1. Phép lạ nhãn tiền: Quốc vương Hồi Giáo tặng đất xây nhà thờ kính Đức Mẹ ở Bahrain
Vào ngày 10 tháng 12 tới đây, một sự kiện Công Giáo đáng kinh ngạc và đáng vui mừng sẽ diễn ra tại Bahrain, một quốc đảo chủ yếu là người Hồi giáo trong vùng Vịnh Ba Tư.
Ở các nước gần như toàn tòng Hồi Giáo, họ để yên cho mình thờ phượng Chúa đã là cực kỳ may mắn lắm rồi. Chuyện tặng đất cho mình xây nhà thờ là chuyện nằm mơ cũng không thấy nổi. Tuy nhiên, điều đó đã xảy ra tại Bahrain.
Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, sẽ thánh hiến Nhà thờ Đức Mẹ Ả Rập, một cấu trúc có hình hòm bia giao ước, đủ chỗ ngồi cho 2,300 người.
ACI Stampa cho biết đây sẽ là sự kết thúc của cuộc hành trình bắt đầu vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, lễ Đức Mẹ Lộ Đức, khi quyết định xây dựng nhà thờ được đưa ra.
Đất là một món quà của Hamad bin Isa Al Khalifa, quốc vương Bahrain vào năm 2002. Quốc vương sẽ khánh thành nhà thờ vào 09 tháng 12, một ngày trước lễ thánh hiến.
Đặc phái viên của nhà vua, Sheikh Khalid bin Ahmed Al Khalifa, đã có buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 25 tháng 11. Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, đặc phái viên này đã thay mặt nhà vua mời Đức Giáo Hoàng đến thăm đất nước.
Nhà vua đã đích thân tặng Đức Giáo Hoàng một mô hình nhà thờ vào năm 2014.
Nhà thờ là một phần của khu phức hợp rộng khoảng 95,000 feet vuông, tức là 8825 m2 ở Awali, một đô thị ở trung tâm của đất nước, có dân số 1.7 triệu người và nằm ở phía đông của Ả Rập Saudi và phía tây của Qatar.
Trang web của nhà thờ chính tòa Bahrain cho biết ngay sau khi Đức Cha Camillo Ballin, Đại diện Tông Tòa của Bắc Ả Rập, nghe tin nhà vua đã ban đất cho một nhà thờ, “phản ứng ngay lập tức của ngài khi nghe tin mừng này là cảm ơn Đức Mẹ của chúng ta vì đã làm phép lạ, ngài quyết định rằng nhà thờ mới sẽ được dành riêng cho Đức Mẹ Ả Rập”.
Một tâm điểm của nhà thờ sẽ là một bức tượng nhiều màu của Đức Mẹ Ả Rập.
Danh hiệu Đức Mẹ Ả Rập, tiếng Anh là Our Lady of Arabia, được chấp thuận vào năm 1948. Một nhà nguyện nhỏ ở Ahmadi, Kuwait, đã được cung hiến để vinh danh Mẹ vào ngày 8 tháng 12 năm đó.
Năm 1957, Đức Piô XII ban hành sắc lệnh công bố Đức Mẹ Ả Rập là vị thánh bảo trợ chính của lãnh thổ và của Vị Đại diện Tông Tòa của Kuwait.
Năm 2011, Vatican đã chính thức tuyên bố Đức Mẹ Ả Rập là vị thánh bổn mạng của giáo phận Kuwait và Saudi.
Cuối năm đó, Tòa thánh tổ chức lại Hạt Đại diện Kuwait, đặt tên mới là Hạt Đại diện Tông Tòa Bắc Ả Rập, và bao gồm các lãnh thổ Qatar, Bahrain và Ả Rập Xê Út.
Tòa giám mục của Ballin đã chuyển từ Kuwait đến Bahrain, nơi có sự hiện diện của người Công Giáo đáng kể, ước tính chiếm khoảng 15% dân số.
Ước tính có khoảng 80,000 người Công Giáo ở Bahrain, nhiều người trong số họ là những người di cư từ Á Châu, đặc biệt là Phi Luật Tân và Ấn Độ.
Trong buổi thánh hiến, sẽ thiếu vắng một nhân vật đáng chú ý: Đức Giám Mục Ballin. Ngài đã qua đời vào ngày 12 tháng 4 năm ngoái, 2020, ở tuổi 75, trước khi ngài có thể thấy ước mơ của mình về một nhà thờ dành riêng cho Đức Mẹ Ả Rập ở Bahrain.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014 với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vị giám mục Ý đã yêu cầu mọi người ủng hộ “cầu nguyện cho chúng tôi và đời sống tinh thần của chúng tôi và xin Đức Trinh Nữ Maria sẽ gửi các nhà hảo tâm đến tài trợ cho việc xây dựng nhà thờ”.
Trang web của nhà thờ Bahrain bao gồm một lời cầu nguyện với Đức Mẹ Ả Rập trong thời gian chuẩn bị được thánh hiến:
Lạy Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc, Đức Mẹ Ả Rập và Bổn Mạng của chúng tôi! Chúng con dâng lên Mẹ những lời cầu nguyện của chúng con cho các nhu cầu của Giáo Hội ở đây và trên toàn thế giới.
Xin giúp chúng con luôn nên một với Con Mẹ là Chúa Giêsu và hiệp nhất với nhau, để chúng con có thể trở thành nhân chứng đích thực cho Chúa Giêsu Kitô trong cuộc sống hàng ngày của chúng con và xin tuôn đổ các phước lành bình an và hòa thuận của Chúa trong gia đình và cộng đồng của chúng con.
