1. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa ra tuyên bố chỉ trích Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Cuối ngày thứ Tư 4 tháng 5, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã ra một tuyên bố chỉ trích Đức Thánh Cha Phanxicô, nói rằng Đức Giáo Hoàng đã xuyên tạc cuộc trò chuyện cuối cùng mà với Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa.
Phát biểu với tờ báo Ý Corriere della Sera vào đầu tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
“Tôi đã nói chuyện với Kirill trong 40 phút qua Zoom. 20 phút đầu tiên ông ta cầm một lá sớ trên tay, ông ấy đã đọc cho tôi tất cả các lý do biện minh cho cuộc chiến. Tôi lắng nghe và nói với ỏ ta: Tôi không hiểu gì về việc này. Anh à, chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước, chúng ta không thể sử dụng ngôn ngữ của chính trị, nhưng là ngôn ngữ của Chúa Giêsu.”
Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga đã ra một tuyên bố, xin mạn phép chỉ dịch các đoạn bớt xúc phạm, thay vì dịch toàn văn vì có quá nhiều lời lẽ không đúng sự thật và có tính chất cay cú, lăng mạ Đức Giáo Hoàng.
Các cuộc đàm phán của Giáo Chủ Giáo hội Chính thống Nga với Đức Giáo Hoàng và nhà lãnh đạo Giáo hội Anh, Tổng giám mục Canterbury Justin Welby đã diễn ra trực tuyến vào ngày 16 tháng 3. Các vị đã thảo luận về các vấn đề giúp đỡ những người tị nạn, quyền của mọi người được tuyên xưng đức tin và ngôn ngữ mẹ đẻ của họ mà không bị đàn áp chính trị, và vai trò của các Kitô hữu trong việc tìm kiếm hòa bình ở Ukraine.
Điều đáng tiếc là một tháng rưỡi sau cuộc trò chuyện với Đức Thượng phụ Kirill, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn sai giọng điệu để truyền tải nội dung của cuộc trò chuyện này. Những tuyên bố như vậy khó có thể góp phần thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Chính thống giáo Nga, là điều đặc biệt cần thiết vào thời điểm hiện tại.
Tuyên bố của Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga sau đó giải thích rằng Thượng phụ Kirill nói với Đức Thánh Cha Phanxicô rằng cuộc chiến bắt đầu do một cuộc đảo chính ở Ukraine vào năm 2014, và Nato đã thất hứa đối với cam kết không tiến về phía đông.
2. Kirill bị tịch thu tài sản trong vòng thứ sáu của các biện pháp trừng phạt do Liên Hiệp Âu Châu tung ra
Người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, nằm trong số những cá nhân sẽ bị đưa vào vòng trừng phạt thứ sáu của Liên minh Âu Châu.
Các nguồn tin cho biết bản dự thảo của vòng trừng phạt thứ sáu đã được gửi đến các đại sứ các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu để xem xét.
Ở giai đoạn này, các tên có thể được lấy đi hoặc thêm vào tùy theo quyết định của quốc gia thành viên, một nguồn tin của Ủy ban Liên Hiệp Âu Châu cho biết.
Theo một báo cáo năm 2006 được Forbes công bố vào năm 2020, Kirill, người ủng hộ nồng nhiệt cuộc chiến ở Ukraine, có tài sản lên đến 4 tỷ đô la. Ở Nga có một tạp chí nổi tiếng chuyên theo đuổi các phóng sự điều tra về các nhà tài phiệt Nga làm ăn phi pháp. Đó là tờ Novaya Gazeta. Tạp chí do Dmitri Muratov, người đoạt giải Nobel làm chủ biên, trong đó các ký giả bị ám sát chết gần hết, mới nhất là cô Anna Politkovskaja qua đời vào ngày 5 tháng 4 vừa qua. Novaya Gazeta ước tính vào năm 2019 rằng Thượng Phụ Kirill có một khối tài sản từ 4 đến 8 tỷ đô la. Các số liệu không được xác minh và trong mọi trường hợp không thể xác minh được. Tài sản cá nhân đáng kể này là kết quả của việc nhà nước Nga miễn thuế đối với một phần đáng kể thuốc lá và bia được Chính Thống Giáo Nga nhập khẩu từ nước ngoài về bán tại Nga. Ngài Thượng phụ còn bị cáo buộc là người đứng tên cho những tài sản của Putin, Lavrov và những người khác.
Hôm thứ Tư, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã đề xuất một loạt các biện pháp bao gồm lệnh cấm đối với dầu của Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích Kirill vì tán thành những lý do Putin đưa ra về việc xâm lược Ukraine, đồng thời cảnh báo ông ta đừng trở thành “cậu bé giúp lễ của Putin”.
