1. Cảnh sát thủ đô Hoa Thịnh Đốn công bố video cho thấy cuộc tấn công vào tượng Đức Mẹ bên ngoài đền thánh Đức Mẹ Quốc gia
Cảnh sát đang yêu cầu công chúng giúp đỡ trong việc xác định một kẻ phá hoại bị ghi hình trên camera giám sát làm hư hại bức tượng Đức Mẹ Fatima bên ngoài đền thánh Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày 5 tháng 12.
Cảnh sát đã công bố đoạn phim giám sát đen trắng về vụ việc cho thấy một người đàn ông đeo mặt nạ đến gần tượng Đức Mẹ lúc 10:58 tối. Người đàn ông bước lên tượng, rút một cây búa hay một công cụ tương tự, và dường như tấn công vào tay của Đức Mẹ. Hắn ta leo xuống rồi sau đó bước lên một lần nữa và liên tục đánh mạnh vào mặt tượng Đức Mẹ, làm bay những mảnh đá cẩm thạch. Hắn định bỏ đi, nhưng không thấy ai thì quay lại để nhặt và mang đi đôi bàn tay bị chặt của bức tượng.
Lúc 6 giờ chiều Thứ Năm, ngày 9 tháng 12, ngay sau Thánh lễ 5:15 chiều tại đền thánh Đức Mẹ, anh chị em giáo dân đã tập trung đọc kinh Mân Côi để phạt tạ vụ tấn công.
Cảnh sát cho biết vụ việc hiện chưa được coi là một tội ác vì lòng thù hận đức tin.
Người phát ngôn của Sở Cảnh sát thủ đô nói với CNA: “Tại thời điểm này, vụ việc không được điều tra theo hướng một tội ác thù hận. Tuy nhiên, việc phân loại có thể thay đổi nếu cuộc điều tra của chúng tôi xác định được động cơ một cách rõ ràng.”
Bản sao báo cáo của cảnh sát do CNA nhận được ghi rằng bàn tay trong tư thế cầu nguyện, khuôn mặt và cây thánh giá trên vương miện của bức tượng đã bị hư hại. Cảnh sát liệt kê hai tội danh: hủy hoại tài sản như một trọng tội và xâm nhập trái pháp luật. Theo báo cáo của cảnh sát, bức tượng có giá trị được khai báo là 250,000 Mỹ Kim.
Sở Cảnh sát thủ đô Hoa Thịnh Đốn yêu cầu bất kỳ ai có thể xác định được cá nhân này hoặc có kiến thức về vụ việc, hãy gọi cho cảnh sát theo số (202) 727-9099 hoặc nhắn tin cho đường dây cung cấp thông tin của họ theo số 50411.
Bức tượng, được làm từ đá cẩm thạch Carrara và trị giá 250,000 đô la, nằm trong Khu vườn Đi bộ Đọc Kinh Mân Côi của đền thánh Đức Mẹ Quốc Gia. Nhân viên an ninh đã phát hiện ra thiệt hại khi mở cửa đền thánh Đức Mẹ vào sáng thứ Hai, ngày 6 tháng Mười Hai.
“Chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan chức năng và mặc dù rất đau buồn trước sự việc này, chúng tôi cầu nguyện cho hung thủ qua lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria dưới danh hiệu là Đức Mẹ Fatima,” Đức ông Walter Rossi, Giám đốc đền thánh Quốc Gia cho biết như trên.
Source:Catholic News Agency
2. Cuộc họp của Đức Giáo Hoàng với người dân bản địa Canada bị hoãn lại
Theo dự trù, phái đoàn người bản xứ Canada sẽ đến thăm Vatican và có những cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 12. Tuy nhiên kế hoạch này đã bị hoãn lại do Covid-19.
Hội đồng Giám Mục Công Giáo Canada đã thông báo rằng do cuộc khủng hoảng Covid-19 ngày càng tồi tệ, một phái đoàn của các thổ dân, thường được gọi là First Nations được dự trù đến thăm Vatican vào tuần tới đã hoãn chuyến đi của họ.
