Canada bước vào mùa xuân nhưng còn đang rụt rè. Bên Mỹ hoa anh đào đã nở rộ nhưng bên Canada hoa anh dào mới chúm chím. Dân ở đây chỉ bắt dầu trồng cấy sau ngày lễ Victoria Day, 23 tháng Năm, lúc thời tiết hết băng giá. Hiện nay căn vườn bé nhỏ của tôi mới có hoa xuyên tuyết và hoa mai. Làng An Lạc của tôi vẫn sinh hoạt khép kín, chưa dám họp ngoài trời, vừa sợ cái lạnh, vừa sợ cái dịch Cô Vít. Dân làng toàn là các vĩ nhân anh hùng nên thường họp trong nhà, nay nhà tôi, mai nhà anh. Mỗi lần họp là có bao nhiêu chuyện để nói, bao nhiêu tin để loan. Bây giờ làng không thèm nói tới Cô Vít Vũ Hán, mà nói tới chuyện thời sự đang nóng bỏng. Xưa thì chuyện Vua Tập Cận Bình, nay thì chuyện Vua Nga Putin. Qua cuộc xâm lược Ukraine người ta mới biết rõ mặt thật của Nga. Vua Putin ban đầu tưởng sẽ chiến thắng trong hai ngày, nào ngờ nay đã hơn 2 tháng, bao nhiêu tướng tá đã tử trận, chiến hạm to nhất nước đã bị đánh chìm, bao nhiêu xe tăng thiết giáp đã bị phá, bao nhiêu binh sĩ đã nằm xuống. Bây giờ người ta mới vỡ lẽ ra rằng mấy nước tây âu đã nhân cuộc chiến này đem ra thử các thứ khí giới họ chế tạo bấy lâu mà chưa có cơ hội thử thực sự. Nay thử vào lính Nga. Vua Putin cũng không ngờ là khối NATO xưa lỏng lẻo nay lại gắn bó với nhau như thế, và hai nước to lớn Thụy Điển và Phần Lan ở sườn đông bắc đang xin gia nhập. Toàn chuyện bất ngờ mà vua Putin không tính trước được. Ai cũng thấy nhan sắc vua bệnh hoạn và xuống dốc quá.

Riêng nước Canada này, xưa nay tiếng là trung lập, thế mà kỳ họp khối G20 ngày 20/4 vừa qua, khi đại biểu Nga lên phát biểu thì đoàn Canada cùng với đoàn Anh và Mỹ đã nhất loạt đứng lên bước ra ngoài không thèm nghe, thật là một cái tát vào mặt vua Putin.

Ngoài ra, khi biết nhiều dân Ukraine đã chạy sang Ba Lan tỵ nạn, đã có chừng 100 quân nhân Canada gốc Balan đã tình nguyện về quê giúp những người tỵ nạn này. Một hành động làm nhiều người cảm phục.

Ngoài tin thời sự quốc tế Nga đi xâm lăng, làng tôi còn bàn tới cuộc bầu cử tổng thống Pháp gay cấn giữa Emmanuel Macron và Marine Le Pen, nay thì cuộc bầu đã xong và Macron tiếp tục ngồi trên ngai, không biết vua và quốc hội có đi được với nhau không. Anh John nghe tới tiếng quốc hội thì lắc đầu rồi cười hà hà : Tôi mới đọc cái joke bằng pháp văn nói về quốc hội. Cái chữ quốc hội, tiếng Pháp gọi là Parlement, chữ này bởi 2 động từ parler và mentir ghép lại với nhau. Parler là nói và Mentir là nói dối, thế quốc hội là vậy sao? : En France, les verbes Parler et Mentir ont été réunis en un lieu le ‘Parlement’, chả lẽ quốc hội bên Pháp mà cũng thế ư?

