1. Hiện tượng Lửa Thánh lạ lùng tại Giêrusalem

Trưa ngày thứ Bẩy 23 tháng Tư, tức là ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh của Chính Thống Giáo và của cả các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, thế giới Chính Thống Giáo đã dán mắt vào các màn hình TV và computer để hồi hộp theo dõi hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem.

Những lo âu liên quan đến đại dịch coronavirus tuy đã có phần giảm bớt, nhưng lại có những âu lo về sự mở rộng và leo thang chiến tranh tại Ukraine.

Trong khung cảnh rất khác so với năm ngoái, Nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem đã mở cửa cho công chúng vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh Chính Thống Giáo cho phép các tín hữu tham dự nghi thức đón lửa thánh vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh tại địa điểm Chúa Giêsu đã bị đóng đinh và đã phục sinh. Bầu không khí cử mừng tràn ngập khu vực này khi hàng loạt tín hữu đi qua cánh cửa gỗ khổng lồ của nhà thờ.

Năm 2000 là một lễ Phục sinh vắng lặng, không có bao nhiêu người được tham dự trong bối cảnh nhà thờ Thánh Mộ cửa đóng then cài. Năm ngoái 2021, tình hình tốt hơn nhiều, cánh cửa rộng mở khiến các tín hữu cảm thấy hy vọng rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Trong một diễn biến đáng tiếc, cảnh sát đã tìm cách giới hạn số người được vào bên trong nhà thờ Thánh Mộ ở mức 1,000 người. Tuy nhiên, trước những phản kháng quyết liệt của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Giêrusalem, cảnh sát Do Thái đã lùi bước. Dù vậy, con số tín hữu từ Nga tham dự nghi thức đón Lửa Thánh tại Giêrusalem được ghi nhận đã giảm đến mức hầu như không đáng kể. Hậu quả của các lệnh cấm vận đã khiến giá trị của đồng Rúp Nga xuống đến mức rất thấp. Trước chiến tranh, 85 đồng Rúp đổi được 1 đô la Mỹ. Con số này ngày nay là khoảng 200 đồng Rúp mới đổi được 1 đô la Mỹ. Vì thế, chỉ những người giầu có lắm mới có thể làm một chuyến hành hương sang Giêrusalem trong thời gian này. Một trở ngại khó vượt qua hơn nữa là máy bay Nga không được phép bay qua các không phận của Liên Hiệp Âu Châu.

Nhà thờ Thánh Mộ - Holy Church of the Holy Sepulchre là danh từ của Công Giáo, người Chính Thống Giáo và Giáo Hội Armenia Tông Truyền gọi là nhà thờ Phục sinh – Holy Church of Resurrection - nằm phía bên trong bức tường than khóc trong khu vực cổ thành Giêrusalem, kế cận với đồi Golgotha. Theo truyền thống, nhà thờ đã được xây dựng trên khu mộ Chúa Giêsu đã được táng xác.

Trong những thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, đây được xem là nơi thánh thiêng bậc nhất của Kitô Giáo. Thế nhưng đến thế kỷ thứ hai, hoàng đế Hadrianus đã cố ý cho đổ đất lấp hết những dấu tích của Kitô giáo, rồi xây đền thờ nữ thần Aphrodite, là một thứ nữ thần sắc đẹp như kiểu thần Vệ Nữ.

Sau khi đón nhận đức tin Công Giáo, năm 325, Đại Đế Constantine đã truyền phá hủy đền thờ nữ thần Aphrodite và cho đào bới khu vực này để tìm lại các dấu tích thánh thiêng của Kitô Giáo. Mẹ nhà vua là nữ hoàng Helena đã hiện diện từ năm 326 tại địa điểm này để đích thân giám sát các cuộc khai quật và xây dựng nhà thờ mới.

Theo thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Đệ Tam đưa ra vào năm 1853, Công Giáo nghi lễ La Tinh, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đều có quyền ngang nhau trong việc coi sóc và cử hành các lễ nghi Phụng Vụ tại đây.

