1. Con được vào chủng viện, mẹ bán nhà đi tu. Giờ đây con là linh mục, bà cố là nữ tu

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 11 tháng 7 cho biết mẹ của một linh mục Brazil đã trở thành một nữ tu trong cùng một dòng với con.

Khi Chúa gọi người thanh niên này lên chức tư tế, Chúa cũng kêu gọi bà cố bước vào đời tu cùng với con bà.

Mẹ của một linh mục người Brazil đã trở thành một nữ tu trong cùng một dòng với con trai của bà, là Dòng Ngôi Lời Nhập Thể. Chính linh mục Jonas Magno de Oliveira đã chia sẻ câu chuyện về ơn gọi bất thường này gây chú ý trên các mạng xã hội.

Trong cuộc trò chuyện với hãng thông tấn tiếng Tây Ban Nha ACI Prensa, vị linh mục nói rằng ngài bắt đầu cảm nhận được ơn gọi sống thánh hiến khi mới 8 tuổi. Ngài thường xuyên tham dự Thánh lễ với gia đình, điều này cho phép ngài thấy được sự nhiệt thành và tinh thầ quảng đại chăm sóc mục vụ của một linh mục giáo xứ, và điều này thôi thúc ngài dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa.

Ban đầu gia đình nghĩ rằng sở thích ban đầu này là “ước mơ của trẻ thơ”, nhưng cậu bé Jonas chắc chắn rằng đó là một điều gì đó lớn lao hơn. Vị linh mục cho biết, mẹ ngài không muốn ép ngài đi theo con đường đó, nhưng đã ủng hộ và dạy ngài những đức tính Công Giáo. “Mẹ tôi được truyền cảm hứng bởi Đức Mẹ, là người luôn im lặng, để Chúa Kitô làm những gì Ngài phải làm,” vị linh mục nói với ACI Prensa.

Khi cậu Jonah được 13 tuổi, mẹ cậu được mời tham dự các khóa linh thao theo Thánh Inhaxiô thành Loyola. Trong khi mẹ cậu trải qua những ngày ẩn dật trong im lặng, cậu sống với những nhà đào tạo tại tiểu chủng viện của Dòng Ngôi Lời Nhập Thể, nơi cha giám đốc đã giúp cậu phân định và xác nhận ơn gọi của mình.

Chàng trai trẻ quyết định vào chủng viện. Là con một, cha lại qua đời sớm, cậu sợ mẹ mình sẽ bị bỏ lại một mình. Tuy nhiên, Chúa quan phòng cũng có những kế hoạch khác cho bà cố

Các nữ tu của Dòng Các Tôi Tớ Chúa và Trinh Nữ Matara, là Dòng nữ của Dòng Ngôi Lời Nhập Thể, đã mời bà cố đến sống với họ. Là một y tá, bà cố cũng giúp được việc chăm sóc cho người khuyết tật về tinh thần, là một phần công việc của Dòng.

Bà chấp nhận lời đề nghị và bắt đầu sống với nhà dòng ngay sau khi con trai vào đại chủng viện. Bà đã sống như một nữ tu chiêm niệm ở Ý.

Về phần mình, Cha Jonas được thụ phong vào ngày 8 tháng 5 năm 2020, và hiện đang sống ở Rôma. Ngài tạ ơn Chúa vì có thể ở gần mẹ mình và cảm ơn “vì đã ở đây, là một linh mục, truyền giáo, làm việc và giúp đỡ”.

Vị linh mục trẻ cho biết thêm rằng ơn gọi của mẹ ngài là một “ơn sủng ngoạn mục”. Ngài nói với ACI Prensa:

Khi bạn nói về một ơn gọi, hầu hết mọi người đều nói: cha tôi hoặc mẹ tôi đã chống lại nó… Nhưng với tôi thì không phải như vậy. Mẹ tôi đã ủng hộ, và không chỉ ủng hộ: bây giờ chúng tôi đang theo Chúa Kitô trên cùng một con đường, trong cùng một ơn gọi, và như thể chưa đủ, với cùng một đặc sủng, điều này rất đặc biệt và là một lý do để tạ ơn Chúa.


Source:Aleteia

2. Linh mục Pháp được vinh danh vì một hành động anh hùng thời Đức Quốc xã

Cờ của Đức Quốc xã trên nóc một ngôi thánh đường ở Pháp trong vùng bị chiếm đóng đã bị một thiếu niên, sau này là một linh mục, giật xuống.

Khi vị linh mục người Pháp này còn là một thiếu niên, ngài đã thực hiện một hành động can đảm bất chấp sự tàn bạo của Đức Quốc xã.

Đó là một buổi tối năm 1942. Nước Pháp đang bị phát xít Đức chiếm đóng, nhưng tinh thần phản kháng vẫn sống mãi trong dân chúng. Alexis Hiessler và hai người bạn 17 tuổi đang lên kế hoạch làm một việc liều lĩnh: Các thiếu niên muốn chiếm lấy lá cờ của Đức Quốc xã treo trên tháp chuông của Vương Cung Thánh Đường cạnh trường St. Columban, nơi họ đang theo học.

