CHÚA NHẬT XXV MÙA THƯỜNG NIÊN

Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37

Ở đâu có ghen tỵ, ở đó có tệ đoan!

Lời Chúa hôm nay nói nhiều về tính ghen tương hay là ghen tỵ nhau. Ghen tương là một trong bảy mối tội đầu, nghĩa là tật xấu này sinh ra nhiều nhiều tội khác. Tính ghen tương có thể xuất hiện ở bất người nào và bất cứ hoàn cảnh nào.

Bài đọc I từ sách Khôn Ngoan đề cập đến việc người xấu ghen tỵ với người tốt, phường vô đạo ghen tỵ với người công chính, họ tìm cách gài bẫy và làm hại người công chính. Bởi vì sự hiện diện của người công chính làm cho họ cảm thấy chướng tai gai mắt và chống lại những việc làm xấu xa họ làm. Dưới ánh sáng Tân Ước, những điều này được ứng nghiệm trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Như một người công chính, Người lên án thái độ giả hình và tham vọng của các Biệt Phái và Luật Sĩ, nên họ đã chống lại Người, bách hại và đóng đinh Người trên thập giá vì sự ghen tỵ và thù ghét Người.

Bài đọc này cũng được ứng nghiệm trong đời sống của tất cả những ai phải chịu đau khổ bởi sự bách hại bất công vì đã sống công chính và ngay thẳng. Giống như Đức Kitô, nhiều lúc, chúng ta bị bách hại bởi những kẻ thù bên ngoài và nhiều lúc bởi chính cả bạn bè, người thân nữa vì chúng ta làm điều gì đó tốt đẹp. Họ có thái độ thù địch và ghen ghét chúng ta. Nhưng chúng ta phải can đảm và bền lòng, vì Thiên Chúa chắc chắn sẽ minh oan cho chúng ta như Người đã làm cho Đức Kitô.

Bài đọc II nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc tập trung sống những điều tốt lành vốn chúng mang lại sự hiệp nhất với nhau hơn là chạy theo những điều làm chia rẽ chúng ta. Đó là anh em hãy “trở nên thanh khiết, hiếu hòa, bao dung, mềm dẻo, đầy lòng từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” (Gc 3,17).

Tất cả chúng ta đều ước ao một cuộc sống hòa hợp, bởi vì nhiều cộng đoàn Kitô hữu, nhiều gia đình thường xuyên sống trong cảnh chiến tranh, xung đột và xáo trộn.

Những tranh chấp như thế nhiều lúc không thể tránh khỏi trong đời sống, nhưng chúng ta không được phép để cho chúng chia rẽ chúng ta. Thật đáng buồn, gốc rễ của hầu hết các cuộc tranh chấp là do tham vọng ích kỷ. Vì thế, thánh Giacôbê nhắc nhở chúng ta đừng để cho những tham vọng ích kỷ phá hủy những tương quan, gia đình và cộng đoàn chúng ta. Thánh nhân quả quyết:

“Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa… Anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 3,16.4,2).”

Quả thật, nhiều gia đình, nhiều vợ chồng, nhiều cộng đoàn và nhiều quốc gia đã bị phá hủy chỉ vì những tham vọng và ước muốn ích kỷ.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu loan báo về việc Người sẽ bị bắt, bị giết chết và ngày thứ ba, Người sẽ sống lại, thì các môn đệ chỉ có nghĩ đến quyền lợi, địa vị và tranh dành nhau ai lớn hơn ai trong Nước Chúa. Rõ ràng các môn đệ theo Chúa nhưng vẫn còn mang trong mình những “giấc mơ trái mùa” mà họ nghĩ rằng Chúa đến để thiết lập, họ sẽ được thăng quan tiến chức theo kiểu thế gian hơn là đi theo Chúa để phục vụ tha nhân. Như thế, giống như cộng đoàn mà thánh Giacôbê viết thư khuyên bảo, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng đã kinh nghiệm về sự tranh dành quyền lực và ganh tỵ nhau.

