Tạp chí mạng The Pillar ngày 22 tháng 4, 2022 vừa cho đăng một bài phỏng vấn Đức Hồng Y James Francis Stafford với tựa đề “Getting back to joy” đề cập tới niềm vui của các Giờ Kinh Phụng Vụ.



Đức Hồng Y James Francis Stafford được thụ phong linh mục năm 1957. Kể từ đó, ngài đã lãnh đạo một trong những sự nghiệp đa dạng nhất của bất cứ người Mỹ nào trong Giáo Hội Công Giáo.

Phục vụ đầu tiên với tư cách là một linh mục phụ tá tại một giáo xứ ở quê hương Baltimore, sau đó ngài được gửi đến Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington, DC, nơi ngài được đào tạo như một nhân viên xã hội. Khi học xong, ngài trở lại Baltimore, làm trợ lý giám đốc thứ nhất rồi giám đốc Tổ chức bác ái Công Giáo Tổng giáo phận và cuối cùng là Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận.

Năm 1981, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong ngài làm Giám mục Memphis, và sau đó là Tổng Giám mục Denver vào năm 1986, trước khi bổ nhiệm ngài làm tổng trưởng Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân tại Roma mười năm sau đó.

Năm 2003, Đức Hồng Y Stafford trở thành người đứng đầu Tòa Ân Giải, bộ phận pháp lý của Vatican chuyên xử lý các vi phạm của tòa giải tội, và việc tha tội nghiêm trọng được dành cho Tòa Thánh. Ngài đã nghỉ hưu khỏi sinh hoạt giáo triều vào năm 2009.

Năm nay 89 tuổi, vị Hồng Y dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện - cầu nguyện chung bất cứ khi nào có thể. Ngài sắp sửa có một bài giảng thuyết về Các Giờ Kinh Phụng Vụ và đời sống giáo xứ, tại Chủng viện St John Vianney ở Denver - nơi mà ngài đã giúp thành lập.

Dịp lễ Phục sinh vừa qua, ngài đã dành cho tạp chí The Pillar một cuộc phỏng vấn về việc đối thoại với Thiên Chúa qua cầu nguyện, và về ý nghĩa của việc Giáo hội trở thành “một ca khúc ngợi khen”.

Theo ngài, muốn dấn thân vào lối cầu nguyện chung của Giáo Hội tức hình thức Các Giờ Kinh Phụng vụ, cần phải có một trí tưởng tượng lớn lao. Thành thử, thách thức hiện nay của Giáo hội là phục hồi trí tưởng tượng của người Công Giáo.

Ngài nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể làm được điều này nếu chúng ta có tình yêu thương chân thật đối với Chúa Kitô và hiểu được lời mời gọi của Người và sẵn sàng đồng nhất với sự sống của Chúa Kitô, Đấng cũng từng hiểu nhu cầu phải cầu nguyện. Đức Hồng Y muốn nói, Người là Đấng đã nói với chúng ta nhiều lần phải cầu nguyện không ngừng. Người đã làm điều đó. Người đã cầu nguyện không ngừng.

Chúng ta sử dụng các chữ “sursum corda” - nâng cao tâm hồn lên. Chúng ta đã nâng chúng lên Chúa, nhưng việc nâng lên này là điều mà chúng ta phải lặp lại suốt ngày nếu chúng ta chịu bước theo Chúa Giêsu Kitô. Và khi bạn đã yêu mến Chúa Giêsu Kitô thì theo Người trong đời sống cầu nguyện là điều không có gì khó khăn.

Đức Hồng Y muốn nói, khi bạn nghĩ về một người cha giao nộp con trai mình và đứa con trai vâng lời người cha đó để chúng ta có sự sống, thì chính Chúa Kitô ban cho chúng ta khuôn mẫu sống, Hãy Nâng Tầm Hồn Lên, để cầu nguyện không ngừng với cha của bạn trên thiên đàng.

