Vatican đang nghiên cứu khả năng kéo dài chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Li Băng vào tháng 6 để ngài có thể bay đến Giêrusalem để gặp Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill, người đã ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Nếu điều đó đó xảy ra, đây sẽ là cuộc gặp thứ hai của hai vị. Cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Cuba vào năm 2016, là lần đầu tiên giữa một giáo hoàng và một nhà lãnh đạo của Giáo Hội Chính thống giáo Nga kể từ khi cuộc đại ly giáo chia rẽ Kitô giáo thành các nhánh Đông phương và Tây phương vào năm 1054.

Kirill, 75 tuổi, đã chúc lành cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, một quan điểm đã chia rẽ Giáo hội Chính thống giáo trên toàn thế giới và gây ra một cuộc nổi loạn nội bộ mà các nhà thần học và học giả cho là chưa từng có.

Các nguồn tin giấu cho biết kế hoạch là vị giáo hoàng 85 tuổi, sẽ đến Li Băng trong hai ngày 12 và 13 tháng 6, trước khi bay đến Amman, Jordan vào sáng ngày 14 tháng 6.

Từ đó, Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng đến Giêrusalem vào cùng ngày cho cuộc gặp với Kirill và sau đó quay trở lại Rôma từ Giêrusalem.

Một nguồn tin cho biết chuyến đi dường như là chắc chắn, trong khi nguồn tin khác nói rằng đó vẫn còn là một khả năng, tùy theo từ đây đến đó Kirill sẽ nói những gì và cuộc chiến tại Ukraine sẽ diễn tiến ra sao.

Trở về sau chuyến đi đến Malta vào tuần trước, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài hy vọng sẽ gặp Kirill ở đâu đó trong vùng Trung Đông trong năm nay nhưng không nói ở đâu.

Hôm Chúa Nhật, Ông Kirill đã kêu gọi người Nga tập hợp xung quanh nhà độc tài Putin khi Mạc Tư Khoa theo đuổi cái mà họ gọi là “cuộc hành quân đặc biệt” ở Ukraine.

Giáo chủ Kirill trước đây đã đưa ra những tuyên bố bảo vệ các hành động của Mạc Tư Khoa ở Ukraine và coi cuộc chiến như một bức tường thành chống lại một nền văn hóa phương Tây tự do mà ông cho là suy đồi.

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Kirill nói trong một bài giảng ở Mạc Tư Khoa: “Xin Chúa giúp chúng ta đoàn kết trong thời điểm khó khăn này đối với Tổ quốc của chúng ta, và tập hợp xung quanh các nhà chức trách”.

Nga đã gửi hàng trăm nghìn quân vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 để làm suy giảm khả năng quân sự của nước láng giềng phía nam và loại bỏ những người mà nước này gọi là những người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.

Đức Phanxicô đã bác bỏ thuật ngữ đó, gọi nó là một cuộc chiến.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Đức Phanxicô chỉ đề cập đến Nga một cách rõ ràng trong các buổi cầu nguyện, chẳng hạn như trong một sự kiện toàn cầu đặc biệt vì hòa bình vào ngày 25 tháng 3. Nhưng ngài đã thể hiện rõ sự phản đối của mình đối với các hành động của Nga, sử dụng các từ ngữ xâm lược, gây hấn và tàn bạo.

Hôm Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng kêu gọi đình chiến trong lễ Phục sinh ở Ukraine, và trong một liên hệ rõ ràng với Nga, đã đặt câu hỏi về giá trị của việc cắm một lá cờ chiến thắng “trên một đống đổ nát”.

Trong một diễn biến gây sửng sốt cho nhiều người, Kirill đã gọi cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine là một cuộc thánh thiện nhằm kìm hãm những kẻ chống Chúa.

Trước đó, Kirill đã cử hành một buổi lễ cầu nguyện cho binh lính Nga vào hôm Chúa Nhật 3 tháng Tư, trong đó ông kêu gọi họ bảo vệ đất nước của mình “vì chỉ có người Nga mới có thể” bảo vệ được nước Nga.

Tại Nhà thờ Chính của Lực lượng Vũ trang được trang hoàng lộng lẫy được khai trương cách đây hai năm ở Kubinka, ngoại ô Mạc Tư Khoa, Thượng phụ Kirill nói với một nhóm quân nhân và nữ quân nhân rằng Nga là một quốc gia “yêu chuộng hòa bình” và đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại do chiến tranh.

“Chúng tôi tuyệt đối không gây chiến hay làm bất cứ điều gì có thể gây tổn hại cho người khác”, Thượng Phụ Kirill, một đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin nói.

“Nhưng chúng ta đã được nuôi dưỡng trong suốt lịch sử của mình để yêu quê hương đất nước. Và chúng ta sẽ sẵn sàng bảo vệ nó, vì chỉ có người Nga mới có thể bảo vệ đất nước của mình”.

Sự ủng hộ của ông đối với cuộc can thiệp quân sự, trong đó hàng nghìn binh sĩ và dân thường Ukraine đã thiệt mạng, đã khiến một số người trong Giáo Hội Chính thống giáo trong nước cũng như các nhà thờ ở nước ngoài có liên hệ với Tòa Thượng phụ Moscow tức giận.

Lời tuyên bố của Thượng Phụ Kirill cho rằng Nga là quốc gia “yêu chuộng hòa bình” diễn ra trong bối cảnh thế giới bàng hoàng trước vụ thảm sát kinh hoàng ở thị trấn Bucha do quân Nga gây ra. Xác người nằm la liệt trên đường phố, tay bị trói giật ra sau và họ bị bắn đằng sau ót. Ít nhất 410 thi thể đã được tìm thấy. Nhiều người bị xô xuống hố chôn tập thể. Nhiều phụ nữ chết trần truồng chứng tỏ họ đã bị hiếp dâm trước khi bị giết chết.
Source:Reuters