1. Các Giám mục Mễ Tây Cơ yêu cầu một lần nữa mọi người hãy hạ vũ khí và chấm dứt mọi hình thức bạo lực

Trong bản tin đánh đi hôm 23 tháng 5, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, cho biết các Giám Mục Mễ Tây Cơ đã bày tỏ nỗi buồn của các ngài sau khi một linh mục và một giáo dân bị tấn công và giết chết ngay trong nhà thờ.

“Mọi giới hạn của bạo lực và sự bất kính đối với phẩm giá của con người đều bị vượt qua khi một linh mục của Chúa và một người khác bị tấn công ngay trong nhà của Chúa, nơi đáng được chúng ta tôn trọng. Chúng tôi yêu cầu tất cả mọi người một lần nữa hãy hạ vũ khí và chấm dứt mọi hình thức bạo lực, để tất cả chúng ta đều có thể là những người kiến tạo hòa bình. Không ai có quyền định đoạt mạng sống của anh chị em mình và không có gì để biện minh cho hành vi bạo lực đó”.

Hội đồng Giám mục Mễ Tây Cơ, gọi tắt là CEM, đã nhắc lại như trên trong một thông điệp bình luận về những hành động bạo lực mới nhất đã xảy ra ở Mễ Tây Cơ, có tựa đề “Tất cả chúng ta đều có thể là những người xây dựng hòa bình. Không ai có quyền toan tính trên mạng sống anh chị em mình.” Văn bản đề ngày 20 tháng 5 và được ký bởi Chủ tịch CEM, là Đức Tổng Giám Mục Rogelio Cabrera Lopez, Tổng giám mục Monterrey; Phó Chủ tịch, là Đức Tổng Giám Mục Gustavo Rodriguez Vega, của Yucatan, và Tổng Thư ký, là Đức Cha Ramon Castro Castro, Giám mục Cuernavaca.

Các Giám mục rất đau buồn về cái chết của Cha José Guadalupe Rivas, của tổng giáo phận Tijuana và người giáo dân đã tháp tùng ngàim và chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình của hai người bị sát hại, cũng như với Đức Tổng Giám Mục của Tijuana, và toàn thể Giáo hội của ngài.

Tình tiết bạo lực khác mà các Giám mục trích dẫn trong thông cáo của các ngài là vụ sát hại một cậu bé ba tuổi bên trong nhà thờ Đức Mẹ Guadalupe ở Fresnillo Zacatecas, nơi các tay súng đuổi theo một người đàn ông bị thương vào tận bên trong đền thánh Đức Mẹ, nổ súng khiến đứa bé bị thiệt mạng.

Cuối cùng, các Giám Mục Mễ Tây Cơ khuyến khích mọi người tiếp tục cầu nguyện “để các nhà chức trách của chúng ta tìm ra con đường hòa bình và an ninh tốt nhất mà tất cả chúng ta cần và mong muốn... để những kẻ tội phạm hối cải và thay đổi cuộc sống của họ... để tất cả chúng ta trở thành những người thực hiện hòa bình”


Source:Fides

2. Đức Tổng Giám Mục Gallagher đã gặp Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav tại Kyiv

Khi tham quan nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Phục sinh của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, Ngoại trưởng Tòa thánh cùng với Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã đi vào tầng hầm của nhà thờ, nơi hàng trăm thường dân ẩn náu bom và hỏa tiễn của Nga trong các cuộc xung đột xung quanh Kyiv từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3. Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng đã hỏi chi tiết về tất cả những khoảnh khắc trong những ngày khó khăn này.

Trong cuộc gặp cá nhân với Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng, Đức Cha Sviatoslav của đã nói về cách Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương phản ứng với hoàn cảnh của cuộc chiến ngay từ những phút đầu tiên nổ ra về cuộc khủng hoảng nhân đạo và cách Giáo hội cố gắng phục vụ dân thường và quân đội Ukraine.

Việc phục vụ các tuyên úy quân đội cũng đã được thảo luận. Người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương cho biết: “Ngày nay, việc thể chế hóa các tuyên úy quân đội ở Ukraine mở ra cơ hội và thể hiện sự cần thiết phải tạo ra một quy chế quân sự riêng biệt để chăm sóc thích hợp cho các quân nhân”.

