1. Nhà tạm, với Thánh Thể bên trong, bị đánh cắp từ nhà thờ Công Giáo Maryland

Một nhà tạm với Mình Thánh Chúa bên trong, cùng với các đồ đạc khác của nhà thờ, đã bị đánh cắp khỏi nhà thờ Công Giáo ở Hydes, Maryland, trong khoảng thời gian từ đêm 25 tháng Ba đến sáng ngày 26 tháng Ba.

Cha Pete Literal, mục tử của Nhà thờ Công Giáo Thánh Gioan Thánh Sử, nằm ở Baltimore County, nói với CNA hôm thứ Tư rằng: “Tôi rất buồn vì họ đã lấy đi nhà tạm với Thánh Thể trong đó, điều này thật kinh khủng”.

Những vật dụng bên trong nhà thờ bị đánh cắp bao gồm nhà tạm mạ vàng có Thánh Thể bên trong, đế của một cây thánh giá dùng khi rước lên bàn thờ, bốn chân đèn và sáu giá đỡ nến. Theo báo cáo của cảnh sát, thiệt hại cũng được tìm thấy trên một cửa hông của nhà thờ, “nơi một mảnh 2 inch bị mất gần tay cầm.”

Cảnh sát không biết cửa bị hư hại như thế nào, nhưng báo cáo cho thấy hư hỏng “không phải ở gần chốt hoặc ổ khóa và không có thiệt hại nào liên quan đến việc cạy các bề mặt lân cận”.

Giám đốc sự vụ của nhà thờ, Shawn Blair, nói với CNA hôm thứ Tư rằng giáo xứ vẫn đang làm việc để xác định thiệt hại tài chính, nhưng cho biết “không nghi ngờ gì” tổng giá trị sẽ hơn 20,000 đô la

Cũng không rõ bằng cách nào mà kẻ trộm hay những tên trộm ra vào nhà thờ, vì không có camera, Cha Literal nói. Cha Phó Ross Conklin đang chuẩn bị cho Thánh lễ vào sáng thứ Bảy thì ngài phát hiện ra những món đồ đã bị đánh cắp.

Theo Ông Blair nói: “Thật là tổn thương khi ai đó làm điều đó với một nhà thờ. Việc họ đánh cắp Mình Thánh Chúa là điều rất nghiêm trọng.”

Cha Literal cho biết thông điệp của ngài đối với bất cứ ai có trách nhiệm là yêu cầu họ trả lại các món đồ “và vui lòng đừng xúc phạm Thánh Thể trong nhà tạm.”

“Đó là một bí tích thiêng liêng”. Các giáo dân đã rất đau buồn và kinh hoàng trước tin tức về Mình Thánh Chúa và nhà tạm bị đánh cắp.

Cha Lieral cho biết vào chiều thứ Bảy “chúng tôi đã làm một buổi cầu nguyện phạt tạ đơn giản” và rảy nước thánh quanh nhà thờ. Ngài nói vào cuối tuần này, giáo xứ sẽ làm một thánh lễ phạt tạ trọng thể. Một nhà tạm thay thế đã được đặt thay cho nhà tạm bị đánh cắp.

“Đây không phải là một tội ác vì thù hận mà nó là tội ác của lòng tham,” Cha Literal nói. “Mọi người đang ăn cắp mọi thứ mà không quan tâm đến bất cứ điều gì; đó thực sự chỉ là lòng tham và tiền bạc.”

Thông tin phạm tội được liệt kê trong báo cáo vụ việc bao gồm vụ trộm cấp độ hai và Hủy hoại tài sản. Scott Shellenberger, luật sư quận Maryland, nói với CNA rằng hình phạt tối đa cho vụ trộm cấp độ hai là 15 năm tù. Đối với hành vi phá hoại độc hại, thiệt hại dưới 1,000 đô la có thể bị tù 60 ngày; thiệt hại trên 1,000 đô la có thể bị ba năm tù.

Những người có thông tin về tội phạm có thể gửi lời khuyên tới iwatch@baltimorecountymd.gov. Lời khuyên cũng có thể được gửi đến cảnh sát Quận Baltimore
Source:Catholic News Agency

2. 'Tôi xin lỗi vì không cầm được những giọt nước mắt,' nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nói khi ngài kể chi tiết về cuộc sống bị bắn phá

Một nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine đã xúc động nghẹn ngào khi mô tả tình hình ở thủ đô Kiev, nơi ngài và những người Công Giáo khác đã bị quân Nga của Putin bắn phá trong hơn một tháng qua.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã phát biểu qua video với những người tham gia cuộc họp trực tuyến do Học viện Giáo hoàng Đông phương tổ chức tại Rôma vào ngày 29 tháng 3.