À, còn cái tin này cũng quan trọng : Mới đây, 170 người Da Đỏ ở Canada đại diện cho 3 sắc dân chính của họ là First Nations, Inuit và Metis đã đi Roma để xin Đức Thánh Cha Francis sang Canada ngỏ lời chính thức xin lỗi công khai người Da Đỏ. Các cụ còn nhớ việc lịch sử này không? Đó là chuyện Canada đã thi hành chính sách giáo dục cưỡng bách các trẻ em Da Đỏ từ năm 1870 đến 1997 với mục đích là đồng hóa, biến lớp trẻ từ bỏ nếp sống Da đỏ. Việc này do các nhà thờ Công Giáo thi hànhh. Một phái đoàn nhỏ gồm 32 người đã gặp riêng Đức Thánh Cha bàn về chuyện Ngài sẽ sang Canada để nhân danh Giáo Hội chính thức xin lỗi. Báo chí cho biết trong phái đoàn này có bà cụ Angie Crerar 86 tuổi là nạn nhân còn sống sót.

Nghe tới người Da Đỏ thì cả làng nhìn ông Từ Hòe và tôi, vì hai chúng tôi là môn đệ của triết gia Kim Định, người chủ trương Da Đỏ có gốc VN. Rằng khi xưa Mẹ u Cơ đẻ xong 100 con, hai cha mẹ đã chia nhau mỗi người 50 đứa, mẹ dẫn 50 con lên hướng bắc, cha dẫn 50 con xuống phía nam. Mẹ lên tới bắc rồi đi sang phía tây, rồi gặp eo biển Bering. Lúc đó eo biển còn cạn nên mẹ u Cơ dẫn đoàn con đi xuống phía nam tức là đất Canada bây giờ. Rồi mẹ và đoàn con thấy miền đất này tốt quá nên đã dừng chân luôn và phát triển ở đây. Mẹ và 50 con đã là tổ phụ của người Da Đỏ bây giờ.

Đọc đến đây chắc nhiều cụ đang cười phải không cơ? Xin các cụ cứ tiếp tục cười cho thoải mái vì tôi chưa nói hết ý. Các nhà nhân chủng học đều quả quyết người Da Đỏ có gốc Á Châu, nhưng chưa xác quyết được gốc từ nước nào. Triết gia Kim Định bảo việc này dễ. Ta cứ quan sát kỹ, người Da Đỏ mắt không nhỏ và xếch như mắt người Trung Hoa, ngưởi Cao Ly, người Nhật. Những ngày lễ hội, các vũ công Da Đỏ đều đội mũ lông chim, y như mũ tổ tiên VN đã đội, việc này có ghi trên mặt các trống đồng. Rõ ràng Da Đỏ mang nét VN. Ngoài ra còn một việc rõ ràng nữa là tháng Tư 1999 Canada lập thêm một tỉnh bang mới phía cực bắc gọi là Đặc khu Nunavut. Lúc đó sống ở thủ đô Ottawa có cụ niên trưởng Đào Trọng Cương, trên 90 tuổi, tuyên bố ngay rằng danh xưng Nunavut là tiếng Việt vì gốc nó ở bài hát bình dân Nu Na Nu Nống của các trẻ em VN ngày xưa. Rồi một vị cao niên trưởng thượng khác cũng ở Ottawa là Cụ Nguyễn Bách Bằng nói rằng cứ nghe mấy cô Da Đỏ múa hát ngày lễ thành lập đặc khu thì ta thấy cái giọng ỳ a ý a của mấy cô này giống y như giọng hát quan họ Bắc Ninh của VN ta. Chưa hết. Gần đây nhất có nhạc sĩ Tạ Đắc gốc đặc Bắc Kỳ cho biết tiếng nhạc Da Đỏ giống y như nhạc Tây Nguyên của VN...

Các cụ thấy chưa, chúng tôi nói có sách mách có chứng. Người Da Đỏ ở Canada chính là những người con của Mẹ u Cơ. Bởi vậy, đất Canada này tiên khởi là đất của người Da Đỏ, là đất của anh em chúng ta. Người Việt đang sống trên đất Canada là đang sống trên đất của anh em nhà mình, người da trắng như anh John đây mới là người sống trên đất khách...

