1. Sàigòn, Thoáng Nhìn Từ Tâm Dịch

Thế là Sàigòn cũng đã trải qua được hơn một nửa chặng đường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Và cũng từ đó đến nay hai chữ “Sàigòn” được nhắc đến với sự cảm thương nhiều hơn bao giờ hết.

Trong khoảng thời gian này, nếu ai đó đã từng sống ở Sàigòn nay trở lại thì chắc chắn họ sẽ không thể tưởng tượng và hình dung nổi một Sàigòn mà họ đã từng sống. Quả thật, một Sàigòn nhộn nhịp, huyên náo đông đúc xe cộ nhưng nay trở nên ảm đạm, tĩnh lặng đến khiếp sợ, đến nỗi có những ngày tiếng hú của xe cứu thương nhiều hơn là tiếng còi của xe hơi. Một Sàigòn hoa lệ mà trước giờ vẫn được ví như Hòn ngọc Viễn Đông nay xác xơ với hàng chục, hàng trăm chốt phong toả được dựng lên. Một Sàigòn tấp nập người qua lại ở những bến xe, sân bay và chợ đầu mối nay vắng bóng. Thế nên có người vừa đùa vừa thật rằng Sàigòn giờ này chợ duy nhất vẫn hoạt động và luôn đông người chỉ có thể là Chợ Rẫy (bệnh viện). Tắt một lời Sàigòn chẳng khác gì như một người trở bệnh nặng với những vết thương bầm dập, chằng chịt khắp nơi đến nỗi không ai dám đến gần.

Bên cạnh đó, những ngày giãn cách xã hội cũng đã cho nhiều người có cái nhìn rõ hơn về một Sàigòn thực sự ẩn khuất sau những ngôi nhà chọc trời, những khu vui chơi sang chảnh. Nếu như Sàigòn vẫn được biết đến như là một thành phố hoa lệ thì nói đúng hơn những ngày này “hoa” chỉ dành cho người giàu, còn “lệ” lại dành cho người nghèo mà thôi. Bởi lẽ tiếng khóc, tiếng kêu ai oán vẫn đang thốt lên ở từng ngõ ngách của Sàigòn. Họ, những người bán vé số, những người nhặt ve chai, những người buôn thúng bán bưng, những công nhân nghèo khắp nơi trong Sàigòn vẫn đang kiếm miếng ăn qua ngày dựa vào từng bó rau, ký gạo của những nhà hảo tâm. Bởi chưng khi mà người người, nhà nhà không được ra ngoài, khi mà các công ty, xí nghiệp đóng cửa thì điều đó cũng đồng nghĩa với khoản thu nhập ít ỏi của họ cũng mất đi. Thêm vào đó giá cả thực phẩm những ngày này cũng tăng chóng mặt. Thế nên có không ít người phải chịu cảnh no bữa trưa đói bữa chiều, nhất là những người nghèo trọ ở cuối ngõ con phố, nơi dễ bị bỏ sót. Thực sự chưa bao giờ Sàigòn lại cần đến sự trợ giúp của đồng bào cả nước đến vậy.

Những điều nói trên cho thấy một nghịch cảnh đang diễn ra ở Sàigòn trong hoàn cảnh này. Sàigòn, nơi đã từng cưu mang những phận người, nơi đã từng cứu trợ đồng bào mỗi lúc lâm nạn một cách hào sảng thì nay lại cần đến sự giúp đỡ nhiều nhất có thể, như lời Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh trong thư kêu gọi Đồng bào Công Giáo Việt Nam đã viết “Chính người dân Sàigòn hôm nay đang khốn khó, đã từng vội vã lên đường mỗi khi nghe tin đồng bào mình đây đó lâm cơn hoạn nạn… Các tỉnh Miền Trung, qua trận bão lũ năm 2020, vẫn còn ghi lại dấu chân người Sàigòn khắp hang cùng ngõ hẻm.”

