Một nhà hoạt động nhân quyền người Anh hôm Chúa Nhật nói rằng việc Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Hôm 6 tháng Hai, Benedict Rogers dự đoán rằng Vatican có thể đang chuẩn bị thực hiện các bước sau khi chuyển các quan chức khỏi các chức vụ ở Đài Loan và Hương Cảng.
Ông chỉ ra quyết định của Vatican về việc chuyển một đại diện tại Đài Loan đến Phi Châu, khiến Toà Sứ thần Tòa Thánh ở nước này có viên chức đại diện ngoại giao cấp cao nào.
Tòa thánh đã thông báo vào hôm 31 tháng Giêng rằng Cha Arnaldo Catalan, đại biện lâm thời kể từ năm 2019, sẽ chuyển từ thủ đô Đài Bắc của Đài Loan đến Rwanda, nơi ngài sẽ làm sứ thần Tòa thánh. Cha Arnaldo Catalan, linh mục của tổng giáo phận Manila, Phi Luật Tân, sẽ được phong Tổng Giám Mục trong một dịp tấn phong gần nhất tại Vatican.
Vào ngày 5 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Ông Javier Herrera Corona, người đứng đầu Phái đoàn Nghiên cứu Tòa thánh tại Hương Cảng kể từ tháng Giêng năm 2020, làm Sứ thần Tòa thánh tại Cộng hòa Congo và Gabon.
Viết trên tài khoản Twitter của mình, Rogers hỏi liệu Vatican có đang trên “bờ vực thiết lập quan hệ ngoại giao” với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cai trị Trung Quốc từ năm 1949 hay không.
“Sẽ hoàn toàn không thể chấp nhận được và quá đáng nếu điều đó xảy ra. Người Công Giáo phải lên tiếng cùng một tiếng nói trên toàn thế giới để ngăn chặn điều này.”
Ông kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô thay thế các quan chức ở Hương Cảng và Đài Loan, đồng thời “trấn an chúng tôi rằng Vatican sẽ giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan và không thiết lập quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cắt đứt quan hệ với Tòa thánh vào năm 1951. Nhưng vào năm 2018, Vatican và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo.
Trước khi thỏa thuận được gia hạn vào năm 2020, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói rằng thỏa thuận này “chỉ là một điểm khởi đầu” cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai quốc gia.
Đức Hồng Y thừa nhận rằng hơn 10 triệu người Công Giáo của Trung Quốc phải đối mặt với “nhiều vấn đề khác” và “con đường dẫn đến bình thường hóa đầy đủ sẽ còn rất dài”.
Vatican chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 1942. Ngày nay, đây là một trong số ít các quốc gia tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với quốc gia có tên gọi chính thức là Trung Hoa Dân Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn và trong lịch sử đã gây áp lực buộc các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này.
Đức Hồng Y Parolin nói với các nhà báo vào tháng 10 năm 2020 rằng “hiện tại không có cuộc đàm phán nào về quan hệ ngoại giao” với Trung Quốc. Bộ ngoại giao Đài Loan hoan nghênh các bình luận này.
Rogers là người sáng lập Hong Kong Watch, một tổ chức có trụ sở tại Vương quốc Anh giám sát nhân quyền, tự do và pháp quyền tại thành phố ở bờ biển phía nam Trung Quốc, nơi có khoảng 389,000 người Công Giáo.
Tổ chức bác ái được thành lập vào năm 2017 chiếm phần lớn thời gian của anh ấy, nhưng anh ấy cũng làm việc với tư cách là nhà phân tích cấp cao về Đông Á cho nhóm nhân quyền Christian Solidarity Worldwide, nghĩa là Tình Liên Đới Kitô Giáo Toàn Cầu.
Rogers nói với CNA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại ngày 4 tháng 2 rằng các phương tiện truyền thông ủng hộ Bắc Kinh gần đây đã chỉ trích Giáo Hội Công Giáo ở Hương Cảng là kích động bạo loạn.
Ông nói rằng tờ báo quốc doanh Đại Công Báo (Ta Kung Pao, 大公报), đã đăng liên tiếp 4 bài báo chỉ trích, trong “một cuộc tấn công cụ thể” nhắm vào Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, vị giám mục nghỉ hưu 90 tuổi của Hương Cảng.
Rogers, người đã cải đạo sang Công Giáo vào năm 2013 cho biết: “Điều đáng lo ngại đối với những bài báo này là thông thường khi Bắc Kinh đang có ý định thực hiện một chiến dịch mới hoặc một sáng kiến mới chống lại bất kỳ nhóm cụ thể nào, thì bước đầu tiên họ thực hiện là gây dư luận trên các phương tiện truyền thông ủng hộ Bắc Kinh”.
Anh giải thích rằng các bài báo được đưa ra trong bối cảnh các mối đe dọa đối với tự do tôn giáo ở Hương Cảng ngày càng tăng sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong hai năm 2019 và 2020 và việc thông qua Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi vào tháng 6 năm 2020.
Rogers đã trích dẫn lời khuyên dành cho các linh mục do Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon, 汤汉) giám quản tông tòa của Giáo phận Hương Cảng đưa ra, trong đó cảnh báo các giáo sĩ về sự cần thiết phải “dè chừng ngôn ngữ của chúng ta” trong các bài giảng.
Rogers nói: “Chúng ta không nên ngạc nhiên khi tự do tôn giáo đang bị đe dọa vì hai lý do. “Thứ nhất, khi tự do bị phá bỏ, tự do tôn giáo sớm hay muộn cũng sẽ bị ảnh hưởng, và các quyền tự do của Hương Cảng đã bị phá bỏ trong vài năm qua.”
“Tôn giáo và cách riêng là Giáo Hội, là các mục tiêu cuối cùng còn lại mà cho đến nay ít bị tác động hơn những mục tiêu khác. Chúng ta đã chứng kiến việc phá bỏ tự do báo chí, bỏ tù các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, ảnh hưởng đến tự do học thuật, và vì vậy, theo một nghĩa nào đó, tự do tôn giáo là mục tiêu rõ ràng tiếp theo “.
“Điểm thứ hai là chế độ ở Bắc Kinh luôn có thái độ thù địch đối với tôn giáo và khi nước này ngày càng có nhiều quyền kiểm soát trực tiếp hơn đối với Hương Cảng, điều đó gây ra nhiều khả năng tôn giáo sẽ lọt vào tầm ngắm của họ”.
Source:Catholic News Agency