1. Kết thúc khóa họp của các đại diện Hội đồng Giám mục Đức và Ba Lan

Hôm 28 tháng Tư vừa qua, khóa họp của các đại diện Hội đồng Giám mục Đức và Ba Lan, gọi là nhóm Liên lạc, đã kết thúc khóa họp ba ngày tại thành phố Gliwice, bên Ba Lan, trong đó các vị ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến tự vệ chống lại các lực lượng Nga.

Thông cáo do Văn phòng Hội đồng Giám mục Đức phổ biến cho biết việc tự vệ chống lại kẻ gây hấn có liên hệ tới Âu châu, tự do và phục vụ cho nền hòa bình của toàn thể đại lục này.

Cả các Giáo hội cũng muốn tiếp tục dấn thân trợ giúp những người tị nạn Ukraine. Đức Cha Bertram Meier, Giám mục giáo phận Augsburg, hướng dẫn phái đoàn giám mục Đức tại khóa họp, đã cám ơn các tín hữu Công Giáo Ba Lan vì tình liên đới nổi bật với những người bị lâm vào cái vòng chiến tranh hoặc đang bị đe dọa. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Ba Lan tỏ ra là “một cường quốc tế mặt nhân đạo” và thách thức các lực lượng tàn phá và phản lại tình người”.

Một vấn đề khác được bàn tới trong khóa họp và tiến trình cải tổ gọi là “Tiến Trình Công Nghị” của Giáo Hội Công Giáo Đức cũng như tiến trình đồng nghị do Đức Thánh Cha Phanxicô đề xướng, để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 2023. Phía các giám mục Ba Lan khẳng định rõ ràng rằng một số ý tưởng trong Tiến trinh Công nghị của Công Giáo Đức được dư luận tại Ba Lan cảm thấy bất đồng.

Đồng thời, Giáo hội tại Ba Lan cũng đang phải đương đầu với một loạt các vấn đề khiến cho Giáo hội cảm thấy cần phải tiến hành những cải tổ thích hợp. Điều này được biểu lộ qua sự kiện Giáo Hội Công Giáo Ba Lan đang tích cực tham gia tiến trình đồng nghị trong Giáo hội do Đức Thánh Cha Phanxicô đề ra. Đức Cha Meier nói: “Chúng tôi đã cố gắng hiểu nhau hơn và tôi nghĩ chúng tôi đã thành công trong việc này. Chúng tôi muốn học hỏi nhau trong một Giáo hội đối thoại”.

Ngày 09 tháng Tám tới đây là kỷ niệm lần thứ 80 ngày qua đời của thánh nữ Edith Stein, người Đức gốc Do thái, bị Đức quốc xã sát hại trong trại tập trung Auschwitz. Nhân dịp này, các giám mục Đức và Ba Lan thuộc nhóm liên lạc, đã viếng thăm Bảo tàng viện Edith Stein ở Lublimiec và cử hành một thánh lễ tưởng niệm.

Phái đoàn Ba Lan trong cuộc gặp gỡ do Đức Cha Jan Kopiec hướng dẫn, ngoài ra có sự tham dự của Đức Hồng Y Kazimierz Nycz, Tổng giám mục giáo phận thủ đô Varsava, và hai giám mục khác người Đức và Ba Lan.

2. Đức Thánh Cha tiếp Ngân quỹ Giáo hoàng ở Mỹ

Sáng ngày 28 tháng Tư năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Ban lãnh đạo và Hội đồng quản trị Ngân quỹ Giáo hoàng và ngài nhiệt liệt cám ơn sự hỗ trợ của Quỹ này dành cho các hoạt động bác ái, giáo dục, văn hóa và đặc biệt giúp đỡ Tòa Thánh.