Phái đoàn người bản địa dự kiến sẽ đến Vatican từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 12 để gặp Đức Thánh Cha Phanxicô và thảo luận về những thảm kịch đã xảy ra tại các trường nội trú dành cho người bản địa do Giáo hội điều hành ở đất nước này.
Chuyện gì đã xảy ra?
Các trường nội trú dành cho người bản địa là hệ thống trường do chính phủ tài trợ. Nhiều trường trong số đó do các tổ chức Kitô Giáo điều hành. Chúng được thành lập để hòa nhập trẻ em bản địa vào nền văn hóa Âu-Canada. Chúng hoạt động từ những năm 1880 đến những thập kỷ cuối của thế kỷ 20 và nhằm mục đích giáo dục và chuyển đổi thanh niên bản địa và hòa nhập họ vào xã hội Canada chính thống. Hệ thống này cưỡng bức tách trẻ em ra khỏi gia đình trong một thời gian dài và cấm chúng thừa nhận di sản và văn hóa bản địa của chúng hoặc nói ngôn ngữ của chúng. Các học sinh cũ kể về tình trạng lạm dụng rộng rãi và có hệ thống trong hệ thống.
Trong một tuyên bố được công bố trên trang web của các ngài, các Giám Mục viết rằng “sau khi đánh giá cẩn thận về sự không chắc chắn và rủi ro sức khỏe tiềm ẩn xung quanh việc đi lại quốc tế trong bối cảnh sự lan rộng gần đây của biến thể Omicron, các Giám Mục Canada, Hội đồng First Nations, Hội đồng quốc gia Métis và Inuit Tapiriit Kanatami đã cùng quyết định dời một phái đoàn đến Vatican vào tháng 12 năm 2021 sang cơ hội sớm nhất vào năm 2022”.
Các Giám Mục giải thích rằng quyết định này là “một sự đau lòng” nhưng nó được đưa ra sau khi “tham vấn kỹ lưỡng với các đại biểu, các thành viên trong gia đình, các nhà lãnh đạo cộng đồng, các quan chức y tế công cộng và lãnh đạo của mỗi trong ba Tổ chức Bản địa Quốc gia”. Họ giải thích rằng việc xem xét đặc biệt đã được đưa ra đối với hoàn cảnh của các đại biểu cao tuổi cũng như những người sống trong các cộng đồng xa xôi, những người mà “nguy cơ nhiễm trùng và tính chất lưu động của tình hình toàn cầu đang phát triển là mối đe dọa quá lớn vào thời điểm này”.
Tuyên bố viết tiếp rằng các Giám Mục cảm thấy “an ủi trước sự chấp thuận, được Tòa thánh truyền đạt cho chúng tôi, rằng vì sự an toàn của phái đoàn nên Tòa Thánh ủng hộ mọi quyết định hoãn lại”.
Hoãn chứ không bị hủy bỏ
Các Giám Mục nhấn mạnh rằng cuộc gặp gỡ của phái đoàn với Đức Giáo Hoàng tại Rôma đã bị “hoãn lại chứ không bị hủy bỏ”.
Khi có thêm thông tin về biến thể Omicron hiện tại, các Giám Mục nhấn mạnh rằng các ngài sẽ tiếp tục đánh giá tính khả thi của các kế hoạch du lịch trong tương lai, dựa trên hướng dẫn của chính phủ Canada và các cơ quan quốc tế có liên quan.
Kết thúc tuyên bố của mình, các Giám Mục bày tỏ “cam kết chung của các ngài để cùng nhau tiến tới việc chữa lành và hòa giải vẫn rất mạnh mẽ”. Cuối cùng, các ngài nói, “chúng tôi hiểu rằng Tòa thánh sẵn sàng sắp xếp lại chuyến thăm này vào năm mới và chúng tôi mong muốn có cơ hội cho Người cao tuổi bản địa, những người gìn giữ kiến thức, những người sống sót trong các trường nội trú dành cho người bản địa và thanh niên tham gia vào các cuộc họp riêng với Đức Thánh Cha Phanxicô”.
