Hôm thứ Bảy 3 tháng 7, Vatican đã thông báo rằng Hồng Y Angelo Becciu sẽ bị xét xử với tội danh tham ô và lạm dụng chức vụ.
Tòa án Vatican cũng thông báo sẽ tổ chức một phiên tòa hình sự chống lại 9 người và 4 tập đoàn liên quan đến việc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mua bất động sản đầu tư ở London.
Phiên xử đầu tiên của phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 27/7.
Trong số những người bị xét xử có một số nhân viên của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Tiêu biểu là ông Fabrizio Tirabassi, người giám sát các khoản đầu tư, sẽ bị xét xử với các tội danh tham nhũng, tống tiền, biển thủ, gian lận và lạm dụng chức vụ.
Đức Ông Mauro Carlino, người từng làm việc với Tirabassi, đã bị buộc tội tống tiền và lạm dụng chức vụ.
Trung tâm của phiên tòa là việc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mua một tòa nhà ở số 60 Đại lộ Sloane ở London. Tòa nhà này được mua trong giai đoạn giữa năm 2014 và 2018 từ doanh nhân người Ý Raffaele Mincione, người vào thời điểm đó đang quản lý hàng trăm triệu euro của Phủ Quốc Vụ Khanh.
Mincione cũng sẽ hầu tòa với các tội danh tham ô, gian lận, lạm dụng chức vụ, chiếm đoạt tài sản và tự rửa tiền.
Doanh nhân Gianluigi Torzi, người được đưa vào để môi giới các cuộc đàm phán cuối cùng về việc Vatican mua tài sản ở London vào năm 2018, đã bị buộc tội tống tiền, biển thủ, lừa đảo, chiếm đoạt, rửa tiền và tự rửa tiền.
Enrico Crasso, người quản lý các khoản đầu tư cho Vatican trong hơn 25 năm, đã bị điều tra vì nghi ngờ rằng ông ta đang làm việc cùng với Mincione và Tirabassi để lừa đảo Phủ Quốc Vụ Khanh.
Crasso, người quản lý Quỹ toàn cầu Centurion mà Tòa thánh là nhà đầu tư chính, phải đối mặt với nhiều tội danh nhất: tham nhũng, biển thủ, tống tiền, rửa tiền, tự rửa tiền, gian lận, lạm dụng chức vụ, làm giả công chứng thư, và làm sai lệch một tài liệu.
Tòa thánh Vatican cũng đã buộc tội ba tập đoàn do Crasso sở hữu về tội gian lận.
Gianluigi Torzi, một doanh nhân từng làm việc với Mincione, sẽ phải đối mặt với các tội danh tống tiền, biển thủ, gian lận, chiếm đoạt, rửa tiền và tự rửa tiền.
Cộng sự của anh ta, luật sư Nicola Squillace, phải đối mặt với các tội danh tương tự trừ tội danh tống tiền.
Torzi đã bị các quan chức Vatican bắt giữ vào năm ngoái và bị giam giữ trong hơn một tuần, như một phần của cuộc điều tra tài chính. Anh ta cũng bị bắt tại London vào ngày 11 tháng 5 theo yêu cầu của một thẩm phán ở Rôma. Tiền bảo lãnh của anh ta được ấn định là 1.6 triệu Mỹ Kim.
Đức Ông Alberto Perlasca, cựu phó chánh văn phòng của Hồng Y Becciu, cũng bị điều tra như một phần của vụ bê bối tài sản ở London, nhưng không nằm trong số các bị cáo trong phiên tòa mùa hè này.
Theo thông báo từ Vatican, trong quá trình điều tra, bắt đầu vào tháng 7 năm 2019, “đã xuất hiện các yếu tố chống lại Hồng Y Giovanni Angelo Becciu, người mà chúng tôi sẽ xét xử, theo yêu cầu của luật pháp, chống lại các tội tham ô và lạm dụng chức vụ cũng như hợp tác trong việc tham ô, và tội hối lộ”.
Trong một tuyên bố thông qua các luật sư của mình vào ngày 3 tháng 7, Hồng Y Becciu nói rằng ngài vô tội, và khẳng định rằng ngài là nạn nhân của những âm mưu của kẻ thù và các phương tiện truyền thông.
Hồng Y Becciu đã phải từ chức tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh và từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y vào ngày 24 tháng 9 năm 2020.
Source:Catholic News Agency