1. Tuyên bố của Tòa Giám Mục Solsona về tình trạng của cựu Giám Mục Xavier Novell

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Như chúng tôi đã đưa tin cựu Giám Mục Xavier Novell đã bỏ nhiệm sở để kết hôn với một tiểu thuyết gia viết truyện khiêu dâm có mầu sắc Satan. Điều đáng buồn là ông ta vẫn mặc phẩm phục Giám Mục và thực hiện nhiều hành vi, nhiều cuộc phỏng vấn với lập trường nghịch lại với giáo huấn của Hội Thánh mà chính ông ta trước đây đã từng rao giảng.

Trước các hoang mang trong dư luận về tình trạng của ông ta, Tòa Giám Mục Solsona, ngày 11 tháng 12, Đức Cha Román Casanova Casanova, Giám Mục Vic, kiêm Giám Quản Tông Tòa Solsona đã ra một tuyên bố toàn văn như sau.

Trong một diễn biến công khai và đầy tai tiếng, Giám Mục Xavier Novell i Gomà, nguyên Giám mục của Solsona, đã ký kết một cuộc hôn nhân dân sự với bà Sílvia Caballol i Clemente, vào ngày 22 tháng 11 năm 2021 tại thị trấn Súria, thuộc tỉnh Barcelona.

Trước thực tế nghiêm trọng này, cần lưu ý rằng Điều 1394.1 của Bộ Giáo luật Giáo Hội Công Giáo quy định rằng “một giáo sĩ mưu toan kết hôn, dù chỉ về mặt dân sự, sẽ bị đình chỉ latae sententiae.”, nghĩa là tức khắc bị đình chỉ không cần bất cứ tuyên bố nào.

Do đó, ngay từ thời điểm đó Giám Mục Xavier Novell i Gomà ký kết một cuộc hôn nhân dân sự, hậu quả được thấy trước trong giáo luật nói trên đã tự động diễn ra. Nghĩa là, mọi hành vi của quyền bính phẩm trật, quyền cai quản và việc thực hiện tất cả các quyền và chức năng vốn có trong chức giám mục (xem c. 1333.1) bị cấm, và các hậu quả nghiêm trọng khác cũng có thể xảy ra theo giáo luật.

Điều này có nghĩa là Giám Mục Xavier Novell i Gomà, trong khi vẫn còn tình trạng giám mục, không thể thực hiện bất kỳ chức năng nào xuất phát từ từ tình trạng đó; trong số những điều khác, ông ta không được phép thực hiện các bí tích và bất kỳ hoạt động giảng dạy nào, cả ở nơi công cộng và nơi riêng tư.

Ngày 11 tháng 12, 2021

+Đức Giám Mục Román Casanova Casanova

Giám Quản Tông Tòa Solsona



Source:Bisbat Solsona

2. Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn y phép lạ do một nữ tu người Pháp cầu bầu

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận một phép lạ do Chân phước Marie Rivier, một nữ tu người Pháp, là người đã thành lập một dòng tu trong thời kỳ xảy ra cuộc Cách mạng Pháp.

Phép lạ liên quan đến việc chữa lành một em bé sơ sinh ở Phi Luật Tân vào năm 2015 nhờ sự chuyển cầu của Chân Phước Rivier. Với phép lạ này, sơ Rivier sẽ được phong thánh trong Giáo Hội Công Giáo.

Theo Vatican News. Đây là một tình trạng đe dọa tính mạng, trong đó có sự tích tụ chất lỏng xung quanh phổi và tim.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn y án tuyên thánh cho sơ Rivier, cùng với năm án tuyên thánh khác, trong một sắc lệnh vào ngày 13 tháng 12.

Sơ Rivier sinh ra ở miền nam nước Pháp vào ngày 19 tháng 12 năm 1768. Sơ bị khuyết tật suốt thời thơ ấu sau khi ngã khỏi giường khi mới chập chững biết đi và bị thương nặng ở hông.

Theo Bộ Tuyên thánh Vatican, chấn thương làm suy giảm sự phát triển của cô, khiến các khớp của cô sưng tấy và chân tay co rút. Sơ Rivier hầu như chỉ có thể đứng vững với sự trợ giúp của nạng.

Vấn đề sức khỏe của cô cũng cản trở cô trong đời sống tu trì. Năm 17 tuổi, một dòng tu, Dòng Nữ tu Đức Bà ở Pradelles, đã từ chối cô vì sức khỏe cô kém.