Vì vậy, điều chủ chốt là sự hoán cải của cá nhân Kitô hữu, kể cả linh mục cá thể, người có khả năng nói về việc Chúa Giêsu Kitô đã nâng cao trái tim của Người một cách sâu sắc đến thế nào.

Phụng vụ Các Giờ Kinh, trong yếu tính, là thi ca, 150 bài thơ, và trong thi ca là việc tập trung những đỉnh cao và chiều sâu của cuộc đời con người. Và nó không chỉ đơn giản là thi ca, mà nó còn là hình thức cao nhất của thi ca. Thi ca nói với chúng ta, không những về Thiên Chúa, mà Thiên Chúa đang nói với chúng ta - Thiên Chúa đã ban cho chúng ta bàn phím này để mở toang các cảm xúc của con người trong lời cầu nguyện, chẳng hạn như nói rằng “người chăn dắt tôi là Chúa” hoặc “bạn đồng hành duy nhất của tôi là bóng tối”. Và chúng ta nói điều đó với Thiên Chúa, chúng ta nói điều đó với cha chúng ta, và Chúa Kitô trải nghiệm điều này trên thập giá.

Vì vậy, thi ca mà Giáo Hội đang cung cấp trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ đụng đến mọi người, mọi con người nhân bản, cảm nghiệm một cách sâu xa qua Chúa Kitô, nói với chúng ta rằng “Bạn không đơn độc”.

Đức Hồng Y cho rằng toàn bộ cuộc đời ngài từ năm 13 tuổi đã được thống trị bởi một người, và đó là con người của Chúa Giêsu Kitô.

Ngài 13 tuổi vào năm 1944, khi lần đầu tiên ngài cảm nhận được tính bạo lực của thế kỷ 20 với vụ đánh bom Dresden.

Ở lớp bảy và lớp tám, ngài mới được học về chiến tranh chính nghĩa, và chiến tranh có thể được biện minh như thế nào. Ngài thấy nó rất khó. Đây là cuộc chiến bắt đầu [đối với nước Mỹ] vào năm 1941. Lúc đó ngài mới 9 tuổi, vì vậy chiến tranh đã đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc đời ngài, như ngài vẫn nghĩ nó ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người khác. Bạo lực của thế kỷ 20 có tính cách đào tạo đối với mọi người.

Và khi ngài nghe nói rằng chúng ta, người Anh và người Mỹ, đã thả bom xuống Dresden, và giết chết phụ nữ và trẻ em - những đứa trẻ, ở độ tuổi của ngài - ngài hiểu rằng đó là “dân tôi”, họ là những người Mỹ đại diện cho chúng ta, và ngài không thể hiểu điều đó đã được thực hiện như thế nào. Ngài thực sự rung động bởi kinh nghiệm đó và ngài không nghĩ rằng mình có thể giải quyết được nó cho đến khi tìm thấy mầu nhiệm của Chúa Kitô và thập giá và sự phục sinh của Người.

Nhưng điều trên có ăn uống gì với các Giờ Kinh Phụng Vụ? Đức Hồng Y cho hay: Chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện điều đó trong các sách Tin Mừng và ngài cố gắng bắt chước Chúa Giêsu, không thành công lắm, nhưng ngài đã cố gắng bắt chước Chúa Giêsu Kitô trong mọi khía cạnh của cuộc sống của mình. Người cầu nguyện vào những thời điểm khác nhau trong ngày với Cha của Người, và trong các sách Tin Mừng, người ta nói rằng Người đã đến đền thờ để cầu nguyện vào nhiều thời điểm khác nhau. Và, tất nhiên, Người đã cầu nguyện sau Bữa Tiệc Ly trong vườn ngay trước khi bị bắt.

Vì vậy, ngài cảm thấy rằng con người đáng kinh ngạc này là người duy nhất cứu ngài khỏi cảm giác mất mát mà ngài cảm thấy gần như không thể cứu vãn ở tuổi 13: Tin ai, và làm thế nào để sống trong thế giới đầy bạo lực này?

