Dù người Công Giáo ở Síp xưa nay vẫn là nhóm tôn giáo thiểu số so với đa số theo Chính thống, Đức Phanxicô đã kết thúc chuyến đi hết sức thành công ở đó, không một gợn sóng chia rẽ, dù nhỏ nhoi nhất, đã xuất hiện trong chuyến tông du này.
Bầu khí hơi khác khi ngài đặt chân lên đất Hy Lạp, dù có lần (năm 2016) ngài đã tới một trong các hòn đảo của đất nước này, đó là Đảo Lesbos, nơi đến đầu tiên của rất nhiều di dân trong nhiều năm qua.
Thực vậy, theo Hannah Brockhaus của CNA, ngày 4 tháng 12, khi Đức Phanxicô tới Tòa Tổng Giám Mục Chính Thống Hy Lạp tại Athens, một giáo sĩ Chính Thống phản đối, hô to “Hỡi Giáo Hoàng, ông là kẻ lạc giáo! Hỡi Giáo Hoàng, ông là kẻ lạc giáo!” trước khi bị cảnh sát lôi đi.
Tháng trước, một giám mục Chính thống Hy Lạp, Andreas of Konitsa, cũng đã lên tiếng phản đối chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô và gọi ngài là kẻ lạc giáo.
Hai biến cố ấy phản ảnh thái độ nghi ngại lâu đời của một số giới trong Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp đối với vị Giáo Hoàng. Chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong chuyến viếng thăm Hy Lạp năm 2001 cũng đã gặp một thái độ nghi kỵ tương tự. Theo Elise Ann Allen của Crux, trước khi Thánh Giáo Hoàng tới thăm Hy Lạp, nhiều cuộc biểu tình chống đối đã được tổ chức mà nổi nhất là các đan sĩ Chính Thống tại Núi Athos đã tổ chức cả một buổi canh thức cầu nguyện để phản đối chuyến viếng thăm này.
Biết thế và noi gương vị tiền nhiệm của mình, khi gặp vị đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, Đức Ieronymos II, Tổng Giám Mục Athens và Toàn Hy Lạp, việc đầu tiên của Đức Phanxicô là lên tiếng xin lỗi về cung cách người Công Giáo đã góp phần vào việc chia rẽ với các Kitô hữu Chính thống.
Ngài nói nguyên văn như sau: “Thưa Đức Thượng phụ, một cách đầy xấu hổ, tôi nhân danh Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận các hành động và quyết định vốn không ăn nhằm chi với Chúa Giêsu và Tin Mừng, nhưng thay vào đó đầy dấu ấn thèm khát ưu thế và quyền lực, làm suy yếu tình hiệp thông của chúng ta một cách trầm trọng”.
“Bằng cách đó, chúng tôi đã để cho tính sinh hoa trái bị xâm phạm bởi chia rẽ. Lịch sử đè nặng lên chúng tôi và ở đây, tôi cảm thấy việc cần phải xin sự tha thứ của Thiên Chúa và của các anh chị em chúng tôi vì các lầm lỗi do nhiều người Công Giáo sa phạm”.
Nói thế rồi, Đức Phanxicô nhấn mạnh, bất chấp sự chia rẽ sâu xa đó, “chúng ta được an ủi khi biết chắc rằng gốc rễ của chúng ta là tông truyền và, bất chấp các thăng trầm vẹo vọ của thời gian, điều Tin Mừng đã trồng tỉa nay vẫn đang lớn mạnh và sinh hoa trái trong cùng một Chúa Thánh Thần”.
Ngài nói thêm, “Ơn sủng là biết thừa nhận thành quả tốt đẹp của nhau và cùng nhau cảm tạ Chúa vì ơn sủng này”.
Đức Phanxicô suy gẫm về những cây ôliu mọc cả ở Ý lẫn Hy Lạp và nhận định rằng chúng “hợp nhất chúng ta” và nhắc ngài nhớ đến gốc rễ chung của người Công Giáo và người Chính thống là cơ sở tông truyền, trước việc chia rẽ do cuộc Đại Ly Giáo năm 1054 gây ra.
Ngài nói “Nằm sâu dưới đất, dấu kín, thường bị làm ngơ, những rễ cây này tuy thế vẫn ở đó và chúng nâng đỡ mọi sự. Thánh Phaolô nói về chúng khi nhấn mạnh tới việc ‘được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ’” (Ep. 2:20).