Họ không thể chịu nổi khi thấy biểu tượng này, không phù hợp với đức tin của họ, được tôn phong trên tháp của nhà thờ này, nhà thờ Thánh Phêrô Luxeuil-les-Bains, nơi từng là một phần của tu viện cổ kính cùng tên.

Những người bạn leo lên một cái thang ngắn và lên đến mái nhà. Từ đó, họ tìm cách giật lá cờ từ tháp chuông xuống.

Nhiệm vụ hoàn thành, Alexis trẻ tuổi giữ lá cờ. Tất nhiên, sự vắng mặt của lá cờ của Đệ tam Đế chế không làm sao qua mặt được các binh lính Đức. Chúng đột kích vào trường học nhưng không thể tìm thấy lá cờ mà Alexis Hiessler đã giấu. Sau khi giật xuống, anh đưa cho mẹ mình, cất vào một nơi an toàn.

Câu chuyện này được chia sẻ gần đây bởi Cha Alexis Hiessler, người, nhiều năm sau khi vụ việc xảy ra, đã được thụ phong linh mục giống như người anh trai của ngài. Mặc dù việc giật một lá cờ xuống có vẻ như là một hành động đơn giản, nhưng dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc xã - một hành động thách thức như thế có thể dẫn đến những hình phạt nghiêm khắc, thậm chí là cái chết. Vì thế, đó là một cử chỉ đặc biệt mang tính biểu tượng và anh hùng.

Hôm 18 tháng 6 vừa qua, Bảo tàng Chiến đấu Haute-Saône kỷ niệm 79 năm. Các học sinh ngày nay của Trường St. Colomban đã có mặt để tìm hiểu về trang lịch sử địa phương này, do chính Cha Alexis Hiessler kể lại. Hai người bạn của ngài đã qua đời. Bảo tàng sẽ giữ lá cờ từ bây giờ.

Nhà báo Pháp Frédéric Buridant đã tweet:

Vào mùa đông năm 1942, cùng với hai người bạn học của mình tại St. Colomban ở Luxeuil-les-Bains, Alexis Hiessler, người sau này trở thành linh mục, đã giật xuống một lá cờ của Đức Quốc xã từ tháp chuông của nhà thờ ở Luxeuil. Một hành động phản kháng đã được đề cao vào ngày 18 tháng 6 này trước các học sinh hiện tại của nhà trường.

Tấm gương của ngài có thể truyền cảm hứng cho chúng ta để chúng ta hành động với lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng khi đối mặt với cái ác trong cuộc sống của chính mình.


Source:Aleteia

3. Kinh tế khó khăn của các linh mục ở Bờ Biển Ngà

Chúa nhật 11 tháng 7 vừa qua, Hội nghị ngoại thường của hàng giáo sĩ nước Côte d’Ivoire, cũng gọi là “Bờ Biển Ngà”, bên Phi châu, đã kết thúc sau 5 ngày tiến hành tại Yamoussoukro, thủ đô hành chánh của nước này, và đặc biệt bàn về tình trạng kinh tế và tài chánh của các linh mục tại địa phương.

Trong một bài tham luận tại hội nghị, cha Donald Zagore, thuộc Hội Thừa Sai Phi châu (SMA), nhận xét rằng cuộc sống linh mục thời nay khác nhiều so với trước kia, với những thay đổi và những đòi hỏi lớn. Cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng tại các nước Phi châu làm cho tình trạng tài chánh và vật chất của các linh mục địa phương trở nên bấp bênh. Các linh mục không phải là những “lao động độc lập” nhưng sống nhờ lòng bác ái của các tín hữu. Và giáo dân ngày càng nghèo hơn.

Cha Zagore kể với hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo rằng: “Trong hội nghị, các tham dự viên bàn về tình trạng kinh tế và vật chất của các linh mục không những tại Côte d’Ivoire nhưng toàn Phi châu. Tình trạng nghèo ngày càng lan rộng, và vì thế cần quyết liệt tìm cách giải quyết. “Hiện nay, Giáo hội tại Côte d’Ivoire đang có một chương trình toàn quốc được đề ra, nhắm đồng đều hóa lương bổng của các linh mục để tránh tình trạng quá chênh lệch: có những linh mục sống xa hoa, trong khi có những vị khác ở trong tình trạng kinh tế rất bấp bênh. Sáng kiến cũng nhắm cổ võ và nuôi dưỡng tinh thần liên đới giữa các giáo phận khác nhau ở Côte d’Ivoire”.

Cha Zagore xác tín rằng: “Đây là một sáng kiến đáng khen cần được đón nhận và khích lệ. Nhưng cần phải đi xa hơn để đặt nền tảng cho một suy tư sâu xa về thần học linh mục, trong bối cảnh kinh tế và chính trị của Phi châu ngày nay”.


Source:Fides