“Tôi xin lỗi vì không cầm được những giọt nước mắt,” Đức Tổng Giám Mục nói. “Với người dân của mình, tôi cảm thấy có nhiệm vụ trở thành một nhà thuyết giáo về hy vọng.”

Bắt đầu một vài ngày sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào ngày 24 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk bắt đầu công bố các tin nhắn video hàng ngày về tình hình ở Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng có những người đã nói với ngài rằng những thông điệp này thường là nguồn thông tin quan trọng đối với họ về những gì đang xảy ra ở Ukraine.

Ngài nghẹn ngào khi nói: “Các thông điệp này là tự phát, chỉ để cho mọi người biết rằng tôi vẫn còn sống, rằng thành phố Kiev vẫn còn sống.”

“Tôi đọc được một số người nói rằng tôi đã ẩn mình trong một boongke. Điều này khiến tôi bật cười vì chúng tôi không có boongke”, Đức Cha Shevchuk nói và cho biết thêm rằng có thể một số chính trị gia có boongke. “Tôi chỉ có nhà thờ lớn của tôi với một hầm mộ.”

Đức Tổng Giám Mục nói rằng vào ngày xảy ra cuộc xâm lược, ngài và các linh mục của mình đã cố gắng tìm ra những gì họ có thể làm để giúp đỡ. Có những cây cầu đã bị sập và nhiều người cố gắng rời khỏi thành phố bị mắc kẹt và đến nhà thờ để trú ẩn.

“Chúng tôi đã tiếp nhận gần 500 người với hai bàn tay trắng,” ngài nói.

“Chúng tôi đã cùng nhau trải qua những ngày đầu tiên này, với sự sợ hãi, đối với cuộc xâm lược này, mà không biết phải nói gì”.

Theo Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, thật là một điều kỳ diệu khi ngài vẫn có thể nói với những tham dự viên cuộc họp trực tuyến do Học viện Giáo hoàng Đông phương tổ chức tại Rôma từ Kiev.

“Không ai hiểu bằng cách nào mà chúng tôi có thể chống chọi được lâu như vậy. Chính sức mạnh của người Ukraine đã khiến cả thế giới phải ngạc nhiên, khiến mọi người phải kinh ngạc.”

“Mỗi ngày chúng tôi đều bị bắn phá. Thật kỳ diệu khi chúng tôi có đèn chiếu sáng và internet để kết nối với các bạn. Đó là một phép lạ,” ngài nói trong khi nước mắt lưng tròng. “Bởi vì hàng ngày họ đều dội bom và phóng hỏa tiễn để phá hủy cơ sở hạ tầng của các thành phố Ukraine”.

Ngài lưu ý đến sự tàn phá nghiêm trọng mà các lực lượng Nga đang gây ra cho các thành phố, phá hủy ngay cả các tượng đài và nhà thờ. Ngài nhấn mạnh rằng hai nhà thờ bị phá hủy mỗi ngày ở Ukraine, và các linh mục đang bị giết.

“Anh chị em biết rằng có những thứ chúng ta có thể có một lần nữa, chẳng hạn như nhà cửa và các hỗ trợ kinh tế. Nhưng những linh mục đã bị họ giết đi, chúng ta sẽ không bao giờ có nữa.”

Ngài nói thêm rằng máu người vô tội đang được đổ ra.

Nghẹn ngào, vị tổng giám mục kể câu chuyện về những phụ nữ sinh con của họ vào tuần trước trong một bệnh viện không có đèn cũng chẳng có lò sưởi. Các y tá phải thắp nến vào ban đêm.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cho biết, có những linh mục đã được tạo cơ hội để chạy trốn khỏi Ukraine khi bắt đầu chiến tranh, nhưng họ đã nói với ngài rằng họ sẽ không rời bỏ dân của mình.

Ngài giải thích: “Các giáo xứ của chúng tôi đã trở thành trung tâm nhân đạo, và lưu ý rằng không gian nhà thờ đã được mở ra để chào đón mọi người, giúp đỡ và đưa ra lời khuyên.

“Giáo hội làm gì? Giáo hội cầu nguyện, chào đón, và phân phối hàng hóa”, ngài nói.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì ngày 25 tháng 3 đã thánh hiến Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ, ngài cho biết cả Công Giáo và Chính Thống Giáo đều biết ơn về hành động này.

Ngài nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong chúng ta là “rất quan trọng” đối với người Ukraine, những người chỉ sống sót qua thời khắc này nhờ sức mạnh siêu nhiên”.