Đáp lại, Giáo hội Chính thống Nga cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sử dụng “giọng điệu sai trái” khi mô tả cuộc gặp của ngài với Đức Thượng phụ Kirill và gọi những bình luận của Đức Giáo Hoàng là “đáng tiếc”.
Vương quốc Anh công bố thêm các biện pháp trừng phạt Nga và nhắm mục tiêu vào các phương tiện truyền thông vì “thông tin sai lệch”
Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh Liz Truss đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với 63 công dân và thực thể Nga, bao gồm cả Kirill và các công ty truyền thông Nga “đứng sau chiến dịch thông tin xấu xa của Putin”.
Các phóng viên chiến trường của Nga có mặt với lực lượng Nga ở Ukraine và một số hãng truyền thông Nga nằm trong số những người bị trừng phạt.
Bên cạnh việc đóng băng tài sản và cấm đi lại, luật mới được đưa ra có nghĩa là các công ty truyền thông xã hội, dịch vụ internet và ứng dụng tại Anh “phải thực hiện các hành động cần thiết để chặn nội dung từ hai nguồn thông tin sai lệch chính của Nga là RT và Sputnik”.
“Các hãng tin này đã bị ngừng phát sóng ở Anh và chúng tôi đã cấm bất kỳ ai kinh doanh với họ. Giờ đây, chúng tôi đã chuyển sang rút phích cắm trên các trang web, tài khoản mạng xã hội và ứng dụng của họ để ngăn chặn sự phát tán dối trá của họ,” Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật số và Công nghệ Chris Philp cho biết.
Thông báo trừng phạt mới nhất cũng cho thấy việc Anh cấm xuất khẩu dịch vụ sang Nga, cấm cung cấp dịch vụ tiếp thị, tư vấn quản lý và dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp Nga.
Truss nói: “Làm ăn với chế độ của Putin là phá sản về mặt đạo đức và giúp tài trợ cho một cỗ máy chiến tranh đang gây ra những đau khổ không kể xiết trên khắp Ukraine,” Truss nói và nói thêm rằng “việc Nga bị cắt giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ của Anh sẽ gây thêm áp lực lên Điện Cẩm Linh và cuối cùng giúp bảo đảm rằng Putin sẽ thất bại trong Ukraine. “
3. Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Chính những người cao niên có nhiệm vụ trả lại danh dự cho đức tin
Sáng thứ Tư, 04 tháng Năm năm 2022 đã có gần 15.000 tín hữu hành hương từ nhiều nơi đến tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô.
Trước khi bắt đầu lúc 9 giờ, Đức Thánh Cha đi xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Vì đau đầu gối nên Đức Thánh Cha ngồi trên xe và thỉnh thoảng có những em bé được nhân viên an ninh bế lên để ngài chúc lành đặc biệt cho các em.
Lên tới lễ đài, Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người đã nghe đọc đoạn 6, trích từ sách Macabê quyển thứ hai (2 Mc 6.18.23-25):
“Có một người tên là Elizar, một trong những kinh sư quan trọng, tuy tuổi đã cao, nhưng trông rất đẹp lão, Ông bị ép phải há miệng ăn thịt heo... Nhưng ông đã có một quyết định dứt khoát, thật xứng với tuổi cao, và uy thế của bậc lão thành. Ông trả lời họ thật đích đáng là cứ việc đưa ngay ông xuống âm phủ, vì ở tuổi chúng ta, giả vờ là điều bất xứng và e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già Elizar đã 90 tuổi rồi mà còn sống theo lề lối dân ngoại. Rồi bởi vì tôi đã giả vờ và ham sống thêm ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già.”
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già và trình bày bài thứ tám này với tựa đề: “Elizar, sống phù hợp với niềm tin, gia sản danh dự”.
Mở đầu bài huấn giáo, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trên hành trình các bài giáo lý về tuổi già, hôm nay chúng ta gặp một nhân vật trong Kinh thánh - và là một ông già - tên là Eleazar, sống vào thời kỳ bách hại của Antiochus Epiphanes. Ngài là một nhân vật tuyệt vời. Nhân cách của ngài cho chúng ta một chứng từ về mối quan hệ đặc biệt giữa lòng chung thủy của tuổi già và vinh dự của đức tin. Ngài là một người đáng tự hào, hỉ? Tôi muốn nói đến chính vinh dự của đức tin, chứ không chỉ nói đến sự kiên định, sự tuyên xưng và sự phản kháng của đức tin. Vinh dự của đức tin thường xuyên bị áp lực, thậm chí là áp lực bạo lực, từ nền văn hóa của những người cai trị, những người tìm cách làm suy yếu nó bằng cách coi nó như một phát hiện khảo cổ, hoặc một sự mê tín cổ xưa, một sự sùng bái lạc hậu, v.v.
