Xu hướng Phụng vụ

Một lần nữa, bình minh mới của việc quan tâm tới phụng vụ trong Giáo hội quả là một phát triển hết sức đáng hoan nghênh. Nó đã vượt qua sức phản kháng thế tục, khôi phục những điều từng bị trấn áp từ những ngày đầu của Kitô giáo, và bắt đầu tạo ra những điều hiển nhiên mới mẻ mà đáng lẽ ra phải luôn như vậy. Và điều phát khởi từ việc cải tiến các cử hành phụng vụ, từ một biến cố xem ra cô lập trong Giáo hội, nay đang gây ảnh hưởng liên tục đến chiều kích rộng lớn hơn của cơ cấu Giáo hội và do đó, đối với việc Giáo hội tự hiểu biết một cách sống động về mình như Dân Thiên Chúa, Thân thể và Nàng Dâu của Chúa Kitô. Nói tóm lại, người ta đã đụng tới dây thần kinh trung ương, và do đó, toàn bộ cơ thể đang phản ứng nơi mọi chi thể của nó.



Ở đây, không phải hàng giáo sĩ mà là cộng đồng, là Ekklesia [Giáo Hội] đang tập hợp và tự tỏ mình ra, cử hành Tiệc Tưởng niệm, trong đó Chúa tự làm cho Người trở nên hiện diện bằng thân xác, và, theo nghĩa căn bản nhất, kết hợp bằng thể xác vào chính mình Người các chi thể đang tập hợp, những người vốn tự nuôi sống mình bằng thân thể của Người, tự biến họ thành Cơ thể của chính Người.

Giả sử điều trên được thực hiện một cách có trật tự như Thánh Phaolô mong muốn (1Cr 11–14); mặc dù ở đây vẫn chưa có bóng dáng của các nhà phụng vụ học chính thức) và điều chúng ta thấy được phát biểu một cách đẹp đẽ nhất với Thánh Inhaxiô thành Antiôkia (cộng đoàn tụ họp quanh vị Episkopos [giám mục] của nó), với việc phân bổ rộng rãi các chức vụ và vai trò, mà sự đa dạng tương ứng một phần với các đặc sủng của Giáo hội; giả sử Kinh Thánh được trình bầy cho người ta bằng một ngôn ngữ họ có thể hiểu và được giải thích cho họ trong một bài giảng, và bài giảng này do đó là một lời trình bầy trung thực chứ không chỉ là bất cứ loại “nói chuyện” hay “giảng thuyết long trọng” [sermon] nào về bất cứ chủ đề nào xuất hiện trong đầu; xa hơn nữa, giả sử không gian phụng vụ, ngay khi nó nhất thiết phải vượt quá các giới hạn của một phòng riêng, thực sự tương ứng với các yêu cầu của một cuộc tập hợp cộng đồng xung quanh Bàn Tiệc của Chúa, về cách bố trí căn bản của nó, thứ tự chỗ ngồi, bàn thờ, gian cung thánh [chancel], giếng rửa tội, vật trang trí khác biệt và hữu ích, v.v...thì ngày nay, bằng cách tập trung chú ý trở lại vào những điều cốt yếu, ai lại không thấy tất cả những điều này đã tới sự thật khách quan, sự thật tự nó nói cho chính nó?

Tuy nhiên, không phải tất cả những điều trên đều đơn giản. Ta thấy rõ điều đó ngay từ bên ngoài, trong cách những người lớn tuổi hơn, những người không thể hoặc không muốn tuân theo luật mới của Thánh lễ, chống lại nó, và không những chỉ vì muốn bám lấy truyền thống, mà còn bởi vì họ tiếc nuối và thậm chí thấy rằng các giá trị thân yêu nhất đối với họ xem ra đang bị lên án, buộc phải bị quên lãng. Như thế, họ tiếc nuối điều gì? Chắc hẳn, họ tiếc nuối không gian yên tĩnh thiêng liêng mà chúng ta vốn dùng để che giấu Mầu nhiệm? Há đó không phải là điều khó lường nhất đang xảy ra ở đây hay sao? Há đó không phải là thời điểm, vượt quá mọi không gian và thời gian lịch sử, khi chính trung tâm của thời gian được làm cho hiện diện, khi Con Thiên Chúa, gánh chịu tội lỗi của thế giới, tội lỗi của chính tôi, và bị đánh bằng tia sét phán xét của Thiên Chúa, bước vào đêm vĩnh hằng đó sao? Trong biến cố này, vẫn chưa có “cộng đồng” nào; không có gì cả, ngoại trừ đủ thứ nguyên tử tội lỗi, mà tôi vốn cũng là một. Và làm thế nào cộng đồng tiếp theo đó, mà ánh sáng được thắp lên bởi tia sét của nhật thực tận thế, làm thế nào cộng đồng này có thể kỷ niệm giờ sinh của chính nó và đúng hơn, cử hành nó, trong đức tin và bí tích, như hiện diện ở đây mà không tan hòa vào việc tôn thờ sâu sắc nhất?

