Hôm thứ Ba, Vatican thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tới Kazakhstan vào tháng 9 để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên tôn quốc tế, dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill.

Hội nghị thượng đỉnh do chính phủ Kazak chủ trì với tiêu đề “Đại hội các nhà lãnh đạo thế giới và các tôn giáo truyền thống”, được tổ chức từ ngày 14 đến 15 tháng 9, tại thủ đô Nur-Sultan.

Sự tham gia của chính Đức Thánh Cha Phanxicô, đã được đồn đãi trong nhiều tuần, đã được xác nhận trong một tuyên bố hôm thứ Ba đánh dấu kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Kazakhstan. Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Nga đã nói rằng Kirill sẽ tham dự.

Trong tuyên bố của mình, Vatican cho biết “Kazakhstan chia sẻ tầm nhìn toàn cầu về Giáo Hội Công Giáo dựa trên các lý tưởng về lòng tốt, công lý, đoàn kết và lòng nhân ái” và bản thân Giáo Hội Công Giáo “hoan nghênh vai trò của Kazakhstan trong việc thúc đẩy đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo”.

Cả Tòa thánh và Kazakhstan, theo tuyên bố, “đồng ý rằng văn hóa đối thoại phải là một trong những giá trị cơ bản của thế giới đương đại. Việc tiếp tục chung sống hòa bình trước những thách thức đương đại chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại toàn diện và bao gồm”.

“Do đó, Kazakhstan hoan nghênh quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tham dự Đại hội lần thứ 7 các nhà lãnh đạo các tôn giáo truyền thống và thế giới, sẽ được tổ chức tại Nur-Sultan vào tháng 9 năm 2022”. Tuyên bố cho biết sự tham gia của Đức Giáo Hoàng đã được xác nhận trong cuộc họp ngày 11 tháng 4 giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Kazak Kassym-Jomart Tokayev.

Nếu cả Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng Phụ Kirill đều tham dự hội nghị thượng đỉnh như đã thông báo, điều đó có thể giúp họ có cơ hội gặp nhau. Vatican đã hủy bỏ cuộc gặp gỡ đã lên kế hoạch giữa hai người vào tháng này tại Giêrusalem do những vấn đề chính trị gây ra bởi các tuyên bố của Thượng Phụ Kirill.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, gây ra một cuộc chiến tranh bạo lực và gây ra cuộc khủng hoảng di dời hàng loạt với hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ, Kirill đã bị chỉ trích trong cộng đồng quốc tế trước tiên vì sự im lặng của ông ta và sau đó là sự ủng hộ rõ ràng của ông ta đối với cuộc xung đột.

Ngoại trưởng Vatican, Hồng Y Pietro Parolin, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo La Stampa của Ý vào tháng trước, đã bác bỏ lời biện hộ của Kirill về cuộc chiến vì lý do Kitô giáo, nói rằng sự phát triển của chủ nghĩa thế tục là đáng lo ngại nhưng “cách chống lại hiện tượng này không bao giờ có thể bạo lực “.

Ngài nói: “Mọi cuộc chiến tranh, như một hành động xâm lược, là một hành động chống lại cuộc sống của con người và do đó là một hành động phạm tội. Do đó, không thể tìm thấy lời biện minh nào trong lời Chúa, luôn luôn là lời nói của sự sống không phải là sự chết.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần lên án chiến tranh và đã đưa ra nhiều lời kêu gọi hòa bình, nhưng ngài đã cẩn thận tránh nêu đích danh Nga hoặc Tổng thống Vladimir Putin là những kẻ gây hấn trong cuộc xung đột kéo dài hơn 100 ngày qua.

Trong khi các trợ lý hàng đầu của Đức Giáo Hoàng như Đức Hồng Y Parolin lên án việc Kirill lấy cớ bảo vệ đạo đức Kitô để biện minh cho chiến tranh, Đức Giáo Hoàng đã kiềm chế không đưa ra bất kỳ lời chỉ trích công khai trực tiếp nào đối với Kirill và những tuyên bố của ông nhằm giữ nguyên vẹn nhiều thập kỷ đối thoại đại kết.

Lần gần nhất ngài công khai phê bình giáo chủ Chính thống giáo Nga là trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera xuất bản ngày 3 tháng 5, khi Đức Phanxicô nói rằng Kirill không nên “biến mình thành cậu bé giúp lễ của Putin”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng khi ngài và Kirill nói chuyện trên Zoom vào giữa tháng 3, Kirill “đã dành 20 phút đầu tiên cầm một tờ sớ để đọc tất cả lý do của cuộc chiến.”

“Tôi đã lắng nghe anh ấy, và tôi nói với anh ấy, 'Tôi không biết gì về chuyện này. Thưa anh, chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước, chúng tôi không thể sử dụng ngôn ngữ của chính trị, nhưng phải dùng ngôn ngữ của Chúa Giêsu. Chúng ta là những mục tử chăn dắt cùng một dân thánh của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tìm kiếm con đường hòa bình, để ngừng tiếng nổ của vũ khí.”

Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa ngay lập tức phản hồi lại nhận xét của Đức Thánh Cha. Họ nói “Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn một giọng điệu không chính xác để chuyển tải nội dung cuộc nói chuyện này với Đức Thượng Phụ; Những tuyên bố như vậy khó có thể góp phần thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Chính thống giáo Nga, là điều đặc biệt cần thiết vào thời điểm hiện tại “.

Vào thời điểm đó, cuộc gặp thứ hai giữa hai người đang được thảo luận sau cuộc gặp đầu tiên lịch sử ban đầu của hai vị ở Havana vào năm 2016, đánh dấu cuộc gặp gỡ đầu tiên như vậy giữa một giáo hoàng và giáo chủ Nga.

Tuy nhiên, cuộc họp dự kiến diễn ra vào giữa tháng 6 tại Giêrusalem, đã bị Vatican hoãn lại vì có khả năng thất bại về mặt ngoại giao do tranh cãi xung quanh cuộc chiến Ukraine và sự ủng hộ của Kirill đối với cuộc chiến này.

Kirill đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ cả cộng đồng quốc tế và từ chính cộng đồng Chính thống giáo về quan điểm của mình.

Liên minh Âu Châu hôm thứ Hai đã công bố một gói trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm lệnh cấm vận đối với hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga, và trong đó đưa Kirill vào trong danh sách đen của họ. Tuy nhiên, chính phủ Hung Gia Lợi đã phản đối việc đưa nhà lãnh đạo Giáo hội Nga vào.

Đầu tuần này, Giáo hội Chính thống giáo Nga tại Ukraine, vốn nhiều năm trung thành với Kirill và Giáo hội Chính thống giáo Nga, đã thông qua các biện pháp cắt đứt quan hệ với Giáo hội Chính thống giáo Nga do Putin xâm lược Ukraine.

Các biện pháp này đã được thông qua vào ngày 27 tháng 5 và được thông báo sau một hội nghị đặc biệt ở Kyiv tập trung vào “các vấn đề nảy sinh do hành động xâm lược quân sự của Liên bang Nga đối với Ukraine”.

“ Chúng tôi không đồng ý với quan điểm của Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa… về cuộc chiến ở Ukraine,” tuyên bố cho biết.

Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô và Kirill thực sự tham dự hội nghị thượng đỉnh Kazak, điều đó có thể tạo cơ hội cho họ tổ chức một cuộc trò chuyện mà không phải đau đầu về mặt ngoại giao do một cuộc gặp chính thức được lên lịch.
Source:Crux