Vì vậy, Giờ Kinh Phụng vụ là một cách bắt chước Chúa Kitô và Người là người duy nhất mà ngài coi là kiểu mẫu về ý nghĩa của việc trở thành con của Thiên Chúa, người con yêu dấu của Thiên Chúa.

Trên thực tế, Đức Hồng Y đã mua một cuốn sách có tên là “Sách Thánh vịnh của tôi”. Ngài mua nó ở trường trung học và nó được chia thành nhiều giờ, nhưng không có bài đọc, không có thánh ca, v.v. - chỉ là Thánh vịnh, nhưng chúng được chia thành giờ. Tất cả 150 Thánh vịnh đều có ở đó, ngài vẫn còn giữ được cuốn sách. Nó chỉ là một cuốn sách nhỏ, nhưng đó là nơi ngài học cách cầu nguyện hàng giờ.

Thế là, ngài cầu nguyện suốt cả ngày như Giáo hội đã làm, đó là cầu nguyện sáng, cầu nguyện chiều, cầu nguyện trước bữa ăn và sau bữa ăn. Khi đi học, ngài cầu nguyện trước khi đến lớp. Ngài thường xuyên đến nhà nguyện để cầu nguyện, như nhiều học sinh khác đã làm.

Vì vậy, ngài rất ý thức lời Chúa Kitô thúc giục chúng ta cầu nguyện không ngừng. Và ngài thấy mình tận hưởng điều đó một cách rất, rất sâu sắc.

Và rồi khi ngài vào chủng viện, vào năm thứ ba đại học, đó là lần đầu tiên ngài được trải nghiệm Các Giờ Kinh Phụng Vụ chung.

Tại đó, ngài được tham dự Kinh chiều mỗi Chúa nhật và đó là một buổi phụng vụ rất đẹp, đầy đủ, và nó được thực hiện theo cách đối xướng (antiphonally), trong một nhà nguyện chủng viện rất cổ, lâu đời nhất ở Hoa Kỳ, ở Baltimore, là nơi đối xướng về mặt địa lý, trong kiến trúc của nó: khắp nơi các ghế quay mặt vào nhau.

Nhờ vậy, một bên hát các Thánh Vịnh, trong điệu ngợi khen, sám hối, cầu xin, buồn bã và hân hoan, và sau đó bên kia đáp lại. Đó là một cách mới và tuyệt vời để biết Thiên Chúa qua anh em mình và sự chân thành của họ trong cầu nguyện, và ca hát, vì nó được thực hiện dưới dạng đối xướng, bằng tiếng Latinh, với bài thánh ca Gregorian, vốn là một cách tuyệt vời để nói chuyện với Thiên Chúa một cách tôn trọng và đẹp đẽ vô cùng.



Các cha Xuân Bích ở Baltimore có một cảm thức sâu sắc về việc đến với Thiên Chúa qua phụng vụ và một phụng vụ đẹp đẽ, và ngài đã tiếp nhận tất cả những thứ đó. Và những người anh em của ngài cũng vậy.

Đức Hồng Y cho hay, những người ở cùng chủng viện với ngài đều là những người gây ảnh hưởng rất lớn. Nhiều người trong số họ đã ở trong chủng viện sáu năm trước khi ngài tới, và ngài chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi gương sáng của họ.

Đức Hồng Y bác bỏ ý kiến cho rằng Giáo Hội chỉ muốn hàng giáo sĩ đọc các giờ kinh phụng vụ.

Ngài nói: “Không, tôi không bao giờ nghĩ trong thời của tôi, Giáo hội lại cảm thấy như vậy. Tôi nghĩ rằng Giáo hội lúc đó nhận ra loại khủng hoảng đối đầu với nền văn hóa phương Tây, và thế giới, trong thế kỷ 20; một thế kỷ mà Giáo Hội đã đưa ra phản ứng tích cực đối với bạo lực có tổ chức trong các cuộc chiến tranh đó”.