Truyền thống Chính Thống Giáo tin rằng hiện tượng Lửa Thánh là một phép lạ xảy ra hàng năm vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh theo lịch Chính Thống Giáo. Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem được tin tưởng là nhận được lửa từ trời xuống bên trong ngôi mộ Chúa.

Lúc 10 giờ sáng ngày thứ Bẩy 23 tháng Tư, theo truyền thống, cảnh sát Do Thái đã vào trong Edicule, là ngôi đền nhỏ bên trong đền thờ Thánh Mộ, bao bọc khu hầm mộ Chúa, lục soát để bảo đảm rằng bên trong không hề có vật dụng gì có thể tạo ra lửa.

Đúng 11 giờ, thanh tra cảnh sát Do Thái niêm phong Edicule.

Nghi thức bắt đầu lúc 12 giờ trưa với kinh cầu Các Thánh. Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp và các Giám Mục của Giáo Hội Chính Thống Giáo Hy Lạp đến trước Edicule. Ngài cởi bỏ phẩm phục bên ngoài và chịu sự khám xét của cảnh sát Do Thái để chứng minh rằng ngài không hề mang theo bất cứ vật dụng nào có thể tạo ra lửa. Sau đó, chỉ một mình ngài được vào trong Edicule, hai tay cầm hai bó nến.

Đức Thượng Phụ qùy cầu nguyện trước tấm đá cẩm thạch bao bọc chiếc giường bằng đá nơi thi thể Chúa được an táng. Các tín hữu Chính Thống Giáo hiệp thông qua các phương tiện truyền thông hồi hộp theo dõi, lo sợ hiện tượng này không xảy ra trong năm nay.

Sử sách ghi lại năm 1101, là năm hiện tượng này không xảy ra, và đó là năm đại dịch kinh hoàng.

Một lúc sau, ánh lửa bắt đầu phát ra từ bên trong ngôi mộ của Chúa Kitô. Các tín hữu Chính Thống Giáo trên toàn thế giới thở phào nhẹ nhõm, chứa chan hy vọng đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, cùng với chiến tranh sẽ sớm chấm dứt.

Đức Thượng Phụ tiến ra với hai bó nến được thắp sáng. Hai người phải kè hai bên ngài để dìu ngài đi. Có lẽ sức nặng tâm lý đã khiến ngài bước đi không nổi.

Đền thờ Thánh Mộ đã được thắp sáng với những ánh nến huy hoàng.

Những người hành hương và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo cho biết trong 33 phút đầu tiên lửa này không hề làm phỏng họ nếu họ giơ tay trên ngọn lửa.

Theo truyền thống Lửa Thánh sau đó được rước đến Bethlehem, nơi Chúa xuống thế làm người.

Trong những năm trước, chính quyền Do Thái đã dàn xếp các chuyến máy bay đặc biệt để đưa lửa thánh đến các quốc gia Chính Thống Giáo như Nga, Ukraine, Hy Lạp, Rumani. Các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo và cả các nhà lãnh đạo dân sự ra tận sân bay đón nhận. Năm nay, do ảnh hưởng của chiến sự, lửa thánh đã không được đưa đến Ukraine.

2. Tòa thượng phụ Chính Thống Giáo Giêrusalem phản ứng giận dữ trước những hạn chế của cảnh sát đối với các cử hành Lễ Phục sinh

Tòa Thượng phụ Chính thống giáo tại Giêrusalem chúc mừng các giáo đoàn và tất cả người dân của Thánh Địa ở hai bên bờ sông Jordan nhân dịp Lễ Phục sinh và Thứ Bảy Lửa Thánh, đồng thời chúng tôi khẳng định cam kết mạnh mẽ và mới mẻ của chúng tôi đối với quyền kỷ niệm các ngày lễ của chúng ta cùng với cộng đồng, gia đình của chúng ta và cùng nhau tham gia các buổi cầu nguyện tại các nhà thờ của chúng ta ở Thành cổ Giêrusalem, bao gồm quyền cơ bản của tất cả các cộng đồng của chúng ta được vào Nhà thờ Mộ Thánh và vùng phụ cận trong các lễ hội Phục sinh bao gồm cả Thứ Bảy Lửa Thánh.