Tuy nhiên, dù Sàigòn đang phải chịu “băng bó” là vậy, đang phải nhận sự tiếp tế từ đồng bào mình là vậy, nhưng giữa lòng Sàigòn vẫn sáng lên hình ảnh đẹp của những người dân Sàigòn. Có nhiều bạn trẻ, nhóm nhỏ không quản ngại vất vả giữa đêm khuya để phân phát thức ăn cho những người vô gia cư, những người đói khổ. Có những người chủ xóm trọ sẵn sàng giảm hoặc miễn tiền cho những người thuê trọ. Có những doanh nhân kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp rồi nấu ăn miễn phí cho những khu cách ly, cho những bệnh nhân, cho những nhân viên y tế. Có những gian hàng 0 đồng của các nữ tu trong Sàigòn dành cho mọi người. Có những Hội Dòng hay Giáo xứ sẵn sàng làm chiếc cầu nối để phân phối thực phẩm tới người dân không phân biệt lương giáo. Và hơn hết dường như khắp nơi mọi người trong đất nước đều dõi theo Sàigòn với tình yêu trĩu nặng, với những chuyến hàng đầy ắp tình người. Những điều này không chỉ đem lại niềm ai ủi cho Sàigòn trong lúc khốn khó nhưng còn ánh lên niềm hy vọng cho một Sàigòn tươi sáng phía trước vì sau cơn mưa trời lại sáng hơn và có ánh cầu vồng.

Nỗi đau của Sàigòn cũng là nỗi đau của cả đồng bào Việt Nam. Hy vọng của Sàigòn cũng là hy vọng của nước Việt Nam. Sàigòn ơi! Hãy cố lên và mạnh khoẻ nhé.

2. Giáo phận Vinh cùng Sàigòn vượt qua đại dịch Covid-19

Cha Ngô Sĩ Đình, Dòng Đa Minh, Giám đốc Caritas Việt Nam có bài “Giáo phận Vinh cùng Sàigòn vượt qua đại dịch Covid-19”. Ngài cho biết như sau:

Vinh cách Sàigòn 1.400km, nhưng tấm lòng người Vinh lại không xa. Không xa không chỉ vì rất nhiều con cái Vinh đang sống và làm việc tại Sàigòn, không xa không chỉ vì bóng dáng Sàigòn thấp thoáng ở Vinh mỗi khi Vinh gặp hoạn nạn, nhưng không xa còn vì người Vinh rất giàu tình tương thân tương ái.

Chuyến xe chở hàng “Giáo phận Vinh cùng Sàigòn vượt qua đại dịch COVID-19” có thể nói là một trong những chuyến đầu tiên hướng về Sàigòn, khởi hành lúc 19g30 tối ngày 15/7/2021. Trước đó, trong hai ngày 13-14/7, anh chị em giáo dân đáp lại lời kêu gọi của linh mục Fx. Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Caritas Gp. Vinh, tập trung các loại thực phẩm, kẻ nhiều người ít về các nhà thờ xứ, để kịp sáng 15/7 chuyển về Toà Giám mục và lên đường chiều hôm đó. Lúc đầu dự trù một chuyến xe 30 tấn, nhưng giờ phút chót đã phải huy động thêm một chuyến xe trọng tải tương đương, mới chở hết số hàng lên đến 60 tấn, trong đó một nửa là gạo, số còn lại là bầu, bí, chuối, cá khô, tép khô, nước mắm, măng muối và một số đặc sản của Vinh.

Số hàng 60 tấn là ước lượng theo tải trọng của hai chiếc xe này, nhưng thực tế có thể hơn kém. Trong lúc này điều quan trọng là món quà phải sớm hết sức đến với những người dân Sàigòn. Không có thời gian để cân đong đo đếm, và hơn nữa, lòng quảng đại của người Vinh cũng không thể cân đong đo đếm nơi những bao gạo đủ kích cỡ, những buồng chuối, bao bí… Vội vàng đến nỗi anh em tài xế không kịp mang theo lương thực đi đường. Cứ tưởng như mọi lần, gặp đâu ăn đó, nhưng thực tế những ngày này hầu như các quán ăn trên quốc lộ đều đóng cửa, anh em tài xế đành giải quyết bằng những gói mì đơn sơ.

