1. Kirill cảm thấy cay đắng với danh xưng 'cậu bé giúp lễ cho Putin'

Giáo Hội Chính thống Nga đã mạnh mẽ chỉ trích Đức Thánh Cha Phanxicô vào hôm thứ Tư 4/5 vì điều họ cho là đã sử dụng giọng điệu sai trái sau khi ngài thúc giục Thượng phụ Kirill đừng trở thành “cậu bé giúp lễ cho Putin”, cảnh báo với Vatican rằng những nhận xét như vậy sẽ làm tổn hại đến cuộc đối thoại giữa các Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với tờ Corriere Della Sera của Ý rằng Kirill, người đã ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đừng “trở thành cậu bé giúp lễ cho Putin”.

Giáo Hội Chính thống Nga cho biết thật đáng tiếc là một tháng rưỡi sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Phụ Kirill, giáo chủ của Mạc Tư Khoa và Toàn nước Nga, nói chuyện trực tiếp, Đức Giáo Hoàng đã thuật lại với một giọng điệu như vậy.

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn một giọng điệu không chính xác để truyền đạt nội dung của cuộc trò chuyện này,” Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa cho biết.

“Những tuyên bố như vậy khó có thể góp phần thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Chính thống giáo Nga, là điều đặc biệt cần thiết vào thời điểm hiện tại”.

Khi phát biểu với tờ báo Ý Corriere della Sera vào đầu tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Tôi đã nói chuyện với Kirill trong 40 phút qua Zoom. 20 phút đầu tiên ông ta cầm một lá sớ trên tay, ông ấy đã đọc cho tôi tất cả các lý do biện minh cho cuộc chiến. Tôi lắng nghe và nói với ỏ ta: Tôi không hiểu gì về việc này. Anh à, chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước, chúng ta không thể sử dụng ngôn ngữ của chính trị, nhưng là ngôn ngữ của Chúa Giêsu.” Sau đó, ngài khuyên Thượng Phụ Kirill đừng là “cậu bé giúp lễ cho Putin”.

Các bình luận của người Nga trên các mạng xã hội đã tỏ ra bất bình mạnh mẽ với cụm từ “cậu bé giúp lễ cho Putin”. Họ cho rằng cụm từ này gợi ý rằng Putin là “chủ tế”, là người lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga, chứ không phải là Thượng Phụ Kirill. Một nhận xét như thế xúc phạm đến toàn bộ Chính Thống Giáo Nga, chứ không chỉ cá nhân ngài Kirill.

Kirill, 75 tuổi, một đồng minh thân cận của ông Putin, coi cuộc chiến như một bức tường thành chống lại một phương Tây mà ông coi là suy đồi, đặc biệt là về việc chấp nhận đồng tính.

Cho đến nay, Giáo Hội Chính thống Nga là Giáo Hội lớn nhất trong số các Giáo Hội Chính thống giáo Đông phương, tách biệt với Kitô giáo Tây phương trong Đại Ly Giáo năm 1054. Ngày nay, Chính Thống Giáo Nga có khoảng 300 triệu tín hữu, riêng ở Nga có 100 triệu.

Ukraine có khoảng 30 triệu tín hữu Chính thống giáo, bao gồm Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa và Chính Thống Giáo Ukraine.

Đức Thánh Cha Phanxicô, 85 tuổi, đã yêu cầu một cuộc gặp gỡ với Putin ở Mạc Tư Khoa để bàn về cuộc chiến Ukraine nhưng Điện Cẩm Linh đã chính thức bác bỏ đề nghị này trong bối cảnh một tâm tình bài Vatican sau nhận xét “cậu bé giúp lễ cho Putin” của Đức Giáo Hoàng.

Quan điểm của Nga và phương Tây về cuộc xung đột ở Ukraine rất khác nhau.

Mạc Tư Khoa gọi các hành động của mình là một “cuộc hành quân đặc biệt” nhằm giải giáp Ukraine và bảo vệ Ukraine khỏi chủ nghĩa phát xít. Kyiv và những người ủng hộ ở phương Tây cho rằng tuyên bố Ukraine theo chủ nghĩa phát xít là vô lý và nói rằng Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh vô cớ nhằm đe dọa sự tồn tại của Ukraine với tư cách là một quốc gia dân chủ, có chủ quyền.

Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa dẫn lời Kirill nói với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 16 tháng 3 rằng các phương tiện truyền thông phương Tây đã không đưa tin chính xác về tình hình ở Ukraine. Đó là một lời phàn nàn thường xuyên của Nga.

Theo Kirill, xung đột ở Ukraine bắt đầu từ năm 2014 khi các cuộc biểu tình lật đổ tổng thống thân Nga. Kirill nói đã có các cuộc đàn áp những người nói tiếng Nga ở thành phố cảng Odessa của Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine phủ nhận rằng không có bất kỳ cuộc đàn áp nào như vậy.

Kirill đôi khi cũng bày tỏ sự đau buồn về cuộc xung đột.

