1. Báo cáo cho biết cuộc đàn áp chống lại các Kitô hữu đang gia tăng trên toàn thế giới
Các cuộc đàn áp nhắm vào các Kitô hữu trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước Á Châu và Phi Châu, đã gia tăng trong năm qua.
Một báo cáo do Open Doors International công bố cho thấy đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt đối xử.
Danh sách Theo dõi Thế giới năm 2022, được công bố vào hôm thứ Tư, 19 tháng Giêng, cho thấy hơn 360 triệu người đã phải chịu đựng sự ngược đãi và phân biệt đối xử ở quốc gia của họ trong năm ngoái.
Nhìn chung, 5,898 Kitô hữu đã bị giết, 5,110 nhà thờ bị tấn công hoặc đóng cửa, 6,175 Kitô hữu bị bắt mà không cần xét xử, và 3,829 người bị bắt cóc.
Afghanistan được xếp hạng đầu tiên là quốc gia nguy hiểm nhất đối với các tín hữu Kitô, đặc biệt là sau khi Taliban tiếp quản quốc gia này vào tháng 8 năm 2021.
Tuy nhiên, báo cáo nói rằng tình hình tự do tôn giáo dưới thời Kim Jong-Un hay Kim Chính Ân tiếp tục trở nên tồi tệ hơn trong năm qua, khiến nước này đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia cần quan tâm.
Bốn trong số năm quốc gia đầu tiên có mức độ bạo lực chống Kitô giáo cao nhất là các Quốc gia Hồi giáo, nơi bất ổn chính trị và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo đang phát triển.
Ngoài Afghanistan, danh sách bao gồm Somalia, Libia và Yemen. Tiếp theo là Eritrea, Nigeria, Pakistan, Iran, Ấn Độ, Saudi Arabia, Myanmar, Sudan, Iraq và Syria.
Báo cáo lưu ý rằng Pakistan đứng thứ hai về phương diện bạo lực chống Kitô giáo. Các cuộc tấn công chống lại các Kitô Hữu cũng đang gia tăng đáng kể ở nước láng giềng Ấn Độ.
Theo báo cáo, đại dịch coronavirus cũng đã hợp pháp hóa việc tăng cường giám sát và hạn chế của các chính phủ độc tài.
Báo cáo nhận xét rằng trong khi chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo tiếp tục tạo ra nhiều cuộc đàn áp nhất, các hạn chế COVID-19 “đã trở thành một cách dễ dàng để thắt chặt kiểm soát và giám sát đối với các nhóm thiểu số tôn giáo và các nghi lễ thờ phượng” ở Trung Quốc và các quốc gia khác.
Báo cáo cũng lưu ý rằng nhiều người trong số ước tính 84 triệu người di tản trong nước và trong số 26 triệu người tị nạn được ghi nhận vào năm 2021, là các tín hữu Kitô.
Ở các nước như Miến Điện, cuộc đàn áp quân sự ở Bang Chin nơi đa số dân theo Kitô Giáo và các bang Kachin, Kayah, Shan đã khiến 200,000 Kitô Hữu phải di tản và buộc khoảng 20,000 người phải chạy trốn khỏi đất nước.
David Curry, chủ tịch của Open Doors Hoa Kỳ cho biết: “Những phát hiện năm nay cho thấy những thay đổi địa chấn trong bối cảnh đàn áp”.
Báo cáo năm 2022 theo dõi tình trạng bách hại trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 10 năm 2020 đến ngày 20 tháng 9 năm 2021 và được tổng hợp từ các báo cáo cấp cơ sở của Open Doors tại hơn 60 quốc gia.
Source:Licas News
2. Khi Chúa Thánh Thần hiện xuống... trong bệnh viện
Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài tường thuật sau về việc lãnh nhận bí tích Thêm Sức khá đặc biệt của một thiếu niên.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Thiếu niên này đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức từ vị giám mục của mình theo một cách rất khác thường!
Đôi khi chúng ta không thể đến nhà thờ, thì Giáo hội lại đến với chúng ta, nhất là những lúc bệnh tật.
Một trường hợp gần đây đã lan truyền mạnh mẽ - đó là cậu bé Paulo Eliadi Viana, 14 tuổi, sống ở miền nam Brazil, và đã nhận bí tích Thêm sức từ vị giám mục của mình theo một cách khác thường.
Paulo, thuộc một gia đình theo đạo Công Giáo, đã chuẩn bị mọi thứ cho bí tích Thêm sức tại giáo xứ gần nơi anh sống, Marilândia do Sul, thuộc bang Paraná, miền nam Brazil.
Tuy nhiên, gần hết thời gian chuẩn bị, chàng trai bắt đầu cảm thấy đau đầu dữ dội. Đúng vào đêm trước ngày dự kiến nhận lãnh Bí tích Thêm sức tại giáo xứ của mình, anh ta phải nhập viện.
Chẩn đoán được đưa ra ngay sau đó: Paul bị u não.
Đối với chàng trai trẻ, tác động của tin tức này đi kèm với sự thất vọng khi không thể tham gia nhận lãnh Bí tích Thêm sức tại nhà thờ của mình.