Source:Vatican News
3. Đức Hồng Y Tagle thánh hiến nhà thờ Đức Mẹ Arabia ở Bahrain
Hôm thứ Sáu 10 tháng 12, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã thánh hiến nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Ả Rập ở Bahrain, và mô tả đây là “dấu hiệu sống động cho thấy sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho đàn chiên của Ngài”.
Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cử hành một thánh lễ được truyền trực tiếp tại nhà thờ được thiết kế theo hòm bia Thiên Chúa, một ngày sau khi được khánh thành bởi Hamad bin Isa Al Khalifa, Quốc vương Bahrain, người đã ban mảnh đất để xây dựng nhà thờ như một món quà cho cộng đồng Công Giáo.
“Anh chị em thân mến của tôi, chúng ta hãy ca ngợi Chúa về món quà là Nhà thờ Đức Bà Ảrập. Đó là một dấu hiệu sống động cho thấy sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho đàn chiên của Ngài,” Đức Hồng Y nói.
“Đức Thánh Cha Phanxicô và cộng đồng Công Giáo ở Bahrain cảm ơn Quốc vương Hamad bin Isa bin Salman Al Khalifa vì đã duy trì truyền thống hoàng gia ủng hộ Giáo Hội Công Giáo và hiến tặng mảnh đất mà ngày nay là nhà thờ chính tòa.”
Nhà vua đã đích thân tặng Đức Giáo Hoàng một mô hình nhà thờ vào năm 2014.
Cuối tháng 11 vừa qua, Đặc phái viên của nhà vua, Sheikh Khalid bin Ahmed Al Khalifa, đã có buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 25 tháng 11. Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, đặc phái viên này đã thay mặt nhà vua mời Đức Giáo Hoàng đến thăm đất nước.
Việc thánh hiến là sự kết thúc của một cuộc hành trình bắt đầu vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, lễ Đức Mẹ Lộ Đức, khi quyết định xây dựng nhà thờ được thực hiện.
Đức Cha Camillo Ballin, vị Đại diện Tông Tòa lúc bấy giờ của miền Bắc Ả Rập, đã quyết định rằng nhà thờ phải được dành riêng cho Đức Mẹ Ả Rập.
Nhà thờ là một phần của khu phức hợp rộng khoảng 95,000 feet vuông, tức là 8825 m2 ở Awali, một đô thị ở trung tâm của đất nước, có dân số 1.7 triệu người và nằm ở phía đông của Ả Rập Saudi và phía tây của Qatar.
Trang web của nhà thờ chính tòa Bahrain cho biết ngay sau khi Đức Cha Camillo Ballin, Đại diện Tông Tòa của Bắc Ả Rập, nghe tin nhà vua đã ban đất cho một nhà thờ, “phản ứng ngay lập tức của ngài khi nghe tin mừng này là cảm ơn Đức Mẹ của chúng ta vì đã làm phép lạ, ngài quyết định rằng nhà thờ mới sẽ được dành riêng cho Đức Mẹ Ả Rập”.
Một tâm điểm của nhà thờ sẽ là một bức tượng nhiều màu của Đức Mẹ Ả Rập.
Danh hiệu Đức Mẹ Ả Rập, tiếng Anh là Our Lady of Arabia, được chấp thuận vào năm 1948. Một nhà nguyện nhỏ ở Ahmadi, Kuwait, đã được cung hiến để vinh danh Mẹ vào ngày 8 tháng 12 năm đó.
Năm 1957, Đức Piô XII ban hành sắc lệnh công bố Đức Mẹ Ả Rập là vị thánh bảo trợ chính của lãnh thổ và của Vị Đại diện Tông Tòa của Kuwait.
