XUẤT KHẨU ƠN GỌI, PHẢI CHĂNG CÓ CÁCH NÓI TỐT HƠN? Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD

Một bạn trẻ đọc đâu đó một bài viết, tỏ ra không hài lòng về cách tác giả dùng từ “XUẤT KHẨU ƠN GỌI” để chỉ việc Giáo Hội Việt Nam trong những thập kỷ gần đây chia sẻ nhiều ơn gọi cho các Giáo hội nước ngoài. Bạn trẻ này đã hỏi tôi có suy nghĩ như thế nào về lối diễn đạt này. Tôi không biết ý tưởng và mục đích của tác giả bài viết đó như thế nào. Tôi cũng không đi tìm đọc bài viết đó, vì cũng đã nhiều lần đọc thấy có người dùng ngôn từ này, dĩ nhiên tôi đoán, họ không có ý xấu mà chỉ thiếu sự tinh tế.

Tất nhiên, theo cảm nhận của nhiều người, việc dùng từ “xuất khẩu ơn gọi” để nói về việc các tu sĩ Việt Nam ra nước ngoài truyền giáo quả thật không thỏa đáng, vì ơn gọi không phải là một mặt hàng để bán buôn, nhưng là một món quà có giá trị cao quý, chúng ta thường gọi là “Ơn Thiên Triệu,” tức là ơn được Chúa kêu gọi. Vì thế, bằng thái độ trân trọng, chúng ta gọi họ là các nhà truyền giáo. Với nhiều hoàn cảnh và thời khắc khác nhau, họ đã tới hoặc được gửi tới nhiều nước khác nhau, không nhằm mục đích nào khác, đó là để truyền giáo.

1. Câu chuyện về các nhà truyền giáo Việt Nam

Sau biến cố 75, hàng triệu người Việt rời bỏ quê hương để đến với các nước khác nhằm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong số họ có hàng nghìn người là linh mục và tu sĩ. Khi đến những nơi ở mới, có người đã từ bỏ đời tu nhưng cũng có nhiều người kiên trì giữ vững đời sống tu trì của mình. Vì thế, tại nhiều nơi trên thế giới, cách riêng tại Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Úc... đang có hàng nghìn linh mục và tu sĩ mục vụ trong các giáo xứ và các cơ sở tôn giáo của Giáo Hội.

Trong khi đó, nhờ truyền thống đạo đức của Giáo hội quê nhà, nhờ những gương hy sinh của các bậc tiền nhân, Giáo hội Việt Nam chúng ta vẫn tiếp tục nở sinh nhiều ơn gọi dâng hiến trong các Giáo phận và trong nhiều Hội dòng. Những năm gần đây, khi các Giáo hội Phương Tây thiếu ơn gọi trầm trọng, trong khi số lượng ơn gọi trong nước vẫn còn rất phong phú, vì thế nhiều nhà truyền giáo Việt Nam lại được gửi đi tuyền giáo khắp muôn phương.

Như vậy, về vấn đề gọi tên các nhà truyền giáo Việt Nam, dưới góc độ cá nhân, tôi tin tưởng rằng họ là những ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến với chính dân Việt của mình và họ cũng là ngôn sứ được sai đi để rao giảng Tin Mừng cho cánh đồng truyền giáo đang cần nhiều thợ gặt.

2. Ngôn sứ được sai đến với dân Việt của mình

Gần đây, khi viết về chủ đề mục vụ di dân và lao động Việt Nam của Giáo hội tại Đài Loan tôi nhớ đến câu chuyện của người Israel khi họ phải lưu đày ở Babilon, họ phải chịu nhiều cảnh tù đày và ngược đãi, khi họ kêu cầu lên Thiên Chúa thì Chúa đã gửi các tiên tri đến an ủi, đồng hành và khuyên bảo họ tiếp tục giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa. Ngày nay, khi người Việt ồ ạt qua Đài Loan lao động hay một số người kết hôn với người Đài Loan, thì Thiên Chúa đã gửi đến cho họ nhiều vị “tiên tri” để đồng hành và đấu tranh cho quyền lợi của họ, đó là các linh mục và tu sĩ.

Câu chuyện về các vị ngôn sứ người Việt được Sai đến với dân Chúa tại Đài Loan thật là đặc biệt, là câu chuyện của Hội tu sĩ Việt Nam tại Đài Loan, được thành lập cách đây 30 năm. Nhìn lại lịch sử của ba thiệp kỷ qua, ban đầu chỉ có khoảng 20 tu sinh người Việt đến Hoa Kỳ, Úc và Canada để truyền giáo cho người Đài Loan. Sau đó, các nhà dòng cũng có nhiều chương trình tuyển mộ ơn gọi từ Việt Nam, và cho đến nay, ước tính số linh mục người Việt tại Đài Loan đã lên tới 60 vị và gần 200 nữ tu.

Các linh mục và tu sĩ Việt Nam có mặt trong các Giáo phận, họ được mời gọi làm việc trong nhiều văn phòng trợ giúp lao động hay trong các ban mục vụ di dân của Giáo phận. Vì thế khi nơi nào có lao động và di dân người Việt cần giúp đỡ thì hàng trăm linh mục và tu sĩ người Việt Nam sẵn sàng trợ giúp họ. Nhờ có sự trợ giúp của các linh mục và tu sĩ, đời sống của người lao động và di dân Việt Nam ở đây được nhiều quan tâm và có nhiều cải thiện.