Ngân quỹ Giáo hoàng được thành lập năm 1988 tại Mỹ và cho đến nay đã tài trợ 200 triệu Mỹ kim, cung cấp các học bổng trên thế giới và tài trợ 2.000 dự án được các Đức Giáo Hoàng chọn. Quỹ tài trợ 358 nhà thờ và nhà nguyện, 170 chủng viện, 404 tu viện và đan viện, 273 trường học và 104 nhà thương.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Qua dòng thời gian, Quỹ Giáo hoàng đã giúp đỡ trên bình diện thế giới sự phát triển toàn diện của bao nhiêu anh chị em chúng ta. Đặc biệt sự đáp ứng của anh chị em đối với nhiều lời thỉnh cầu trợ giúp, qua các dự án giáo dục, từ thiện và Giáo hội. Qua đó, anh chị em hỗ trợ sự dấn thân liên lỉ của Giáo hội để xây dựng một nền văn hóa liên đới và hòa bình. Về vấn đề này, hoạt động bác ái của anh chị em trải rộng tới những người ở bên lề xã hội và sống trong nghèo khổ về vật chất cũng như tinh thần. Đồng thời trong những ngày này, chúng ta đang chứng kiến những hậu quả tàn phá của chiến tranh và những xung đột khác. Anh chị em quan tâm nhận ra những nhu cầu cần cung cấp sự chữa trị và trợ giúp nhân đạo cho các nạn nhân, những người tị nạn và những người buộc lòng phải rời bỏ quê hương để đi tìm một tương lai tốt hơn cho bản thân và những người thân yêu. Vì những dấn thân đó, tôi cám ơn và cầu nguyện để anh chị em được canh tân trong lòng nhiệt thành phụng sự Chúa và phục vụ những người rốt cùng trong các anh chị em, như chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta”. (Xc Mt 25,40)

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Ngay từ đầu, tình liên đới với người Kế vị thánh Phêrô là một trong các đặc tính của Ngân quỹ Giáo hoàng. Vì vậy, tôi biết mình có thể tín thác nơi lời cầu nguyện của anh chị em cho tôi và sứ vụ của tôi, cho các nhu cầu của Giáo hội, việc loan báo Tin mừng và sự hoán cải các tâm hồn”.

3. Chúng ta thấy cách kẻ thù xua đuổi hàng loạt những người con trai và con gái của Ukraine ra khỏi đất của họ

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã trình bày các suy nghĩ của ngài liên quan đến Tám Mối Phúc thật của Chúa Giêsu Kitô trong thông điệp hàng đêm gởi các tín hữu Công Giáo Ukraine.

“Phúc cho ai hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Con đường khiêm nhường và hạ mình như vậy tạo ra một không gian nội tâm cho một người, khiến người ấy có thể đón nhận các ân sủng của Thiên Chúa, đặc biệt là ân sủng phục sinh và sự sống vĩnh cửu, và hơn thế nữa, khiến người ấy có thể biết sự thật về mình.

Trái lại, tự hào là một ảo tưởng cụ thể về bản thân, về khả năng, và nguồn gốc của một người. Nó đối lập với sự hiền lành và khiêm nhượng trong lòng như một niềm hạnh phúc, cho chúng ta thấy sự thật về bản thân và nguồn gốc của chúng ta.

Khi đã lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, chúng ta là con gái và con trai của Thiên Chúa, là những người thuộc quyền thừa kế. Vì vậy, Chúa Kitô nói: “Phúc thay những ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp.” Đất này, Chúa của chúng ta, Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta ban cho chúng ta giống như một cơ nghiệp từ Cha cho các con trai và con gái.

“Dân tộc bị trục xuất khỏi mảnh đất của họ, những đứa trẻ bị tước đoạt quyền thừa kế đất đai của họ, trở thành những người xa lạ, những người lưu vong trên mảnh đất đó. Nhưng Chúa là Thiên Chúa phán: ‘Phúc thay những ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp’. Hôm nay chúng ta hãy cầu xin: “Lạy Chúa, xin cho chúng con khám phá ra trong tâm hồn chúng con quyền năng, ân sủng, di sản của Ngài. Xin ban cho chúng con sự khiêm tốn để biết sự thật về bản thân, và do đó có thể chấp nhận những gì Ngài ban cho chúng con. Bởi vì chúng con biết rằng Ngài đã cho chúng con đất đai, Tổ quốc, nhà nước của chúng con như gia nghiệp của chúng con. Vì vậy, chúng tôi muốn giống như Chúa – hiền lành và khiêm nhường, và được thừa hưởng một cách công bình, bởi quyền của Thiên Chúa, đất mà Chúa muốn ban cho chúng con”.
Source:UGCC