Mặc dù đã được chuẩn bị các thủ tục cần thiết như giấy xác nhận y tế, giới thiệu của Toà Giám mục… chuyến xe vẫn gặp một số trở ngại. Dự trù 3g sáng 17/7 xe đến Sàigòn, nhưng 4g15 Sr Hiền, Caritas Vinh nhắn tin “các em báo qua Đèo Cả là bắt đầu kẹt đường. Chốt kiểm dịch dày đặc, họ kiếm tra nhặt, xe cứu trợ nhiều và vì giấy tờ nên các đoàn khác bị ách tắc làm kẹt đường nên xe các em lưu thông khó. Bây giờ đang ở Phan Thiết. Đoàn xe các em không bị trở ngại về vấn đề giấy tờ nhưng do kẹt đường thôi”.

Mãi 8g30 thứ Sáu 17/7 chiếc xe thứ nhất mới tới điểm hẹn là tu viện Đa Minh Gò Vấp sau hành trình 37 tiếng đồng hồ. Cha Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng HĐGM đã đến đón và nói lời cám ơn Giáo phận Vinh, đặc biệt Đức cha Anphong và ban Caritas Vinh. Sở dĩ chuyến cứu trợ này chọn điểm đến là tu viện Đa Minh vì không thể xuống hàng ở trụ sở Caritas Việt Nam như dự trù, do Caritas Việt Nam nằm trong vùng phong toả, hơn nữa, Caritas không đủ nhân sự đảm nhận việc bốc hàng. Gần 11g trưa, chiếc thứ hai đến. Anh em tài xế được bố trí nghỉ ngơi riêng tránh tiếp xúc gần với người Sàigòn, ăn uống nghỉ ngơi chuẩn bi hành trình trở về cho kịp công tác khác nữa.

Việc phân phối được thực hiện theo sự đồng ý của ban tổ chức. Đối tượng nhận là những anh chị em trong khu vực cách ly, những người nghèo, các bếp phục vụ từ thiện… Có ba kênh phân phối. Một là Caritas Sàigòn phân phối đến các giáo hạt, chín giáo hạt nhận mỗi nơi 2 tấn gạo, 5 bao miến mỗi bao khoảng 30kg. Riêng giáo hạt Gò Vấp nhận khoảng 6 tấn củ quả. Kênh thứ hai là các dòng tu và các bếp từ thiện với số lượng khoảng 8 tấn gạo, 12 tấn chuối, và nước mắm, dưa muối, cá khô… Kênh thứ ba là 5 nhóm đồng hương Vinh nhận khoảng 4 tấn gạo, cá khô, miến khô, bí, và măng muối phân phối lại cho anh chị em trong vùng không phân biệt vùng miền.

Hi! Anh em

Sách Sáng Thế kể chuyện gia đình ông Giacop trong cơn hoạn nạn phải xuống Ai Cập mua lương thực. Đến nơi họ được giới thiệu đến tể tướng Giuse mà họ không ngờ chính là đứa em mà họ đã bán cho thương lái 15 năm trước. Câu chuyện kể việc mua lương thực, nhưng lại tập trung nhiều hơn vào hoạt cảnh làm hoà giữa anh em với nhau. Điều này xem ra không dễ dàng gì về phía ông Giuse cũng như phía các anh ông. Ngày nay, ai cũng biết thảm trạng nhân loại đang trải qua phần lớn là do thái độ con người muốn loại trừ nhau. Do đó, việc thiếu thốn tình huynh đệ giữa con người với nhau thực sự là quan trọng hơn cả việc thiếu thốn lương thực vật chất. Trong số các món quà của Vinh, có một bao gạo không lớn nhưng mang theo một sứ điệp chào hỏi người anh em Sàigòn chưa quen biết. “Gạo Gx. Bàn Thạch, Gp. Vinh, Hi anh em”. Còn những món quà khác cũng rất dễ thương, chẳng hạn một bao gạo không lớn lắm, nhưng người tặng quà đã chăm chút bằng chiếc nơ đơn sơ.

Sự trân trọng còn được thể hiện qua các thông tin món hàng, có khi cần phải có hai tên để xác định nội dung món hàng. Trên một bao hàng chúng tôi đọc được ghi chú Đậu Phộng (Lạc), hẳn chủ nhân món hàng biết rằng món quà này sẽ đến với người Sàigòn, do đó, thông tin cho người Sàigòn được đặt trước, sau đó mới ghi đến ngôn ngữ miền Trung.