Đây cũng là điều mà chúng ta thường thấy trong xã hội, Giáo Hội, gia đình và bất cứ nơi đâu mà sự tham vọng cá nhân được xem là quan trọng hơn bất cứ điều gì, khi đó, ở đó sẽ xuất hiện chiến tranh, ngồi lê đôi mách, thái độ thù địch với người khác, gây hấn, đe dọa mạng sống và tài sản của người khác, và mọi thứ tệ đoan đoan khác. Tất cả những điều này phá hủy hết mọi thiện ích chung, tương quan liên vị, tình huynh đệ, sự thiệp thông và đời sống chung.

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một con đường để vượt thắng sự ghen tỵ. Đó là không nhìn người khác như là đối thủ phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh không hồi kết này. Tha nhân là đối tượng để chúng ta thăng tiến và phục vụ.

Vì thế, khi Chúa Giêsu bồng một em bé lên như là một mẫu gương cho chúng ta hôm nay, Người đơn giản muốn dạy chúng ta trở nên giống như trẻ thơ để trở nên người lớn nhất. Dĩ nhiên, đây không có nghĩa là trở nên “ấu trĩ.” Đúng hơn, nó có nghĩa là trở nên giống tinh thần trẻ thơ. Nghĩa là sống cách đơn giản, trong sáng, với tinh thần khiêm tốn, phục vụ Chúa và tha nhân.

Cuối cùng, để trở nên người lớn nhất có nghĩa là người biết tập trung vào người khác chứ không phải tập trung vào chính mình, người biết dùng khả năng mình để phục vụ, đón tiếp, và cộng tác với người khác như các trẻ thơ thường làm. Như thế, người lớn nhất là người khiêm tốn đặt mình trong sự phục vụ tha nhân, biết tôn trọng người khác, biết hợp tác với nhau một cách tích cực để phục vụ nhau và cùng nhau thăng tiến.

Để kết thúc, chúng ta nghe lại câu chuyện dân gian Việt Nam về Thiếu Phụ Nam Xương để thấy được sự nguy hại của lòng ghen tỵ:

Người thiếu phụ Nam Xương có tên là Nguyễn Thị Thiết, lấy chồng họ Chương, sống ở tỉnh Hà Nam. Hai vợ chồng đang yêu thương và chung thủy với nhau, nhưng vì nước, chàng phải đi lính theo lời hiệu triệu của nhà vua. Trước khi ra trận, hai người có con mà không biết. Khi sinh con, mỗi buổi tối, người mẹ ru con ngủ, đứa con trai hỏi mẹ: “Bố con ở đâu?” Người mẹ chỉ vào cái bóng mình in trên vách nhà và nói: “Bố con đó.” Sau mấy năm anh trở về, hai mẹ con đi ra đón chồng. Khi anh tới ôm đứa bé, nó liền bảo: “Ông không phải là bố tôi, bố tôi tối mới về kìa.” Nghe vậy, chàng Chương bừng bừng nổi giận máu ghen với vợ mình. Đau lòng quá và không thể làm cách gì để giải thích cho chồng hiểu, nàng đành ra sông tự tử. Sau đó, cứ mỗi tối thấy bóng người trên vách nhà, đứa con lại kêu lên: “Bố con đã về kìa!” Hiểu ra vấn đề, chàng Chương ân hận, thương tiếc vợ mình, nhưng mọi sự đã quá muộn. Anh và đứa con liền ra sông lập miếu để thờ nàng.

Câu chuyện trên minh chứng lời này: có yêu thì mới ghen, nhưng quá ghen thì giết chết tình yêu! Lòng ghen tỵ sẽ giết chết mọi tương quan tốt đẹp giữa người với nhau.

Xin Chúa giúp chúng ta biết giệt trừ tính ghen tỵ trong lòng chúng ta. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/