1. Tại sao Vương Cung Thánh Đường Sagrada Familia của Barcelona mất hơn 100 năm để xây dựng?

Cuối tuần này, một ngôi sao khổng lồ nặng 5 tấn, gọi là “Ngôi Sao Bêlem” sẽ được treo trên đỉnh Tháp Đức Mẹ Đồng trinh Maria. Tháp này đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Công trình xây dựng kiệt tác tôn giáo này đã được tiến hành từ năm 1882.

Ngôi Sao Bêlem là bổ sung mới nhất cho ngôi thánh đường “xây dựng lâu nhất thế giới” trong thời hiện đại.

Nhưng điều gì đã khiến việc xây dựng Sagrada Familia mất một thời gian lâu như vậy?

Những người có trách nhiệm nói rằng Rôma không được xây dựng trong một ngày, và La Sagrada Familia của Barcelona cũng vậy.

Đây là dòng thời gian của tất cả các cuộc chiến tranh, xung đột và chết chóc đã khiến tiến trình xây dựng ngôi thánh đường bị khựng lại.

Năm 1874: Chiến dịch cho một ngôi thánh đường mới ở Tây Ban Nha bắt đầu

Người bán sách Josep Maria Bocabella trở về sau chuyến đi đến Vatican vào năm 1872 cảm thấy rất phấn khích với các tác phẩm nghệ thuật Công Giáo vĩ đại thống trị đường chân trời của thành phố Rôma.

Ông đã dành tám năm để vận động và gây quỹ cho Barcelona để xây dựng một nhà thờ hoàn toàn mới.

Sử dụng mối quan hệ của mình với tư cách là người sáng lập một trong những Hiệp hội Tâm linh của thành phố, Bocabella đã mời kiến trúc sư Francisco de Paula del Villar đưa ra một thiết kế lấy cảm hứng từ các nhà thờ tân gothic trên khắp Âu Châu.

Đất đã được mua tại quận Eixample của Barcelona với giá tương đương với ngày nay là 1,034 Euros.

Mối quan hệ hợp tác của họ kéo dài chưa đầy một thập kỷ trong tuổi thọ gian nan của tòa nhà sau khi một số mâu thuẫn nảy sinh về thiết kế phức tạp của Sagrada Família.

Bocabella hình dung ngôi thánh đường là cao nhất Âu Châu, theo hình dáng của Đền Thờ Thánh Phêrô. Nhưng tầm nhìn của người kiến trúc sư ban đầu này là một tòa nhà thấp hơn rất nhiều. Bocabella càng ngày càng bất mãn, quay sang tìm kiếm một người có ước mơ lớn như mình. Rõ ràng là dự án cần một người có thể đối phó với các nhu cầu kỹ thuật và chi phí khổng lồ của nó.

1882-1884: Đất được xây dựng và đặt nền móng, sự ra đời của Antoni Gaudí

Kiến trúc sư Antoni Gaudí đã vào cuộc với tham vọng không thể kiềm chế là khiến dự án có một hình dạng hoàn toàn khác vào năm 1883, một năm sau khi viên đá góc của nó được đặt bởi Đức Cha Urquinaona.

Với tư cách là Kiến trúc sư trưởng, ông đã hình dung lại vương cung thánh đường với hình thức rộng lớn, chịu ảnh hưởng của thiên nhiên, với đầy đủ các đường cong lấy cảm hứng từ trường phái Tân nghệ thuật và 12 tòa tháp – mỗi tháp đại diện cho một vị tông đồ.

Những thiết kế phức tạp của ông khi thành hiện thực sẽ trở thành trung tâm Công Giáo Sagrada cao nhất Âu Châu.

Gaudí ngay từ đầu đã biết rằng đây sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng - ông đã nói rằng các công trình xây dựng sẽ không thể hoàn thành trong cuộc đời của ông.

Phần lớn công việc của ông được dành để phát triển các mô hình 3D chi tiết sâu sắc thay vì các bản phác thảo truyền thống để bảo đảm rằng bất kỳ ai được chuyển giao dự án sẽ biết chính xác nó trông như thế nào.

