Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine, ông đã có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “Holy Week 2022: A Wartime Meditation”, nghĩa là “Suy tư về Tuần Thánh 2022 trong thời chiến”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong cả lịch phụng vụ Rôma và Byzantine, Mùa Chay 2022 đều trùng khớp với một cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine. Cuộc chiến đó do Vladimir Putin của Nga phát động vì một mục tiêu đế quốc, hèn hạ. Nó đã được quân đội Nga tiến hành theo cách gợi lại sự man rợ của người La Mã, những người đã đóng đinh sáu nghìn nô lệ dọc theo Con đường Appian sau cuộc nổi dậy Spartacus. Đó là một câu chuyện cũ. Những kẻ bạo chúa không thể chịu đựng được sự thật về sự chuyên chế của chúng; chúng khủng bố để làm tan nát tinh thần của những người tìm kiếm tự do.

Vào tuần thứ ba của cuộc chiến, những người Công Giáo theo nghi thức Latinh đã đọc một đoạn trong bài bình luận của Thánh Augustinô về Thánh Vịnh 140 mà chắc chắn sẽ vang lên trong lòng các anh em Kitô giáo Đông phương của chúng ta ở Ukraine, cả Công Giáo và Chính thống giáo Đông phương:

“Lạy Chúa, con đã khóc với Chúa, xin hãy nghe con.” Đây là một lời cầu nguyện mà tất cả chúng ta đều cần đến. Đây không chỉ là lời cầu nguyện của cá nhân chúng ta, mà còn là lời cầu nguyện của toàn nhiệm thể Chúa Kitô. Đúng hơn, lời cầu nguyện ấy được kêu lên nhân danh nhiệm thể của Ngài. Khi Chúa Kitô trên dương thế, Ngài cầu nguyện trong bản chất con người của Ngài và nhân danh thân thể mình mà cầu nguyện với Cha; và khi Ngài cầu nguyện, những giọt máu đã rơi ra khỏi toàn thân Ngài. Vì vậy, Phúc âm viết: “Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.” (Lc 22:44) Máu chảy ra từ toàn thân Ngài ngày nay phải chăng là sự tử đạo của toàn thể Giáo hội?

Máu đã chảy ra từ cơ thể của Chúa Kitô, Giáo Hội ở Ukraine, trong tám tuần nay. Nó đã đổ ra từ cơ thể của những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Những người yêu nước Ukraine đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc của họ; Những người lính Nga đã ngã xuống vì những lý do mà họ không thể hiểu được, bởi vì cấp trên của họ đã nói dối họ về nhiệm vụ của họ. Những vết thương đẫm máu đã gây ra trên Thân thể của Chúa Kitô trong cuộc chiến này nhắc nhớ đến cảnh Chúa bị đáng đòn; những hành động tàn ác vô tâm gây ra cho dân thường nhắc nhở chúng ta về việc Ngài bị những kẻ tàn bạo đội vương miện bằng gai. Với Chúa Kitô, người dân Ukraine, những người chỉ yêu cầu được là chính mình, đã đi trên con đường đẫm máu dẫn đến đồi Canvê, nơi những kẻ gây ra đau khổ cho họ chế nhạo tuyên bố về căn tính của họ.

Những vết thương của Ukraine, đặc biệt là ở thành phố Mariupol ', gợi lên trong tâm trí chúng ta suy tư của một Tiến sĩ Hội Thánh khác, là Thánh Bernard thành Clairvaux. Tên của thành phố tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria được mô tả trong biểu tượng Hodegetria. Việc quân Nga tàn phá thành phố mang tên Đức Mẹ một cách dã man - bao gồm cả việc bắt cóc cư dân và trục xuất họ sang Nga - là một lời nhắc nhở sâu sắc về lý do tại sao Thánh Bernard đã dạy cho Giáo hội rằng Đức Mẹ là một vị tử đạo:

Sự tử đạo của Đức Trinh Nữ được nêu ra cả trong lời tiên tri của Simeon và trong câu chuyện thực tế về cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta. Ông già thánh thiện nói về hài nhi Chúa Giêsu rằng “Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng,” và ông nói tiếp với Đức Maria, “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

Quả thật, hỡi Mẹ đầy ơn phúc, một thanh gươm đã đâm vào tim Mẹ. Vì chỉ bằng cách xuyên qua trái tim Mẹ, gươm mới có thể nhập vào thịt Con Mẹ. Thật vậy, sau khi Chúa Giêsu con M - người thuộc về tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là của Mẹ - đã từ bỏ mạng sống của mình, ngọn giáo độc ác không chừa cơ thể vô hồn của Người, đã xé toạc cạnh sườn Người. Rõ ràng nó không chạm vào tâm hồn Chúa và không thể làm hại Chúa, nhưng nó đã đâm vào trái tim Mẹ.... Vì vậy, bạo lực của nỗi buồn đã cắt qua trái tim của Mẹ, và chúng con gọi Mẹ một cách chính xác hơn là vị tử đạo, vì tác động của lòng trắc ẩn trong Mẹ đã vượt xa sức chịu đựng của đau khổ thể xác.

Việc chữa lành những vết thương về thể chất, tinh thần và tình cảm trong cuộc chiến này sẽ mất nhiều thời gian. Những vết thương đó bao gồm việc làm sai lệch lịch sử Kitô giáo của các nước Đông Slav, làm cơ sở cho nỗ lực của Nga nhằm tiêu diệt một quốc gia có chủ quyền: một quốc gia không gây ra mối đe dọa an ninh cho Mạc Tư Khoa, nhưng bằng sự tồn tại của nó, thách thức câu chuyện sai lệch mà các nhà lãnh đạo Nga - chính trị và, than ôi, cả tôn giáo - đã nói với người dân của họ quá lâu. Một quá trình chữa lành sẽ kéo dài. Dù thế nào, Ukraine đã trải qua một cuộc Khổ nạn quá sức trong Mùa Chay này.

Ngay từ đầu, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo hội Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương và những người chân chính khác của Thiên Chúa đã công bố sự thật cứu rỗi rằng Lễ Phục sinh theo sau đồi Canvê. Vì vậy, chúng ta có thể vác thập tự giá của mình, dù đẫm máu đến đâu, với sự hiểu biết chắc chắn rằng sự chiến thắng của Chúa Kitô sẽ là của chúng ta nếu chúng ta trung thành với chính nghĩa của Ngài. Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, người có tên trong danh sách bị ám sát của Nga, đã trình bày điều đó với tài hùng biện rằng trong “nước rửa tội của sông Dnipro”, những tín hữu đó đã trở thành “thân thể của Chúa Kitô Phục sinh, mà sự chết không có quyền năng.”
Source:First Things