Chúa Nhật 18 tháng Bẩy Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 16 Mùa Thường Niên. Bài Tin Mừng trình bày với chúng ta câu chuyện các Tông đồ trở về sau khi ra đi rao giảng Tin Mừng.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, từ cửa sổ phòng làm việc của ngài nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Thái độ của Chúa Giêsu mà chúng ta quan sát thấy trong Tin Mừng của phụng vụ ngày hôm nay (Mc 6: 30-34) giúp chúng ta nắm bắt được hai khía cạnh quan trọng của cuộc sống. Đầu tiên là nghỉ ngơi. Khi gặp lại các Tông đồ trở về sau gian lao của sứ mệnh, những người bắt đầu nhiệt tình kể lại mọi việc họ đã làm, Chúa Giêsu dịu dàng hướng lời mời gọi này đến các Tông đồ: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút” (c. 31). Đó là một lời mời gọi hãy nghỉ ngơi.
Khi làm như vậy, Chúa Giêsu cho chúng ta một lời dạy có giá trị. Mặc dù vui mừng khi thấy các môn đệ hạnh phúc trước những sự kỳ diệu trong việc rao giảng của họ, nhưng Ngài không dành thời gian khen ngợi hay đặt câu hỏi. Đúng hơn, Ngài quan tâm đến sự mệt mỏi về thể chất và nội tâm của họ. Và tại sao Ngài làm điều này? Thưa: Bởi vì Ngài muốn làm cho họ nhận thức được một mối nguy hiểm luôn rình rập chúng ta: đó là nguy cơ bị cuốn vào sự điên cuồng của việc làm, rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa hoạt động, nơi mà điều quan trọng nhất là kết quả chúng ta thu được, và cảm giác trở thành nhân vật chính một cách tuyệt đối. Đã bao nhiêu lần điều này xảy ra trong Giáo hội: chúng ta bận rộn, chúng ta chạy loanh quanh, chúng ta nghĩ rằng mọi việc tùy thuộc vào chúng ta và cuối cùng, chúng ta có nguy cơ bỏ bê Chúa Giêsu và chúng ta luôn lấy mình làm trung tâm. Đây là lý do tại sao Ngài mời các môn đệ của Ngài nghỉ ngơi một chút với Ngài. Nó không chỉ là nghỉ ngơi thể chất, mà còn là nghỉ ngơi cho trái tim. “Rút bản thân chúng ta ra khỏi ổ cắm điện” mà thôi thì chưa đủ, chúng ta cần thực sự nghỉ ngơi. Và chúng ta làm điều này như thế nào? Thưa: Để nghỉ ngơi thực sự, chúng ta phải quay trở lại tâm điểm của mọi việc: đó là dừng lại, im lặng, cầu nguyện để không đi từ sự điên cuồng của công việc sang sự điên cuồng của thời gian thư thái. Chúa Giêsu không bỏ qua nhu cầu của đám đông, nhưng mỗi ngày, trước bất cứ mọi sự, Ngài rút lui trong cầu nguyện, trong thinh lặng, trong tình thân mật với Chúa Cha. Lời mời dịu dàng của Ngài - hãy nghỉ ngơi một lúc - nên đồng hành cùng chúng ta. Anh chị em, chúng ta hãy cẩn thận đối với tính hiệu quả, chúng ta hãy dừng lại việc chạy theo một cách điên cuồng các chương trình nghị sự của chúng ta. Chúng ta hãy học cách nghỉ ngơi, tắt điện thoại di động, chiêm ngưỡng thiên nhiên, tái tạo bản thân trong cuộc đối thoại với Chúa.
