1. Một tu viện ở Ý sẽ bị đóng cửa vì phản đối vắc-xin COVID-19
Mẹ bề trên một tu viện Dòng Biển Đức ở Perugia, miền trung nước Ý, đã nói rằng cộng đồng của bà sẽ bị đóng cửa vì các nữ tu phản đối vắc-xin COVID-19.
Tin đồn về việc đóng cửa Tu viện Santa Caterina đã rộ lên kể từ khi có tin tức rằng Vatican đã tiến hành một chuyến thanh tra tông tòa. Nhưng tổng giáo phận địa phương nói với CNA rằng họ không biết gì về khả năng đóng cửa của tu viện.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang web Nuova Bussola Quotidiana, Mẹ bề trên nói rằng lý do duy nhất khiến tu viện bị đóng cửa là năm nữ tu nội trú không muốn tiêm phòng.
Mẹ Caterina cho biết: “Ngay sau giữa tháng Hai, đã có chuyến viếng thanh tra tông tòa sau khi báo cáo được gửi đi. Bây giờ chúng tôi đang chờ phản hồi từ Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ”
Mẹ Caterina nói rằng đã biết về chuyến thăm từ Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, tổng giám mục của Perugia-Città della Pieve, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, nhưng chỉ khi Mẹ đến gặp ngài để xin ký một văn bản. Đức Hồng Y cho biết ngài không biết lý do của chuyến thanh tra tông tòa và chỉ đơn giản là được thông báo rằng chuyến thanh tra sắp diễn ra.
Vị thanh tra tông tòa là Mẹ Bề Trên Cristina Ianni của Dòng Thánh Clara Khó nghèo ở Orvieto.
Tu viện Santa Caterina là một tòa nhà lịch sử. Đó từng là tu viện của Dòng Thánh Clara Khó nghèo vào đầu thế kỷ 13 và ban đầu được dành kính Thánh Giuliana thành Nicomedia. Năm 1649, tu viện được chuyển giao của các nữ tu dòng Dòng Biển Đức của Thánh Caterina thành Vecchia. Từ đó, tu viện được lấy tên như hiện nay là Tu viện Santa Caterina.
Sau khi nước Ý thống nhất vào thế kỷ 19, một phần của tu viện đã được thiết kế lại để có thể làm một nhà máy sản xuất diêm cho các nữ tu mưu sinh.
Theo Mẹ Caterina, không có lời giải thích nào khác cho việc đóng cửa ngoài việc 5 chị em còn lại từ chối tiêm vắc-xin COVID-19.
Source:Catholic News Agency
2. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha báo động nạn nghèo đói lan rộng mạnh
Đức Hồng Y Juan José Omella, Tổng giám mục Barcelona, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, báo động vì nạn nghèo đói đang lan rộng tại nước này. Riêng tại miền Catalunha, 29.1% dân chúng đang có nguy cơ rơi vào tình trạng bị loại trừ xã hội.
Đức Hồng Y Omella kêu gọi chính quyền điều chỉnh lại những ưu tiên trong các hoạt động chính trị và đừng để bị “xao nhãng” vì vấn đề phụ thuộc trước nạn nghèo đói và chênh lệch xã hội đang gia tăng mạnh.
Trong thư mục vụ, công bố ngày 27 tháng Ba vừa qua, với tựa đề: “Phải chăng là một sự bình thường mới?”, Đức Hồng Y Omella nhận định rằng hai năm đã trôi qua từ đầu đại dịch, trong đó nhiều cố gắng đã được thực hiện để sống với thứ virus nguy hiểm lèo lái chúng ta. Sau nhiều đau khổ và lo âu, nay chúng ta đang bắt đầu trỗi dậy và nhìn thấy con đường phục hồi về cảm xúc và kinh tế, nhưng chiến tranh tại Ucraina lại cản trở chúng ta. Sự bình thường mới mà chúng ta mong đợi từ lâu vẫn chưa tới”.
Đức Hồng Y Tổng giám mục Barcelona cám ơn vì những nghiên cứu y khoa, các biện pháp y tế đã được đề ra và sự can dự của công chúng đã giúp kiểm soát được tình trạng lây bệnh, nhưng ngài cảnh giác rằng: “Chúng ta không thể nhắm mắt trước thực tại mới chúng ta đang phải sống trong đó”.
“Ngoài cuộc khủng hoảng y tế và bao nhiêu mất mát về nhân mạng, đại dịch Covid-19 còn để lại những hậu quả trầm trọng, làm gia tăng tình trạng nghèo đói của nhiều người và đào sâu thêm hố chia cách trong xã hội”.
