Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết vị Hồng Y đặc sứ của Đức Giáo Hoàng đã đến Borodianka, một thị trấn cách thủ đô Kyiv khoảng 30 dặm về phía tây bắc.
Đức Hồng Y cho biết trong một thông điệp audio được chia sẻ bởi văn phòng báo chí: “Tôi đang ở đây với Sứ thần Tòa Thánh, chúng tôi đang trở lại Kyiv, từ những nơi khó khăn này đối với mọi người trên thế giới, nơi chúng tôi vẫn còn tìm thấy rất nhiều người chết và ít nhất là một ngôi mộ của 80 người.”
“Cảm ơn Chúa rằng còn có đức tin, và chúng ta đang ở trong Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh, khi chúng ta có thể hợp nhất với con người của Chúa Giêsu và cùng Ngài thăng thiên trên Thập tự giá, bởi vì sau Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ là Chúa Nhật Phục sinh.”
“Và có thể Ngài sẽ giải thích mọi thứ cho chúng ta bằng tình yêu thương của Ngài và thay đổi mọi thứ bên trong chúng ta, nỗi cay đắng và đau khổ này mà chúng ta đã phải gánh chịu trong nhiều ngày qua.”
Đức Hồng Y Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng từ năm 2013, đã thực hiện hai chuyến thăm trước đây đến Ukraine theo lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Trong lần đầu tiên, ngài gặp gỡ các nhà lãnh đạo Công Giáo của đất nước và lần thứ hai, ngài giao xe cấp cứu cho chính quyền ở miền tây Ukraine.
Trong chuyến thăm lần thứ ba, vị Hồng Y 58 tuổi người Ba Lan đã chuyển một chiếc xe cứu thương thứ hai do Đức Thánh Cha Phanxicô tặng đến một bệnh viện tim mạch ở Kyiv.
Một tuần trước chuyến thăm của Đức Hồng Y Krajewski đến Borodianka, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã cầu nguyện bên cạnh một ngôi mộ tập thể ở thành phố Bucha vừa được giải phóng.
Nhiều ngày trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giương cao một lá cờ Ukraine tại một buổi tiếp kiến chung mà ngài nói là được đưa đến từ “thành phố tử đạo” Bucha.
Đức Giáo Hoàng nói: “Những tin tức gần đây về cuộc chiến ở Ukraine, thay vì mang lại sự an ủi và hy vọng, lại cho thấy những hành động tàn bạo mới, chẳng hạn như vụ thảm sát ở Bucha, những hành động tàn ác ngày càng khủng khiếp đối với dân thường, phụ nữ và trẻ em không có vũ khí”.
“Họ là những nạn nhân có dòng máu vô tội kêu thấu trời cao và cầu xin sự kết thúc cho cuộc chiến này. Chúng ta hãy làm cho vũ khí im lặng, chúng ta hãy ngừng gieo rắc chết chóc và hủy diệt”.
Source:Catholic News Agency
3. Tại sao Sứ Thần Tòa Thánh ở Kyiv tham gia vào việc chống lại 'tin giả'?
Đầu tháng này, Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine đã công bố một bài “kiểm tra thực tế” những tuyên bố gần đây về Tòa thánh. Đây có thể là lần đầu tiên trong một loạt bài về chủ đề này.
Sáng kiến này - do Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine đưa ra - đã được Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chấp thuận. Mục đích của nó là để làm rõ các quan điểm của Tòa thánh đề phòng trường hợp bị thao túng và bác bỏ các “tin tức giả”.
Bài đăng ngày 8 tháng 4 tập trung vào hai điểm. Đầu tiên là làm rõ lập trường của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, về vấn đề vận chuyển vũ khí cho Ukraine.
Thứ hai là bác bỏ những tuyên bố cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có tài khoản tại Viện Giáo Vụ, gọi tắt là IOR, hay “ngân hàng Vatican”.
Trong một cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói: “Tôi tin rằng có quyền tự bảo vệ. Đó là nguyên tắc mà Ukraine cũng đang dùng để chống lại Nga. Cộng đồng quốc tế muốn tránh leo thang, và cho đến nay, không muốn đích thân can thiệp, nhưng tôi thấy rằng nhiều người đang gửi vũ khí. Điều này thật khủng khiếp khi nghĩ đến và có thể gây ra một sự leo thang không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, nguyên tắc phòng vệ chính đáng vẫn được duy trì”.
Những lời của Hồng Y được hiểu là một phán quyết tiêu cực về việc gửi vũ khí để giúp Ukraine chống lại lực lượng Nga. Điều này đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi ở một số nước Âu Châu vốn coi quan điểm của Tòa thánh là quá thuận lợi đối với Nga.
Đó là cách giải thích không chính xác về lời nói của Đức Hồng Y Parolin. Trên tất cả, nó là một diễn giải chính trị. Tòa thánh không giữ lèo lái, cũng như không tìm cách can dự vào các quyết định của các quốc gia khác. Ngược lại, mục tiêu của Tòa Thánh là trở thành một bên thứ ba, một tác nhân quốc tế đáng tin cậy. Điều này cũng là do Vatican sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột, như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã yêu cầu nhiều lần.
Trong bài đăng kiểm tra thực tế của mình, Sứ thần Tòa Thánh ở Kyiv đã mời độc giả nghiên cứu nguyên văn những lời của Đức Hồng Y Parolin, được công bố bằng tiếng Ý và được xuất bản lần đầu tiên bởi ACI Stampa.
Đức Tổng Giám Mục nói: “Trong cuộc phỏng vấn, ba điều riêng biệt được đề cập, cũng được phân cách bằng những dấu chấm câu.”
Đầu tiên là “theo những gì thần học Công Giáo công nhận, mọi quốc gia, và trong trường hợp này là Ukraine, đều có quyền tự vệ.” Thứ hai, rằng “chúng tôi thấy rằng cộng đồng quốc tế không muốn tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, nhưng một số quốc gia đã gửi vũ khí của họ”. Thứ ba và cuối cùng, “một thực tế khác là nguy cơ diễn biến của tình hình sẽ gây ra sự leo thang thậm chí nghiêm trọng hơn, với những hậu quả không thể tưởng tượng được.”
Do đó, theo lời của Hồng Y Parolin, không có phán xét nào, thậm chí không ẩn ý, về quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Sứ thần cũng bác bỏ các tuyên bố công khai ám chỉ rằng Tổng thống Putin giữ tiền của mình trong “ngân hàng Vatican”.
“Sai”, sứ thần viết. “Viện Giáo Vụ chỉ quản lý các tài khoản được giữ dưới danh nghĩa của các cá nhân và pháp nhân có liên hệ với Giáo Hội Công Giáo hoặc với Tòa thánh (chẳng hạn như các đại sứ quán được Tòa thánh công nhận) chứ không bao giờ quản lý các tài khoản của người nước ngoài hoặc chính phủ nước ngoài.”
Cuộc chiến ở Ukraine suy cho cùng cũng là cuộc chiến về thông tin, và thường thì lập trường của Tòa thánh được sử dụng để hợp pháp hóa các quan điểm nhất định với cái giá của những người khác.
Trong khi đó, chính sách ngoại giao của Giáo hoàng vẫn là một: cổ vũ hòa bình và đối thoại. Tòa Thánh không đứng về phía các quốc gia riêng biệt, cũng như không ảnh hưởng đến các quyết định chính trị của họ. Nhưng Tòa Thánh cam kết đưa ra những quyết định đầy cảm hứng giúp thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người.
Source:Catholic News Agency