Câu chuyện trong Kinh thánh - chúng ta đã nghe một đoạn ngắn, nhưng đọc hết thì thấy hay - kể về đoạn người Do Thái bị lệnh của vua buộc phải ăn thịt hiến tế cho ngẫu thần. Khi đến lượt Eleazar, một người đàn ông lớn tuổi được mọi người kính trọng, ở độ tuổi 90; rất được mọi người tôn kính - một người có uy tín - các quan chức của nhà vua khuyên ngài nên dùng một cách giả vờ, tức là giả vờ ăn thịt mà không thực sự ăn. Đạo đức giả. Đạo đức giả tôn giáo. Ngày nay nhiều lắm! Rất nhiều đạo đức giả tôn giáo, đạo đức giả giáo sĩ, rất nhiều. Những người này nói với ngài, “Ông hãy đạo đức giả một chút, không ai nhận ra đâu”. Bằng cách này, Eleazar sẽ được cứu, và - họ nói - nhân danh tình bạn, ngài nên chấp nhận cử chỉ từ bi và tình âu yếm của họ. Một lối thoát đạo đức giả. Sau cùng, họ quả quyết, đó chỉ là một cử chỉ nhỏ, giả vờ ăn nhưng không ăn, một cử chỉ tầm thường.
Đó là một điều nhỏ nhặt, nhưng phản ứng bình thản và cương quyết của Eleazar dựa trên một lập luận khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Điểm chính là đây: việc làm ô nhục đức tin ở tuổi già, để có thêm một ít ngày sống, không thể so sánh với di sản mà nó sẽ để lại cho lớp trẻ, cho cả thế hệ mai sau. Và Eleazar làm tốt lắm! Một người đàn ông già cả đời sống gắn bó với đức tin của mình, mà nay phải tự thích nghi với việc giả vờ từ bỏ nó, lên án thế hệ sắp tới phải nghĩ rằng toàn bộ đức tin chỉ là một thứ giả tạo, một lớp vỏ bọc bên ngoài có thể bị cởi bỏ, tưởng tượng rằng nó có thể được bảo quản ở bên trong. Nhưng Eleazar nói, sự việc không phải như vậy. Tác phong như thế không tôn vinh đức tin, thậm chí không tôn vinh Thiên Chúa. Và tác động của sự tầm thường hóa bên ngoài này sẽ tàn phá đời sống nội tâm của những người trẻ tuổi. Và sự kiên định của người đàn ông này đã coi trọng giới trẻ! Ngài coi trọng di sản tương lai của mình, ngài nghĩ đến người dân của mình.
Đó mới chính là tuổi già - và điều này thật đẹp đối với tất cả anh chị em già, phải không! - điều đó xuất hiện ở đây như một nơi quyết định, một nơi không thể thay thế cho chứng từ này. Một người cao tuổi, vì tính dễ bị tổn thương, nếu chấp nhận rằng việc thực hành đức tin là không thích hợp, sẽ khiến những người trẻ tin rằng đức tin không có mối quan hệ thực sự nào với cuộc sống. Đối với họ, ngay từ đầu, nó sẽ xuất hiện như một mớ tác phong, nếu cần, có thể thực hành giả hoặc che giấu, bởi vì không có tác phong nào trong số đó là đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống.
Lạc giáo “ngộ đạo” thời cổ xưa, vốn là một cái bẫy rất mạnh và rất quyến rũ đối với Kitô giáo sơ khai, đã lý thuyết chính về điều này, đây là một điều xưa cũ: rằng đức tin là một linh đạo, không phải là một thực hành; một sức mạnh của tâm trí, không phải là một hình thức sống. Theo lạc giáo này, lòng trung thành và vinh dự của đức tin không liên quan gì đến các tác phong của cuộc sống, các thể chế của cộng đồng, các biểu tượng của cơ thể. Không có gì liên quan với nó. Sự quyến rũ của quan điểm này rất mạnh mẽ, bởi vì nó giải thích, theo cách riêng của nó, một sự thật không thể chối cãi: rằng niềm tin không bao giờ có thể bị giản lược vào một tập hợp các quy tắc ăn kiêng hoặc thực hành xã hội. Niềm tin là một điều khác hẳn. Rắc rối là thế này sự cực đoan hóa chân lý này của Ngộ đạo đã vô hiệu hóa chủ nghĩa hiện thực của đức tin Kitô giáo, bởi vì đức tin Kitô giáo có tính thực tiễn. Đức tin Kitô giáo không chỉ nói tín điều: nó còn nghĩ tới Kinh Tin Kính, hiểu Kinh Tin Kính và thực hiện Kinh Tin Kính. Làm việc với đôi tay của chúng ta. Thay vào đó, đề xuất theo thuyết ngộ đạo này giả vờ, nhưng [lại tưởng tượng] rằng điều quan trọng là anh chị em có một linh đạo ở bên trong, và sau đó anh chị em có thể làm bất cứ điều gì anh chị em muốn. Và đấy không phải là Kitô giáo. Đấy là lạc giáo đầu tiên của những người ngộ đạo, rất thịnh hành vào thời điểm lúc đó, ở rất nhiều trung tâm linh đạo, v.v. Nó làm vô hiệu việc làm chứng của dân tộc này, một việc làm chứng vốn cho thấy những dấu chỉ cụ thể của Thiên Chúa trong đời sống cộng đồng và chống lại những biến thái của tâm trí qua các cử chỉ của cơ thể.