“Tất nhiên, tình huống này gắn liền với nỗi đau lớn đối với tôi. Đàn chiên của tôi ở cả hai phe đối đầu, họ hầu hết là những người Chính thống giáo.”

Tuy nhiên, trong một cử chỉ hết sức báng bổ đối với Đức Mẹ, Kirill đã trao một bức ảnh Đức Maria cho một tướng Nga và cầu xin Đức Mẹ phù hộ cho quân xâm lược Nga mau sớm giành được chiến thắng.
Source:Reuters

2. Đức Tổng Giám Mục Pezzi kêu gọi để ngỏ cánh cửa đối thoại để người kia không bao giờ là kẻ thù của chúng ta

Trong bối cảnh đang có những căng thẳng giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo Nga, sau khi Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa phản ứng trước một cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô với tờ báo Ý Corriere della Sera được công bố hôm 3 tháng 5. Trong cuộc phỏng vấn đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài khuyên Thượng Phụ Kirill đừng là “chú bé giúp lễ của Putin.”

Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã rất tức giận đối với cụm từ “chú bé giúp lễ của Putin”, và bày tỏ nhiều nghi ngờ đối với động cơ của Đức Thánh Cha.

Đáp lại Đức Tổng Giám Mục Pezzi kêu gọi để ngỏ cánh cửa đối thoại để người kia không bao giờ là kẻ thù của chúng ta.

“Tôi nghĩ rằng những hy vọng đối thoại này là có cơ sở. Tôi cho rằng sự ngờ vực đó càng không có cơ sở.” Đây là những gì Đức Cha Paolo Pezzi, Tổng Giám mục Công Giáo của tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa Mạc Tư Khoa, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã Fides.

Ngài đưa ra một số suy tư về sự cần thiết phải luôn mở cửa đối thoại, thể hiện qua những nỗ lực ngoại giao khác nhau của Vatican trong thời điểm hiện tại, là một hoàn cảnh đầy khó khăn.

Đối mặt với sự ngờ vực thường xuyên xảy ra trong các cuộc tranh luận hiện nay ở phương Tây về khả năng giải quyết xung đột qua thương lượng và đối thoại với chính phủ Nga, ngài nói: “Tôi tin rằng hy vọng của chúng tôi, nhưng có lẽ cũng là hy vọng của Đức Giáo Hoàng, dựa trên cơ sở cụ thể là người kia không bao giờ là kẻ thù: anh ta là 'người khác', 'không phải chúng ta', khác biệt và có lẽ cũng có những quan điểm hiện sinh khác nhau, nhưng anh ta vẫn là con của Chúa, một con người, một sinh vật được tạo dựng, là người đáng tìm kiếm đối thoại để giải quyết vấn đề”.

Giống như tất cả các cộng đồng trên thế giới, người Công Giáo ở Nga đã chờ đợi sự kết thúc của cuộc xung đột kể từ tháng Hai, tổ chức nhiều thời điểm cầu nguyện cho hòa bình, thời điểm phổ biến nhất là lễ thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria vào ngày 25 tháng Ba.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Pezzi, nhấn mạnh sự cần thiết của một nền hòa bình lâu dài, không sống trong một kỳ vọng giới hạn trong lĩnh vực chính trị: “Cá nhân tôi sống những ngày này chính xác trong mong đợi, nhưng tôi phải thành thật nói rằng chúng tôi không sống quá nhiều trong kỳ vọng rằng tình hình quốc tế sẽ được cải thiện, nhưng với kỳ vọng tràn trề hy vọng có thể bắt đầu đối thoại và có thể đạt được hòa bình, qua một thỏa thuận lâu dài. Vì lý do này, tôi tin rằng “không thể tránh khỏi những gì chúng ta đã suy niệm trong Tuần Thánh, đó là chúng ta phải nhận ra sự bình an mà Chúa Kitô ban cho. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng một nền hòa bình lâu dài”.
Source:Fides

3. Đức Thánh Cha Phanxicô: 'Sự man rợ của chiến tranh' nên truyền cảm hứng cho sự hợp nhất mới của các Kitô hữu

Hôm thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng “sự dã man của chiến tranh” nên truyền cảm hứng cho một sự thúc đẩy mới cho sự thống nhất của các Kitô hữu.

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra bình luận trong một bài phát biểu trước các thành viên của Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo vào ngày 6 tháng 5, ngày thứ 72 của cuộc chiến Nga-Ukraine.

Xung đột giữa hai quốc gia chủ yếu là Chính thống giáo đã thử thách mối quan hệ giữa Vatican và Giáo Hội Chính thống Nga, cũng như giữa các Giáo Hội Chính thống giáo Đông phương.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các cộng đồng Kitô giáo cần phải nhận ra rằng họ đang trong hành trình đức tin cùng với các thành viên của các hệ phái Kitô khác.

Đức Thánh Cha cảnh báo rằng khi một cộng đồng cố gắng thực hiện mọi thứ một mình, nó có nguy cơ “tự cung tự cấp và tự tham chiếu, là những trở ngại nghiêm trọng đối với phong trào đại kết”.