Khi được hỏi liệu điều này có làm chậm lại tiến trình xây dựng ngôi thánh đường không, ông trả lời: “Khách hàng của tôi, là Chúa, không vội.”

Ban đầu kiến trúc sư Gaudí không làm việc toàn thời cho Sagrada, vì ông còn bận bịu với các khách hàng khác cho đến năm 1914, khi ông đặt mọi thứ khác sang một bên để toàn tâm làm việc cho ngôi thánh đường này. Ông thậm chí đã rời bỏ ngôi nhà của mình ở Park Guell để chuyển đến địa điểm xây dựng. Ngôi nhà ông ở Park Guell bây giờ là bảo tàng viện mang tên ông.

1926: Gaudí chết trong một tai nạn thảm khốc

Sau khi cống hiến hết mình cho Sagrada trong 43 năm, Antoni Gaudí đã bị xe điện đâm khi đang đi bộ, như ông vẫn làm hàng ngày.

Vẻ bề ngoài xuềnh xoàng của người đàn ông 73 tuổi khiến người ta tin rằng ông là một người ăn xin, hơn là kiến trúc sư nổi tiếng nhất Tây Ban Nha. Vệ sinh và dinh dưỡng đã bị bỏ qua trong khi theo đuổi dự án đam mê của ông.

Một đám tang có sự tham dự của hàng ngàn người đưa tang, kết thúc tại nhà thờ chưa hoàn chỉnh, nhưng to lớn.

Gaudí chỉ sống để xem một trong những tháp chuông mang tính biểu tượng của không gian thánh được hoàn thành vào năm trước.

Vương cung thánh đường đã dừng ở mức hoàn thành từ 15 đến 25% vào năm nó mất đi người sáng tạo.

Cái chết bất ngờ của ông đã làm trật bánh hoàn toàn mọi tiến bộ trong hơn một thập kỷ.

1936: Nhân viên bị giết, các mô hình bị phá hủy trong Nội chiến Tây Ban Nha

Một thời kỳ bất ổn dân sự chứng kiến những kẻ vô chính phủ đột nhập vào văn phòng cũ của Gaudí.

Các mô hình bị phá hủy, các kế hoạch bị đốt cháy, và hầm mộ của nhà thờ bị phá hủy trong quá trình này.

Sự tàn phá nặng nề hơn diễn ra sau đó khi 12 người tham gia vào việc duy trì sự sáng tạo này đã thiệt mạng trong chiến tranh.

Quá trình xây dựng bị dừng lại khi các thành viên còn lại của đội La Sagrada Familia cố gắng ghép những mảnh có thể thu hồi lại với nhau.

Mặc dù bên ngoài của nó vẫn còn nguyên sơ, nhưng không có tiến bộ thực sự nào được thực hiện cho đến khi chiến tranh kết thúc vào năm 1939.

Năm 1938: George Orwell chê bai thiết kế

Tiểu thuyết gia người Anh có ảnh hưởng George Orwell đã đến thăm địa điểm này vào một trong những giai đoạn đình trệ lớn nhất của nó.

Ông mô tả nhà thờ là “một trong những tòa nhà gớm ghiếc nhất trên thế giới.”

“Không giống như hầu hết các nhà thờ ở Barcelona, nó không bị hư hại trong cuộc cách mạng - nó đã được tha thứ vì ‘giá trị nghệ thuật’ của nó, người ta nói. Tôi nghĩ những người theo chủ nghĩa vô chính phủ đã thể hiện sự kém cỏi trong việc không thổi bay nó khi họ có cơ hội”.

1939-1986: Cánh cửa xoay trở của các kiến trúc sư và các vấn đề kinh phí

Công việc lại được tái tục dưới chế độ độc tài của tướng Francisco Franco.

Franco tỏ ra không mấy quan tâm đến La Sagrada, nhưng ông cũng không cản trở nó. Gaudí đã khẳng định rằng ngôi thánh đường được tài trợ bởi những người trong cộng đồng Công Giáo Tây Ban Nha.