Các cộng đồng của chúng ta đã và đang thực hiện quyền thiêng liêng này một cách tự do trong suốt các thời đại và các nhà cai trị khác nhau, bất kể hoàn cảnh mà Thành Thánh đã trải qua trong lịch sử.

Trong nhiều năm, việc tham gia các buổi cầu nguyện và thậm chí quyền vào các nhà thờ ở Thành Cổ, đặc biệt là trong các ngày lễ Phục sinh, đã trở nên rất khó khăn đối với các Kitô Hữu chúng ta và người dân của chúng ta nói chung, do cảnh sát đơn phương thực thi các hạn chế và bạo lực đối với những tín đồ khăng khăng thực hiện quyền thờ phượng thiêng liêng tự nhiên của họ.

Trước đây, chúng tôi đã hợp tác với các cơ quan và các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác nhau để đưa vụ việc của chúng ta lên cấp quốc tế, cũng như tư pháp trong nước, đồng thời chúng tôi cũng phối hợp với chính cảnh sát, với mục đích ngăn cảnh sát tiếp tục các hành vi không thể chấp nhận được của họ, nhưng rất tiếc là những lời hứa tuyệt vời và những gì thực sự diễn ra trên thực tế là rất xa với những lời hứa đó.

Thay vì đảo ngược các hoạt động không thể chấp nhận được vào Thứ Bảy Lễ Phục Sinh và Lửa Thánh, cảnh sát gần đây đã thông báo cho Tòa Thượng Phụ về các biện pháp đơn phương mới, được bổ sung thêm nhằm gia tăng các hạn chế đối với Thứ Bảy Lửa Thánh, dẫn đến việc cảnh sát sẽ chỉ cho phép một nghìn người vào Nhà thờ Mộ Thánh vào ngày trọng đại này, mặc dù theo thông lệ, hàng nghìn người thờ phượng vào nhà thờ để cử hành vào ngày đó.

Hơn nữa, cảnh sát nói rằng họ sẽ chỉ cho phép năm trăm người vào Thành Cổ và đến các sân của Tòa Thượng Phụ và mái nhà nhìn ra Nhà thờ Mộ Thánh. Tòa Thượng Phụ tin rằng không có lời biện minh nào cho những hạn chế bất công bổ sung này và khẳng định sự bác bỏ rõ ràng, quyết liệt và hoàn toàn của mình đối với tất cả các hạn chế.

Tòa Thượng Phụ đã chán ngấy những hạn chế của cảnh sát đối với quyền tự do thờ phượng và những phương pháp không thể chấp nhận được đối với quyền của những các tín hữu Kitô thực hành các nghi lễ và tiếp cận các thánh địa của họ trong Thành cổ Giêrusalem.

Vì thế, Tòa Thượng Phụ chính thống Giêrusalem đã quyết định rằng, bằng quyền năng của Chúa, cảnh sát không thể làm tổn hại đến quyền cung cấp các dịch vụ tâm linh trong tất cả các nhà thờ và quảng trường. Tòa Thượng Phụ cũng thông báo rằng các buổi cầu nguyện sẽ được tổ chức như thường lệ bởi Tòa Thượng Phụ và các linh mục của tòa này, và hy vọng rằng các tín hữu có thể tham gia.

Quan điểm này của Đức Thượng Phụ bắt nguồn từ cơ sở thần quyền, di sản và lịch sử. Cảnh sát phải ngừng áp đặt các hạn chế và bạo lực mà, thật không may, đã trở thành một phần trong các nghi lễ thiêng liêng của chúng ta.

Chúng tôi cũng kêu gọi các giáo đoàn của chúng ta duy trì di sản lịch sử của chúng ta thông qua việc tham gia vào các nghi lễ và cử hành Lễ Phục sinh và Thứ Bảy Lửa Thánh năm nay tại Nhà thờ Mộ Thánh và vùng phụ cận.

Patriarchate of Jerusalem reacts angrily to police restrictions on Easter services

https://orthodoxtimes.com/patriarchate-of-jerusalem-reacts-angrily-to-police-restrictions-on-easter-services/