1. Chuông ủng hộ sự sống được rèn ở Ba Lan và được Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép được đưa sang giáo xứ Công Giáo ở Ukraine
Một quả chuông ủng hộ sự sống do Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép đã đến Lviv, Ukraine, trong bối cảnh Nga xâm lược đất nước.
“Quả chuông nhắc nhở chúng ta rằng mọi người đều có quyền được sinh ra và được sống”, Cha Tomasz Kancelarczyk, người giao chiếc chuông vào ngày 24 tháng 3, cho biết. “Đó cũng là một tiếng nói cảnh báo.”
Cha Kancelarczyk thuộc Tổ chức Bàn chân nhỏ ở Szczecin, Ba Lan, đã mang chuông “Tiếng nói của đứa trẻ chưa sinh” đến Đền thờ Đức Gioan Phaolô II ở Lviv. Cuộc hành trình của chiếc chuông không kết thúc ở đó: Nó sẽ tiếp tục di chuyển giữa các giáo xứ ở Ukraine để quảng bá - hoặc rung lên - một nền văn hóa của cuộc sống.
“Tiếng nói của Chuông Bất Tử một mặt là tiếng nói cảnh báo, nhưng cũng là lời kêu gọi sự thánh thiện của cuộc sống,” vị linh mục nói trong buổi lễ giao chuông. “Nó phải kích thích chúng ta yêu mến cuộc sống và giá trị to lớn của nó phải luôn ở trong trái tim không chỉ của Giáo hội, mà còn của mỗi con người”.
Ngài nhấn mạnh: “Bạn không thể yêu cầu hòa bình trong khi tiến hành cuộc chiến chống lại những kẻ yếu nhất”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đánh vào chiếc chuông vừa được tặng cho Ukraine, cùng với một quả chuông cho Ecuador, tại quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican vào tháng 10 năm ngoái. Chuông Tiếng Nói của Thai Nhi là một phần trong sáng kiến của tổ chức Nói Vâng Với Cuộc Sống của Ba Lan, là tổ chức ủng hộ sự sống của con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.
“Cầu mong âm thanh của các chuông này loan báo 'Phúc âm của sự sống' cho thế giới, đánh thức lương tâm của con người, và là một lời nhắc nhở về những thai nhi chưa sinh,” Đức Giáo Hoàng nói như trên vào thời điểm đó. “Tôi giao phó cho lời cầu nguyện của anh chị em mọi đứa trẻ được thụ thai có sự sống thiêng liêng và bất khả xâm phạm.”
Những chiếc chuông khổng lồ, giống như bản gốc ở Ba Lan, đến từ xưởng đúc chuông của Jan Felczyński, nằm ở Przemyśl. Mỗi chiếc nặng hơn một tấn và có đường kính gần 4 feet.
Trang trí của chuông nói lên mục đích của chúng. Trong số các hình ảnh khác, chúng minh họa một chuỗi DNA, siêu âm của một đứa trẻ chưa sinh và 10 điều răn. Chuông có khắc dòng chữ của điều răn thứ năm - “Ngươi chớ giết người.”
Những chiếc chuông cũng trích dẫn đoạn Kinh Thánh từ tiên tri Giêrêmia 1: 5 “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi,Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.”
Trước khi khởi hành đến Lviv, Cha Kancelarczyk đã nhận xét rằng chuông này đến Lviv một ngày trước lễ Truyền tin vào ngày 25 tháng 3 không phải là một sự tình cờ.
Source:Catholic News Agency
2. Linh mục ở lại Ukraine với giáo dân của mình: 'Chúa ban cho tôi sức mạnh'
Cha Pedro Zafra là một linh mục 31 tuổi từ Córdoba, Tây Ban Nha, đến Kiev vào năm 2011 để được đào tạo thành một linh mục. Ngài đã được thụ phong vào tháng 6 năm ngoái và là một thành viên của Con đường Tân Dự Tòng. Vị Linh mục hiện phục vụ giáo xứ Đức Mẹ Đồng Trinh ở thủ đô Ukraine.
Bất kể chiến tranh bùng nổ kinh hoàng, vị linh mục này vẫn quyết định ở lại với giáo dân của mình và không rời bỏ Ukraine. “Đó là một cuộc chiến nội tâm,” ngài nói và nhấn mạnh rằng ngài đã tìm thấy câu trả lời trong lời cầu nguyện với một đoạn từ Phúc âm “nói về sứ mệnh và sự hỗ trợ từ ân sủng Thiên Chúa để thực hiện nó”, và đó là lý do tại sao ngài quyết định ở lại.
Cho đến ngày 24 tháng 2, khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine nổ ra, cuộc sống trong giáo xứ êm đềm giống như bất kỳ nơi nào khác. Nhưng kể từ khi chiến tranh bắt đầu, giáo xứ đã trở thành một trung tâm tiếp nhận, nơi hơn 20 giáo dân phải trú ẩn dưới tầng hầm vì nhà của họ không đủ an toàn.