Bốn kiến trúc sư khác nhau chịu trách nhiệm vào thời điểm này: Francesc de Paula Quintana năm 1939, Isidre Puig i Boada và Lluís Bonet i Garí năm 1966, Francesc Cardoner i Blanch năm 1983 và Jordi Bonet i Armengol năm 1985.

Không hạng mục đáng kể nào đạt được cho đến năm 1976, khi các tháp chuông đi kèm với mặt tiền mô tả cuộc thương khó Chúa Kitô của Gaudí được hoàn thành, mang lại cho người Tây Ban Nha cảm giác thực sự về những gì có thể trở thành tác phẩm kiến trúc cuối cùng.

2007: Chính phủ Tây Ban Nha đề xuất đường hầm xe lửa gây tranh cãi bên dưới tòa nhà

Sau khi những đóng góp của Gaudí cho Giáo Hội được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2005, mọi thứ đang được khởi động cho đội ngũ 200 người hùng hậu phía sau La Sagrada.

Ngay vào thời điểm đó chính phủ của José Luis Rodríguez Zapatero thuộc đảng Công Nhân Xã Hội, là đảng đang cầm quyền hiện nay, đưa ra các đề xuất xây dựng một mạng lưới đường sắt tốc độ cao chạy bên dưới những nền móng có tuổi đời gần một thế kỷ.

Câu hỏi được đặt ra là điều này có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn cấu trúc của tòa nhà như thế nào. Với rất nhiều điều phải làm, đó là điều cuối cùng các kiến trúc sư và kỹ sư cần biết.

Việc xây dựng tái tục vào năm 2010 sau khi các quan chức chính phủ khẳng định các đường hầm dưới lòng đất sẽ không cản trở bất kỳ công việc nào đang diễn ra.

Các cử hành bắt đầu hoạt động vào năm 2013, kéo theo một cuộc chiến kéo dài 6 năm để khiến mọi chuyện phải dừng lại một cách vô nghĩa.

2010: Được Đức Bênêđíctô XVI thánh hiến

Đức Bênêđíctô XVI đã viếng thăm La Sagrada vào năm 2010 để thánh hiến nơi này làm vương cung thánh đường chính thức.

6,500 người theo dõi thánh lễ từ bên trong và hơn 50,000 người tập trung trên các đường phố để hiệp thông với hàng trăm giám mục và linh mục.

Chỉ 15 năm trước, phần bên trong của nhà thờ không có mái che, vì nó nằm giữa hai mặt tiền với tám tháp chuông, một bên trông giống như lâu đài cát, bên kia là một tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ hội họa lập thể.

Một đàn đại phong cầm đã được lắp đặt và gian giữa chính được che phủ để cho phép các cử hành tôn giáo được diễn ra.

Giống như tất cả những thứ khác ở La Sagrada, các cử hành hàng tuần chính thức đã không được thực hiện trong bảy năm sau đó.

Bây giờ, ngôi thánh đường mở cửa cho du khách vào Chúa Nhật hàng tuần lúc 9 giờ sáng.

Năm 2019: Ngày hoàn thành được ấn định vào năm 2026 sau khi các giấy phép mới được phê duyệt

La Sagrada Familia hiện đã quá cũ nên các bộ phận cũ được hoàn thành vào đầu thế kỷ 20 đã phải được tân trang lại.

Ở giai đoạn này, chính phủ Pedro Sánchez của đảng Công Nhân Xã Hội Tây Ban Nha quyết định moi thêm tiền của các tín hữu Công Giáo trong một cuộc chiến khủng bố trường kỳ.

Những lời đe dọa được đưa ra là nếu dự án không được cấp phép, công việc xây dựng sẽ không thể diễn ra được nữa.

UNESCO đã có thể hỗ trợ các vấn đề trong năm 2017 bằng cách trả 37 triệu euro cho việc cấp giấy phép. Giấy phép bảy năm được cấp và năm hoàn thành được ấn định là 2026.

