối với quyền bính và quyền bính không ỷ vào thế thượng phong mà chế ngự hay làm thinh. Chuyên môn tôn trọng và thực thi mệnh lệnh do quyền bính trong phạm vi thích đáng; quyền bính nể vì chuyên môn khi vì lý tưởng chuyên môn làm việc phục vụ cho công ích.

Đó chính là điều kiện để có tiến bộ và là con đường mở ra cho đối thoại để tìm đến lẽ phải và sự trọng kính lẫn nhau. Quyền bính và chuyên môn kết hợp hài hòa với nhau sẽ mang lại ích lợi lớn cho công việc chung.

Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế O.P.