Đức Hồng Y Omella nhắc đến tình trạng miền Catalunha như một ví dụ cụ thể, Ngài nói rằng hồi năm 2018 có 16.9% dân chúng có nguy cơ bị loại trừ về mặt xã hội, trong năm ngoái, 2021, tỷ lệ này tăng lên 29.1%. Đức Hồng Y cho biết Tổ chức FOESSA do Caritas Tây Ban Nha thành lập năm 1965, đã thực hiện cuộc nghiên cứu sâu rộng về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha và sẽ trình bày các dữ kiện này tại thành phố Barcelona vào ngày 01 tháng Tư tới đây. Kết quả các cuộc điều nghiên này cho thấy tình trạng rất đáng lo âu: “Hàng ngàn người trong tổng giáo phận chúng ta ở trong tình trạng nghiêm trọng bị gạt ra ngoài đề xã hội, điều kiện sống của họ ngày càng đồi tệ, nhất là đối với những người đã ở trong tình trạng rất dễ bị tổn thương trước đại dịch này, công ăn việc làm bấp bênh, khó khăn lớn trong việc tìm nhà ở, v.v.”
Ví dụ, tại giáo phận Barcelona, năm ngoái 33,000 gia đình chịu đói, 360,000 gia đình, tức là một phần ba tổng số gia đình trong giáo phận, không có hoặc không bảo trì được nhà ở xứng đáng, 490,000 người, tức là 18% không mua được thuốc men hoặc bộ phận giả về y tế vì khả năng tài chánh của họ bị suy sụp.
3. Lưu ý của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cho các Giám mục và các Hội đồng Giám mục về các cử hành trong Tuần Thánh
Trong các dịp lễ Phục sinh của những năm qua, được đánh dấu bởi hoàn cảnh khó khăn của đại dịch, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã đưa ra những hướng dẫn để giúp các Giám mục trong nhiệm vụ đánh giá các tình huống cụ thể và cung cấp lợi ích thiêng liêng cho các mục tử và tín hữu trong việc cử hành Tuần Thánh, trung tâm của toàn bộ năm phụng vụ.
Trước tình hình mới là đại dịch đang diễn ra chậm lại, mặc dù với tốc độ khác nhau ở các quốc gia riêng lẻ, chúng tôi không có ý định đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào thêm cho việc cử hành Tuần Thánh. Kinh nghiệm mà các Hội đồng Giám mục thu được trong những năm gần đây chắc chắn là đủ để đối phó với các tình huống khác nhau theo những cách thích hợp nhất, luôn chú ý tuân thủ các quy tắc nghi lễ có trong các sách phụng vụ.
Do đó, chúng tôi muốn kêu gọi mọi người hãy thận trọng và tránh những hành động và hành vi có thể gây ra rủi ro. Mọi đánh giá và quyết định phải luôn được thực hiện theo thỏa thuận với Hội đồng Giám mục, Hội đồng sẽ xem xét thích đáng các quy định mà các cơ quan dân sự có thẩm quyền của các quốc gia khác nhau thông qua.
Trong những ngày gần đây, Đức Thánh Cha đã liên tục mời gọi chúng ta cầu nguyện, cầu xin Chúa ban cho ân sủng hòa bình cho Ukraine, để “cuộc chiến kinh hoàng” này có thể kết thúc. Cùng với Ukraine, chúng tôi cũng muốn nhắc lại tất cả các cuộc xung đột khác, đáng tiếc là luôn xảy ra rất nhiều, ở nhiều quốc gia trên thế giới, một tình huống mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả như một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Trong cử hành kính nhớ cuộc Thương khó Chúa vào Thứ Sáu Tuần Thánh, phụng vụ mời gọi chúng ta nêu lên những lời kêu xin Chúa cho Giáo hội và cho toàn thế giới. Trong lời Cầu bầu Trọng thể, chúng ta sẽ cầu khẩn Chúa cho những người có chức vụ công quyền (lời cầu nguyện thứ chín) xin Thiên Chúa và là Chúa của chúng ta hướng tâm trí và trái tim của họ theo thánh ý của Ngài vì hòa bình thực sự và tự do của tất cả mọi người, và cho những người đang gặp hoạn nạn (lời cầu nguyện thứ 10 ) để tất cả mọi người có thể vui mừng, bởi vì họ được Chúa thương xót trong giờ khắc họ cần đến. Bây giờ chúng ta hãy biến những lời cầu nguyện này thành những lời cầu nguyện của riêng mình cho tất cả anh chị em chúng ta, những người đang trải qua nỗi kinh hoàng của chiến tranh, đặc biệt là ở Ukraine.
Chúng tôi chỉ ra rằng “trong hoàn cảnh công chúng có nhu cầu nghiêm trọng, Giám mục Giáo phận có thể cho phép hoặc bổ sung một ý định đặc biệt” (Missale Romanum, editio typica tertia, p. 314, n. 13).
Cầu xin việc cử hành Lễ Phục sinh mang đến cho mọi dân tộc niềm hy vọng đến từ sự phục sinh của Chúa
Từ Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, ngày 25 tháng 3 năm 2022, Lễ Trọng Truyền Tin của Chúa.
✠ Arthur Roche
Tổng trưởng
✠ Vittorio Francesco Viola, OFM
Tổng giám mục thư ký