Nếu không có gì thay đổi, vương cung thánh đường sẽ được hoàn thành vào dịp kỷ niệm một trăm năm ngày mất của Gaudí. Mọi người thấy điều đó là tất nhiên, cho đến khi COVID-19 tấn công Âu Châu hai năm trước.

2021: Chúng ta đang ở đâu?

Mọi việc diễn ra suôn sẻ trong hai năm cho đến khi một đại dịch toàn cầu bùng phát trong xã hội như chúng ta đã biết.

Lần đầu tiên kể từ khi Nội chiến Tây Ban Nha, COVID đã tạm dừng việc xây dựng cấu trúc này.

Nhiều tháng không hoạt động trong năm ngoái có khả năng đã đẩy lùi thời hạn năm 2026 khi đội đứng sau việc hoàn thành nó cố gắng bù đắp những điểm đã mất.

Điều này cũng chứng tỏ một bi kịch đối với sự tài trợ cho La Sagrada. Cho đến năm 2026, Giáo Hội còn phải trả cho chính phủ 36 triệu euro.

20 triệu người đến thăm khu vực này mỗi năm để chiêm ngưỡng ngoại thất của nhà thờ và 4 triệu trong số đó phải mua vé với giá 26 € một vé để vào bên trong. Số tiền lớn đó đã mất trong suốt thời gian đại dịch coronavirus vẫn còn đang tiếp diễn.

Gaudí đã rất đúng. Ông sẽ không sống được đến ngày có thể nhìn dự án này hoàn tất.

Nhiều kiến trúc sư cũng không có may mắn như ông. Nhà thờ Thánh Basilô nổi tiếng của Nga mất 123 năm để hoàn thành, còn Đền Thờ Thánh Phêrô đã mất tới 150 năm. Tương truyền tượng đài Stonehenge trong thời cổ đại phải mất một thời gian khổng lồ là 1,600 năm.
Source:Euro News

2. Sinh viên tốt nghiệp người Ý bị đâm chết ở New York được nhớ đến vì các hoạt động hăng say cho Giáo Hội

Một sinh viên tốt nghiệp Đại học Columbia, người được báo cáo là rất tích cực trong công việc của Giáo Hội và các hoạt động bác ái ở quê hương Ý và ở New York, đã bị đâm chết vào tuần trước.

Davide Giri, 30 tuổi, đang sắp nhập học tiến sĩ khoa học máy tính tại Columbia, đã bị tấn công khi đang đi bộ qua Công viên Morningside, gần khuôn viên trường Columbia ở thành phố New York, vào cuối ngày thứ Năm. Anh đang trở về nhà sau khi luyện tập với đội bóng đá của mình, là đội NY International FC.

Giri đến Mỹ cách đây 8 năm để theo học Đại Học, được biết đến ở giáo xứ quê nhà vì công việc bác ái trong giáo xứ địa phương, tờ New York Post đưa tin.

Cesare Mercurio, một người bạn của anh, nói với tờ báo “Anh ấy có lẽ là người nhiệt thành nhất mà tôi từng gặp trong đời. Anh ấy có cách để khiến bạn quên đi những điều tồi tệ. Anh ấy thông minh và rất có triển vọng về mặt học thuật”.

Sinh ra ở Alba, Ý và lớn lên gần Turin, nơi cha mẹ anh vẫn sống, Giri “rất nổi tiếng ở Alba,” Thị trưởng Carlo Bo nói với Quotidiano Nazionale. “Gia đình anh ấy luôn tham gia vào các nhóm tình nguyện và các hoạt động của giáo xứ.”

Cựu Thị trưởng Alba, Maurizio Marello nói với tờ Post, “Tôi biết rõ về gia đình của David. Họ là một tấm gương cho tất cả chúng tôi và là một kiểu mẫu rất hiếm, họ là những người luôn tham gia các hoạt động vì cộng đồng “.

Theo tờ New York Post, hồ sơ LinkedIn của Giri cho biết anh ấy đã làm việc với tư cách là “người lãnh đạo và điều phối hoạt động” tại trại hè của một giáo xứ.