Sự cám dỗ của ngộ đạo là một trong những lạc giáo - chúng ta hãy sử dụng từ này -, một trong những lệch lạc tôn giáo thời nay; sự cám dỗ của thuyết ngộ đạo vẫn luôn hiện hữu như bao giờ. Trong nhiều xu hướng trong xã hội và văn hóa của chúng ta, việc thực hành đức tin đang chịu nhiều mô tả tiêu cực, đôi khi dưới hình thức nghịch lý về văn hóa, đôi khi với việc đẩy sang bên lề một cách che đậy. Việc thực hành đức tin đối với những người theo thuyết ngộ đạo này, đã có vào thời Chúa Giêsu, được coi là điều ở bên ngoài, vô dụng và thậm chí có hại, một thứ tàn dư lỗi thời, như một sự mê tín trá hình. Trong ngắn hạn, là một điều dành cho những người già cả. Áp lực mà sự chỉ trích bừa bãi này gây ra cho các thế hệ trẻ là rất mạnh mẽ. Tất nhiên, chúng ta biết rằng thực hành đức tin có thể trở thành một thực hành bên ngoài vô hồn. Đây là mối nguy hiểm khác, ngược lại, phải không? Và nó đúng sự thật, phải không? Nhưng trong chính nó, nó không phải như vậy. Có lẽ đối với chúng ta, những người lớn tuổi hơn - và vẫn còn một số người ở đây - trả lại vinh dự cho đức tin, làm cho nó mạch lạc, đó là chứng tá của Eleazar: sự kiên định đến tận cùng. Việc thực hành đức tin không phải là biểu tượng của sự yếu đuối của chúng ta, không, mà là dấu hiệu của sức mạnh của nó. Chúng ta không còn là những người trẻ tuổi. Chúng ta không đùa cợt khi bắt đầu hành trình trên con đường của Chúa!
Đức tin đáng được tôn trọng và vinh dự cho đến tận cùng: nó đã thay đổi cuộc sống của chúng ta, nó đã thanh tẩy tâm trí của chúng ta, nó đã dạy chúng ta sự thờ phượng Thiên Chúa và tình yêu thương người lân cận. Đó là một phúc lành cho mọi người! Nhưng đức tin như một toàn bộ, chứ không chỉ một phần của nó. Giống như Eleazar, chúng ta sẽ không đánh đổi đức tin của mình lấy một vài ngày yên tĩnh. Chúng ta sẽ chứng tỏ, bằng tất cả sự khiêm tốn và kiên định, chính ở tuổi già của chúng ta, rằng tin tưởng không phải là điều gì đó “dành cho người già”. Không. Đó là một vấn đề của cuộc sống. Tin vào Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho mọi sự trở nên mới mẻ, và Người sẽ sẵn lòng giúp đỡ chúng ta.
Anh chị em lớn tuổi thân mến - không nói là già, chúng ta thuộc cùng một nhóm - xin anh chị em nhìn những người trẻ tuổi: họ đang quan sát chúng ta. Họ đang quan sát chúng ta. Anh chị em đừng quên điều đó. Tôi nhớ lại bộ phim tuyệt vời về thời hậu chiến đó: Các trẻ em đang quan sát chúng ta. Chúng ta có thể nói điều tương tự với những người trẻ tuổi: những người trẻ đang quan sát chúng ta và sự kiên định của chúng ta có thể mở ra một con đường sống tươi đẹp cho họ. Mặt khác, đạo đức giả sẽ gây hại rất nhiều. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả những người già chúng ta. Cảm ơn anh chị em.