“Có một cuộc đụng độ một cách khải huyền giữa thiện và ác đang diễn ra trước mắt chúng ta. Chúng tôi đang tồn tại chỉ nhờ các phép lạ liên tục xảy ra”.
Source:Catholic News Agency

3. Chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Kiev có thể mang lại hòa bình

Chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Kiev có thể ảnh hưởng đến tiến trình của các sự kiện liên quan đến cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

Người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, đã phản ứng như trên sau khi Đức Thánh Cha cho biết trên chuyến bay từ Rôma đến Malta rằng ngài dự định sẽ đến thăm Kiev, thủ đô của Ukraine, bất kể chiến tranh đang diễn ra.

Yermak nhắc nhớ rằng trước đây Đức Giáo Hoàng đã gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới một thông điệp “hãy chấm dứt chiến tranh trước khi nó hủy diệt nhân loại.”

“Trong khi đó, Mạc Tư Khoa chứng tỏ rằng không có gì là thánh thiêng đối với họ trong cuộc chiến chống lại Ukraine. Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Kiev có thể ảnh hưởng đến diễn biến của các sự kiện. Chuyến tông du của ngài sẽ nhấn mạnh thêm bên nào là văn minh, và bên nào ai đại diện cho ánh sáng trong cuộc chiến này”, ông nói.

Ông nói thêm rằng ánh sáng luôn vượt qua bóng tối. “Và ánh sáng là Ukraine, những người lính của chúng tôi và người dân của chúng tôi,” Yermak nói.

4. Đức Thánh Cha Phanxicô đang suy tính bay đến Kiev trong cố gắng chấm dứt chiến tranh

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha cho biết chuyến thăm của ngài tới Kiev đang được trù lie75u, làm tăng khả năng gia tăng mạnh mẽ các nỗ lực ngoại giao và tinh thần của Tòa thánh nhằm chấm dứt cuộc giao tranh đã bùng phát ở Ukraine kể từ khi Nga xâm lược đất nước, vào ngày 24 tháng 2.

Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi hòa bình ở Ukraine trong các buổi tiếp kiến nói chung và các bài diễn văn sau khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật kể từ khi bạo lực bắt đầu. Trên chuyến bay của Đức Giáo Hoàng trên đường tới Malta, khi được hỏi liệu ngài có đang cân nhắc việc chấp nhận lời mời từ chính quyền ở Kiev để thăm thủ đô Ukraine bị bao vây hay không, một chuyến đi mà Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine đã nói là có thể thực hiện được về mặt hậu cần, nếu không có nguy cơ liên kết với bất kỳ cuộc tụ tập công cộng nào trong thành phố.

“Có, nó ở trên bàn,” Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời, theo phóng viên của NBC News, Claudio Lavanga.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào một nhóm người tị nạn chiến tranh Ukraine vào sáng thứ Bảy trước khi ra sân bay quốc tế Fiumicino của Rôma để đáp chuyến bay đến Malta, trong chuyến tông du đầu tiên của ngài trong năm 2022, cũng là chuyến tông du thứ 36 bên ngoài Italia.

Nhóm 15 người tị nạn bao gồm các bà mẹ và trẻ em đã tị nạn ở Ý sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào đất nước của họ.

Trong số những người tị nạn có một bà mẹ có hai đứa con, năm và bảy tuổi. Bà đến Ý để phẫu thuật tim cho con gái mình.

Đức Giáo Hoàng đã gặp nhóm những người tị nạn Ukraine tại Casa Santa Marta, nơi ở của ngài ở Thành phố Vatican, cùng với Đức Hồng Y Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, và từng là đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Ukraine.

Trong bài phát biểu của mình trước các nhà chức trách dân sự ở Malta hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha tiếp tục lên án bạo lực ở Ukraine.

Đức Thánh Cha nói: “Những bóng đen của chiến tranh giờ đã lan rộng. Chúng ta đã từng nghĩ rằng những cuộc xâm lược của các quốc gia khác, những cuộc giao tranh dã man trên đường phố và những mối đe dọa về nguyên tử là những ký ức nghiệt ngã của một quá khứ xa xôi. Tuy nhiên, những cơn gió băng giá của chiến tranh, vốn chỉ mang đến chết chóc, hủy diệt và hận thù, đã ập xuống mạnh mẽ cuộc sống của nhiều người và ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Một lần nữa, một số người có tiềm lực, đáng buồn là bị cuốn vào những tuyên bố lạc hậu về lợi ích dân tộc chủ nghĩa, đang kích động và thúc đẩy xung đột, trong khi những người bình thường cảm thấy cần phải xây dựng một tương lai, có thể được chia sẻ hoặc hoàn toàn không. Bây giờ trong đêm chiến tranh đang đổ xuống nhân gian, cầu xin cho chúng ta đừng để giấc mơ hòa bình tàn lụi!”