Người Sàigòn ăn nhút

Có lẽ dịp này cũng là cơ hội để người Sàigòn thưởng thức một số đặc sản dân dã của miền Trung. Trong đó phải kể đến các món dưa muối, mà người Trung gọi cách mộc mạc là “nhút”. Có nhiều loại nhút, nhưng có lẽ nhút mít là phổ biến. Đây là món dưa muối làm bằng trái mít xanh, ăn dòn với vị chua hơi chát. Dinh dưỡng của nhút chưa biết thế nào nhưng chắc chắn là “đưa cơm” và giúp tiêu hoá. Người Vinh không dám so sánh nhút mít với các loại dưa muối cao cấp khác, nhưng đây là món ăn đặc sản đi vào lòng người với câu nói “nhút Thanh Chương tương Nam Đàn”.

Những hy sinh đến liều lĩnh…

Bên cạnh tấm lòng quảng đại của anh chị em Vinh gom góp những món quà vốn là thành phần chính trong bữa ăn gia đình của họ, bên cạnh sự hy sinh to lớn của anh em lái xe đường dài không kịp nghỉ ngơi, chúng tôi cũng muốn nói lên lời cám ơn đến thành phần khá đông đảo những anh chị em đảm nhận việc phân phối hàng cứu trợ đến tận tay người nghèo. Thực sự có ở trong hoàn cảnh người Sàigòn mới cảm nhận được nỗi sợ lây nhiễm virus như thế nào. Mỗi lần có chuyến xe đến nhận hàng, chúng tôi đều phải xác định ranh giới. Các anh em trong tu viện đảm nhận phần nào, và khách đảm nhận phần nào. Tinh thần chung tay làm việc là không hay tí nào trong hoàn cảnh này. Sự hy sinh đến liều lĩnh của các anh chị em chuyển hàng thật đáng trân trọng, trong đó có khá đông hội viên Caritas Sàigòn. Đằng sau họ là sự sống của gia đình, con cái… Vẫn biết ai cũng phải tự bảo vệ tối đa, nhưng cho dù cẩn thận và kỹ lưỡng đến đâu, các sơ suất vẫn rất dễ xảy ra, trừ trường hợp đóng cửa ngồi ở nhà không làm gì hết. Xin tri ân anh chị em, người tặng quà cũng như người nhận quà. Và xin Thiên Chúa ban ơn bình an cho tất cả mọi người trong cơn đại dịch này.

3. Học viện thánh Anphongsô mùa covid: xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa

Đáp lời mời gọi của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, được sự khích lệ của Cha Bề trên Giám tỉnh, rất nhiều Thầy Học viện thánh Anphongsô đã đăng ký tham gia “Nhóm tu sĩ thiện nguyện” phục vụ các bệnh nhân covid-19.

Sau khi cân nhắc các điều kiện về sức khoẻ, y tế…, tối 21/7/2021, Văn phòng Tu sĩ TGP. Sàigòn công bố danh sách 206 tu sĩ Công Giáo thiện nguyện phục vụ các bệnh nhân covid-19, trong đó, có một số Thầy Học viện thánh Anphongsô - Dòng Chúa Cứu Thế.

Sáng 22/7, tại nhà nguyện Học viện, Cha Giám đốc Giuse Đỗ Đình Tư đã chủ tế Thánh Lễ cầu bình an và nghi thức sai đi cho quý Thầy tham gia nhóm tu sĩ thiện nguyện này. Sau Thánh Lễ, quý Thầy chính thức lên đường phục vụ, với niềm tin tưởng: có Chúa cùng hoạt động (x. Mc 16,20).

Nhờ tấm lòng của quý Ân Nhân khắp nơi, trong tuần này, Học viện thánh Anphongsô đã mua: trên 3 tấn gạo, 3 tạ rau, 200 chai nước nắm, 200 chai dầu ăn, 1.000 trứng gà, 1.000 gói mì để chia sẻ với các gia đình nghèo sống xung quanh Học viện.

