1. Hai cánh cửa mạ vàng trên cung thánh bị cướp. 47 năm sau trở lại ngôi thánh đường xưa

Hai cánh cửa trên cung thánh của một Nhà thờ Chính thống giáo trên đảo Cyprus, tiếng Việt thường gọi là đảo Síp, đã bị quân Thổ Nhĩ Kỳ cướp từ một nhà thờ ở phía bắc hòn đảo này vào năm 1974. Hai cánh cửa này được làm từ thế kỷ thứ 18 và được mạ vàng rất quý giá.

Trong tuần qua, Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos Đệ Nhị, là Tổng Giám Mục thủ đô Nicosia của đảo Cyprus đã vui mừng đón nhận lại hai cánh cửa này từ trường đại học nghệ thuật Nhật Bản Kanazawa.

Cộng hòa Síp, là một quốc đảo ở phía đông Biển Địa Trung Hải. Đây là hòn đảo lớn thứ ba và đông dân thứ ba ở Địa Trung Hải, và nằm ở phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ; phía tây của Syria; phía tây bắc giáp Lebanon, Israel và Dải Gaza; phía bắc của Ai Cập; và phía đông nam của Hy Lạp. Nicosia là thủ đô và thành phố lớn nhất của đất nước.

Hoạt động sớm nhất của con người được biết đến trên đảo là vào khoảng thiên niên kỷ thứ 10 trước Chúa Giáng Sinh. Là một vị trí chiến lược ở Đông Địa Trung Hải, quốc gia này đã bị một số cường quốc lớn chiếm đóng, bao gồm cả các đế chế của người Assyria, Ai Cập và Ba Tư.

Síp được đặt dưới sự quản lý của Vương quốc Anh dựa trên Công ước Síp năm 1878 và chính thức được Anh sáp nhập vào năm 1914. Sau khi được trả lại độc lập vào ngày 1 tháng 10, 1960, tương lai của hòn đảo này trở thành vấn đề bất đồng giữa hai cộng đồng dân tộc là người Síp gốc Hy Lạp, chiếm 77% dân số và người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 18% dân số. Vào ngày 15 tháng 7 năm 1974, một cuộc đảo chính nổ ra. Quân Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng cơ hội tấn công hòn đảo và hình thành một quốc gia độc lập gọi là Cộng hòa Síp Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng được nước nào công nhận ngoài Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc tấn công này, quân Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh cướp rất nhiều nhà thờ Chính Thống Giáo và Công Giáo trong vùng.

Hai cánh cửa này thuộc về nhà thờ Thánh Anastasias trong làng Peristeronopigi. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1775, nằm trên đỉnh một hang động, nơi lưu giữ các ngôi mộ của các vị thánh.

Bộ trưởng Truyền thông Iannis Carusos của đảo Síp cho biết 20 năm trước trong một cuộc triển lãm tại Đại học Nghệ thuật Kanazawa, một người Hy Lạp đã nhận ra hai cánh cửa này. Không có thông tin nào được cung cấp về cách trường đại học mua lại chúng.

Trong cái mà Carousos gọi là “tàn sát văn hóa”, hàng trăm bức bích họa, tranh khảm và các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo khác đã bị cướp bóc từ các nhà thờ sau cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau các tranh cãi pháp lý trường đại học nghệ thuật Nhật Bản Kanazawa đã đồng ý trả lại cho Cộng Hòa Síp hai cánh cửa này.


Source:Texas News

2. Tiến sĩ George Weigel: Nền Ngoại Giao Của Vatican Tạo Được Sự Khác Biệt

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông đã có một bài nhận định sau đăng trên tờ First Things về chính sách ngoại giao của Tòa Thánh. Bài viết có nhan đề “Vatican Diplomacy Making a Difference”, nghĩa là “Nền Ngoại Giao Của Vatican Tạo Được Sự Khác Biệt”

Ngày 25 tháng 6 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, tổng trưởng Quan Hệ Với Các Dân Nước của Tòa thánh – nói nôm na là “bộ trưởng ngoại giao của Vatican” - đã nói trong một cuộc họp báo rằng ngài và các đồng nghiệp của mình không tin rằng việc Vatican lên tiếng công khai về cuộc đàn áp lớn đang được tiến hành ở Hương Cảng có thể tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào”. Tôi xin phép không đồng ý. Việc Vatican lên tiếng bênh vực các quyền cơ bản của con người như tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do báo chí ở Hương Cảng thực sự có thể tạo ra sự khác biệt. Hãy để tôi chỉ ra các phương cách.

Nó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn về mặt tinh thần và nâng cao dũng khí của những người Công Giáo Hương Cảng can đảm như Jimmy Lai, người bạn của tôi, hiện đang ngồi tù, và luật sư ủng hộ dân chủ cao quý, Martin Lee. Những người đàn ông này thực sự thắc mắc tại sao âm thanh của sự im lặng lại thịnh hành ở Rôma trong khi họ đang bị bắt bớ, truy tố và bỏ tù vì sống theo chân lý được Chúa, mà họ tin theo, dạy bảo; và cũng được dạy bởi Giáo hội mà họ yêu mến.