Rivier kiên trì và năm sau, cô mở một trường Công Giáo ở thị trấn Saint-Julien-en-Genevois ở biên giới Thụy Sĩ. Cô đã giúp đào tạo những phụ nữ thất nghiệp trong giáo xứ của mình và chăm sóc người bệnh và người nghèo.

Khi Cách mạng Pháp buộc các tu viện trên khắp nước Pháp phải đóng cửa. Nhiều linh mục và nữ tu phải tử đạo dưới triều đại khủng bố này. Trong hoàn cảnh đó, sơ Rivier đã thành lập một cộng đồng tôn giáo.

Năm 1796, Sơ thành lập Dòng Các Nữ Tu Đức Mẹ Đi Thăm Viếng, chuyên giáo dục các thiếu nữ theo đức tin. Dòng nhận được sự chấp thuận chính thức vào năm 1801 và mở rộng trên khắp nước Pháp.

Trong vòng vài thập kỷ sau cái chết của sơ Rivier vào năm 1838, giáo đoàn của sơ đã lan sang Canada và Hoa Kỳ. Ngày nay các Nữ tu Đức Mẹ Đi Thăm Viếng hiện diện khắp năm châu.

Tại lễ phong chân phước cho sơ vào năm 1982, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói về sự nhiệt thành trong việc tông đồ của sơ Rivier trong và sau cuộc Cách mạng Pháp và đức tin của sơ trong tình trạng ốm yếu về thể chất.

“Bí mật của lòng nhiệt thành của Marie Rivier là gì? Người ta bị ấn tượng bởi sự dạn dĩ, sự kiên trì của sơ ấy, niềm vui lây lan và lòng can đảm”, Đức Gioan Phaolô II nói trong bài giảng của ngài.

“Cuộc đời của sơ cho thấy rõ sức mạnh của đức tin nơi một tâm hồn đơn sơ và ngay thẳng, tâm hồn phó thác hoàn toàn vào ân sủng của phép rửa. Sơ tin cậy Chúa đến cùng, và Ngài đã thanh tẩy sơ qua thập tự giá. Sơ cầu nguyện mãnh liệt với Đức Maria và cùng với sơ ấy, xuất hiện trước mặt Thiên Chúa trong một thái độ tôn thờ và dâng hiến”

Ngày phong thánh cho Rivier vẫn chưa được công bố.

Với sắc lệnh này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã chấp thuận một phép lạ do Tôi tớ Chúa Maria Carola Cecchin, một nữ tu người Ý đã qua đời khi đang truyền giáo ở Kenya vào năm 1925.

Sinh năm 1877 tại Padua, Ý, Cecchin cũng gặp phải những vấn đề về sức khỏe khiến cô bị từ chối không được gia nhập dòng tu đầu tiên vào năm 18 tuổi.

Cecchin cuối cùng đã có thể gia nhập Dòng Nữ tu Giuseppe Benedetto Cottolengo ở Turin nhờ sự vận động của cha xứ và là linh hướng của cô.

Sau khi đi tu, Cecchin được gửi đến Kenya với tư cách là một nữ tu truyền giáo ở tuổi 28. Cô sẽ ở lại Kenya trong 20 năm. Cô qua đời vì bạo bệnh trên một con tàu hơi nước trong chuyến hành trình trở về Ý ở tuổi 48.

Với sự chấp thuận của phép lạ được cho là nhờ sự chuyển cầu của sơ ấy, Cecchin giờ đây có thể được phong chân phước.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã công nhận những nhân đức anh hùng của một linh mục truyền giáo người Ý ở Uganda là Cha Bernardo Sartori sinh năm 1897 qua đời 1983; một linh mục người Tây Ban Nha, Cha Andrés Garrido Perales sinh năm 1663 qua đời năm 1728; một linh mục Capuchin người Ý, Cha Carlo Maria da Abbiategrasso sinh năm 1825 và qua đời năm 1859; và một nữ tu người Ba Lan, Nữ tu Maria Małgorzata của Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu sinh năm 1896 và qua đời năm 1966.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Giáo Hoàng có thể đến thăm Canada vào năm 2022 như một phần của quá trình hòa giải, Đức Tổng Giám Mục nói

Sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói lên ý định của mình vào đầu năm nay để đến Canada như một phần của quá trình hòa giải quốc gia với các cộng đồng bản địa, một trong những vị lãnh đạo hàng đầu của Giáo Hội Canada đã cho biết chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng có thể đến sớm nhất là vào năm tới.