Cả làng ồ lên khiến anh John đầy lý sự mà không cãi lại ngay dược. Ông ODP thấy làng đang vui cười thì ông giơ tay phát biểu: Các bác còn kể thiếu về nguồn gốc danh xưng quốc gia Canada. Sử chép rằng năm 1535, người da trắng đầu tiên chính thức tới nước này tên là Jacques Cartier. Ông gặp người Da Đỏ mà ú ớ không biêt nói chuyện làm sao. Ông bèn chỉ vào các lều trại của người Da Đỏ mà nói. Người Da Đỏ không hiểu tiếng Pháp nhưng cũng đoán ông tây này hỏi đó là cái gì, nên người Da Đỏ bèn trả lời : Kanata, nghĩa là ‘cái nhà ta’. Ông tây Jacques Cartier tai nghễnh ngãng bèn ghi vào sổ : nơi này tên là Canada. Các cụ có thấy cái tiếng Kanata/Canada với ‘cái nhà ta’ có giống nhau không? Canada bởi tiếng ‘cái nhà ta’ mà ra đó !

Nói tới Canada. tôi cũng xin nói về ước mơ của một vĩ nhân VN, đó là danh nhân Phạm Quỳnh. Cách đây chừng 100 năm Phạm Quỳnh đã ao ước Việt Nam mình được như Canada. Chuyên kể rằng thuở đó ông đang là chủ báo Nam Phong nổi tiếng ở Hà Nội được Vua Bảo Đại mời vào Huế tham chính. Ngày 9.3.1945 Nhật đảo chính Pháp ở VN, Phạm Quỳnh lúc đó là thượng thư Bộ Lại, một chức tương đương với chức thủ tướng. Ông đã thảo bản Tuyên Ngôn Độc Lập để vua Bảo Đại tuyên đọc. Bản tuyên ngôn này đi trước bản tuyên ngôn độc lập mà Hồ Chí Minh đọc ở Ba Đình Hà Nội sau đó vài tháng. Phạm Quỳnh là một nhà ái quốc ôn hòa, ông luôn vận động với Pháp để họ nhìn ra cái sai trái của họ. Năm 1930 ông đã lấy Canada làm mẫu mực cho VN. Trong tiểu luận Essais Franco-Annamites mang tiểu đề ‘ Ce que sera Vietnam dans cinquante ans’ in năm 1930, hiện còn lưu trữ ở thư viện quốc gia Pháp, ông đã viết :... Hy vọng rồi ra nước Việt Nam sẽ có cơ hội trở thành một quốc gia độc lập tư do trong Khối Liên Hiệp Pháp như Canada trong khối Liên Hiệp Anh vậy... Điều này chứng tỏ Cụ Phạm Quỳnh ngay từ xưa đã khâm phục nước Canada. Chỉ tiếc rằng Phạm Quỳnh đã bị CSVN bắt và giết ở giao thông hào bìa rừng Hắc Thu tỉnh Quảng Trị vào mùa thu 1945, cùng với thượng thư triều đình Huế Ngô Đình Khôi anh ruột của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Nhân nói tới Phạm Quỳnh, ta không thể quên một vĩ nhân khác cho nền giáo dục VN. Đó là giáo sư học giả Hoàng Xuân Hãn. Ông chỉ làm bộ trưởng 4 tháng trong chinh phủ Trần Trọng Kim năm 1945 mà đã để lại cho chúng ta một chương trình giáo dục đầu tiên dạy bằng Việt ngữ, và một cuốn sách các danh từ khoa học bằng tiếng Việt đầu tiên mà ngày nay chúng ta vẫn còn dùng. Ngoài ra ông còn cổ võ việc học và viết tiếng Việt theo mẫu tự latin ABC, giúp người có chí chỉ cần học trong 3 tháng là tinh thông. Sống với CSVN ít lâu thì cụ thấy rõ mặt thực xấu xa độc ác của họ, nên năm 1951 cụ rời VN sang lại Pháp, chuyển ngành và trở thành chuyên gia về nguyên tử, cụ mất ở Paris năm 1996. Tháng 8 năm 2011, Ecole Nationale des Ponts et Chaussés, một trường đại học uy tín và nổi tiếng ở Pháp đã dùng tên GS Hoàng Xuân Hãn đặt cho một đại giảng đường và nhân ngày kỷ niệm 100 năm đã viết tên ông trong danh sách 100 người nổi tiếng của trường.