Ý ngài muốn nói ngài vào chủng viện thời chiến tranh Triều Tiên. Từ năm 1946 đến năm 1950, ngài hằng hy vọng chiến tranh sẽ kết thúc; trải nghiệm Dresden sẽ không được lặp lại. Nhưng ngày 25 tháng 6 năm 1950, ngài nghĩ "ôi, chuyện này lại xảy ra một lần nữa."

Bởi thế, ngài nghĩ các cuộc chiến tranh của thế kỷ 20 đã đóng một phần rất lớn trong việc hình thành tâm lý và trí tưởng tượng hiện đại. Và ngài nghĩ có rất nhiều nỗi tuyệt vọng trong trái tim hiện đại về cách chúng ta sẽ vượt qua điều này ra sao.

Và câu trả lời của ngài đối với điều đó là: Chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới có thể làm được điều đó!

Ngài muốn nói, thực sự là Chúa Kitô, chứ không phải ai khác. Nếu không thì ngài đã không vào chủng viện. Ngài từng quá dấn thân vào thế giới trần tục diễm phúc đó, một thế giới bỗng nhiên mất đi vẻ huy hoàng ở Hàn Quốc, nơi mà ngài chỉ coi là sự lặp lại của những năm 1939 và 1941.

Vì vậy, Giáo hội đã đáp ứng, Giáo Hội hiểu điều gì đang diễn ra trong lòng con người, có một cảm thức hư vô ở ngoài kia. Và sau đó, cái hư vô trong chúng ta còn bị cộng hưởng bởi bạo lực mà chúng ta đang gây phá cho nhau.

Một số người bạn thân nhất của ngài đã bị giết ở Hàn Quốc, và những cái chết đó đóng một vai trò rất thực tế trong cuộc sống của ngài vì nó chỉ làm ngài cảm thấy gia tăng nghi vấn.

"Tôi có nên đưa các con tôi vào một thế giới như thế này không?" Ý ngài là, ngài đã hỏi điều đó theo nghĩa đen. Đó là điều ở trong tâm trí ngài.

Ngài muốn kết hôn, ngài muốn có một gia đình, nhưng ngài chỉ xem đây là một làn sóng lớn đang hàng ngày vỡ òa trong thế kỷ 20.

Vì vậy, dù sao đi nữa, ngài nghĩ rằng Giáo hội đã hiểu điều đó. Và Giáo Hội hiểu việc thiếu niềm vui vì điều này. Có hy vọng, nhưng nếu không có niềm vui, ta không thể duy trì niềm hy vọng. Và chính niềm vui được Giáo hội tìm kiếm: Chúng ta phải mời gọi con người ra sao, làm thế nào để Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở lại với niềm vui được gọi Người là Cha và gọi Chúa Giêsu là con của Người - người con yêu dấu của Người.

Chẳng hạn, vào năm 1971, Giáo hội đã nói rằng câu trả lời là Canticum laudis [tông hiến ban hành hình thức sửa đổi Sách Nguyện], việc canh tân các Giờ kinh Phụng vụ, ca khúc ngợi khen: đó là điều Giáo hội vốn là.

Giáo hội nói điều này với chúng ta để trả lời cho câu hỏi “Tại sao? Tại sao việc ca ngợi Thiên Chúa cho phép tất cả những điều này xảy ra?”

Giáo hội nói những bài thánh ca này, 150 bài hát trong số đó, có chỗ cho tất cả những nỗi buồn và niềm vui của trái tim con người, sự sám hối và những giọt nước mắt, và tiếng vỗ tay và quỳ xuống trước mặt Thiên Chúa trong niềm vui tôn thờ. Nó khai thác mọi cảm xúc trong trái tim con người, và nó đã làm điều này cho ngài.

Khi nghe những bài thánh ca trong nhà nguyện của chủng viện năm 1950 hay 51, ngài nghe thấy niềm vui đó từ anh em ngài, và ngài nghe thấy tiếng sám hối trong những giọt nước mắt đó, và tất cả dâng lên Thiên Chúa, Đấng hiểu chúng.