Hơn nữa, Đức Cha Sviatoslav đã trình bày với Đức Tổng Giám Mục Gallagher về những kỳ vọng của người Ukraine về vai trò của Tòa Sứ thần Tòa Thánh trong tình hình hiện tại của cuộc chiến do Nga gây ra chống lại Ukraine. Theo Đức Cha Sviatoslav, vai trò của Vatican một mặt là đưa ra đánh giá đúng đắn về cuộc chiến này cả về luật pháp quốc tế và đạo đức Kitô giáo, mặt khác Tòa thánh, đặc biệt là thông qua ngoại giao, cần đóng vai trò của mình trong việc ngăn chặn xâm lược.

Đức Cha Sviatoslav cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher về chuyến thăm Ukraine, lưu ý rằng ngày nay cả thế giới đang chú ý đến Ukraine: các nguyên thủ quốc gia, đại diện ngoại giao và các quan chức chính phủ đang đến nước này. Đức Cha Sviatoslav nhấn mạnh tầm quan trọng mà hiện nay một nhân vật như Ngoại trưởng Vatican, đang ở Kyiv. “Đây là một dấu hiệu ngoại giao rất mạnh mẽ về sự ủng hộ của Ukraine và người dân Ukraine từ Tòa thánh. Chúng tôi hy vọng rằng chuyến thăm này sẽ có kết quả”, Đức Cha Sviatoslav nói.

Tại Kyiv, Ngoại trưởng Tòa Thánh cũng đã gặp một phái đoàn của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, hiện đang có chuyến thăm đoàn kết với Ukraine. Các vị đã trao đổi quan điểm về mức độ hỗ trợ quốc tế dành cho người tị nạn Ukraine và về phản ứng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cộng đồng Công Giáo, đối với các nhu cầu nhân đạo của Ukraine, mà Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk lưu ý, “ngày nay không suy giảm”. “Rõ ràng, thách thức nhân đạo chỉ mới bắt đầu bộc lộ những khía cạnh thực sự của nó. Những thời điểm tồi tệ nhất trong lĩnh vực nhân đạo có lẽ đang ở phía trước chúng ta.”

Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Tòa Thánh Paul Richard Gallagher đã có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Ukraine từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 5.
Source:UGCC

3. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, kêu gọi sớm hòa đàm để đạt tới hòa bình tại Ukraine.

Trong thánh lễ tại Đền thánh Rita, sáng Chúa nhật 22 tháng Năm vừa qua, Đức Hồng Y cầu khẩn sự chuyển cầu của vị thánh đã từng giúp giải quyết những trường hợp không có thể, để chấm dứt bạo lực hiện nay tại Ukraine. Trong bài giảng, Đức Hồng Y nói: “Tại phần đất đức tin và hòa bình này, là miền Umbria. Tôi cầu mong các cuộc thương thuyết sẽ được khởi sự sớm hết sức và sau cùng đạt tới hòa bình từ lâu vẫn mong ước”.

Đức Hồng Y Parolin cũng nói rằng: “Thánh nữ Rita là biểu tượng của “nhân đức tha thứ, an bình và bác ái. Chúng ta tôn kính thánh nữ bằng cách đặt trong tay người những yếu đuối của con người và cho sự chuyển cầu của thánh nữ. Tôi phó thác cho thánh Rita bao nhiêu ý nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài không ngừng lên tiếng mỗi ngày để phá vỡ cái vòng bạo lực chết chóc vô ích tại Ukraine... Bạo lực không bao giờ là một câu trả lời và những biến cố trong cuộc đời của thánh nữ Rita, dạy chúng ta rằng “bạo lực không bao giờ giải quyết những xung đột nhưng chỉ làm gia tăng những hậu quả thê thảm của nó. Chúng ta cảm nghiệm thấy điều đó mỗi ngày và tôi tự hỏi tại sao chúng ta không hiểu được từ lịch sử, từ thời sự. Dùng bạo lực là cách thức gia tăng các vấn đề”.

Lập trường của Tòa Thánh trên đây trái ngược với xu hướng hiện tại của các phe lâm chiến ở Ukraine hiện nay. Tổng thống Zelenskiy tuyên bố đây chưa phải là lúc bắt đầu thương thuyết. Trong khi đó Mỹ và Âu châu gia tăng cung cấp võ khí cho Ukraine, còn Nga gia tăng các cuộc tấn công tại miền Donbas.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói rằng ông chỉ tham dự một cuộc họp về việc chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine nếu có sự tham dự của Putin, bởi vì chỉ mình ông ta mới có thể đưa ra mọi quyết định ở Nga.