Nó sẽ tạo ra một sự khác biệt đáng kể đối với những người Công Giáo bất khuất ở cả Hương Cảng và Trung Quốc đại lục. Nhiều người trong số những người nam nữ dũng cảm này cảm thấy bị thẩm quyền trung ương của Giáo hội bỏ rơi, và họ tự hỏi tại sao. Họ hiểu rằng điều mà bọn cầm quyền cộng sản Trung Quốc muốn không phải là “đối thoại” với Vatican mà là sự phục tùng hoàn toàn của Giáo Hội Công Giáo đối với nhà nước Trung Quốc do Đảng Cộng sản thống trị; và đối với chương trình “Trung Quốc hóa” tất cả các tôn giáo. Họ không chấp nhận quan điểm cho rằng việc đầu quân cho những kẻ độc tài toàn trị như Tập Cận Bình cuối cùng sẽ cải thiện tình hình của họ, bởi vì họ biết rằng cuộc đấu tranh của họ, giống như cuộc đấu tranh của Giáo hội ở Trung và Đông Âu sau Thế chiến thứ hai, là một trò chơi có tổng bằng không: Nghĩa là ai đó sẽ thắng, và ai đó sẽ thua.

Nó sẽ tạo ra sự khác biệt cho tương lai của việc truyền giáo ở Trung Quốc. Chế độ cộng sản Trung Quốc không bất tử. Khi điều đó diễn ra, và chắc chắn sẽ xảy ra, Trung Quốc sẽ trở thành cánh đồng truyền giáo Kitô lớn nhất kể từ khi người Âu Châu đến vùng Tây bán cầu này vào thế kỷ 16. Lợi thế so sánh sẽ nằm ở những cộng đồng Kitô Giáo chống lại chế độ tồi tệ đã sụp đổ, chứ không nằm ở những cộng đồng đã cố gắng tìm một chỗ ngồi chung với những kẻ không muốn đồng bàn với ai. Ngay sau nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Gallagher, National Review đã đưa ra những nhận xét này: “Trong tương lai, khi Trung Quốc là một quốc gia tự do, người dân sẽ nhìn lại không có gì khác ngoài sự ghê tởm đối với vô số tập đoàn, tổ chức và những người nổi tiếng của Mỹ đã giúp tạo ra sự cai trị độc đoán dưới một số quan niệm sai lầm đến mức ngu xuẩn rằng người dân Trung Quốc hoàn toàn bằng lòng để sống vô thời hạn mà không có các quyền tự do cơ bản mà chúng ta đã coi là đương nhiên trong hơn 200 năm qua”. Không một nhà ngoại giao Vatican nào lại muốn sự khinh miệt tương tự rơi vào Giáo Hội Công Giáo.

Nó sẽ tạo ra sự khác biệt trong việc khôi phục thẩm quyền đạo đức của Tòa thánh trong nền chính trị thế giới. Vatican không có quyền lực thực sự, như thế giới hiểu về quyền lực. Năng lực của Tòa Thánh trong việc định hình các sự kiện, dù ở hậu trường hay trên bàn đàm phán quốc tế, hoàn toàn phụ thuộc vào đòn bẩy đạo đức mà Tòa Thánh có thể áp dụng, đặc biệt là trong những tình huống khó khăn và dường như đầy chông gai. Nhờ chứng tá táo bạo trước công chúng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đòn bẩy đạo đức như vậy đã là công cụ để định hình cuộc cách mạng lương tâm chuẩn bị và làm nên cuộc Cách mạng năm 1989 ở Đông Trung Âu. Thẩm quyền luân lý của Vatican cũng rất quan trọng trong việc chống lại những nỗ lực của chính quyền Clinton nhằm tuyên bố phá thai theo yêu cầu là một nhân quyền cơ bản của con người tại Hội nghị Thế giới về Dân số và Phát triển ở Cairo năm 1994. Trong cả hai trường hợp, nói một cách mạnh dạn, công khai và mạnh mẽ tạo ra sự khác biệt thực sự, và biến việc giảng dạy đạo đức thành đòn bẩy đạo đức và chính trị. Nếu bài học đó đã bị lãng quên ở Vatican thế kỷ 21, thì nó cần phải được xem xét lại.

Nó sẽ tạo ra sự khác biệt trong việc quảng bá học thuyết xã hội của Giáo hội, vốn thường là vấn đề đối với các lớp học hơn là ở các quảng trường công cộng. Giáo hội phản kháng ở Hương Cảng và Trung Quốc không nhận tín hiệu từ John Locke và Thomas Paine; họ đang sống những nguyên lý cơ bản của học thuyết xã hội Công Giáo và sự hiểu biết về mối quan hệ đúng đắn giữa Giáo hội và nhà nước. Tất nhiên, học thuyết xã hội đó có những ứng dụng vượt xa biên giới Trung Quốc. Nhưng nếu nó dường như bị các nhà chức trách cao nhất của Giáo hội phớt lờ trong những trường hợp khó khăn nhất, thì nó bị giới hạn trong giới học thuật mà thôi.

Nó sẽ tạo ra sự khác biệt khi đưa Luca 22:32 vào cuộc sống trong Giáo hội đương đại. Chúa đã hướng dẫn Phêrô “củng cố” các anh em của mình. Những người anh em của Phêrô ở Hương Cảng không cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh bởi Phêrô và những người cộng tác thân cận nhất của ngài ở Vatican ngày nay. Họ cảm thấy điều gì đó hoàn toàn ngược lại. Và đó có lẽ là lý do nghiêm trọng nhất tại sao Tòa thánh nên xem xét lại những âm thanh của sự im lặng đối với Hương Cảng và thực sự là toàn bộ Trung Quốc.


Source:First Things