Đến đây thì Cụ già B.95 lên tiếng xin thôi các chuyện về văn chương chữ nghĩa, cụ xin anh John là thần tượng của cụ cho cụ cười một chút kẻo đêm nay sẽ mất ngủ. Anh John lúc nào cũng sẵn chuyện vui. Anh xin kể chuyện mấy em bé học tiếng Việt. Rằng trong giờ học làm văn, cô giáo ra đề bài là tả con mèo. Ngày hôm sau trò A nộp bài với chỉ một dòng ‘Nhà em có một con mèo’. Cô giáo hỏi sao em không nói rõ thêm, tả thêm về con mèo này. Trò A đáp : Nhà em có một con mèo nhưng em chưa được thấy vì mẹ em thưòng bảo ba có mèo, ba em đang ra sức giấu còn mẹ em thì đang ra sức tìm. Khi nào mẹ em tìm thấy thì em sẽ tả kỹ ạ ! Tuần sau cô giáo lại ra đề bài : Em hãy tả con chó. Bé A lại nộp bài cũng một câu cộc lốc : Nhà em có một con chó. Rồi chấm hết. Cô giáo lại bảo bé tả rõ thêm. Bé A trả lời ngay: Vì con chó ở ngoài đường, em thấy mẹ em hỏi ba em : hôm qua anh đi cả ngày với con chó nào thế? Khi nào ba em đưa nó về nhà, em thấy nó, em sẽ tả rõ hơn. Tuần lễ thứ ba cô giáo ra đề bài tả con khỉ. Vẫn học sinh đó nộp bài, lần này em viết bài dài hơn một chút : Nhà em có nuôi một con khỉ. Một hôm có một cô gái rất đẹp đến gõ cửa nhà em. Ba em ra mở cửa rồi nói với cô ấy : con khỉ già chưa đi chợ, nó còn đang trong nhà tắm.

Cả làng nghe xong thì đều phá ra cười nhưng Chị Ba Biên Hòa bảo anh John ngay : Từ nay anh không nên kể những chuyện như thế vì ý chuyện đều coi khinh chị em đàn bà chúng tôi.

Và để anh John không kịp giải thích, Chị Ba quay sang anh HO rồi nói : Anh là người sống ở Saigon từ bé, nay nhân mùa 30/4, anh hãy cho cả làng biết anh nhớ và mê cái gì nhất ở Saigon khi xưa. Câu hỏi này khơi dậy trong lòng cả làng bao nhiêu là ý nghĩ và kỷ niệm. Anh HO cười rồi đáp : Chuyện nhớ Saigon thì nhiều lắm. Tôi xin nói về một thứ mà tôi không bao giờ quên, đó là món ăn nhẹ ngoài đường. Rồi anh kể và cả làng được hứng cũng cộng tác kể thêm, ôi sao mà nó nhiều, nó ngon và nó vui làm vậy. Đại loại là những món này :

Nắm xôi xanh và vàng, xanh là do lá dứa, vàng là do phẩm, người bán xôi ngồi ngay đầu ngã ba hay ngã tư. Đôi khi bà còn bán thêm xôi nếp than và xôi gấc. Đôi khi có cả xôi đậu phọng. Sáng sớm đi học hay đi làm, ra tới đường là ngửi thấy mùi xôi rồi. Rồi còn thêm hàng xôi bắp, gốc nó từ miền Bắc có thêm đường cát muối mè, hành phi. Ăn một miếng mà thấy miếng xôi ngon cách gì, nó ngọt béo bùi làm sao !

Bên những hàng xôi, còn hàng khoai lang khoai mì luộc nóng hổi. Trẻ em nhà nghèo được môt củ khoai lang nóng hổi ủ trong áo đem tới trường, sao mà nó sướng làm vậy !

Rồi xa một chút nữa là hàng cơm tấm, đĩa cơm bốc khói ăn với bì, chả hay sườn nướng, nó ngon làm sao! Rồi lúc sau là có cơm cháy. Nhờ chảo cơm để trên bếp lửa lâu nên cơm dưới đáy biến thành cơm cháy. Cơm cháy rưới mỡ hành, chan nước mắm, ăn giòn rụm, ngon chi lạ !