Sau đợt chia sẻ lần 1 vào chiều 21/7, một Thầy Học viện rất xúc động khi kể lại: “Người nghèo đó bật khóc khi nhận 10 kg gạo… Quả thật, không phải các tu sĩ “rao giảng” cho người nghèo nhưng chính người nghèo “Phúc Âm hoá” các tu sĩ.”

Vâng, xin Chúa dùng chúng con như khí cụ bình an của Chúa.

4. Đồng Hành Thiêng Liêng Trong Thời Gian Dịch Bệnh Covid-19

Bên cạnh việc đồng hành với anh chị em giáo dân về vật chất, Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục Giáo phận Bà Rịa vừa loan báo sáng kiến đồng hành thiêng liêng với anh chị em giáo dân, đặc biệt là các bệnh nhân trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Ngài viết như sau:

Kính gửi quý Cha và Cộng đoàn dân Chúa Giáo phận Bà Rịa,

Trong sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội, việc đồng hành với giáo dân, đặc biệt trong đời sống đức tin, là sứ vụ thiết yếu của linh mục; trong khi giáo dân lại luôn có nhu cầu được linh mục tư vấn, khích lệ, nhất là trong những lúc khó khăn của cuộc sống, để có thể kiên vừng sống ơn gọi Kitô hữu của mình.

Giữa bối cảnh nghiệt ngã vì đại dịch Covid, mọi hình thức đồng hành truyền thống hầu như không thể thực hiện, trong khi nhu cầu được nâng đỡ, hướng dẫn của người tín hữu trong thời gian này lại gia tăng bội phần, nhất là với những Anh Chị Em đang trở thành nạn nhân của dịch bệnh, họ phải sống tách biệt khỏi gia đình và cộng đồng, sự lo âu, sợ hãi, thậm chí cả khủng hoảng là điều khó tránh khỏi.

Trong hoàn cảnh ấy, tôi mời gọi quý Cha và Cộng đoàn tiếp tục cố gắng làm tất cả những gì có thể, để nâng đỡ những ai đang gặp khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần.

Qua Thư ngỏ này, với ước muốn đáp ứng phần nào nguyện vọng chung, tôi đề nghị thêm một vài hình thức đơn giản, để giúp chúng ta thực hiện được phần nào sứ vụ đồng hành thiêng liêng của chúng ta, nhất là cho những ai đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của cơn đại dịch.

1. Giáo phận sẽ tổ chức trực tuyến Giờ cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót để cầu nguyện cho và cầu nguyện với Anh Chị Em đang trong hoàn cảnh bị dương tính hoặc nghi nhiễm Covid-19. Trong phần bình luận, Anh Chị Em có thể trình bày những băn khoăn, trăn trở của mình, và lưu lại số điện thoại của Anh Chị Em để các linh mục trong nhóm Đồng Hành Thiêng Liêng cấp Giáo phận có thể trao đổi riêng với Anh Chị Em.

2. Các Cha xứ xin số điện thoại của những giáo dân trong xứ chẳng may bị nhiễm bệnh, đế thường xuyên thăm hởi, khích lệ và có thể cầu nguyện với họ.

3. Giáo phận thành lập nhóm các linh mục, như danh sách dưới đây, để đồng hành thiêng liêng qua điện thoại với tất cả những ai có nhu cầu.

Các linh mục phụ trách đồng hành thiêng liêng cấp Giáo phận gồm các Cha Phêrô Vũ Công Đoán, Phaolô Phạm Minh Tân, Giuse Đỗ Đức Hiện, Phêrô Trần Xuân Huệ, Gioan Baotixita Trương Đình Hà, Phêrô Trần Thanh Sơn, Matthêu Trần Bảo Long, Phêrô Nguyễn Thái Phúc, Giuse Đinh Phước Đại, và Antôn Nguyễn Văn Toàn.

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, bổn mạng Giáo phận, ban muôn phúc lành cho quý Cha và Anh Chị Em.

Bà Rịa, ngày 21 tháng 07 năm 2021

+ EMMANUEL NGUYỄN HỒNG SƠN

Giám mục Giáo phận Bà Rịa