Người đứng đầu nhà nước Ukraine đã nói điều này trong cuộc trò chuyện trực tuyến tại Nhà Ukraine ở Davos dưới dạng câu hỏi và câu trả lời.

“Không có quyết định nào được đưa ra nếu không có Putin. Và chúng ta phải nhận thức rõ ràng về điều này… Và nếu chúng ta đang nói về một quyết định cụ thể để kết thúc chiến tranh, thì quyết định này sẽ không thể được đưa ra nếu không có ông ta chúng sẽ không thực hiện được nếu không có cuộc gặp với Tổng thống Nga. Vì vậy, về nguyên tắc, tôi không chấp nhận bất kỳ cuộc gặp nào với bất kỳ ai từ Liên bang Nga, ngoại trừ tổng thống Liên bang Nga. Và chỉ có một vấn đề trên bàn là vấn đề kết thúc chiến tranh. Đó là vấn đề duy nhất có thể bàn cãi. Ngoài ra không có gì khác để nói.”

4. Tiếp tục đối thoại giữa Công Giáo và các Giáo hội Chính thống

Tiểu ban điều hợp của Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo hội Chính thống đã nhóm họp từ ngày 16 đến ngày 20 tháng Năm vừa qua, tại Rétimo, bên Hy Lạp, dưới quyền chủ tọa của hai vị Đồng Chủ tịch, là Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và Đức Tổng Giám Mục Job thuộc Giáo phận Telmessos, từ phía Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople, bên Thổ Nhĩ Kỳ.

Khóa họp lần cuối trước đây của Tiểu ban này đã diễn ra hồi tháng Mười Một năm 2019, tại Đan viện Bose, bắc Ý.

Trong những ngày họp, Tiểu ban đã hoàn tất việc duyệt lại Văn kiện tựa đề “Quyền tối thượng và đặc tính công nghị trong ngàn năm thứ hai và ngày nay”. Văn kiện sẽ được trình bày tại khóa họp toàn thể của Ủy ban Hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính thống, dự kiến vào năm tới, 2023.

Văn kiện cuối cùng trước đây của Ủy ban mang tựa đề “Công nghị tính và quyền tối thượng trong ngàn năm thứ nhất: tiến tới một sự hiểu biết chung phục vụ sự hiệp nhất của Giáo hội”. Văn kiện này đã được thông qua hồi tháng Chín năm 2016, trong khóa họp của Ủy ban nhóm tại thành phố Chieti, nam Ý.

Quyền tối thượng chỉ về Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội Công Giáo, còn công nghị tính chỉ về cách điều hành của các Giáo hội Chính thống, trong đó các quyết định điều hành Giáo hội do công nghị (Sinodo) của Giáo hội ấy cùng đề ra, trong đó vị Thượng phụ, tuy đứng đầu, nhưng cũng chỉ có một phiếu như các thành viên khác trong Công nghị.

Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính thống gồm 56 thành viên, trong đó 28 vị Công Giáo, gồm các giám mục và thần học gia, và 28 vị thuộc 14 Giáo hội Chính thống, mỗi Giáo hội cử một giám mục và một nhà thần học làm thành viên.

Ủy ban quốc tế này hiện gặp khó khăn vì xung đột giữa Chính thống Nga và Chính thống Constantinople từ đầu năm 2019, sau khi Đức Thượng phụ Bartolomaios, vị đứng đầu Chính thống giáo, công nhận quyền độc lập của Chính thống Ukraine, tách rời khỏi Chính thống Nga, vì thế Chính thống Nga đoạn giao với Chính thống Constantinople, và tuyên bố không tham dự bất kỳ cuộc họp nào do Chính thống Constantinople chủ tọa. Nền độc lập của Giáo hội Chính thống Ukraine cho đến nay mới chỉ được vài Giáo hội Chính thống công nhận, trong đó có Chính thống Hy Lạp. Chính thống Nga là khối lớn nhất trong số mười bốn Giáo hội Chính thống trên thế giới.