1. Ba Vệ binh Thụy Sĩ xin về quê vì từ chối chích vắc xin COVID
Mặc dù đã tuyên thệ cống hiến mạng sống của mình để bảo vệ Đức Giáo Hoàng, ba thành viên của Đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ huyền thoại của Vatican đã từ bỏ lực lượng nhỏ về quê vì từ chối tuân thủ mệnh lệnh gần đây là phải có chứng chỉ tiêm chủng COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm COVID âm tính trong vòng 48 giờ qua để làm việc tại Quốc gia Thành phố Vatican.
Ba người lính, những người vừa mới tham gia đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ vào tháng 5 năm ngoái, đã chọn về quê thay vì nhận vắc-xin. Vắc-xin dễ dàng có sẵn trên khắp nước Ý và được Vatican cung cấp miễn phí cho tất cả nhân viên của mình vào đầu năm nay.
Quyết định của họ đã được xác nhận bởi người phát ngôn của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, Urs Breitenmoser, với tờ báo Tribune de Geneve.
Theo nhật báo Il Messionaryro của Rôma, ba Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ khác đã bị đình chỉ không lương cho đến khi họ hoàn thành việc tiêm chủng, có lẽ là với vắc xin Pfizer mà Tòa thánh đã cung cấp cho tất cả các nhân viên của mình và cần ít nhất 20 ngày giữa các đợt tiêm chủng.
Người phát ngôn của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ cho biết: “Đó là một biện pháp phù hợp với các binh đoàn khác trên thế giới.
Kể từ ngày 1 tháng 10, Thẻ xanh, hay chứng chỉ tiêm chủng, là bắt buộc đối với tất cả nhân viên Vatican. Nó có thể nhận được sau khi hoàn thành việc tiêm chủng, hay sau khi phục hồi từ COVID-19, hay xét nghiệm thường xuyên. Những người chọn phương pháp xét nghiệm thường xuyên phải trả cho khoảng $25, từ tiền túi của mình, cứ mỗi 48 giờ.
Trong trường hợp cụ thể của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, những người luôn ở gần cả Đức Giáo Hoàng và những vị khách quan trọng của ngài, xét nghiệm âm tính được coi là không đủ, vì các xét nghiệm có thể âm tính trong thời gian ủ bệnh của coronavirus.
Kể từ ngày 1 tháng 10, Vatican đã đình chỉ lương của những nhân viên nghỉ việc vì họ không có giấy chứng nhận sức khỏe COVID-19. Điều đó khiến Vatican trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đình chỉ trả lương cho những nhân viên từ chối tiêm phòng.
Ngoại lệ duy nhất đối với Green Pass để vào các sự kiện của Vatican là các nghi thức phụng vụ và thánh lễ được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô và giáo xứ Santa Anna. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô cũng không yêu cầu phải có thẻ xanh, vì nó diễn ra ngoài trời, nhưng chưa rõ phải có Thẻ Xanh hay không để tham dự buổi triều yết của Đức Giáo Hoàng vào sáng thứ Tư hay không, khi các buổi tiếp kiến này tiếp tục được tổ chức tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục
Source:Crux
2. Đức Giáo Hoàng vướng vào cuộc tranh chấp liên quan đến di sản thuộc địa Tây Ban Nha
Tranh chấp về bản chất của di sản thuộc địa Tây Ban Nha đã gây ra một cuộc chiến lời qua tiếng lại giữa những người bảo thủ của quốc gia này và chính phủ Mễ Tây Cơ, đồng thời Vatican cũng vướng vào làn sóng tranh chấp.
Mễ Tây Cơ đã tổ chức các lễ kỷ niệm gần đây để đánh dấu 200 năm độc lập khỏi Tây Ban Nha. Tuần trước, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi thư tới các giáo sĩ hàng đầu của Mễ Tây Cơ thừa nhận “những tội lỗi cá nhân và xã hội” mà Giáo Hội Công Giáo đã phạm phải trong quá trình truyền bá Phúc âm tại quốc gia này sau cuộc chinh phục của Tây Ban Nha.
Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô, người Á Căn Đình, đưa ra nhận xét như vậy về Mỹ châu Latinh. Tuy nhiên, những lời nói của ngài đã thu hút sự phản ứng gay gắt từ chủ tịch khu vực Madrid, Isabel Díaz Ayuso, là một người bảo thủ. Isabel nói rằng Tây Ban Nha đã đưa ngôn ngữ của mình, “Công Giáo và do đó, nền văn minh và tự do đến lục địa Mỹ Châu”.
Cuộc tranh luận càng trở nên gay gắt khi cựu thủ tướng Tây Ban Nha, José María Aznar, lên tiếng.
“Tôi sẵn sàng cảm thấy tự hào về cuộc chinh phục, và tôi sẽ không nói lời xin lỗi,” Aznar nói trong cuộc thảo luận bàn tròn trong đại hội toàn quốc của Đảng Bình dân bảo thủ, khi được hỏi về những lời của Đức Giáo Hoàng.
Ông cũng tấn công Andrés Manuel López Obrador, tổng thống cánh tả Mễ Tây Cơ, là người đã ủng hộ quyền của người bản địa. Aznar đã chế nhạo cái tên của tổng thống Mễ Tây Cơ. Ông cho rằng cái tên ấy chỉ ra nguồn gốc Tây Ban Nha rõ ràng của tổng thống Mễ Tây Cơ, chứ không phải người bản địa. Nhận xét này thu hút sự tán thưởng từ những người tham dự sự kiện ở Seville.
“Nếu một số điều nhất định không xảy ra, bạn López Obrador ơi, bạn sẽ không có ở đó, bạn thậm chí sẽ không có tên của mình, thậm chí bạn sẽ không được làm lễ rửa tội,” Aznar, người từng là thủ tướng từ năm 1996 đến 2004, nói nếu không có cuộc chinh phục. “Việc truyền bá phúc âm ở Mỹ sẽ không thể thực hiện được.”
Vào năm 2019, López Obrador đã yêu cầu Vua Felipe của Tây Ban Nha xin lỗi về những khía cạnh bạo lực trong di sản thuộc địa Tây Ban Nha, là điều mà nhà vua cho đến nay vẫn bác bỏ.
Ngày 12 tháng 10 hàng năm được chọn là ngày quốc khánh của Tây Ban Nha, để kỷ niệm sự xuất hiện của Christopher Columbus ở Mỹ Châu vào năm 1492.
Nhà văn cánh tả người Peru-Tây Ban Nha, Gabriela Wiener nói rằng việc tiếp tục sử dụng ngày này như một lễ hội kiểu Tây Ban Nha là không tốt.
“Nó giống như việc nhà nước Đức kỷ niệm ngày bắt đầu tiêu diệt người Do Thái như một ngày lễ quốc gia của mình,” cô viết.
Source:Irish Times