Nhưng tìm được ở đâu việc tôn thờ ấy, trong các buổi phụng vụ gần đây nhất của chúng ta? Vì tin rằng một là điều đó dư thừa hai là những người đi nhà thờ chưa đủ trưởng thành, nên trí tưởng tượng của các giáo sĩ đã được vận dụng để lấp đầy thời gian trống, cho tới giây phút cuối cùng, một cách vừa hữu dụng vừa giải trí. Bởi thế, mà không ngừng có những tiếng ồn ào ở hiện trường và ngoài hiện trường. Khi không đọc các lời nguyện hoặc Sách Thánh không được đọc lên và giải thích, thì phải có các bài hát và các đáp ca. Lễ quy thậm chí cũng thường được đọc to và diễn giải từ bục giảng bằng cách sử dụng micrô. Chúng ta nên nhớ rằng hiếm có ai trong số những người hiện diện có thời gian hoặc cơ hội trong tuần để hồi tâm sâu sắc hơn; trong Phụng vụ Chúa nhật, linh hồn họ cũng cần được phục hồi và hít thở; Thiên Chúa nói với họ trước hết trong im lặng; và, mặc dù Phụng vụ Lời Chúa thực sự lên khuôn Lời Chúa, như việc công bố và cầu nguyện, nhưng hành động giữ lấy nó, việc tự khẳng định mình trong im lặng, là điều không thể thiếu, kẻo mọi hạt giống sẽ rơi trên đá trơ trọi hoặc giữa những bụi gai.

Chắc chắn, một thánh lễ đẹp đẽ của giáo xứ cũng tạo được một loại cảm giác hài lòng nào đó. Linh mục hài lòng với cộng đoàn khi họ đã tham gia một cách có năng khiếu; cộng đoàn hài lòng với chính mình vì đã tổ chức một cử hành thiêng liêng tốt đẹp như vậy. Chính “Giáo Hội” cảm thấy hài lòng với chính mình; có thể nói là một sự tự khoan dung của cộng đồng đối với chính mình về phương diện thiêng liêng, một điều chúng ta từng chê trách các buổi lễ duy mộ đạo [pietistic] và tự do của Thệ Phản. Điều gì sẽ xảy ra nếu những phân tích tinh quái của Karl Barth, rốt cuộc, chính xác khi gộp Schleiermacher (*) và Đạo Công Giáo lại với nhau - như một Corpus Mysticum [Nhiệm Thể] tự tôn vinh mình? Hoặc, đúng hơn, những lời kỳ lạ của Arnold Gehlen, cũng nhắm cùng một điều:

“Theo ý kiến tôi, trong nhiều tâm hồn, Thiên Chúa đã trở thành quá nhân bản, và có một kiểu thế tục hóa tôn giáo mới, lần này, không phát xuất qua tính thế gian vật chất, nhưng qua tính luân lý. Do đó, con người trở thành cả chủ thể lẫn đối tượng của việc họ tự tôn vinh chính mình, nhưng một cách không biết gì tới Kitô giáo của tình yêu... Luân lý tính của người trí thức, được xếp đặt trong liên kết ý thức với thế giới, tự biểu lộ chính nó... dưới cả hai hình thức: hình thức thứ nhất, theo cách thức của Phong trào Ánh sáng, như là một đạo đức học liên đới thuộc đời này và được cho là tiến bộ, và hình thức thứ hai, trong việc tôn vinh chính nhân loại của tân Kitô giáo đã nói trên đây, nhân danh Thiên Chúa" (1).
____________________________________________________
(*) Một nhà thần học, triết học và học giả Kinh thánh người Đức thuộc phái Luthêrô

Kỳ sau: Xu hướng Đại kết