Quả thật không chỉ có ở Đài Loan, nhưng còn nhiều nước khác, nơi nào có người Việt, Thiên Chúa đã gửi các vị ngôn sứ đến nơi đó để đồng hành, hướng dẫn và giúp đỡ con cái của mình. Ngoài việc đồng hành, chia sẻ và hướng dẫn đời sống đức tin và tinh thần cho con dân Việt gia xứ, các nhà truyền giáo của chúng ta cũng hòa nhập rất nhanh vào đời sống của Giáo hội địa phương, vì thế họ được mời gọi chia sẻ sứ vụ truyền giáo cho những người bản địa.

3. Ngôn sứ được sai đi tìm kiếm chiên lạc

Người Việt Công Giáo chúng ta rất có truyền thống đạo đức, bằng việc siêng năng đọc kinh, tổ chức nhiều nghi thức và sinh hoạt cộng đồng như dâng hoa, rước kiệu, lễ hội... tạo nên những cộng đồng rất mạnh mẽ tại các nước chúng ta đang sống. Ngoài ra cộng đồng Công Giáo chúng ta cũng rất coi trọng việc bảo tồn văn hóa Việt, luân thường đạo lý, tinh thần bao dung, lòng quảng đại đóng góp xây dựng các Giáo hội địa phương. Nhờ đó chúng ta đã để lại nhiều ấn tượng rất tốt, nhất là sự tin tưởng trong hàng giáo phẩm và giáo dân người bản địa.

Chính vì vậy, các Giám mục địa phương cũng đã tin tưởng các nhà truyền giáo của chúng ta. Các ngài đã giao cho các nhà truyền giáo nhiều trọng trách trong Giáo hội. Cụ thể, hiện nay chúng ta đã có nhiều Giám mục là người Việt phục vụ tại nhiều quốc gia khác nhau, như Đức cha Thomas Nguyễn Thái Thành tại Hoa Kỳ, Đức cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu tại Canada, Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long tại Úc và Đức Tổng Giám Mục Peter Nguyễn Văn Tốt tại Sri Lanka.

Như chúng ta đã đề cập trên đây, do số lượng ơn gọi tại Châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều nước khác đang xuống dốc rất nghiêm trọng, nên nhiều nhà dòng phải đóng của tu viện, nhiều nhà thờ phải đóng cửa. Vì thế, khi Giáo hội Việt Nam chúng ta đang có ơn gọi dồi dào thì chúng ta phải chia sẻ ơn gọi cho các nước khác.

Dĩ nhiên, chúng ta không nhấn mạnh việc đóng góp vật chất như các Giáo hội Phương Tây trước đây đã từng thực hiện cho các vùng truyền giáo để xây dựng nhà thờ, trường học, bệnh viện hay các cơ sở bác ái khác. Những điều mà các nhà truyền giáo của chúng ta có thể đóng góp, đó là công việc mục vụ, thể chia sẻ Tin Mừng bằng chứng tá sống động qua các mới liên đới huynh đệ, tình thương yêu và chăm sóc người già, người bệnh và đồng hành với những ai đang mất niềm tin vào Chúa.

Tháng 10 năm nay, trong Chúa Nhật Khánh Nhật Truyền Giáo, Đức Hồng Y Tagle, người đứng đầu Bộ Truyền Giáo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc của Vatican, đã khiến mọi người ngạc nhiên, khi ngài nói: “Châu Âu là một lãnh thổ truyền giáo, châu Âu hiện nay cần các nhà truyền giáo đến để loan báo Tin Mừng” (VietCatholic News, 2021). Vậy đây là nhu cầu rất cấp thiết, các nhà truyền giáo Việt Nam chúng ta có thể thực hiện được.

Thật đáng kinh ngạc, nếu không muốn nói thật đáng buồn, vì xưa nay chúng ta biết Châu Âu là cái nôi của Đức tin Ki-tô Giáo. Từ các nước Châu Âu, các nhà truyền giáo đã ra đi mang Tin Mừng loan báo cho muôn nơi, trong đó có nước Việt chúng ta. Thế nhưng, Châu Âu và ngay cả Hoa Kỳ, Canada, Úc..., là những nước Ki-tô Giáo, họ đã từng xây dựng đời sống văn hóa, văn minh và luật pháp dựa trên nền tảng Ki-tô Giáo, nay đã trở thành nơi chối bỏ đức tin, là môi trường sinh ra các phong trào chống lại Đức Ki-tô, dưới danh nghĩa tự do cá nhân, bình đẳng giới và tính đa nguyên.

4. Lời Kết

Ước mong các nhà truyền giáo của chúng ta, những người được Thiên Chúa mời gọi đến để đồng hành và phục vụ những anh chị em đồng hương, đồng thời phục vụ những Giáo hội đang vắng bóng các vị chủ chăn, luôn biết trở nên những nhân chứng sống động cho mọi anh chị em. Nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn các ngài, để qua đời sống chứng nhân và loan báo Tin Mừng của mình họ giúp củng cố đời sống của anh chị em, đồng thời dẫn đưa nhiều con chiên lạc trở về cùng một đoàn chiên⸻Giáo hội.