Bất hạnh thay, sau mấy thế kỷ đầu tiên mang hoa trái tốt tươi, nhất là trong nền văn hóa Hy Lạp, “các quan tâm thế gian đã đầu độc chúng ta, cỏ dại ngờ vực đã gia tăng khoảng cách của chúng ta và chúng ta đã ngưng không nuôi dưỡng hiệp thông nữa”. Đức Phanxicô nhấn mạnh như thế và trích dẫn lời Thánh Basil nói rằng “các môn đệ đích thực của Chúa Kitô ‘chỉ nên mô phỏng những điều họ thấy ở nơi Người’”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nài xin Chúa Thánh Thần ban ơn hiệp thông, khôn ngoan và an ủi. Ngài nói “Tôi cầu xin Chúa Thánh Thần tình yêu vượt thắng mọi hình thức đề kháng và biến chúng ta thành những người xây đắp tình hiệp thông”.
Trích bài giảng của Thánh Grêgôriô thành Nyssa về sách Diễm Ca, Đức Phanxicô nói thêm rằng “Quả thế, ‘nếu tình yêu làm ta hết sợ hãi và sợ hãi biến thành tình yêu, thì chúng ta sẽ thấy điều cứu chúng ta là sự hợp nhất’”.
Ngài đặt câu hỏi, “Mặt khác, làm sao ta có thể chứng minh với thế giới tính hòa hợp của Tin Mừng, nếu các Kitô hữu chúng ta vẫn cứ phân rẽ? Làm sao chúng ta có thể công bố tình yêu của Chúa Kitô Đấng vốn tụ tập mọi quốc gia, nếu chính chúng ta cứ chia rẽ nhau?”
Công Giáo thiểu số Hy Lạp bị phân biệt đối xử
Theo Elise Ann Allen của Crux, các Giáo Hội thiểu số ở Hy Lạp như Công Giáo không được hưởng các miễn trừ và phải chịu thuế trên mọi tặng dữ và tiền quyên Chúa Nhật, cũng như lương bổng của giáo sĩ. Giáo Hội Công Giáo rất khó nhận được tài trợ công và hàng giáo sĩ Công Giáo trong quá khứ bị từ chối việc chăm sóc sức khỏe trong khi các cơ cấu Giáo Hội khó khăn lắm mới được tiến hành các việc bảo trì căn bản.
Nhiều dự án bác ái của Công Giáo buộc phải đóng cửa sau khi tăng thuế tới 48 phần trăm vào năm 2013 và mặc dầu tình huống đã được cải thiện đôi chút, các vấn đề nằm ở bên dưới vẫn còn lâu mới được giải quyết.
Giữa người Công Giáo và Chính Thống vốn có căng thẳng từ cuộc Đại Ly Giáo năm 1054, dù các liên hệ hiện nay giữa hai khối người này nói chung tốt đẹp, nhiều người Chính Thống vẫn đổ lỗi cho Vatican đã gây ra những việc làm xấu xa chống lại cộng đồng họ, từ việc cướp phá Constantinople năm 1204 (thời Thập tự quân) tới vụ ném bom Serbia năm 1999.
Dưới thời Stalin, người Công Giáo bị coi là thành phần của Giáo Hội Chính Thống. Khi chế độ cộng sản tan rã, Giáo Hội Công Giáo đòi lại các tài sản từng bị nhà nước trưng dụng và bắt đầu tổ chức các nghi lễ riêng của mình, nhiều người Chính Thống coi việc này như phản bội và là chủ nghĩa cải đạo của Công Giáo.
Chính vì vậy, Đức Phanxicô nài nỉ xin người Công Giáo và Chính thống thi hành các hành vi bác ái chung hướng về những người đang đau khổ, nhất là những người chịu tác dụng nhiều nhất bởi nghèo khó và cuộc khủng hoảng kinh tế của Hy Lạp và cầu nguyện cho nhau.
Ngài nói, "chúng ta cần cầu nguyện cho nhau để đem lại sự an ủi của Thiên Chúa cho thế giới và hàn gắn các liên hệ bị thương tích của chúng ta”, một việc cầu nguyện “sẽ giúp chúng ta không bị tê liệt bởi các trải nghiệm và thiên kiến tiêu cực của quá khứ, nhưng thay vào đó biết nhìn thực tại bằng đôi mắt mới”.
“Bằng cách trên, các thử thách quá khứ sẽ nhường chỗ cho các an ủi hiện nay, và chúng ta sẽ được an ủi bằng kho tàng ơn thánh mà chúng ta sẽ tái khám phá nơi anh chị em của chúng ta”.
Sau khi gặp Đức Hieronymos, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Nhà thờ Chính tòa Công Giáo Thánh Dionysius ở Athens, để gặp gỡ các đại diện của Giáo Hội Công Giáo, gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ, người thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên.