“Và chúng ta đã thấy điều đó. Ở một số quốc gia, có một số cuộc phục hưng vị kỷ nhất định - có thể nói như vậy – trong đó một số cộng đồng Kitô giáo đang quay lưng lại và không thể tiến lên. Hôm nay, hoặc chúng ta cùng nhau tiến bước hoặc chúng ta không thể tiến lên. Nhận thức này là một chân lý và là một ân sủng của Chúa”.

Đức Giáo Hoàng đang phải sử dụng xe lăn do tình trạng đau đầu gối, nhớ lại rằng ngài thường mô tả các cuộc xung đột trong thế kỷ 21 là “một cuộc Chiến tranh Thế giới thứ III từng phần”.

“Tuy nhiên, cuộc chiến này, tàn khốc và vô nghĩa như bất kỳ cuộc chiến nào, có tầm vóc lớn hơn và đe dọa toàn thế giới, và không thể không thử thách lương tâm của mọi Kitô hữu và mọi Giáo hội”.

Trích dẫn thông điệp Fratelli tutti năm 2020 của mình, Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Chúng ta phải tự hỏi mình: các Giáo hội đã làm gì và họ có thể làm gì để đóng góp vào 'sự phát triển của một cộng đồng huynh đệ toàn cầu dựa trên thực hành của tình bạn xã hội trên một phần của các dân tộc và quốc gia'? Đó là một câu hỏi mà chúng ta cần cùng nhau suy nghĩ “.

Đức Giáo Hoàng cho rằng những nỗ lực cải thiện quan hệ giữa các Kitô hữu trong thế kỷ 20 được thúc đẩy một phần bởi nỗi kinh hoàng của hai cuộc chiến tranh thế giới.

Ngài nhận xét rằng: “Ngày nay, trước sự tàn khốc của chiến tranh, niềm khao khát thống nhất này phải được nuôi dưỡng một lần nữa.

“Bỏ qua sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, dù vì thói quen hay vì cam chịu, là chấp nhận sự ô nhiễm của trái tim tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các cuộc xung đột.”

“Việc công bố phúc âm hòa bình, phúc âm giải trừ quân bị, sẽ chỉ đáng tin hơn nếu các Kitô hữu công bố cuối cùng được hòa giải trong Chúa Giêsu, Hoàng tử của Hòa bình.”

Các thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô hữu đã có mặt tại Rôma để tham dự cuộc họp toàn thể từ ngày 3 đến 6 tháng 5 với chủ đề ‘Hướng tới Lễ kỷ niệm Đại kết 1.700 năm sau Công Đồng Nicê thứ nhất 325-2025.”

Trong số các diễn giả có Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương. Ngài đã phát biểu từ xa với các đại biểu tham dự phiên họp toàn thể về tình hình đại kết ở Ukraine trong bối cảnh chiến tranh.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng nói rằng các thành viên của hội đồng giáo hoàng đã đưa ra một “đóng góp có giá trị” bằng cách phản ánh cách tổ chức lễ kỷ niệm Công đồng Nicê đầu tiên “theo cách thức đại kết” vào năm 2025.

Công Đồng, được tổ chức vào năm 325 sau Công nguyên, được hoàng đế Constantine kêu gọi để đối đầu với tà giáo Arian, vốn phủ nhận thần tính của Chúa Kitô. Công Đồng đã diễn ra kinh tin kính Nicê, vẫn được Chính thống giáo, Anh giáo và các giáo phái Tin lành khác chấp nhận.

Đức Thánh Cha nói: “Bất chấp những sự kiện rắc rối trong quá trình chuẩn bị và đặc biệt là thời gian dài tiếp nhận sau đó, công đồng đại kết đầu tiên là một sự kiện hòa giải cho Giáo hội, một công đồng tái xác nhận sự hiệp nhất của mình xung quanh việc tuyên xưng đức tin”.

“Phong cách và các quyết định của Công đồng Nicê phải khai sáng cuộc hành trình đại kết hiện tại và dẫn đến những bước cụ thể mới hướng tới mục tiêu khôi phục hoàn toàn sự hiệp nhất của các Kitô hữu.”

“Vì kỷ niệm 1.700 năm của Công đồng Nicê lần thứ nhất trùng với Năm Thánh, tôi hy vọng rằng việc cử hành Năm Thánh sẽ có một chiều kích đại kết đáng kể.”

Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, do Hồng Y Kurt Koch người Thụy Sĩ lãnh đạo, được thành lập từ năm 1960, khi Đức Giáo Hoàng Gioan 23 thành lập Ủy ban Cổ vũ Hiệp nhất Kitô”. Danh xưng hiện tại, Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra vào năm 1988.

Hội đồng giáo hoàng - tọa lạc trên Via della Conciliazione, con đường dẫn từ quảng trường Thánh Phêrô đến Lâu Đài Thiên Thần - sẽ được đổi tên thành Bộ Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô giáo khi tông hiến mới của Vatican có hiệu lực vào ngày 5 tháng 6.
Source:Catholic News Agency