Tuy nhiên, Phúc Âm cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu và các môn đệ không thể nghỉ ngơi như họ mong muốn. Mọi người tìm thấy Chúa Giêsu và các Tông đồ, đổ xô đến từ mọi phía. Tại thời điểm đó, Chúa Giêsu động lòng trắc ẩn. Đây là khía cạnh thứ hai: lòng trắc ẩn, đó là phong cách của Thiên Chúa. Phong cách của Thiên Chúa là đến gần, từ bi và dịu dàng. Đã bao nhiêu lần chúng ta tìm thấy cụm từ này trong Phúc âm, trong Kinh thánh: “Ngài động lòng thương”. Chúa Giêsu hiến mình cho dân chúng và bắt đầu giảng dạy họ (xem câu 33-34). Điều này tưởng chừng là mâu thuẫn nhưng thực tế lại không phải như vậy. Trên thực tế, chỉ có một trái tim không cho phép mình bị chiếm đoạt bởi sự vội vàng mới có khả năng được lay động; nghĩa là không cho phép bản thân bị cuốn vào bản thân và những việc phải làm, nhưng nhận thức được những người khác, vết thương của họ, nhu cầu của họ. Lòng thương cảm được sinh ra từ sự chiêm niệm. Nếu chúng ta học được cách thực sự nghỉ ngơi, chúng ta trở nên có khả năng cảm thương thực sự; nếu chúng ta trau dồi một cái nhìn chiêm niệm, chúng ta sẽ thực hiện các hoạt động của mình mà không có thái độ thô bạo của những kẻ muốn chiếm hữu và tiêu thụ mọi thứ; nếu chúng ta giữ liên lạc với Chúa và không gây mê phần sâu nhất của bản thân, thì những việc cần làm sẽ không có sức mạnh khiến chúng ta bị cuốn theo hoặc nuốt chửng chúng ta. Hãy lắng nghe điều này: chúng ta cần một “hệ sinh thái của trái tim”, được tạo thành từ sự nghỉ ngơi, chiêm niệm và lòng trắc ẩn. Chúng ta hãy tận dụng thời gian mùa hè cho việc này! Nó sẽ giúp chúng ta khá nhiều.
Và bây giờ, chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ, Đấng đã nuôi dưỡng sự im lặng, cầu nguyện và chiêm niệm và là Đấng luôn rung động với lòng trắc ẩn dịu dàng đối với chúng ta, các con cái của Mẹ.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi bày tỏ lòng gần gũi với những người dân Đức, Bỉ và Hà Lan, là những người đã bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt thảm khốc. Xin Chúa chào đón những người đã khuất và an ủi những người thân yêu của họ, xin Ngài nâng đỡ những nỗ lực của mọi người đang giúp đỡ những người bị thiệt hại nặng nề.
Thật không may, tuần trước, tin tức về các đợt bạo lực đã làm trầm trọng thêm tình hình của rất nhiều anh chị em của chúng ta ở Nam Phi, vốn đã bị ảnh hưởng bởi những khó khăn về kinh tế và sức khỏe do đại dịch. Hiệp nhất với các Giám mục Nam Phi, tôi gửi lời kêu gọi chân thành đến tất cả các nhà lãnh đạo liên quan và cầu mong họ có thể nỗ lực xây dựng hòa bình và cộng tác với các nhà chức trách để hỗ trợ những người cần sự giúp đỡ. Sự tái sinh của sự hòa hợp giữa tất cả những con dân Nam Phi là ước vọng đã hướng dẫn người dân Nam Phi. Cầu mong ước vọng ấy không bị lãng quên.
Tôi cũng gần gũi với những người dân Cuba thân yêu trong những thời khắc khó khăn này, đặc biệt là những gia đình đang chịu nhiều đau khổ nhất. Tôi cầu nguyện xin Chúa phù hộ quốc gia này xây dựng một xã hội ngày càng công bằng và huynh đệ hơn thông qua hòa bình, đối thoại và đoàn kết. Tôi kêu gọi tất cả người dân Cuba hãy giao phó bản thân mình cho sự bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria Bác Ái Mỏ Đồng. Mẹ sẽ đồng hành cùng họ trong cuộc hành trình này.
Tôi chào đón đông đảo các bạn trẻ hiện diện, đặc biệt là các nhóm thánh ca Antôn ở Nova Siri, giáo xứ Đức Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh ở Parma, Giáo xứ Thánh Tâm ở Brescia và giáo xứ Don Bosco từ San Severe. Các bạn trẻ thân mến, cầu chúc các bạn có một hành trình đầy may mắn trên con đường Tin Mừng!
Tôi chào các tập sinh của Dòng Nữ Tử Đức Maria Phù hộ các tín hữu, các tín hữu của hai giáo xứ Camisano và Campodoro thuộc Giáo phận Vicenza.
Tôi muốn thân ái chào các chàng trai và cô gái ở Puglia, những người đã kết nối với chúng ta qua truyền hình.
Tôi hy vọng tất cả các bạn tận hưởng ngày Chúa Nhật. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi! Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Holy See Press Office