Nhấn mạnh tới sự kiện người Công Giáo ở Hy Lạp là nhóm thiểu số, ngài so sánh với thánh Phaolô, người, theo ngài, “cô đơn, thiểu số, không được chào đón và rất ít cơ may thành công” khi lần đầu tiên tới Athens, “nhưng không để mình bị trấn áp bởi thất vọng”.
Thay vào đó, Thánh Phaolô nhất định không thoái lui hay ta thán. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng đó “là thái độ của một tông đồ đích thực: tiến về phía trước một cách tin tưởng, thích sự bất trắc của các tình huống bất ngờ hơn là tự mãn theo thói quen. Thánh Phaolô có sự can đảm đó”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi người Công Giáo Hy Lạp phấn đấu đạt được niềm tín thác giống như Thánh Phaolô, “vì làm một Giáo hội nhỏ bé khiến chúng ta trở thành một dấu chỉ hùng hồn của Tin Mừng, của Thiên Chúa được Chúa Giêsu công bố, Đấng chọn người nghèo và kẻ hèn mọn, Đấng thay đổi lịch sử bằng các hành động đơn giản của những người bình thường”.
Ngài nói, Giáo hội không nên phấn đấu dành những con số trong tinh thần chinh phục, điều mà ngài nói là nguy hiểm và “có thể cám dỗ chúng ta đến chủ nghĩa háo thắng. Chúng ta được yêu cầu lấy cảm hứng từ hạt cải, loại hạt có vẻ không đáng kể, nhưng phát triển chậm và lặng lẽ”.
Ngài nói, “Hãy coi sự nhỏ bé của anh chị em như một phước lành và sẵn lòng chấp nhận nó”. Ngài bảo điều này “làm anh chị em có thiên hứơng tín thác vào Thiên Chúa và chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi”.
Ngài nói thêm: “Làm thiểu số - và đừng quên rằng Giáo hội trên toàn thế giới là một thiểu số - không có nghĩa là tầm thường, mà là gần hơn với con đường được Chúa yêu thương, đó là con đường của sự nhỏ bé”.
Đức Phanxicô cũng nói với các giám mục và tu sĩ ở Hy Lạp rằng có được thái độ chấp nhận là điều chủ chốt đối với công việc truyền giảng tin mừng của họ.
Ngài nói, thái độ chấp nhận “không cố gắng chiếm không gian và sự sống của người khác,” nhưng cố gắng gieo những hạt giống Tin Mừng vào đời sống họ và có thể nhận ra những hạt giống mà Thiên Chúa đã gieo trồng.
Theo Đức Giáo Hoàng, Thánh Phaolô tôn trọng người nghe của ngài và “hoan nghênh tinh thần đạo của họ… Ngài không áp đặt; ngài đề nghị. Phong cách của ngài không dựa trên việc tuyên truyền cải đạo, mà dựa trên sự hiền lành của Chúa Giêsu".
Ngài nói: “Ngày nay, chúng ta cũng được yêu cầu trau dồi thái độ chào đón, phong cách hiếu khách, trái tim mong muốn tạo ra sự hiệp thông giữa những khác biệt nhân bản, văn hóa và tôn giáo”. Ngài nhấn mạnh rằng thách thức là “phát triển niềm đam mê đối với toàn thể, một điều sẽ dẫn chúng ta - người Công Giáo, người Chính thống, anh chị em theo các tuyên tín khác - lắng nghe nhau, cùng nhau ước mơ và làm việc, vun đắp nền huyền nhiệm huynh đệ".
Ngài nói, các vết thương trong quá khứ vẫn còn hiện diện và nẻo đường đối thoại, một nẻo đường có thể hàn gắn các vết thương này, là một diễn trình chậm chạp, nhưng khuyến khích người Công Giáo “can đảm đón nhận thử thách ngày nay”.
Nhận định rằng phần lớn những người nghe Thánh Phaolô giảng đã bỏ đi, chỉ còn một số nhỏ ở lại để theo ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng “Thiên Chúa vẫn dệt các sợi chỉ lịch sử, từ những ngày đó cho tới tận ngày nay của chúng ta”.
Ngài bảo, “Mong muốn nhiệt thành của tôi là anh chị em tiếp tục công việc trong phòng thí nghiệm đức tin lịch sử của anh chị em và làm điều đó với sự giúp đỡ của hai thành tố này, tin tưởng tín thác và chấp nhận, để thưởng thức Tin Mừng như một trải nghiệm niềm vui và tình huynh đệ”.