Tin cậy vào sự chuyển cầu của Đức Mẹ, chúng con cầu xin Mẹ đoái thương nghe những lời cầu nguyện khiêm nhường của chúng con và ban cho chúng con những ân sủng mà chúng con tìm kiếm để chúng con có thể làm sáng dang Chúa mãi mãi.
Đức Mẹ Ả Rập, xin cầu cho chúng con! Amen.
Source:Catholic News Agency
2. Diễn biến mới nhất trong phiên tòa về vụ bê bối tài chính ở Vatican
Hai doanh nhân ở trung tâm của vụ bê bối tài chính Vatican đã chứng kiến các thẩm phán Anh từ chối các nỗ lực pháp lý của họ nhằm chống lại các cáo buộc hình sự của Ý và Vatican.
Trước đây, các công tố viên của Vatican đã phải chịu một loạt thất bại và chỉ trích vì các cáo buộc đối với Gianluigi Torzi và Raffaele Mincione, cả hai đều cư trú tại Vương quốc Anh và đã nỗ lực dùng hệ thống tư pháp Anh để chống lại Vatican và Italia. Các phán quyết do hai tòa án khác nhau vừa đưa ra, dường như sẽ chấm dứt hy vọng sử dụng các tòa án Anh để chống lại các cáo buộc của Ý và Vatican mà họ đang phải đối mặt.
Raffaele Mincione là nhà quản lý đầu tư đã bán cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh một tòa nhà ở London vào năm 2018. Gianluigi Torzi là người môi giới đã hoàn tất việc mua tòa nhà cho Vatican. Cả hai đều đã yêu cầu các tòa án ở London can thiệp vào các khía cạnh trong các cáo buộc của chính phủ Ý và Tòa Thánh chống lại họ.
Mincione đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao của Anh và xứ Wales vào tháng 6 năm 2020 để tuyên bố giảm nhẹ trách nhiệm đối với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, yêu cầu các thẩm phán phán quyết rằng anh ta “hành động có thiện chí” trong các giao dịch của mình với Vatican.
Tòa thánh đã phải trả cho Mincione số tiền tổng cộng 350 triệu euro để mua tòa nhà ở số 60 Sloane Ave. Dự kiến Tòa Thánh sẽ bán lại với mức lỗ hơn 100 triệu.
Một thẩm phán đã ra phán quyết vào thứ Sáu rằng vụ kiện của doanh nhân chống lại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh của Vatican sẽ bị đình chỉ vô thời hạn vì các thủ tục pháp lý đang diễn ra ở Vatican. Điều này mở đường cho việc dẫn độ Mincione về Rôma theo yêu cầu của Ý và Vatican.
Về vấn đề Torzi, một thẩm phán đã bác bỏ lập luận vào ngày 24 tháng 11 cho rằng các bằng chứng do các công tố viên Vatican thu thập không đủ để Torzi bị dẫn độ sang Ý, nơi anh ta đang bị truy nã với cáo buộc tội phạm tài chính ở Ý liên quan đến vai trò trong vụ bê bối tài chính ở Vatican.
Source:Pillar Catholic
3. Các giám mục Puerto Rico bày tỏ tình đoàn kết với 'khát vọng tự do' của các giám mục Cuba
Hội đồng Giám mục Puerto Rico bày tỏ tình đoàn kết với những mong muốn của các giám mục Cuba “được lắng nghe, vì hòa bình, tự do, đối thoại chân thành và tự do ngôn luận để giải quyết các vấn đề lớn” mà quốc đảo này đang đương đầu.
“Từ Puerto Rico chúng tôi tham gia với hy vọng của các Giám Mục cho một Cuba trong hòa bình và tình huynh đệ, nhằm đạt được những thay đổi mong muốn cho một cuộc sống tươm tất hơn và hạnh phúc”, các giám mục Puerto Rico đã viết trong một tuyên bố được công bố hồi đầu tháng này.
Thông điệp của các giám mục Puerto Rico được công bố nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với các Giám Mục Cuba anh em của các ngài. Ba ngày trước khi diễn ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc Cuba vào ngày 15 tháng 11 vừa qua, các Giám Mục đã ủng hộ quyền của người dân được công khai bày tỏ “sự bất bình của họ trước sự suy thoái của tình hình kinh tế và xã hội” trên hòn đảo.
Trong thông điệp của các ngài vào ngày 12 tháng 11, các giám mục Cuba cũng chỉ ra rằng các giải pháp sẽ không thể đạt được với “sự áp đặt, cũng không phải bằng các phương thế đối đầu.”
Các giám mục Cuba van nài “rằng con đường của sự hiểu biết, hòa giải và hòa bình phải được mở ra để các kiến nghị khác nhau về hiện tại và tương lai số phận của Cuba được lắng nghe trong tư duy hợp lý, khoan dung, tình huynh đệ và hòa hợp; và một cuộc đối thoại hài hòa và văn minh được thành lập, ngõ hầu có thể tìm được giải pháp tốt nhất cho một Cuba đang gặp hoạn nạn lớn”.
Gần đây, các nhà hoạt động và các linh mục ở những nơi khác nhau ở Cuba đã lên án cuộc đàn áp, sách nhiễu, và việc thiết lập các đồn bót quân sự trong những con đường để ngăn chặn các cuộc tuần hành ôn hòa cho tự do ở Cuba.
Source:Catholic News Agency