Maria, mẹ của Paul nói với báo chí địa phương:
Chúng tôi là những người Công Giáo sùng đạo, và ngay cả với nỗi đau của mình, cháu đã tham gia vào tất cả việc chuẩn bị cho Bí tích Thêm sức. Đó là điều mà cháu rất muốn. Trong cuộc trò chuyện với một nữ tu ở bệnh viện, tôi nói với sơ ấy rằng con trai tôi đã không thể nhận lãnh Bí tích Thêm Sức. Nữ tu cảm động, nói chuyện với Đức Cha, và ngài đã đồng ý đến bệnh viện, và lễ Thêm sức đã diễn ra.
Thêm sức tại bệnh viện
Đức Cha Carlos José de Oliveira, giám mục bản quyền, đã đến bệnh viện để ban bí tích cho chàng trai trẻ. Buổi lễ diễn ra với sự hiện diện của người nhà và nữ tu của dòng tu điều hành bệnh viện.
Trong nhà nguyện, một “góc nhỏ của Chúa Thánh Thần” được dựng lên, nơi chàng trai trẻ chụp ảnh. Đó là một khoảnh khắc rất cảm động của lòng biết ơn. Mẹ anh nói với báo chí:
Cháu rất xúc động. Con trai tôi đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức, và Đức Giám Mục đã cầu nguyện cho cháu được khỏi bệnh. Các nữ tu của bệnh viện đã chuẩn bị mọi thứ hết sức chu đáo. Tất cả chúng tôi đều rất hạnh phúc, và tôi cảm ơn toàn thể nhân viên bệnh viện và Đức Giám Mục vì sự dịu dàng của các vị với con trai tôi… Con tôi rất hạnh phúc vì đã được xác nhận, và chúng tôi xin mọi người cầu nguyện thêm cho cháu.
Vì khối u, chàng trai trẻ gặp khó khăn trong việc phối hợp vận động và lời nói. Cháu đã trải qua một cuộc phẫu thuật có nguy cơ cao vào tháng 12, và mọi sự tiến triển tốt đẹp nhờ lời cầu nguyện của mọi người.
Source:Aleteia
3. Người nữ tu cáo buộc Giám Mục Ấn Độ nhận được sự ủng hộ của nhiều thành phần dân Chúa
Sự ủng hộ và thông cảm dành cho một nữ tu Công Giáo tiếp tục đổ dồn trong suốt một tuần sau khi một tòa án ở Kerala, Ấn Độ bác bỏ vụ kiện của sơ ấy chống lại một giám mục.
Vào ngày 14 tháng Giêng, một thẩm phán ở Kerala đã ra phán quyết Giám mục Franco Mulakkal của Jalandhar vô tội đối với các cáo buộc rằng ngài đã cưỡng hiếp một nữ tu, nói rằng bên công tố đã không chứng minh được các cáo buộc chống lại ngài.
Vào năm 2018, người nữ tu này, một cựu bề trên Tổng quyền của Hội Thừa sai Chúa Giêsu, đã cáo buộc Giám mục Mulakkal đã hãm hiếp sơ 13 lần từ năm 2014 đến năm 2016.
Phán quyết của tòa án cho biết:
“Khi không thể tách sự thật khỏi sự giả dối, khi ngũ cốc và vải vụn trộn lẫn chặt chẽ với nhau, thì cách duy nhất hiện có là loại bỏ hoàn toàn các bằng chứng”
“Trong những trường hợp đã nêu, tòa này không thể dựa vào lời khai đơn độc của một nạn nhân bị hiếp dâm để buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm về những tội danh đã gán cho anh ta”.
Sau khi phán quyết được tuyên, Giám mục Mulakkal bước ra khỏi tòa án và nói “Ca ngợi Chúa.”
Những người ủng hộ ông ca ngợi phán quyết như một chiến thắng cho Giáo hội. Theo báo cáo, vị giám mục đã dâng thánh lễ trong một trung tâm tĩnh tâm có sức lôi cuốn và thăm hỏi những người đã ủng hộ ngài.
Tuy nhiên, bản án đã khiến những người phụ nữ bàng hoàng và không tin.
Astrid Lobo Gajiwala, một nhà thần học về phụ nữ sống ở Mumbai, nói rằng bản án là “một sự ngăn cản rất lớn đối với những nạn nhân bị hãm hiếp muốn tìm kiếm công lý.”
Gajiwala nói: “Thật là dũng khí to lớn đối với một nữ tu Công Giáo khi công khai việc bị một giám mục cưỡng hiếp”.
Vào tháng 12 năm 2021, Tòa án Tối cao tuyên bố rằng ai đó bị buộc tội hiếp dâm có thể bị kết án chỉ dựa trên lời khai của nạn nhân nếu nạn nhân ấy được coi là đáng tin cậy và có đầu óc sáng suốt. Chính vì thế, sẽ còn nhiều rắc rối nếu bên công tố tiếp tục theo đuổi lên tòa cao hơn.
Source:Licas News