“Chúng tôi có một số người già ngồi trên xe lăn, các gia đình có con nhỏ và vị thành niên, và một số nhà truyền giáo trẻ tuổi,” Cha Zafra nói với nhật báo ABC của Tây Ban Nha, và nhấn mạnh rằng sống qua hoàn cảnh này trong cộng đồng giúp chúng tôi rất nhiều để đối phó với nó.”
“Tôi không phải là một anh hùng. Tôi không thể tự mình xử lý tình huống này. Chính Chúa là Đấng ban cho tôi sức mạnh qua lời cầu nguyện và các bí tích”
“Có những lúc tôi trở nên hơi lo lắng trong sự vô nghĩa khi không hiểu lý do về những gì đang xảy ra, nhưng bây giờ tôi đã tìm thấy nhiều ý nghĩa hơn trong lời cầu nguyện và các bí tích, những điều ban cho tôi ân sủng để không bỏ trốn và kiên trì với những người đang đau khổ.”
Cha Zafra cho biết cộng đồng của ngài thức dậy lúc 7:30 sáng, cùng nhau cầu nguyện, ăn sáng và sau đó dành cả buổi sáng để làm các công việc khác nhau. Ngài thường đến thăm những người bệnh và người già không thể rời khỏi nhà của họ, để cho họ Rước lễ và bất cứ thứ gì họ có thể cần.
Ngoài ra, theo ABC, giáo xứ còn có chức năng như một trung tâm phân phối viện trợ nhân đạo vì nhiều người, kể cả những người ngoại đạo, đến đây mỗi ngày để xin giúp đỡ về vật chất và tài chính.
Phần lớn các dịch vụ cơ bản như trạm xăng, siêu thị và nhà thuốc vẫn mở cửa và Cha Zafra nói rằng họ đi lại bình thường, mặc dù đôi khi họ đã nghe thấy tiếng nổ ở xa.
Giáo xứ cũng tiếp tục các hoạt động tương đối bình thường, mặc dù họ đã dời thánh lễ sớm hơn để các tín hữu có thể trở về nhà trước giờ giới nghiêm, và đôi khi có nguy cơ bị đánh bom, họ đã chuyển các cử hành xuống tầng hầm. Trong những tuần gần đây, họ đã cử hành hai cuộc Rước Lễ Lần Đầu và ba lễ cưới.
Cha xứ cũng lưu ý rằng vào tháng trước, số người tham dự thánh lễ đã tăng lên. “Mọi người đến tìm kiếm câu trả lời cho sự đau khổ. Trước đây họ có công việc, dự án cuộc đời của họ và bây giờ tất cả những điều đó đã biến mất, họ không còn bất kỳ sự an toàn nào nữa và họ đang tìm kiếm câu trả lời từ Chúa”.
Cha Zafra nhấn mạnh đến nỗi đau khổ to lớn của người dân Ukraine: “Có rất nhiều căng thẳng, lo lắng cho an ninh, cho chính cuộc sống của mình. Sự không chắc chắn được tạo ra khi người ta không biết điều gì sẽ xảy ra, sống từ ngày này sang ngày khác. Chúng tôi không biết liệu mình có còn sống vào ngày mai hay không”.
Source:Catholic News Agency
3. Mỗi ngày có hai nhà thờ hoặc gia sản tôn giáo bị hư hại tại Ukraine
Trong chiến tranh tại Ukraine hiện nay, mỗi ngày có hai nhà thờ hoặc gia sản tôn giáo bị hư hại vì bom đạn.
Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết các thánh đường của Chính Thống giáo bị thiệt hại nhiều nhất, nhưng cũng có các nhà thờ Công Giáo, Hội đường Do thái và Đền thờ Hồi giáo. Thậm chí người ta cũng lo sợ cho Nhà thờ chính tòa Santa Sofia ở thủ đô Kiev.
Tin về những thiệt hại được cung cấp hằng ngày do cơ quan nhà nước Ukraine về chính trị chủng tộc và tự do lương tâm. Cho đến ngày 25 tháng Ba vừa qua, cơ quan này cho biết có ít nhất 59 nhà thờ, đền đài quan trọng về tinh thần tại các vùng Kiev, Donetsk, Kharkiv và nhiều nơi khác, bình quân mỗi ngày có hai trường hợp. Thành phố Mariupol là một trong những điểm nóng bị Nga tấn công, pháo kích và dội bom. Ngày 12 tháng Ba vừa qua, quân Nga đã bắn vào đền thờ Hồi giáo Đại Solimano, nơi có 90 người ẩn náu. Cả nhà thờ Chúa Kitô Cứu Thế của Tin lành Baptist cũng bị phá hủy hôm 15 tháng Ba vừa qua. Quân đội Nga tàn phá trụ sở hành chánh của giáo phận Donetsk, thuộc Chính thống Ukraine.
Tại thành phố Kharkiv ở miền đông Ukraine, có nhiều nhà thờ bị hư hại. Cho đến nay các cuộc tấn công vào thành phố Lvov ở miền Tây Ukraine chưa gây thiệt hại cho cơ sở tôn giáo nào, nhưng đạn pháo đã rơi không xa nhà của các cha dòng Orione. Vì thế chiến tranh tại Ukraine cũng có nguy cơ trở thành chiến tranh chống gia sản tôn giáo