Vì vậy, Đức Hồng Y nghĩ rằng Giáo hội tìm cách đưa niềm vui vào tâm hồn chúng ta một lần nữa. Giáo hội đổi mới trong chúng ta một phương thức cầu nguyện để phát biểu tất cả những điều đó. Và dĩ nhiên, không chỉ qua phụng vụ các giờ kinh, mà còn qua phụng vụ lớn khác, đặc biệt là việc tái khám phá phụng vụ Thánh Thể.

Ngài cho rằng Đức Phaolô VI chắc chắn đã nói, và tất cả những người theo sau ngài, rằng chúng ta phải khám phá lại niềm vui.

Được hỏi điều gì nổi bật trong sự nghiệp đa dạng với nhiều chức vụ quan trọng tại giáo phận và giáo triều, Đức Hồng Y Stafford cho rằng ở Tòa Ân Giải, ngài thấy rất nhiều, rất nhiều bóng tối, những con người kinh qua mọi thứ tội lỗi đặc biệt dành riêng cho Tòa - những tội lỗi đáng sợ, nhưng cũng đáng sợ trong sự cô lập và sự cô đơn của họ và mặc cảm tội lỗi đến mức không thể được tha thứ.

Họ đã mất hy vọng vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, vì vậy mặc cảm tội lỗi là gánh nặng rất lớn đối với những người đến với tòa ân giải, nhưng đó là sự thật đối với tất cả chúng ta, điều này ảnh hưởng đến mỗi chúng ta. Người ta trở nên rất ý thức về điều đó ở Rôma.

Trở lại với việc thiếu vắng niềm vui trong Giáo hội, điều này thực sự làm ngài kinh ngạc.

Khi ngài đọc về người trong Giáo hội, thường là về các hội đồng giáo xứ, v.v. Đều nói về các cơ cấu trong Giáo hội, các linh mục cũng về các cơ cấu linh mục trong Giáo hội. Đó không phải là vấn đề, nhưng đó dường như là nơi chúng ta đang mắc kẹt.

Cách tốt nhất mà chúng ta có thể biết được niềm vui là biết về Chúa Cha.



Và cách tốt nhất để biết về Cha, lạy Cha, là thông qua Con của Cha. Vì Con của Cha là hình ảnh chính xác của Cha. Và khi ngài cầu nguyện cách đó, ngài tìm thấy niềm vui lớn.

Quay trở lại cuộc trò chuyện ban đầu, đây là lời cầu nguyện mà chúng ta nên đọc trong sách nguyện, đó là cách nó bắt đầu mỗi ngày, với Thánh vịnh 95: chúng ta hãy đến hát mừng Chúa, reo hò vui sướng với núi đá, núi đá cứu vớt chúng ta.

Từ lâu, ngài vốn cảm thấy các Giờ Kinh Phụng Vụ chính là một cách tuyệt vời để biết niềm vui được ở với Thiên Chúa. Và ngài nghĩ rằng đó là điều mà Giáo Hội đang thiếu nhất ngày nay, niềm vui – chứ không phải các cơ cấu, hay cải cách và tất cả những công việc làm ăn đó, mà là một đời sống cầu nguyện sâu sắc đột nhiên xuất hiện và nó ở đó và đó là một hồng ân tuyệt vời, không tốn bất cứ một chút mồ hôi nào.

Được hỏi điều gì đang thiếu trong sinh hoạt giáo xứ, Đức Hồng Y Stafford cho hay khía cạnh Ba ngôi trong cầu nguyện của Giáo Hội là điều rất quan trọng, nhưng ngài không thấy nó ở đâu cả. Và ngài tự hỏi điều này nghĩa là gì, tại sao Thánh Augustinô lại viết tới 5 cuốn sách về các Thánh Vịnh?

Ngài nghĩ rằng khía cạnh Ba Ngôi của sự cầu nguyện trong Giáo Hội là rất, rất quan trọng, và ngài không thấy nó ở đâu cả.