Vincent Pinkney, một thành viên băng đảng 25 tuổi, đã bị bắt vì vụ đâm chết người này và một vụ tấn công khác khiến một du khách 27 tuổi bị thương.

Cha mẹ, em gái và anh trai của mình vẫn còn sống.
Source:Aleteia

3. Tòa án tối cao Iran ra phán quyết rằng các nhà thờ tư gia không phải là 'kẻ thù' của nhà nước

Tòa án tối cao Iran vừa đưa ra phán quyết lịch sử, theo đó việc trở thành thành viên của một nhà thờ tư gia và tụ tập để cầu nguyện, đặc biệt là giữa những người theo đạo Tin lành, không khiến các tín hữu Kitô trở thành “kẻ thù của nhà nước”.

Phán quyết này được đưa ra sau khi chín người cải đạo sang Kitô Giáo đã bị kết án năm năm tù vì tham gia vào các buổi cầu nguyện tại gia.

Hiện tại, khoảng 20 Kitô Hữu đang bị giam giữ vì lý do an ninh quốc gia. Kể từ năm 2012, hơn một trăm người đã bị bỏ tù vì tội danh tương tự.

Các Kitô Hữu vừa được đề cập thuộc về một nhà thờ Tin lành ở Rasht, phía đông bắc của Tehran, trên biển Caspi. Họ đã bị bắt hai năm trước vì tội cải đạo và “hành động chống lại an ninh quốc gia”.

Cảnh sát ập vào nhà của họ và ngôi nhà được sử dụng làm nơi thờ tự, tịch thu nhiều đồ vật và tư trang.

Phán quyết của Tòa án Tối cao được đưa ra vào ngày 3 tháng 11 nhưng chỉ mới được đưa tin rộng rãi trong vài ngày qua.

“Việc chỉ đơn thuần là rao giảng Kitô Giáo thông qua các buổi họp mặt tại gia không phải là biểu hiện của sự tụ tập và cấu kết để phá vỡ an ninh của đất nước, dù bên trong hay bên ngoài”, Tòa án Tối cao cho biết như trên.

Phán quyết tiếp tục tuyên bố rằng việc hình thành các nhà thờ tư gia không vi phạm Điều 498 và 499 của Bộ luật Hình sự Hồi giáo, liên quan đến cái gọi là các nhóm chống nhà nước.

Đối với Open Doors, quyết định của tòa án là “quan trọng” vì hai điều luật trên thường được sử dụng để kết tội các tín hữu Kitô và nhốt họ trong các nhà tù chỉ vì họ chỉ tuyên xưng đức tin và tụ tập để cầu nguyện.

Quyết định này có thể trở thành một bước ngoặt và ảnh hưởng tích cực đến các trường hợp bắt bớ trong tương lai chống lại các tín hữu Kitô.

Phán quyết có thể mở đường cho việc trả tự do cho chín Kitô Hữu bị kết án trước đó, sau khi phiên tòa xét xử họ được xem xét lại dưới ánh sáng của phán quyết mới này.

Nó cũng có thể mang lại cho hàng nghìn người khác trên khắp Iran hy vọng thực hành tôn giáo của họ “mà không sợ bị bỏ tù.”

Bước cuối cùng để đảm bảo tự do tôn giáo là cung cấp “một nơi thờ tự cụ thể” phù hợp với hiến pháp của Iran.

Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu lạc quan này, nhiều người kêu gọi thận trọng, cảnh báo không nên quá tin vào một phán quyết duy nhất, dù cho là nó đến từ Tòa án Tối cao.

Các vụ án trong quá khứ có thể được đưa trở lại phòng xử án, nơi các thẩm phán sẽ phải xem xét lại các quyết định. Tuy nhiên, không phải tất cả họ sẽ tuân theo phán quyết của Tòa án Tối cao.

Hormoz Shariat, một mục sư Iran cho biết: “Chính phủ Iran có lịch sử không tuân theo các quy tắc của riêng mình.
Source:Asia News