Bánh mì thịt, tiếng là như thế chứ bên trong, ngoài thịt heo còn cá hộp Sumaco, chả lụa, xúc xích. Bánh mì baguette lấy trực tiếp từ lò được giữ nóng trên bếp than. Bánh mì được mổ theo chiều dài, thịt, dưa leo, đồ chua, ít muối tiêu hay xì dầu, thêm mấy lát ớt xắt mỏng. Miếng bánh giòn rụm, thịt béo ngậy, ngon làm sao. Đây là bánh mì thịt của nhà giầu. Những người nghèo chỉ đủ tiền mua bánh mì, rồi xin nhà chủ rưới cho chút xíu xì dầu hay nước sauce cà chua của hộp cá Sumaco còn sót lại.

Ngoài ra còn loại ‘Bánh mì nóng giòn, mới ra lò đây!’ Đó là câu rao hàng buổi sớm mai của các trẻ em nhà nghèo, các em ôm bao bánh mì nóng trực tiếp từ lò. Các em vừa chạy vừa rao mong bán hết trước khi tới trường. Đa số các gia đình đều chờ mua bánh mì nóng từ các em bán rao này. Ôi đồng bánh còn nóng, giòn rụm, không có nhân mà ăn cũng đã thấy ngon rồi.

Cụ già B.95 nghe tới đây thì kêu to lên : Thôi, xin đừng kể nữa, lão thèm quá, sao mà miền Nam các bác sung sướng thế. Tôi ở lại miền Bắc với bác Hồ, củ khoai còn chả có, nói chi tới nắm xôi và đồng bánh mì !

Anh HO nói tiếp : Cháu mới nói tới mấy món ăn thường có trên đường Saigon, cháu còn định nói về món cháo huyết, giò cháo quảy, phá lấu, bò bía, bánh cuốn chả lụa, chè sâm bổ lượng... Thôi, vâng lời bác, cháu xin ngưng.

Ông Từ Hòe lên tiếng : Vì anh đã khơi nguồn và gợi hứng về món ăn chơi ở Saigon làm tôi nhớ tới bài thơ của Nguyễn Văn Lục, tôi thích bài thơ này quá, xin Bác B.95 để tôi đọc cho cả làng nghe cái ngon của Saigon năm xưa :

Tôi thèm măng cụt Bình Dương

Thèm thơm Bến Lức, chôm chôm Long Thành

Tôi thèm lòng lợn tiết canh

Tôi thèm cá lóc nấu canh rọc mùng...

Ông Từ Hòe đang đọc bài thơ thì Cụ Chánh giơ tay xin ngưng rồi phát biểu : Ông vừa nói tới tiết canh, xin cho tôi kể ngay chuyện này kẻo quên : rằng ngày trước có một anh da trắng được mời nhậu món tiết canh với phe ta, anh ta cũng ăn thử một miếng thấy lạ miệng bèn xin một miếng nữa nói là đem về cho vợ. Nhưng anh đã không cho vợ ăn mà anh đem vào phòng thí nghiệm vì anh ta làm ở viện Pasteur. Hôm sau anh chuyển cho ông bạn chủ tiệc kết quả thí nghiệm : Món tiết canh gồm toàn những chất độc hại rất nguy hiểm cho cơ thể con người, con lợn con vịt chịu được nhưng cơ thể con người thì không. Người chủ tiệc chưa tin vội cũng đem tiết canh đi thử ở một trung tâm khác, và kết quả cũng y chang như vậy. Nghĩa là ăn tiết canh là ta ăn toàn vi trùng độc hại và nguy hiểm cho sức khỏe vào bụng. Eo oi ! Và kể từ đó đám nhậu của ông bỏ luôn món tiết canh không dám ăn nữa, dù là tiết canh vịt, tiết canh dê hay tiết canh lợn. Cụ Chánh biết việc này, sợ quá, cũng bỏ ngay, và luôn cảnh giác mọi người. Eo ơi nghe mà kinh luôn. Vì vậy mà làng tôi chưa hề có buổi nhậu nào ăn món tiết canh.

Chuyện vui làng tôi còn đang vui, bữa nay bị món tiết canh chặn lối hết rồi.

Xin Ông Thần Bếp cứu chữa cái bếp chúng con.

TRÀ LŨ