Thánh Augustinô cũng đã dành gần cả đời ngài để viết “De Trinitate” (Thiên Chúa Ba Ngôi) từ năm chịu chức linh mục tới hai năm trước khi ngài qua đời. Nên có thể nói, suốt cuộc đời mục vụ trong tư cách Giám Mục của ngài, Thánh Augustinô đã cố kết với Thánh vịnh, nhưng trên hết là cầu nguyện Thánh vịnh qua Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói cách khác, với Thánh Augustinô, nền tảng của tất cả đời sống mục vụ là mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh.

Ngày nay chúng ta định nghĩa Giáo Hội thế nào”? Chúng ta định nghĩa một giáo xứ làm sao? Thông thường khi chúng ta nhìn vào các giáo xứ, họ phục vụ người ta, họ có một thừa tác vụ phục vụ. Khi Đức Hồng Y đến thăm các giáo xứ với tư cách là giám mục giáo phận, ngài nói “hãy mang theo bản tuyên bố mục vụ hoặc sứ mệnh mục vụ của anh chị em”. Và họ có tất cả, thường là hội đồng giáo xứ, cùng với cha xứ, tất cả đều làm cho việc đó.

Nhưng một cách không thay đổi, tất cả đều nhấn mạnh đến việc giáo xứ là dấu chỉ của Chúa Kitô, người tôi tớ. Và điều đó là hợp pháp. Và với hậu cảnh một nhân viên xã hội, Đức Hồng Y khẳng định điều đó. Nhưng nếu ngài đi kinh lý hôm nay, chắc chắn ngài sẽ hỏi giáo xứ có là canticum laudis, ca khúc ngợi khen Cha, nhiệm thể của Chúa Kitô không? Vì đó mới là điều giáo xứ là.

Ngài nghĩ rằng Công đồng Vatican II đã không nói đầy đủ về giáo xứ. Rất nhiều người nói “Không, không, đó mới chỉ là chuyện bắt đầu,” nhưng không, Công đồng nhấn mạnh rất nhiều, hết trang này sang trang nọ, tới giáo phận và Giáo hội hoàn vũ, nhưng chỉ nói vài dòng về giáo xứ.

Vì vậy, ngài nghĩ giáo xứ là người nghèo trong Giáo hội, nhưng đó mới là nơi mọi sự trở nên thách thức thực sự và có ý nghĩa trong mỗi cuộc đời Công Giáo, đó là Kitô giáo.

Và ngài nghĩ điều quan trọng là giáo xứ phải biết rằng họ - mỗi giáo xứ là - thân thể của Chúa Kitô. Họ được hiệp nhất với đầu của họ để muôn đời ngợi khen Cha.

Chúng ta là một phần của hồng phúc Chúa Cha ban cho Chúa Con. Chúng ta là tình yêu giữa Cha và Con. Giáo xứ là thế, và có niềm vui vô bờ bến trong điều đó, nhưng được thực hiện với tư cách là thân thể Chúa Kitô - chúng ta là một với đầu của chúng ta trong việc dâng lên niềm vui vĩnh cửu trong sự tạ ơn Chúa Cha, nhờ Chúa Thánh Thần.

Vì vậy, ngài nghĩ, lấy lại điều đó sẽ là chìa khóa để mở tung mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cho giáo xứ.

Có một niềm vui to lớn ngay cả khi ngài cầu nguyện trong nhà thờ một mình, nhưng khi chúng ta cầu nguyện với tất cả anh em của mình, chúng ta là thân thể Chúa Kitô, dâng lời ngợi khen đời đời lên Cha về những gì Người đã ban cho chúng ta trong Chúa Kitô, và trong cuộc sống của chúng ta, và mọi gia đình của chúng ta và mọi điều.

Ngài nghĩ chìa khóa đổi mới mọi sự là: phục hồi nền tảng Ba Ngôi.

Đó là một cách nghĩ hoàn toàn khác về giáo xứ. Không phải với tư cách là một nhóm người, hay một lãnh thổ, hay một phương thức phân phối mục vụ hoặc bí tích - dĩ nhiên nó cũng bắt nguồn từ tất cả những điều đó - mà là tiếng nói của cầu nguyện.