Năm 2011, Vatican đã chính thức tuyên bố Đức Mẹ Ả Rập là vị thánh bổn mạng của giáo phận Kuwait và Saudi.
Cuối năm đó, Tòa thánh tổ chức lại Hạt Đại diện Kuwait, đặt tên mới là Hạt Đại diện Tông Tòa Bắc Ả Rập, và bao gồm các lãnh thổ Qatar, Bahrain và Ả Rập Xê Út.
Tòa giám mục của Ballin đã chuyển từ Kuwait đến Bahrain, nơi có sự hiện diện của người Công Giáo đáng kể, ước tính chiếm khoảng 15% dân số.
Ước tính có khoảng 80,000 người Công Giáo ở Bahrain, nhiều người trong số họ là những người di cư từ Á Châu, đặc biệt là Phi Luật Tân và Ấn Độ.
Buổi lễ thánh hiến đã thiếu vắng một nhân vật đáng chú ý: đó là Đức Giám Mục Ballin. Ngài đã qua đời vào ngày 12 tháng 4 năm ngoái, 2020, ở tuổi 75, trước khi ngài có thể thấy ước mơ của mình về một nhà thờ dành riêng cho Đức Mẹ Ả Rập ở Bahrain.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014 với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vị giám mục Ý đã yêu cầu mọi người ủng hộ “cầu nguyện cho chúng tôi và đời sống tinh thần của chúng tôi và xin Đức Trinh Nữ Maria sẽ gửi các nhà hảo tâm đến tài trợ cho việc xây dựng nhà thờ”.
Đức Hồng Y Tagle, 64 tuổi đến từ Phi Luật Tân, đã bày tỏ lòng kính trọng đối với vị cố giám mục người Ý trong bài giảng của mình, cũng như Đức cha Paul Hinder, Đại diện Tông tòa Nam Arập, là người hiện diện trong thánh lễ.
Đức Hồng Y Tagle nói: “Chúng ta ghi nhớ với lòng biết ơn cố Giám mục Camillo Ballin, người đã khởi xướng dự án này, nay đã được Đức Cha Paul Hinder kết thúc thành công, người mà chúng tôi cũng rất biết ơn.”
“Chúng tôi ghi nhận công sức của nhóm dự án, các kiến trúc sư, nhà xây dựng, nghệ sĩ và nhiều nhà hảo tâm. Xin Chúa chúc lành và ban thưởng cho anh chị em gấp trăm lần. Việc cung hiến nhà thờ biểu thị rằng tòa nhà này giờ đây được dành cho các hoạt động thiêng liêng, cho sự vinh hiển của Thiên Chúa và sự thánh hóa dân Thiên Chúa”
“Vì lý do này, nhà thờ thường được gọi là‘ Nhà của Thiên Chúa ’và do đó, là ngôi nhà của gia đình Thiên Chúa. Ngôi nhà của Chúa và ngôi nhà của gia đình Chúa... Hỡi gia đình của Chúa, xin hãy thường xuyên đến nhà thờ này để gặp gỡ và trò chuyện, hàn huyên với Cha nhân từ của chúng ta. Hãy về nhà thường xuyên”.
Kết thúc bài giảng của mình, Đức Hồng Y Tagle nói: “Với việc cung hiến nhà thờ, chúng ta cũng hiến dâng mỗi người trong anh chị em, gia đình và cộng đồng, cho cuộc sống và sự phục vụ của Chúa Giêsu Kitô.”
“Xin Mẹ diễm phúc của chúng ta, Đức Maria, Đức Mẹ Ả Rập, là môn đệ mẫu mực của Con Mẹ, Chúa Giêsu, gìn giữ tâm hồn chúng ta trong Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Cầu mong những viên đá sống động của cộng đồng Công Giáo góp phần vào việc tăng cường tình đoàn kết, thống nhất và tình huynh đệ ở Bahrain”.
Source:Catholic News Agency