Đức Cha Raymond Poisson của Saint-Jérôme và Mont-Laurier đồng thời là chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada, gọi tắt là CCCB, hiện đang ở Rôma cho các cuộc họp với các quan chức Vatican, nói với tờ Crux rằng Đức Giáo Hoàng có thể sẽ đến thăm Canada vào năm 2022.

Đức Cha Poisson nói, chuyến đi có thể sẽ được tổ chức ngay sau chuyến thăm của một phái đoàn bản địa Canada đến Rome, đã được lên kế hoạch cho tháng này, nhưng đã bị hoãn lại do sự xuất hiện của biến thể Omicron mới.

Theo Đức Cha Poisson, quyết định trì hoãn phần lớn do những học sinh cũ của các các trường nội trú dành cho người bản địa đưa ra. Hầu hết những người này đều ở độ tuổi tám mươi và do dự khi đi du lịch với sự gia tăng các trường hợp COVID liên quan đến biến thể Omicron. Cũng có lo ngại rằng vì chuyến thăm gần với lễ Giáng Sinh, nếu ai đó bị nhiễm bệnh và buộc phải cách ly khi trở về, họ sẽ bỏ lỡ kỳ nghỉ với gia đình.

Đức Cha Poisson cùng với các vị phó chủ tịch, tổng thư ký và phụ tá tổng thư ký của CCCB đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 9 tháng 12 để thảo luận tập trung vào chuyến tông du của Đức Thánh Cha và một phần vào các vấn đề địa phương khác ở Canada.

Theo Đức Cha Poisson, các giám mục Canada hiện đang thảo luận với Phủ Giáo hoàng, nơi quản lý chương trình nghị sự của Đức Thánh Cha, để lên lịch lại chuyến viếng thăm Vatican của phái đoàn Canada, mà các ngài hy vọng sẽ diễn ra vào “mùa xuân năm 2022”.

“Điều cần thiết là phái đoàn này phải đến trước, bởi vì đó là một trải nghiệm không chỉ cho các đại biểu mà thôi, nhưng còn cho cả Đức Giáo Hoàng, được thực sự tiếp xúc với họ và họ với ngài có thể hiểu thêm cảm giác, di sản, và điều gì là cần thiết”

Nếu chuyến thăm của phái đoàn được dời lại vào mùa xuân, ngài nói, “có lẽ vào mùa hè, hoặc vào mùa thu, chuyến tông du của Đức Thánh Cha sẽ có thể thực hiện được”.

Vì Đức Thánh Cha Phanxicô thích thực hiện các chuyến đi quốc tế ngắn, tức là chỉ kéo dài vài ngày, thay vì một chuyến thăm kéo dài hàng tuần lễ, nên “việc chuẩn bị sẽ dễ dàng hơn,” Đức Cha Poisson nói.

“Chúng tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ xảy ra sớm, bởi vì chúng tôi muốn đẩy mạnh toàn bộ quá trình hàn gắn và hòa giải này”

Cảm xúc ở Canada đã tăng cao kể từ mùa hè năm nay, khi hài cốt của 215 trẻ em được phát hiện trong khuôn viên của các trường nội trú dành cho người bản địa ở Kamloops vào cuối tháng 5, thúc đẩy các cuộc tìm kiếm tại các trường học khác, và đã khai quật thêm hàng trăm thi thể.

Giữa sự phẫn nộ của công chúng, đã có áp lực buộc cả các giám mục Canada và Đức Giáo Hoàng phải đưa ra lời xin lỗi chính thức. Trong khi các cộng đồng tôn giáo riêng lẻ, những người chịu trách nhiệm về lịch sử đối với các trường học dân cư đã đưa ra lời xin lỗi trong những năm qua, thì không có lời xin lỗi nào ở cấp độ thể chế.

Cũng trong khoảng thời gian này, có thông báo rằng một phái đoàn chung gồm các giám mục Canada và các thành viên của các cộng đồng bản địa Métis, và Inuit của Canada, sẽ đến Rôma để gặp giáo hoàng. Chuyến thăm của phái đoàn đã bị đình trệ do sự bùng phát của COVID-19.

Vào tháng 10, Vatican đã thông báo ý định của Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Canada như một phần của quá trình hàn gắn với người dân bản địa, nhưng không đề cập đến ngày tháng hoặc liệu một lời xin lỗi có xảy ra hay không.
Source:Crux